28 thg 8, 2014

Kinh nghiệm du lịch bụi Cù Lao Chàm giá rẻ

Nếu như có dịp đặt chân đến phố cổ Hội An và bỗng dưng lại thấy hứng thú muốn trải nghiệm một cảm giác du ngoạn thú vị hơn, bạn hãy thử làm một chuyến hành trình du lịch bụi ghé thăm hòn đảo Cù Lao Chàm hoang sơ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới ngoài biển khơi cách Hội An tầm khoảng 18km. Với những bãi tắm đẹp nước trong, cát trắng mịn, phơi mình giữa vùng trời rộng lớn cùng một bầu không khí trong lành với chút yên bình không pha lẫn tạp âm ồn ào như thị thành chắc chắn sẽ khiến đến cảm thấy đến rồi chẳng muốn đi.

Một vài thông tin mà chúng tôi chia sẻ với bạn dưới đây, hi vọng sẽ làm cho chuyến du lịch bụi, phượt Cù Lao Chàm của bạn thêm phần trọn vẹn.

Thời gian thích hợp để phượt Cù Lao Chàm

Đi Cù Lao Chàm có lẽ vui nhất là vào những tháng giáp hè kéo dài qua đến hết hè, khoảng thời gian từ khoảng tháng 3 đến tháng 8, vì lúc này, thời tiết Cù Lao Chàm dịu mát, nắng ấm, biển yên, lại trong xanh, rất thích hợp để ngâm mình dưới biển hoặc tham gia lặn ngắm san hô.

 

Lời khuyên dành cho bạn là không nên đi vào những tháng cuối năm vì trời thường mưa bão, biển động, đảo gần như bị cô lập vào mùa này, thuyền bè không đi lại được, người dân cũng không vào được đất liền.

Nếu được, bạn có thể đi vào ngày rằm hàng tháng để kết hợp ngắm phố cổ Hội An và thưởng thực đặc sản ốc vú nàng Cù lao Chàm. Tháng 3 hoặc tháng 4 âm lịch đến Cù Lao Chàm bạn còn có thể tham gia vào Lễ giỗ tổ nghề lấy yến và Lễ hội cầu ngư ở nơi này.

Đến Cù Lao Chàm như thế nào?

Cù Lao Chàm là đảo nằm ngoài khơi, cách bờ biển cửa Đại, Hội An khoảng 18 km. Vì là một hòn đảo còn khá hoang sơ và du lịch chưa phát triển nhiều chính vì thế mà đến Cù Lao Chàm chỉ có thể sử dụng loại phương tiện đường thủy là cano hoặc tàu chợ.

 

Cano ra đến đảo thường chỉ mất khoảng 15 đến 20 phút, nhưng bù lại giá vé vận chuyển rất cao, tầm từ 150.000 đến khoảng dưới 200.000 đổ lại và thường xuất phát tại bến tàu Cửa Đại.

Còn nếu muốn tiết kiệm tối đa chi phí cho chuyến đi phượt thì bạn nên chọn đi tàu chợ, giá vé tầm 30.000 đến 50.000/ người. Bến tàu nằm ngay tại bến Bạch Đằng trong phố cổ Hội An và bến Cửa Đại. Với phương tiện này thì việc di chuyển của bạn phải mất tầm 1 tiếng đồng hồ, khá ngán cho những ai hay bị say sóng, thế nhưng bù lại bạn có thể thoải mái ngắm nhìn cảnh biển trời giao hòa với nhau tại đường chân trời và trải nghiệm cái thú lênh đênh theo từng con sóng vỗ vào mạn tàu.

Đến Cù Lao Chàm, bạn có thể thuê xe máy ngay tại nhà nghỉ để vi vu dạo đảo và thuê thuyền ra biển để có thăm thú những nơi độc đáo như hang yền, bãi đá chồng, tham gia các hoạt động vui chơi trên biển như lặn ngắm san hồ, câu cá,…

Lưu trú tại Cù Lao Chàm?

Cù Lao Chàm là một điểm đến du lịch còn rất hoang sơ chính vì thế mà ở đây bạn sẽ không thể dễ dàng tìm được khách sạn như ở những điểm du lịch khác trên đến liền. Tuy nhiên bạn vẫn có thể lưu trú và qua đêm ở Cù Lao Chàm tại các nhà nghỉ tự phát của người dân, hay nói đúng hơn nó là một dạng homestay và hãy yên tâm vì giá cả khá mềm mà những tiện nghi cơ bản nhất đều có đủ, rất thích hợp dành cho những tay đi phượt. Hơn nữa các chủ nhà ở đây đều rất nhiệt tình, có người còn đi chợ giùm và nấu ăn cho bạn.

Homestay ở Cù Lao Chàm thường tập trung nhiều ở bãi Làng và bãi Hương. Bãi Làng là bến của tàu chậm, còn bãi Hương chủ yếu dành cho cano cập bến.

Bãi Làng thì đông dân cư hơn, nhiều homestay và dịch vụ hơn so với bãi Hương. Tuy nhiên nếu ở bãi Hương thì bạn có thể mua hải sản rẻ và đa dạng hơn.

Các bạn có thể liên hệ với một số điện thoại dưới đây để tìm sự giúp đỡ trong việc tìm nơi nghỉ chân:

- Anh Nguyên: 0976 204279 (Anh Nguyên là một hướng dẫn viên du lịch tại đảo, nhà là quán cafe ở ngay cạnh Khu bảo tồn biển. Các bạn có thể liên hệ với anh Nguyên để nhờ đặt vé ca nô, đặt nhà nghỉ, thuê thuyền, thuê xe máy đi du lịch quanh đảo. Anh ấy rất nhiệt tình giúp đỡ và hỗ trợ các bạn)

- Em Tuyết: 0166 4175920

- Chị Hương: 0169 5845899

- Chị Tám: 01644 644760

- Chị Trang: 01677663110

Ngoài loại hình lưu trú kiểu homestay, đến với Cù Lao Chàm bạn cũng có thể qua đêm theo kiểu cắm trại rất thú vị. Điểm lý tưởng nhất để vui thú cắm trại qua đêm ở nơi này chính là bãi Bà Lê và bãi Xếp. Nếu là đi phượt, bạn hãy thử kiểu lưu trú thú vị này xem sao.

Đến Cù Lao Chàm tham quan, chơi gì?

Không có nhiều nét đặc biệt và khách lạ so với những hòn đảo được mệnh danh là thiên dường nghỉ dưỡng có ở Việt Nam, thế nhưng Cù Lao Chàm lại thu hút khách du lịch có lẽ cũng bởi cái nét hoang sơ, thi vị, yên bình của rừng của biển và của cách sinh hoạt vô cùng gần gũi, thân thiện của người dân nơi đây - cái nơi vốn dĩ không có nhiều tác động của khói bụi hay sự công nghiệp hóa của một đô thị hiện đại. Du lịch bụi đến vùng đất còn nhiều nét hoang sơ và bí ẩn như Cù Lao Chàm chắc chắn sẽ cho bạn những khám phá và trải nghiệm rất thú vị.

Bảo tàng biển Cù Lao Chàm

Ngay sau khi đặt chân lên bến cảng của Cù Lao Chàm bạn sẽ nhìn thấy biển hiệu Cù Lao Chàm kính chào quý khách, đây cũng là nhà bảo tàng biển. Tuy không rộng và hoành tráng như những bảo tàng khác từng thấy, nhưng đến đây bạn sẽ được thăm quan và nghe hướng dẫn viên thuyết minh giới thiệu về lịch sử hình thành của đảo, các phong tục, lễ hội,…và bạn sẽ bị cuốn theo những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về những điểu độc đáo có ở vùng biển này.

Giếng cổ Chăm

Giếng cổ Chăm hay còn được gọi là Giếng Xóm Cấm nằm tại ngã ba con đường bêtông của khu dân cư xóm Cấm, cách 500m về phía Đông Bắc là di tích Tiền Sa Huỳnh Bãi Ông, cách di tích khảo cổ Bãi Làng 300m về hướng Tây Nam. Cấu trúc của giếng mang đặc trưng giống với nhiều kiểu giếng Chăm khác ở Hội An.

 

Giếng có kiểu hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông. Lòng giếng xây gạch tô vữa vôi, được xây theo kiểu “vành khăn.". Trải qua quá trình sử dụng hàng trăm năm, người dân nơi đây đã cải tạo lại nền giếng và xây thêm gạch vữa ximăng lên thành giếng nên đã phần nào làm biến đổi cấu trúc.

Người dân tại thôn Bãi Làng cho biết Giếng Xóm Cấm là nguồn cung cấp nước dồi dào cho người dân trong khu vực. Điểm đặc biệt là nước của giếng này không bao giờ cạn, cho dù là vào mùa khô kiệt nhất.

Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây thì nước Giếng Xóm Cấm cực kỳ hiệu nghiệm khi giải chứng bệnh say sóng. Nếu người nào đi từ đất liền ra Cù Lao chàm bị say sóng thì lấy nước Giếng Xóm Cấm nấu với lá rừng của Cù Lao Chàm (chỉ người dân địa phương mới nhận biết và thường hái loại lá này) thì uống vào là hết say sóng.

Mặc dù chưa xác định được chính xác niên đại của giếng, song qua so sánh đối chiếu với các kiểu giếng Chăm khác ở Hội An và vùng lân cận cũng như thông tin từ các nguồn tư liệu cổ thì các nhà chuyên môn cho rằng Giếng Xóm Cấm có thể đã được xây dựng cách đây khoảng trên 200 năm.

Hệ thống các bãi biển ở Cù Lao Chàm

Các bãi biển ở đây vốn thiên nhiên tạo hóa đã đẹp và người dân và chính quyền địa phương đã phát động các phong trào gìn giữ môi trường nên các bãi biển Cù Lao Chàm được gìn giữ sạch đẹp hơn, khách du lịch vì thế ngày càng kéo về đây đông hơn, các dịch vụ du lịch cũng hoàn thiện hơn.

Dọc theo bờ biển từ Tây Bắc xuống Đông Nam của Hòn Lao, Có các bãi biển như: Bãi Bắc (gồm 4 bãi nhỏ), Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Xếp (gồm 3 Bãi nhỏ), Bãi Chồng, Bãi Bìm, Bãi Hương. Các bãi biển có chiều dài từ 100m (Bãi Bắc) đến 700m (Bãi Hương); chiều rộng phổ biến là 20m.


Các bãi biển thoải với nền cát trắng mịn, sạch, nằm xen giữa các mỏm đá nhô ra tạo nên sự phong phú của địa tầng địa mạo. Ở Bãi Bắc, Bãi Chồng du khách sẽ gặp nhiều khối đá lớn được mài tròn tự nhiên hoặc nằm chồng lên nhau, tạo nên các hình ảnh gợi cảm mang tính biểu tượng sâu sắc.

Tại Bãi Bắc, trên nền đá mài mòn xuất hiện nhiều hang tự nhiên. Tại Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương do các thềm cát mở rộng tạo thành bãi cát rộng từ 40 - 50m. Dân cư khai phá những dải đất bồi hẹp, tạo thành một số ruộng bậc thang sản xuất lương thực, thực phẩm. Như thế nhờ thiên nhiên tạo hóa và nhân tạo nên Cù Lao Chàm chứa nhiều cảnh đẹp tuy dung dị hoang sơ nhưng đầy gợi cảm.

Biển Cù lao Chàm trong xanh có thể nhìn thấy đáy sâu hàng chục mét. Làn nước trong vắt ấy như mời gọi ta xuống vẫy vùng trong làn nước mát, rồi phơi mình trên những bãi cát mịn trắng au au sạch sẽ.

Đảo Yến

Nguời ta thường quen thuộc với câu nói Khánh Hòa là xứ trầm biển yến, nhưng còn có một nơi khác nữa của miền Trung là nơi tập trung sinh sống rất nhiều loài chim và được mệnh danh như một thiên đường, đó chính là Cù Lao Chàm.

Có thể nói, Cù lao Chàm là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Nam có loài chim Yến hàng - thuộc phân giống Yến hông xám bộ Yến Apdiformes. Loài yến có vóc dáng chỉ nhỏ bằng chim sẻ, hông và bụng màu xám, toàn thân nâu đen; cánh dài, vuốt nhọn, bay rất khoẻ, đuôi ngắn, chẻ đôi; mỏ ngắn, dẹp, có thể há rất rộng.

Hang Yến ở Cù Lao Chàm tập trung Hòn Khô( mẹ), hòn Lao, hòn Tai,hòn Tò Vò... nhưng có lẽ nhiều nhất là ở các vách đá thẳng đứng ở Hòn Lao. Thuê một chiếc tàu đi tham quan biển, bạn sẽ có dịp tận mắt nhìn thấy những khe đá nứt thẳng đứng, có đáy ngập nước biển và gió mạnh, từng đàn chim yến về làm tổ và đẻ trứng, một cảm giác vô cùng thích thú và khó diễn tả thành lời.

Miếu tổ Nghề Yến

Miếu tổ nghề Yến nằm ở Bãi Hương - Hòn Lao - Cù Lao Chàm. Miếu Tổ nghề Yến được xây dựng hoàn chỉnh vào khoảng đầu thế kỷ 19 để thờ Tổ nghề Yến và các vị thần bảo hộ nghề Yên. Hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch, cư dân và những người làm nghề khai thác yến tổ chức cúng rất linh đình để chuẩn bị cho mùa vụ khai thác mới

Trên bàn thờ, ngoài các bài vị của những bậc tiền bối khai sáng nghề yến sào là các vị thần liên quan đến sông biển. Trên tường bên hữu có tấm bia đá ghi công đức của các chư phái tộc và ca tụng vẻ núi non kỳ vĩ của Cù Lao Chàm.

Chợ Tân Hiệp

Đến du lịch Cù Lao Chàm, du khách không thể không ghé qua Chợ Tân Hiệp (nhiều khách du lịch gọi là Chợ Cù Lao Chàm). Chợ Tân Hiệp bán các đặc sản rừng, biển và quà lưu niệm, nằm ngay bên trong chân cầu tàu du lịch, kề bên bến cá Bãi Làng. Tuy là “chợ” nhưng lại thiếu hẳn những âm thanh ồn ào quen thuộc. Chỉ có những bước chân di chuyển rất chậm, để ngắm nghía, để sờ nắm và để ngã giá với giọng vừa đủ nghe. Nếu muốn, khách phương xa cũng có thể ướm thử chuỗi hạt làm từ vỏ sò, thử hơi với chiếc tù và vỏ ốc hoặc giải nhiệt miễn phí với một cốc nước lá lao thơm lừng, ngọt lịm…

Chùa cổ Hải Tạng

Chùa cổ Hải Tạng - Cù Lao Chàm là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ Phật kết hợp thờ thánh thần nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân trên đảo Cù Lao Chàm nói riêng và cho thương thuyền các nước ghé vào hành lễ cúng kính tín ngưỡng Phật giáo với cầu mong được phù hộ trên con đường làm ăn, buôn bán của họ.

Chùa được xây dừng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoản 200m về phía bắc vì do bão làm hư hại nặng nề, để thuận tiện cho các tín đồ đến hành lễ Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoảng 200m về hướng đông bắc, sau vì do bão làm hư hại nặng và để thuận tiện cho các tín đồ đến hành lễ nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) Chùa được dời về vị trí hiện nay và tiếp tục được tôn tạo khang trang hơn.


Nội thất chùa lộng lẫy nhờ hệ thống hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, uy nghiêm, lớp lang huyền ảo thiêng liêng nhờ hệ thống tượng thờ đồ sộ trên những bàn hương án tả hữu, trước sau như những mạch tiếp nối huyền bí thẳm sâu trong khung cảnh đường bệ đầy màu sắc. Nổi bật là bộ Tam thế Phật bằng hợp chất gồm 3 tượng. Kế đến là tượng Thích Ca ngồi trên đài sen…

Đến tham quan ngôi chùa cổ này, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng một lối kiến trúc cổ xưa mà còn được nghe kể về những truyền thuyết hay gắn liền với ngôi chùa này.

Bên cạnh những thắng cảnh đẹp, Cù Lao Chàm còn hấp dẫn du khách bởi những hoạt động giải trí thú vị trên biển như lặn biển ngắm san hô, theo thuyền đi câu cá đêm,…Nếu đến Cù Lao Chàm mà không trải nghiệm những thú vui này thì chuyến đi mất đết đôi ba phần ý nghĩa và trọn vẹn.

Ẩm thực – đặc sản Cù Lao Chàm

Mực một nắng

Mực một nắng Cù Lao Chàm khá đa dạng với nhiều loại: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim... nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là loại mực ống. Người ta chọn những con mực vừa mang từ biển về hãy còn tươi rói, sau đó chỉ phơi duy nhất một lần nắng giòn để cho bay bớt mùi tanh, mực còn ở dạng tái nên khi thưởng thức vẫn cảm nhận được độ tươi ngon của mực

Thường mực một nắng được khách du lịch chọn mua và nướng tại chỗ, thưởng thức ngay trên bãi biển Cù Lao Chàm lồng lộng gió. Mực một nắng tuy chế biến không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, phải nướng kỹ trên lửa than Khi mực chuyển sang màu vàng, mùi thơm bốc lên nưng nức hai cánh mũi là lúc mực vừa chín tới. Mùa câu mực ở Cù lao Chàm diễn ra từ tháng 2-5 âm lịch nhưng đặc sản mực một nắng thì bạn có thể mua quanh năm.

Cua đá
Cua Đá là một món ngon dân dã của xứ đảo Cù Lao mà ai từng đến đây cũng mong được nếm thử. Cua có vị thịt ngọt, thanh không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển, lại thêm phần dai hơn thịt cua đồng, cua biển. Do cua đá ăn các loại cỏ cây trên núi, nên thịt cua nồng một mùi cây rừng, thơm đến lạ.

Cái độc chiêu nhất khi thưởng thức cua đá, đó là hương thơm kỳ lạ. Giở ngược cái mai cua, túm mấy chân xé một đường, con cua mới luộc còn hơi nóng, phả làn khói nhẹ từ phần thịt nằm dưới mai cua, xông lên mũi phảng phất đâu đó chút the the, cay cay mùi thảo dược, đem lại cho người ăn cảm giác cứ như đang hít hơi của nồi xông giải cảm. 

 

Dân đảo ai cũng nói cua đá là một vị thuốc, hỏi kỹ thuốc trị bệnh gì thì… không ai rõ, nhưng chỉ biết ăn vào vừa ngon vừa lạ miệng, tinh thần thấy sảng khoái, cộng thêm cái hiu hiu của gió biển hoà cùng cảnh vật trời mây sóng nước, khiến cho cái thi vị trong từng miếng thịt cua xứ cù lao càng tăng lên bội phần. Chẳng thế mà cua đá từ lâu đã trở thành “ngôi sao” của ẩm thực ở cù lao Chàm, nên dù chỉ cách Hội An nửa giờ đi biển, con cua đá cũng không đủ nhiều để vào được bờ, cung cấp cho hằng hà sa số những lữ khách ngày ngày du ngoạn miền Hội An, Cửa Đại.

Ốc vú nàng
Nên ra đảo Cù Lao vào ngày trăng tròn để thưởng thức những món ăn được chế biến từ ốc vú nàng. Bởi đơn giản vào mùa trăng tròn ốc vú nàng mới xuất hiện nhiều. Không phổ biến như ở Côn Đảo, Phú Quý… ốc vú nàng Cù Lao Chàm lại là đặc sản lạ tai, lạ mắt đối với nhiều du khách. Chỉ với tên gọi thôi, loài ốc độc đáo này đã khiến nhiều người muốn tò mò, tìm hiểu.

Vì số lượng có hạn, nên dân bắt ốc chuyên nghiệp phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, dùng đèn soi rọi vào tận kẽ đá, dùng mũi dao nhọn tách từng con ốc đang bám chặt vào thành đá. Thưởng thức từng con ốc giòn giòn, ngòn ngọt mới hiểu hết kỳ công của người đi bắt ốc. Người dân xứ biển có thể chế biến ốc vú nàng thành nhiều món như luộc, nướng hay làm gỏi. Cái hương vị giòn giòn, dai dai, vừa ăn lại lạ lạ miệng sẽ khiến bạn khó mà quên được.

Bào ngư

Bào ngư Cù Lao Chàm là một loại ốc cực hiếm, được biết đến với nhiều tên gọi như ốc cửu không (do có 9 lỗ trống) hay hải nhĩ (do có hình dạng giống cái tai). Bào ngư được khách du lịch đến Cù Lao Chàm rất yêu thích. Loài ốc này bám vào những tảng đá ngầm san hô ở vùng nước biển có độ mặn cao, sóng gió vì vậy rất khó bị phát hiện. Để bắt được bào ngư Cù Lao Chàm, ngư dân có kinh nghiệm phải lặn sâu xuống biển và khó khăn lắm mới tách chúng ra khỏi những tảng đá.


Thịt bào ngư giòn, có mùi vị thơm. Các món từ bào ngư nếu biết cách kết hợp với các gia vị sẽ tạo nên những món ăn vô cùng hấp dẫn mà không loại hải sản nào sánh được. Bào ngư tươi có thể chế biến thành nhiều món ăn như luộc, hấp, xào tùy theo từng khẩu vị của thực khách. Nhiều người ưa món bào ngư luộc với gừng. Để bề mặt thịt bào ngư sau khi luộc không bị rút lại và xuất hiện các vết nứt phải bỏ bào ngư vào nồi khi nước gừng hơi nóng. Bào ngư luộc chấm muối tiêu chanh, thịt sẽ béo ngọt, ăn vào cảm giác lạ miệng, rất đặc biệt so với những loại hải sản khác.

Rau rừng

Rau rừng Cù Lao Chàm tập hợp gồm 16 loại cây lá rừng mang hương vị của thuốc nam. Rau rừng ở đây thường mọc hoang ở các chân núi, khá phong phú về chủng loại: rau dớn, rau sân, rau lủi, mã đề… Đầu hạ là vào mùa chính thu hoạch rau rừng của đảo này. Đơn giản nhất là luộc rau rồi chấm với chén nước mắm dầm ớt tỏi. Qúy khách có thể thấm tháo được mùi của các loại rau hòa quyện lại với nhau tạo thành một mùi thơm rất là đặc biệt và mang đặc trưng riêng của rau rừng Cù Lao Chàm.

Bánh ít lá gai

Thuở ban đầu, bánh ít lá gai Cù Lao Chàm chỉ xuất hiện trong dịp lễ, tết truyền thống. Nhưng nhờ hương vị thơm ngon, bánh ít lá gai Cù Lao Chàm thành thương hiệu riêng, nổi tiếng và không biết tự bao giờ, bánh ít là gai nơi biển đảo Cù Lao Chàm đã trở thành hương vị khó quên với nhiều du khách mỗi lần ghé thăm.

Để cho ra đời một chiếc bánh ít lá gai ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và tỉ mỉ. Riêng tại vùng đảo Cù Lao Chàm quy trình làm bánh rất riêng, khó có thể nhầm lẫn. Đầu tiên chọn loại lá gai tươi. Người nấu bánh phải vào tận rừng trên đảo để tìm bằng được những gùi lá gai xanh đậm. Lá đem về xé làm hai, tước bỏ xơ, sống lá, rửa sạch, luộc cho lá mềm nhừ rồi vớt ra để nguội, vẩy cho thật ráo nước. Cho vào cối hoặc máy nghiền từng ít một, giã cho lá nhuyễn mịn. Công đoạn tiếp theo là quết bột bằng cách trộn đều bột nếp (loại bột nếp lúa mới, vừa thơm vừa dẻo) sau đó quết hỗn hợp bột với lá gai đã giã mịn. Khâu quết bột quyết định bánh có ngon hay không. Phải quết thật kỹ, nếu không hỗn hợp bột sẽ bị lợn cợn làm bánh không mịn. Sau khi quết, trộn đều nước đường tỉ lệ vừa ăn với hỗn hợp bột và lá gai, nhồi kỹ lần nữa cho thật mịn bóng.

 

Riêng phần nhân bánh làm bằng đậu xanh được hấp chín, giã nhuyễn mịn trộn với ít đường. Tuy nhiên, để có được chiếc bánh ít ngon và đạt hạng như ở vùng đảo Cù Lao Chàm, phần nhân bánh không chỉ thuần túy làm bằng đậu xanh mà còn trộn chung với dừa nạo sợi trụng qua nước sôi để ráo và không quên nhỏ thêm vài giọt dầu hoa bưởi. Cuối cùng là gói và mang bánh đi hấp. Người ta chọn lá gói bánh ít là lá chuối chát (chuối hột), không dùng lá chuối khác. Người gói bánh phải đảm bảo bánh gói cho nhanh, cho khéo. Từng cục bột được dàn mỏng, cho nhân vào, vo tròn. Lót từ hai đến ba miếng lá chuối xếp mí lên nhau, thoa lên mặt lá trong cùng ít dầu ăn rồi đặt viên bánh vào giữa. Chỉ cần vài ba động tác khéo léo từ đôi bàn tay người thợ là đã có những chiếc bánh ít lá gai hình tam giác, hình tháp xinh xắn.

Bánh gói xong mang đi hấp cách thủy trong nồi nước sôi để lửa lớn. Khâu hấp bánh tưởng đơn giản nhưng cũng khá kỳ công và quyết định chất lượng bánh. Bánh phải xếp thưa, không quá hai chồng để dễ chín đều. Hấp đúng 30 phút sau khi nước sôi là được. Nhanh tay lấy bánh ra, để chỗ thoáng gió cho lá mau ráo.

Từ lâu, bánh ít lá gai là niềm tự hào của người dân nơi phố cổ Hội An. Người con xa quê trên mỗi bước đường cứ nhớ hoài mùi hương gạo nếp, hương lá gai phảng phất trong từng chiếc bánh ít nhỏ nhắn. Mỗi du khách khi đến Hội An cũng tìm đường vượt sóng đến được đảo Cù Lao Chàm để tha hồ thưởng thức những chiếc bánh ít hay tận mắt chứng kiến cách làm bánh rồi mua về làm quà cho người thân.

Một vài lưu ý khi du lịch bụi Cù Lao Chàm

  • Không sử dụng bất cứ loại túi Nylon nào khi lên tham quan đảo Cù Lao Chàm.
  • Khi tham quan lặn ngắm san hô không được phép bẻ hoặc mang san hô tại khu vực cấm trên đảo Cù Lao Chàm về đất liền.
  • Nên mang theo hành lý nhỏ gọn, quần áo nhẹ, thoải mái, đồ tắm và trang bị các vật dụng đi biển như mũ, dép bệt, kính. Nếu có ý định cắm trại qua đêm thì nên mang theo thuốc trị côn trùng
  • Mang đầy đủ giấy tờ tùy thân để tiện cho việc thuê tàu, thuê xe máy; và cũng nên mang theo thuốc chống chóng say sóng, đau bụng,…
Với những kinh nghiệm du lịch Cù Lao Chàm này hy vọng bạn sẽ có một chuyến du lịch Hội An - Cù Lao Chàm nhiều niềm vui.

Video Giới thiệu về Cù Lao Chàm - Chiến hạm giữa biển khơi:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét