Được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng ở Việt Nam, Sapa ẩn chứa bao điều kỳ diệu từ thiên nhiên và con người nơi đây. Những đường đèo uốn lượn quanh co, những đỉnh núi nhấp nhô gợn sóng, những ngôi nhà thấp thoáng trong làn sương sớm, những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau đến bất tận… đã ghi lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách.
Rong chơi tới vùng rẻo cao Sapa vào cuối thu, bạn còn bắt gặp những hình ảnh nên thơ, lãng mạn mà hiếm nơi nào có được:
Tận hưởng cảnh sắc hoàn hảo
Cuối thu, Sapa như khoác lên mình tấm áo được dệt từ hàng vạn sợi tơ sương đan khít vào nhau. Vẫn biết Sa Pa quanh năm sương mù bao phủ nhưng vào mùa này, sương dày đặc hơn và cái lạnh thực sự se sắt. Cả thị trấn đẹp như một bức tranh thủy mặc nổi bật những nét chấm phá với gam màu sặc sỡ của bộ quần áo truyền thống dân tộc, cảnh sắc và con người cứ thoắt ẩn thoắt hiện đưa du khách lạc vào cảm giác mơ hồ, ảo ảnh.
Mê mẩn theo những gam màu của tự nhiên, du khách lạc bước chân lên núi Hàm Rồng lúc nào không hay biết. Mùa thu, núi Hàm Rồng như nàng thiếu nữ miền sơn cước e ấp, dịu dàng. Nơi đây hội tụ vô số loài hoa đẹp: hoa mai, thiên hương trắng muốt, cánh đào phơn phớt hồng, đóa cúc vàng rực rỡ đến các loài địa lan, lan hồ điệp trang nhã, thanh thoát.
Đối với những ai can đảm, đam mê khám phá và chinh phục thì thác Bạc hoang sơ, Hang động Tà Phìn, Bãi đá cổ Sapa với hình thù chạm khắc kỳ bí hay Đỉnh Phanxipang – nóc nhà Đông Dương chắc chắn sẽ là điểm đến lý tưởng.
Nô nức lễ hội đường phố ở Sapa
Đến Sapa vào thời điểm này, du khách còn có cơ hội tham dự lễ kỉ niệm 110 năm du lịch Sapa với chủ đề: “Sapa rực rỡ sắc màu”. Lễ hội bắt đầu từ ngày 01/11 với đa dạng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, được giới thiệu là hoành tráng nhất từ trước tới nay.
Vào ngày này, du khách không chỉ say với không khí tưng bừng của lễ hội mà còn được đắm mình trong tiếng khèn, điệu múa và ngắm nhìn người dân bản xứ trong những bộ trang phục truyền thống đầy ấn tượng: người H’Mông trắng mặc trang phục hoa văn sặc sỡ, các cô gái Dao đỏ đội khăn đính tua rua đỏ, người H’Mông đen trong trang phục đen, chân quấn xà cạp…
Nằm trong thung lũng Mường Hoa, bản Cát Cát hiện lên đầy sinh động, nơi bảo lưu những giá trị về văn hóa của người H’Mông. Các ngôi nhà trong bản đều lợp ván gỗ pơ mu với những cây cột kê trên phiến đá tròn hoặc vuông, tập tục kéo vợ có từ lâu đời cùng nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức…tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt.
Buổi tối, lang thang trong tiết trời se lạnh ở phố núi, du khách dễ dàng bắt gặp các hàng quán nghi ngút khói, hương thơm từ các món nướng lan tỏa khắp nơi. Nhắc đến món nướng nổi danh Sapa, trước hết phải kể đến món cá từ suối Mường Hoa, Mường Tiên, loại cá trắng thân dẹt, tựa cá mương, không hề có vị tanh, nướng trên than củi ăn với cơm rất bắt vị.
Một món ăn khác góp phần làm nên tên tuổi vùng đất này là món “lợn cắp nách”. Một chú “lợn cắp nách” trưởng thành nặng khoảng 4 – 5 kg. Lợn được làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con đem nướng hoặc quay. Miếng thịt mỏng, mềm và ngọt lịm, ăn hoài không thấy ngán.
Nhắc đến ẩm thực Sapa, thật là thiếu sót nếu bỏ qua món thắng cố, một món ăn làm từ thịt ngựa và 27 loại gia vị khác nhau như quế, hồi, thảo quả, lá thơm… Ngồi quanh nồi nước dùng sôi sùng sục, thưởng thức bát thắng cố béo ngậy, đậm đà uống một ít rượu Táo Mèo – một loại rượu được ngâm ủ từ loại táo rừng, có màu nâu sóng sánh và vị ngọt thơm đặc trưng thì không có gì tuyệt vời hơn.
Cảnh đẹp thiên nhiên cùng con người Sapa vẽ nên một bức tranh tuyệt mỹ, hài hòa trong bố cục và đẹp trong từng đường nét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét