Nằm ở miền Tây Nam Bộ, vừa có vùng sông nước mênh mang, vừa có núi non kỳ vĩ lại giáp biên giới Campuchia, An Giang là một điểm đến thú vị mùa nước nổi. Nói đến du lịch Miền Tây thì bạn không thể bỏ qua An Giang, nơi còn được biết đến với cái tên miền đất Bảy Núi - quê hương Thất Sơn.
An Giang là tỉnh biên giới đầu nguồn sông Mê-kông, với sông Hậu, sông Châu Đốc cùng các con kinh đào từ xa xưa tạo thuận lợi trong giao thông, góp phần xả lũ trong mùa nước nổi; là nơi có đồng ruộng mênh mông, có rừng tràm hoang sơ, kinh rạch dọc ngang giang sơn của nhiều loại chim cò, tôm cá.
An Giang còn có núi, có non và dãy Thất Sơn hùng vĩ. Về An Giang, khách hành hương thường đi chơi núi, vãng cảnh chùa để thấy lòng mình lắng lại, hòa với cảnh vật thiên nhiên và nghe những “chuyện đời xưa” ít nhiều huyền bí.
Thời gian thích hợp du lịch An Giang
Ai cũng cho rằng nên đi du lịch An Giang mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Trong khi mùa lũ ở miền Bắc và miền Trung đem đến cho người dân nhiều tai ương và bất trắc, mùa lũ ở miền Tây Nam bộ được các cư dân ở đây nóng lòng mong đợi. Mùa nước nổi đem tôm cá về cho những bữa cơm của người dân, đem phù sa về cho ruộng đồng, không những thế còn đem lại những cảnh sắc tuyệt vời làm ngơ ngẩn lòng du khách.
An Giang mùa nước nổi
Các địa điểm đẹp cho bạn du lịch An Giang
An Giang có 2 khu đô thị đông dân cư đó là thị xã Châu Đốc và thành phố Long Xuyên, từ đây bạn có thể di chuyển đến các địa điểm du lịch nổi tiếng trong vùng một cách dễ dàng.
Thành phố Châu Đốc có Núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), từ đỉnh núi có thể nhìn toàn cảnh Châu Đốc và Kênh Vĩnh Tế. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa và miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền... Đặc biệt, từ Châu Đốc, bạn có thể tham quan địa điểm du lịch nổi tiếng trong vùng đó là rừng tràm Trà Sư.
Trải nghiệm ở rừng tràm Trà Sư – đặc trưng miền sông nước An Giang: Rừng tràm Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên, có diện tích khoảng 850 ha với hệ sinh thái phong phú, là biểu trưng cho vẻ đẹp mùa nước nổi An Giang. Trải nghiệm đi thuyền giữa thảm bèo xanh ngút ngàn, len lỏi trong các ngóc ngách của rừng tràm, nghe tiếng chim chóc đùa giỡn trên tán tràm sẽ rất khó quên. Vé tham quan là 45.000 đồng/ người.
Rừng tràm Trà Sư
Chợ Châu Đốc được xem như “vương quốc mắm” với rất nhiều sạp bán mắm và khô đủ loại. Nếu là lần đầu tiên về miền Tây, đừng bỏ qua chợ Châu Đốc với những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của người dân vùng nước nổi. Đặc sản ở đây chính là Mắm bà giáo thảo : 7777777 (7 số 7) hoặc 55555 (5 số 5)
Chợ Châu Đốc với món mắm đặc sản
Cánh đồng Tà Pạ (huyện Tri Tôn) như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Hồ Tà Pạ - dấu vết còn sót lại của khu vực khai thác đá trên đỉnh đồi mang vẻ đẹp thơ mộng, phẳng lặng như tranh thủy mặc.
Cánh đồng Tà Pạ
Bùng Bình Thiên (cách Châu Đốc 25 km) một hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu) thuộc huyện An Phú. Búng rất đẹp vào mùa nước nổi với sắc vàng bông điên điển xen giữa sắc xanh lục bình. Xung quanh búng là ngôi làng Chăm còn vẹn nguyên những giá trị văn hóa xưa. Chợ Tịnh Biên có bán nhiều đặc sản miền Tây mùa nước nổi, một số mặt hàng của Thái Lan, Cam-pu-chia cũng được bày bán. Chợ Tịnh Biên còn mang nét giao lưu văn hóa của người Việt, người Khmer.
Hồ nước ngọt Bùng Bình Thiên
Thất Sơn hay còn gọi là Vùng Bảy Núi là 7 ngọn núi tiêu biểu trong 37 ngọn núi ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Núi Cấm có độ cao 705 m, chiếm chu vi 28.600 m, là ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn, có phong cảnh đẹp. Trên núi có: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, Cao Đài Tự…
Vùng Bảy Núi
Như vậy ngoài dãy Thất Sơn với 7 ngọn núi chính hùng vĩ ở hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn; An Giang còn nhiều núi và non trải dài từ biên giới về Châu Đốc, đến Thoại Sơn mà mỗi nơi đều mang ít nhiều huyền thoại ghi dấu thời cha ông mở cõi. Về An Giang đi thăm núi đôi lần, tôi ghi chép được mấy điều thú vị.
Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn)
Núi Cô Tô, tên Khmer là Phnom Ktô (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn) nhìn xa giống như con chim phượng hoàng khổng lồ đang sải cánh giữa đồng bằng mênh mông. Hay còn gọi là Phụng Hoàng Sơn, thuộc huyện Tri Tôn, An Giang Có rất nhiều truyền thuyết gắn với tên của ngọn núi. Chuyện kể rằng, khi trời đất còn tối tăm, các tiên ông từ núi Cấm, núi Giày đã cùng nhau khiêng từng phiến đá xếp chồng lên nhau, xếp mãi cho đến lúc bình minh thì thành hình núi Cô Tô.
Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn)
Vì là những chồng đá lên nhau, giữa lòng núi hình thành nhiều hang động, ngõ ngách (người địa phương gọi là “lò ảng”) bí ẩn. Một giả định khác không gắn với truyền thuyết là do núi có hình dáng giống như cái tô lật úp, nên gọi là núi Tô.
Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn)
Núi Cấm, một trong những ngọn núi đẹp nhất và cao nhất của dãy Thất Sơn huyền thoại có độ cao 705m. Đường lên đỉnh núi với nhiều khúc cua khá đẹp mắt, khung cảnh dọc đường lên núi không khác gì bồng lai tiên cảnh trần gian. Ở giữa ngọn núi, còn có một ngôi chùa mang tên Vạn Linh.
Quần thể chùa gồm một ngôi chánh điện thờ Phật Thích Ca, một ngọn tháp hình lục giác 7 tầng cao 30m, bên trong có thờ nhiều vị Phật. Không những vậy, nơi đây còn có một khu vườn rộng với những chậu kiểng được chăm chút công phu, những giò phong lan quý hiếm, những cây tùng, cây bách vươn cao... Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm cũng là tượng lớn nhất Việt Nam, có chiều cao 36m, nặng 600 tấn.
Núi Két (Anh Vũ Sơn)
Gọi là núi Két vì hình dáng lạ mắt của khối đá trên đỉnh núi, khối đá kỳ lạ ấy tựa như đầu và mỏ chim két. Mặc dù Núi Két ở độ cao 225m, nhưng con đường lên núi có nhiều đốc thẳng, chinh phục nhiều bậc thang bằng đá, vượt qua nhiều đoạn chênh vênh. Sau lưng Mõn ông két là điện thờ chư vị Năm Non Bảy Núi, và những người đã có công khai khẩn vùng Thất Sơn thiêng liêng này.
Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hổ Sơn)
Sở dĩ núi có cái tên kỳ lạ đến vậy là do trên núi có năm nơi mặt đất trũng sâu như giếng nước. Núi này tuy hiểm trở, nhưng lại có rất nhiều cảnh đẹp, nhiều vườn cây trĩu trái quanh năm.
Núi Dài (Ngọa Long Sơn)
Lễ hội đua bò
Phương tiện di chuyển
Nếu bạn đi xe khách, từ Sài Gòn bạn chọn mua vé đi Long Xuyên hoặc Châu Đốc ở bến xe miền Tây với giá vé từ 150.000 đến 300.000 VNĐ. Khi tới 2 địa điểm trên bạn có thể đi tiếp bằng taxi hoặc thuê xe máy để đi đến các điểm du lịch trong nước.
Nếu chạy xe máy, theo hướng từ Sài Gòn – Châu Đốc như sau: Theo quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung (chợ An Hữu) – rẽ phải về Cao Lãnh – qua phà Cao Lãnh theo bờ sông Tiền đến Chợ Mới – qua phà Hậu Giang cập bờ sông Hậu – đến phà Năng Gù – chạy theo quốc lộ 91 khoảng 30km là tới núi Sam. (Toàn bộ hành trình khoảng 220km).
Từ Hà Nội di chuyển tới An Giang các bạn có thể đi máy bay của các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar…tới Sài Gòn rồi di chuyển theo lộ trình trên như đã nói bên trên. Bạn cũng có thể đi xe khách tới Sài Gòn, tuy nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian và sẽ vất vả hơn.
* Ngoài các kinh nghiệm trên, các bạn đi An Giang cũng nên chú ý một số điều nho nhỏ sau để có được một chuyến du lịch có trải nghiệm tuyệt vời:
- Bạn nên mặc trang phục gọn nhẹ, thoáng mát và dễ vận động vì sẽ phải di chuyển qua lại nhiều giữa các địa điểm.
- Mang theo áo mưa, kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, các loại thuốc cần cho khi bị dị ứng thời tiết hoặc đồ ăn lạ. Vì An Giang là vùng sông nước việc mang theo kem chống côn trùng là rất cần thiết.
Chúc các bạn có một chuyến đi du lịch trong nước An Giang thú vị và không thể nào quên.
FIDITOUR chuyên thiết kế các tour du lịch trong nước và nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng.
Công ty dịch vụ bảo vệ Bảo Minh
66/7, Đường 21, Phường 8, Gò Vấp, Thành Phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08 3589 5248 |
Fax: 08 3589 4683 |
Email: kinhdoanh@baovebaominh.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét