14 thg 11, 2017

Triệu phú bán xe sang xây nhà cho người nghèo

Có vài siêu xe, đi làm bằng máy bay trực thăng nhưng ông trùm trò chơi máy tính người Anh từng không hề thấy hạnh phúc.

Khi Dylan Wilk 25 tuổi vào năm 2000, báo The Guardian gọi anh là người đàn ông giàu thứ 9 nước Anh dưới 30 tuổi. Cùng lúc anh có 4 chiếc siêu xe đình đám Ferrari 355 Spider, Porsche 911, BMW M3 và BMW M5.

Mặc dù vậy, anh không hề thấy hạnh phúc nên đã bán hết cổ phần và đi du lịch vòng quanh thế giới để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

Một lần, có người thuyết phục anh tới Philippines và xem sáng kiến của Tổ chức phát triển cộng đồng Gawad Kalinga giúp xóa đói nghèo cho 5 triệu gia đình tới năm 2024.

Trong 6 năm, anh đã hiến tài sản của mình để xây các khu định cư cho dân khu ổ chuột và người vô gia cư. Sau đó, anh điều hành một doanh nghiệp xã hội thành công tới bây giờ - Human Nature - chuyên sản xuất mỹ phẩm và các sản phẩm khác, kết hợp giữa kinh doanh thương mại và bảo vệ môi trường, giúp các nông dân nghèo.

"Tôi nhận ra tiền có thể là con đường dẫn tới hạnh phúc bằng cách tạo điều kiện cho những người khác kiếm sống, hơn là thu lợi cho mình. Và tôi đã có đủ", anh Wilk, 43 tuổi nói.

Bản thân Wilk có thời thơ ấu bất hạnh khi cha anh bỏ gia đình để đến Mỹ khi anh 5 tuổi, còn mẹ sau đó nghiện rượu, bỏ bê con cái. Năm 16 tuổi, Wilk từng cứa dao lên má mình và giáo viên đã phải nhờ tới nhân viên xã hội hỗ trợ anh. Những năm tuổi thơ anh phải sống nhờ nhà người thân và tự đi làm kiếm sống.

Trong một dịp tới Mỹ gặp cha để tìm cơ hội đổi đời, anh nhận ra cha mình cũng chật vật mưu sinh bằng nghề viết kịch bản. Ông nói: "Con chỉ là người bình thường và sẽ khó tiến xa. Con sẽ chẳng bao giờ giàu với việc đi làm thuê". Lời nói này của ông đã thôi thúc Wilk thay đổi khi trở về Anh.

Theo Straitstimes, cuối cùng, anh quyết định lập một doanh nghiệp bán trò chơi máy tính tên Gameplay. Vay được 2.500 bảng từ quỹ hỗ trợ người trẻ, anh bắt đầu gọi điện đàm phán giá với các nhà phân phối rồi dùng gần 2.000 bảng để chạy quảng cáo. "Thành thật mà nói, công ty tôi sống được là nhờ một sai sót", anh kể. Thay vì ghi 44,99 bảng/một sản phẩm, mẩu quảng cáo ghi giá 42,99 bảng - mức giá rẻ nhất nước và thấp hơn cả giá nhập. Sau 3 tuần thương lượng với nhà sản xuất để hạ giá xuống, anh đã kiếm lợi một bảng cho mỗi bản bán ra.

Khi Wilk 25 tuổi, Gameplay trở thành doanh nghiệp điện tử đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán London và giá trị lên tới 600 triệu bảng.

Nhưng anh bắt đầu cảm thấy có lỗi, nhất là khi bà ngoại qua đời. "Bà mồ côi và di cư từ Phần Lan, đi làm giúp việc khi mới 4 tuổi. Đời mình nhọc nhằn nhưng bà luôn giúp đỡ mọi người và khi bà mất tôi nhận ra mình là con người ích kỷ", anh nói.

Chẳng bao lâu sau, anh nhận ra một điều lớn lao khác, rằng có sự khác biệt lớn giữa sự thỏa mãn và niềm hạnh phúc. "Hạnh phúc đến từ các mối quan hệ và biết rằng đời mình có mục đích sống", anh chia sẻ.

Vì vậy, anh đã bán cổ phần và đi khắp thế giới để tìm hạnh phúc.

Sau khi tới Phillipines xem những khu ổ chuột và cảnh sống của người vô gia cư, anh trở về và thấy chán ngán khi nhìn chiếc BMW mình mới mua bởi giá của nó có thể xây được 80 ngôi nhà ở Philippines. Vì thế anh đã bán hết xe và quyên tiền cho tổ chức vì người nghèo nước này.

Ban đầu anh dự định ở lại Philipines 6 tuần, nhưng kế hoạch đã thay đổi bởi anh thực sự yêu đất nước, yêu công việc này và cả con gái của ngài chủ tịch Tổ chức phát triển cộng đồng Gawad Kalinga.

Suốt 6 năm sau đó, Wilk đã hiến tặng tài sản của mình và xây dựng nhiều khu làng cho người nghèo. Anh cũng dành một năm ở Mỹ cùng vợ và 6 con xây dựng mạng lưới tình nguyện viên cho tổ chức trên.

Khi được hỏi liệu có nhớ những chiếc xe sang không, anh cười phá lên: "Thi thoảng, vì thế khi ở nước ngoài, tôi thuê một chiếc BMW đẹp vài ngày để hồi tưởng. Nhưng tôi sẽ không bao giờ mua nữa bởi một chiếc Ferrari bằng 200 ngôi nhà".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét