19 thg 8, 2015

Trục xuất là hình phạt chính hay chỉ là hình phạt bổ sung?

Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành quy định hình phạt Trục xuất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung. Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất hình phạt này áp dụng theo 2 phương án: Phương án 1, giữ nguyên như BLHS hiện hành; phương án 2, chỉ là hình phạt bổ sung. Về vấn đề này hiện có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nên giữ như quy định hiện hành, theo đó, hình phạt trục xuất vừa có thể áp dụng là hình phạt chính, có thể là hình phạt bổ sung để bảo đảm sự linh hoạt cho Tòa án trong việc cân nhắc áp dụng hình phạt trục xuất trong từng trường hợp phạm tội cụ thể và từng đối tượng phạm tội cụ thể.


Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ nên áp dụng hình phạt này với tư cách là hình phạt bổ sung vì cho rằng, người phạm tội (dù là công dân Việt Nam hay người nước ngoài) khi bị đưa ra xét xử tại Tòa án Việt Nam theo pháp luật hình sự Việt Nam thì cần phải bình đẳng, trong đó bao hàm cả sự bình đẳng về việc áp dụng loại, mức hình phạt và nghĩa vụ chấp hành hình phạt. Sẽ bất công nếu công dân Việt Nam phạm một tội cụ thể trên lãnh thổ Việt Nam thì phải chịu cả hình phạt chính lẫn hình phạt bổ sung và các nghĩa vụ dân sự khác, trong khi đó, nếu đối tượng phạm tội là người nước ngoài (cũng phạm tội đó) lại có thể chỉ bị áp dụng hình phạt trục xuất (với ý nghĩa là hình phạt chính) mà không phải chịu thêm một nghĩa vụ nào khác. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, khi công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài thì thông thường phải chấp hành xong hình phạt và các nghĩa vụ thì mới bị trục xuất.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và cho biết ý kiến của mình về vấn đề này tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét