Hiển thị các bài đăng có nhãn Tây Bắc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tây Bắc. Hiển thị tất cả bài đăng

26 thg 6, 2014

Kinh nghiệm du lịch vùng Tây Bắc - Sapa

Sapa là một huyện vùng cao Tây Bắc của tỉnh Lào Cai với địa danh vô cùng nổi tiếng là đỉnh núi Phan Xi Păng, nơi được coi là nóc nhà của Đông Dương. Mỗi năm Sapa thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nếu bạn là một trong hàng trăm nghìn lượt khách sắp có ý định đến với Sapa thì hãy đọc kỹ những thông tin được tôi chia sẻ ở dưới đây nhé.

1. Nên đến Sapa vào thời gian nào trong năm?

Nằm ở độ cao 1600m so với mực nước biển, Sa Pa có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông. Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15 °C. Mùa hè, thị trấn không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13 °C – 15 °C vào ban đêm và 20 °C – 25 °C vào ban ngày.

Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0 °C, đôi khi có tuyết rơi. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây khoảng từ 1.800 đến 2.200 mm, tập trung nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 8. Đọc những thông tin này chắc các bạn cũng có thể có câu trả lời cho câu hỏi "nên đến Sapa vào thời điểm nào" rồi chứ. Một vài phương án tôi gợi ý với bạn như sau

Mùa xuân là mùa mà khắp núi rừng Tây Bắc đều có sự xuất hiện của những cánh hoa đào, hoa mận, Sapa cũng không phải là ngoại lệ


Những thửa ruộng bậc thang chín vàng làm say lòng không ít du khách thường sẽ xuất hiện vào khoảng từ giữa tháng 9 cho đến tháng 10.

Vào khoảng từ tháng 5-8 dương lịch là mùa mưa, thời gian này Sapa dường như rực rỡ nhất bởi các loài hoa đua nở.

Từ khoảng cuối tháng 12 đến Tết là thời điểm Sapa rất lạnh do miền Bắc chuyển vào mùa Đông, nếu bạn thích thú với việc cảm nhận cái lạnh tê tái cũng như (nếu may mắn) ngắm băng tuyết ở Sapa thì nên tới đây vào thời điểm này

2. Phương tiện đi lại ở Sapa

Từ Hà Nội đi Sapa

Sapa nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 40km, nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 370km về phía Tây Bắc. Nếu kết hợp phượt Sapa với một số cung đường khác như : Mù Cang Chải, Mộc Châu, Hà Giang ... thì các bạn nên mang theo xe máy từ Hà Nội để có thể khép cung đường thành một vòng tròn. Nếu chỉ đến với Sapa các bạn có thể mua vé tàu hỏa Hà Nội Lào Cai hoặc đi xe khách Sapa chạy từ Hà Nội.

Di chuyển xung quanh Sapa

Thị trấn Sapa tuy nhỏ nhưng các điểm du lịch đều khá xa, khoảng từ 2 cho đến 20km. Nếu có kinh nghiệm đi xe máy vùng cao hoặc say xe ô tô bạn có thể thuê xe máy ở thị trấn Sapa để thuận tiện cho việc khám phá địa danh này. Phương án này cũng là phương án thích hợp để bạn có thể đi sâu vào các bản làng, dừng lại chụp ảnh hay chủ động làm bất cứ việc gì bạn thích. Ngược lại, nếu không thể đi xe máy bạn có thể thuê các xe ô tô 16 chỗ từ các công ty du lịch để họ đưa bạn tới những địa điểm trên. Một cách hay là có thể rủ một vài nhóm khác ở cùng khách sạn để cùng thuê xe đi tới các địa điểm này, chi phí sẽ được giảm tối đa

3. Các khách sạn nhà nghỉ ở Sapa

Trong thời gian đi du lịch thường có 2 xu hướng, một là phải chọn khách sạn đẹp, sạch sẽ, thoải mái, chất lượng tốt, hai là chỉ cần một nơi để nghỉ chân bởi cả ngày rong ruổi đi chơi rồi thì cần gì khách sạn đẹp quá. Ở Sapa, với hàng trăm khách sạn nhà nghỉ từ giá cả bình dân cho đến resort 5sao đều có thể thỏa mãn và đáp ứng 2 nhóm tiêu chí phía trên. Nếu đi phượt bạn nên chọn những khách sạn bình dân giá khoảng 200-300k cho phòng 2-3 người, nếu xác định đi nghỉ dưỡng bạn nên chọn những khách sạn nhà nghỉ có chất lượng cao hơn hoặc nếu có điều kiện thì nên chọn hẳn những khu nghỉ dưỡng cao cấp (resort). 

Vào các mùa cao điểm, việc đặt phòng khách sạn gần như rất khó khăn bởi số lượng du khách đổ về đây là vô cùng lớn, lúc đó các khách sạn thường không giữ chỗ cho bạn qua điện thoại được, một cách hay có thể áp dụng vào mùa này là đặt phòng khách sạn qua hệ thống Agoda, đây là một trong những website đặt phòng online uy tín và chất lượng khá tốt, đặt qua đây các bạn sẽ không bị tình trạng khách sạn ép giá sau khi lên đến Sapa bởi tất cả bạn đã thanh toán trực tuyến xong xuôi rồi. Xem toàn bộ danh sách các khách sạn, nhà nghỉ tại Sapa.

Top 10 khách sạn tốt nhất ở Sapa

Các bạn chú ý đây là giá phòng tham khảo áp dụng cho ngày cuối tuần (từ thú 6 đến chủ nhật), giá cả thực tế sẽ phụ thuộc vào thời gian bạn tới và thậm chí còn rẻ hơn khá nhiều so với giá này.

  • Victoria Sapa Resort & Spa
         Địa chỉ : Đường Xuân Viên, Sapa
         Giá cả dao động trong khoảng từ 3.000.000 VNĐ đến 4.000.000 VNĐ 1 đêm
  • Sapa Rooms Boutique Hotel
          Địa chỉ : 18 đường Phan Xi Păng, Sapa
          Giá cả dao động trong khoảng từ 1.000.000 VNĐ đến 3.000.000 VNĐ 1 đêm
  • Sapa Paradis Hotel
          Địa chỉ : 14 Thạch Sơn, Sapa
          Giá cả dao động trong khoảng từ 1.000.000 VNĐ đến 1.500.000 VNĐ 1 đêm
  • Hmong Sapa Hotel
         Địa chỉ : 10 đường Thác Bạc, Sapa
         Giá cả dao động trong khoảng từ 1.000.000 VNĐ đến 2.000.000 VNĐ 1 đêm
  • Sapa Luxury Hotel
         Địa chỉ : 36 Phan Xi Păng, Sapa
         Giá cả dao động trong khoảng từ 500.000 VNĐ đến 1.500.000 VNĐ 1 đêm
  • Sapa Eden Hotel
         Địa chỉ : 60 Phan Xi Păng, Sapa
         Giá cả dao động trong khoảng từ 500.000 VNĐ đến 1.500.000 VNĐ 1 đêm
  • Sapa Elegance Hotel
         Địa chỉ : Số 3 đường Hoàng Diệu, Sapa
         Giá cả dao động trong khoảng từ 500.000 VNĐ đến 1.000.000 VNĐ 1 đêm
  • Thái Bình Sapa Hotel
         Địa chỉ : Hàm Rồng, Sapa
         Giá cả dao động trong khoảng từ 700.000 VNĐ
  • Hoàng Hà Sapa Hotel
         Địa chỉ : Số 8B đường Thác Bạc, Sapa
         Giá cả dao động trong khoảng từ 300.000 VNĐ đến 1.000.000 VNĐ 1 đêm
  • Elysian Sapa Hotel
         Địa chỉ : 38 Cầu Mây, Sapa
         Giá cả dao động trong khoảng từ 300.000 VNĐ đến 1.000.000 VNĐ 1 đêm

4. Các địa điểm du lịch tại Sapa

Ngoài nóc nhà Đông Dương là đỉnh Fanxipan có độ cao 3134m thì du khách khi đến Sa Pa sẽ được hoà cùng mạch đập của đất và người nơi đây; được chiêm ngưỡng cảnh sắc kỳ thú, được thưởng thức ẩm thực của các dân tộc trong vùng và trong những ngày lưu lại, du khách không thể không đến những địa danh du lịch nổi tiếng của Sa Pa để cùng khám phá và hiểu thêm về đất và người Sa Pa

Các địa danh du lịch phải tới khi đến Sapa

Cầu Mây: Làm bằng Mây và Song, là các loại cây leo trong rừng, trụ cầu là các cây cổ thụ. Cả cây cầu nhún nhảy bồng bềnh theo mỗi bước chân của người đi qua. Đây là loại cầu làm bằng vật liệu tự nhiên cổ xưa nhất của vùng rừng núi Việt Nam.


Thác Bạc: Cao gần 150m đổ vào dòng suối dưới thung Ô Qui Hồ, nhập vào suối Mường Hoa, chảy dọc thung lũng Mường Hoa, dẫn vào sông Hồng chảy qua Hà Nội, đổ ra biển Đông.

Cát Cát : Bản làng người Hmông nổi tiếng với với con suối Vàng tuyệt đẹp và nghề thợ rèn bí truyền. Trạm thuỷ điện Cát Cát là nguồn cung cấp điện đầu tiên ở Sa Pa từ năm 1940.

Cổng trời: Nằm ở biên giới của huyện Sa Pa giáp với Lai Châu; Có tầm nhìn tuyệt đẹp lên Fansipan và nhìn xuống thung lũng Ô Quí Hồ, dưới sâu là con đường độc đạo đi sang Bình Lư.

Mường Hoa: Thung lũng dài rộng và đẹp nhất Sa Pa với các bản làng trù phú, các thảm ruộng bậc thang trải dọc theo con suối Mường Hoa

Bãi đá cổ: Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ mà hiện nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa. Cùng với khu bãi đa cổ này, các cuộc khai quật gần đây đã chứng minh được rằng con người đã sinh sống ở vùng đất Sa Pa từ rất nhiều thế kỷ trước.

Nhà thờ đá: Được xây dựng vào năm 1935 do cha cố Ramond quyên góp. Năm 1945 bị Pháp ném bom. chỉ riêng ngọn tháp chuông là còn đứng vững. Sân trước nhà thờ là nơi đồng bào dân tộc thường mua bán trao đổi, trò chuyện và nghỉ ngơi.

Tu viện bỏ hoang: Là nhà tu nữ nhưng đã bị bỏ hoang từ khi chưa xây xong. Sắp tới tu viện này cùng với những cánh đồng xanh tươi xung quanh sẽ nằm trong một khu du lịch mới ở Sa Pa. Nơi đây có loại rêu đỏ đặc hữu chỉ có ở Sa Pa.

Núi Hàm Rồng: Dải núi thấp bên lưng thị trấn Sa Pa có hình miệng rồng. Chỉ cần 15 phút là leo tới đỉnh núi, có các vườn đào cổ thụ, vườn phong lan, có khu vườn của hàng ngàn tháp đá kỳ lạ vươn cao như nhưng cánh rừng gọi là Thạch lâm. Từ đây nhìn xuống thị trấn Sa Pa và toàn bộ khung cảnh bao la hùng vĩ của Hoàng Liên Sơn.


Động Tả Phìn: Chiếc hang rộng và bí hiểm nhất ở Sa Pa nằm ngay sát bản Tả Phìn của dân tộc Dao, nơi có nghề thêu quần áo thổ cẩm tuyệt đẹp, có các cánh rừng thông xanh mát phủ kín những sườn núi bao la.

Làng thổ cẩm Tả Phìn: Làng thổ cẩm Tả Phìn nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng Đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và đặc biệt còn hấp dãn khách du lịch bởi làng nghề thổ cẩm nổi tiếng.

5. Ăn gì khi đến Sapa

Trong rất nhiều ấn tượng mà du khách khi rời xa thị trấn xinh đẹp trong mây không thể quên - đó là cá Hồi nướng, thịt lợn cắp nách quay, thịt lợn hun khói, nấm hương tươi xào thịt… và đặc biệt là các món ăn được chế biến từ rau xanh là những món ăn mà bất kì du khách nào khi đặt chân đến mảnh đất này một lần thưởng thức cũng phải trầm trồ thán phục vì hương vị tươi nguyên, thơm ngọt riêng của mỗi loại.

Các món ăn ngon ở Sapa

Trong rất nhiều cái thú được nhâm nhi, hưởng thụ ẩm thực của du khách trong những ngày du lịch dài ngày tại đây, thì đồ nướng Sapa đang trở thành một "thương hiệu" rất riêng biệt, không thể lẫn với các địa phương khác. Nhiều khách du lịch nói rằng "Nếu đến Sapa mà không thưởng thức đồ nướng thì quả thật chưa thực sự khám phá được hết sự độc đáo, phong phú và thi vị của văn hoá ẩm thực Sapa".



Không phải chỉ ở Sapa mới có các món đồ nướng, thế nhưng có lẽ do sự ưu đãi của khí hậu trong trẻo mát lành và thơ mộng của đất trời tự nhiên, đồ nướng Sapa luôn mang đến cho người thưởng thức một hương vị hết sức riêng biệt, không có bất cứ ở một địa phương nào. Dường như ở nơi đất trời và núi rừng đều vời vợi cao này, mỗi món đồ nướng dẫu dân dã, bình thường cũng thẩm thấu được tinh hoa của đất trời, khiến người thưởng thức phải trầm trồ, xuýt xoa về hương vị thơm ngọt ngon, thơm bùi riêng biệt của từng món.

6. Các lễ hội đặc sắc của các dân tộc tại Sapa

Với 6 dân tộc anh em sinh sống cùng nhau, mỗi năm ở Sapa có hàng chục lễ hội của đồng bào các dân tộc H'Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó (Phù Lá). Mỗi lễ hội lại có những nét văn hóa đặc trưng riêng đầy màu sắc, nếu may mắn đến Sapa vào đúng các thời điểm các lễ hội này được tổ chức bạn có thể bớt chút thời gian ghé thăm để hiểu thêm về cuộc sống cũng như phong tục của người dân nơi đây
  • Lễ quét làng của người Xá Phó
  • Lễ hội "Nào Cống"
  • Lễ Tết nhảy 
  • Lễ hội “Nhặn Sồng” & “Nào Sồng”
  • Hội Roóng poọc của người Giáy
  • Hội Gầu Tào của người Mông
  • Lễ hội Xuống đồng Sa Pa - Lào Cai

8. Một số điều kiêng kị của đồng bào các dân tộc ở Sapa

Mỗi làng đồng bào các dân tộc ở Lào Cai đều có khu rừng cấm, thờ thế lực siêu nhiên. Nơi thờ cúng có thể ở gốc cây to, hòn đá lớn ở trong rừng. Rừng cấm là khu rừng chung của cả làng . Mọi người tự nguyện bảo vệ rừng , không ai được tự tiện chặt phá, phóng uế, trai gái không được phép đến nơi đó tâm tình.

Khi vào thăm nhà

Trước khi vào thăm nhà đồng bào các dân tộc, du khách cần quan sát kỹ, nếu thấy ở trước cửa nhà, ở đầu cầu thang cắm hoặc treo một cành lá xanh, một cành gai hoặc cắm một tấm phên đan hình mắt cáo... Đó là những dấu hiệu kiêng cấm, gia đình không muốn người lạ vào nhà.

Nhà người Hà Nhì Đen có hai lớp cửa, khách xa tới chỉ nên vào cửa thứ nhất. Nếu muốn vào cửa thứ hai thì phải được gia đình chủ đồng ý. Trang trí nơi thờ tổ tiên mỗi dân tộc có khác nhau, nhưng đều chung một quan niệm: Nơi thờ tổ tiên là chốn linh thiêng nhất. Khách không dược đặt mũ, nón, tư trang và đồ dùng khác ở nơi đó, không được sờ tay lên các đồ thờ cúng. Khi ngồi không được quay lưng vào nơi thờ.

Khi đun nấu đồng bào Giáy đặt quai ninh, chảo, nồi lên bếp không được để hai quai nồi , chảo theo hướng cây xà ngang (vì đó là hướng nằm của người chết) mà phải đặt theo hướng đòn nóc nhà. Ở vùng đồng bào Mông, Dao, ... khi đưa củi vào bếp, không đưa ngọn vào trước, vì quan niện sợ con gái gia chủ sau này sẽ sinh ngược. Khi ngồi gần bếp, du khách không quay lưng và giẫm chân vào bếp. Trong ngôi nhà đồng bào các dân tộc cửa và cây cột chính cũng là vị trí linh thiêng thờ thần cửa, thần cột cái. Vì vậy không nên ngồi bậu cửa hoặc treo mũ nón và tựa lưng vào cột cái. Ở vùng người Thái, Tày, Kháng, La Ha, Phú Lá kiêng không đem lá xanh, cành cây xanh, rau xanh vào cửa chính.

Đồng bào kiêng không huýt sáo ở trong nhà, vì nó là tín hiệu gọi ma tà, bão giông.

Khi đến bản làng

Hàng năm các nghi lễ chung cúng thần làng, xua đuổi ma ác của đồng bào Tày, Thái, Giáy, Lào, Bố y, Xá Phó... thường được tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 6 , tháng 7 âm lịch. Khi cúng đồng bào đặt các dấu hiệu kiêng kỵ cấm người lạ vào làng như buộc chùm lá xanh ở cột cao trên đường vào làng hoặc đan phên mắt cáo, buộc vào đó xương hàm lợn, trâu, bò. Cả làng không ai đi làm, không cho người lạ vào làng. Nếu người lạ vô tình gồng gánh, đội nón, che ô, đeo gùi, ba lô... vào làng sẽ bị phạt bằng cách nộp đủ số lễ vật để làm lại lễ cúng làng. Trường hợp có việc khẩn cấp , muốn vào làng ngay, khách lạ phải bỏ mũ, ba lô, gồng gánh... tất cả đồ đạc đều phải xách tay. Như vậy mới mong được giảm hoặc miễn phạt.

Giao tiếp sinh hoạt

Khi đến nhà, đi đường, khách cần chủ động chào hỏi bằng thái độ chân thành, nụ cười thật thà sẽ xoá đi mặc cảm bất đồng ngôn ngữ. Khi chia tay có thể bắt tay, không cần nói lời tạm biệt, hẹn gặp lại nhưng luôn nở nụ cười. Không xoa tay lên đầu trẻ em người Mông, Dao, vì theo quan niện của họ, hồn người trú ngụ ở đầu, người lạ sờ vào, hồn hoảng sợ bỏ trốn ,làm cho trẻ hay bị ốm đau.

Khi ăn uống

Mỗi dân tộc có quan niện khác nhau về vị trí chỗ ngồi , vì vậy cần lưu ý không ngồi vào một số vị trí đặc biệt như: ở vùng người Giáy, Dao phía dãy ghế ở gần bàn thờ dành riêng cho người cao tuổi nhất, khách quý nhát. Đồng bào Mông khi bố mẹ mất, vị trí đầu bàn (gần bàn thờ) luôn bỏ trống với ý niệm nơi đó giành cho hồn bố mẹ. Người Thái, Tày, Mường nơi giáp cửa sổ gia chủ đặt hai chén con có ý giành cho tổ tiên về tiếp khách, khách không ngồi ở vị trí đó.

Trước khi ăn uống cần kiên trì nghe gia chủ tiến hành các nghi lễ mời tổ tiên, chúc tụng các điều tốt lành. Khách không rót rượu trước, không gắp thức ăn trước, khi dùng xong tuyệt đối không úp chén, úp bát xuống mâm.

Khi ngủ

Mỗi căn nhà của đồng bào dân tộc ở Lào Cai đều có chỗ ngủ dành riêng cho khách, nên cần tuân theo sự bố trí của gia chủ, không nằm để chân về phía bàn thờ. ở một số vùng người Mông, Dao,Thái, La Ha, Kháng kiêng không mắc màn màu trắng trong nhà.

9. Một số lưu ý trước và trong khi du lịch Sapa

Một số vật dụng cá nhân cần thiết bạn nên mang theo khi đi du lịch Sapa : một chiếc áo gió và một khăn quàng cổ mỏng (bởi thời tiết Sapa dù có vào mùa hè cũng vẫn hơi se lạnh), mũ hoặc ô để che mưa nhỏ hoặc che sương, một chiếc đèn pin nhỏ để sử dụng buổi tối hoặc những khi vào hang. Các bạn có thể tham khảo bài viết Mang gì khi đi phượt

Mang theo nhiều hơn 1 loại giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, hộ chiếu hoặc mang thêm 1 bản photo công chứng) và bằng lái xe nếu bạn muốn thuê xe máy đi khám phá Sapa bởi bạn sẽ cần 1 bản đặt cho bên thuê xe, 1 bản đặt ở khách sạn.

Đặt phòng khách sạn online trước nếu có ý định đi vào mùa cao điểm, lợi thế của việc này là bạn có thể đặt trước trong một khoảng thời gian dài có thể là cả tháng, tránh việc sát ngày đi nhưng không thể đặt hoặc phải đặt phòng với giá cao.

Tương tự với việc đặt khách sạn bạn cũng nên đặt vé tàu hoặc vé xe khách đi Sapa sớm để tránh bị hết vé, đối với vé tàu nên mua ở ga Trần Quý Cáp hoặc mua thông qua các công ty du lịch, đối với vé xe khách thì nên đặt trước khoảng 1 ngày với ngày thường và 10 ngày với các dịp lễ

Ở Sapa tình trạng chèo khéo khách du lịch mua đồ đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của Sapa trong mắt du khách, nếu bạn không có ý định mua quà lưu niệm thì nên dứt khoát ngay từ lần đầu tiên, đừng xem rồi không mua bởi lúc đó người dân sẽ đeo bám rất lâu có thể gây cảm giác khó chịu. Khi vào bản không cho tiền trẻ em cho dù chúng nó lẽo đẽo theo bạn cả km.

17 thg 3, 2014

Tháng 3 hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc

Khi những cơn mưa phùn mùa xuân vừa dứt và nắng ấm dần lên cũng là lúc vùng đất Tây Bắc chìm trong sắc trắng tinh khôi của hoa ban nở rộ.

Các thảm hoa ban trắng lô xô trên các đỉnh núi, nối dài thành những thác ban chảy tràn từ đỉnh núi qua các vách đá, rừng cây xuống sát mặt đất là cảnh sắc đặc trưng vùng Tây Bắc trong tháng 3.


Người Thái coi hoa ban là một trong những loại hoa biểu trưng cho tình yêu. Cũng như món xôi ngũ sắc, màu tím biểu trưng cho sự thủy chung, màu đỏ là tình yêu sắt son, say mê, lãng mạn…Nhưng sắc trắng của ban không chỉ là sự thuần khiết, nó còn mang trong mình bản chất của tình yêu sáng trong, không vụ lợi, toan tính. Tình yêu đích thực từ những rung cảm trái tim, từ những cảm xúc chân thật. Ban cũng đại diện cho một tình yêu thủy chung, vĩnh cửu.

Hoa ban gọi về cả những mùa màng bội thu. Năm nao ban nở rực rỡ thì năm ấy mùa màng hanh thông, trọn vẹn. Dường như khi hoa ban nở trắng rừng thì những đợt mưa đầu mùa cũng chợt tới. Ban xà từ trên đỉnh núi, buông mình xuống những thung lũng ăm ắp nước đầy. Bà con lại hối hả gieo mạ, làm đất, đốt nương chuẩn bị cho mùa mới. Cha bình thản giục trâu bừa những thửa ruộng mới, mẹ lụi cụi be bờ dưới gốc ban trắng bình yên.



Cái đẹp như một thứ tôn giáo đặc biệt, nó không giáo huấn, không kinh kệ, nó thuyết phục con người ta bằng những biểu tượng rất nhỏ như hoa ban chẳng hạn. Tháng 3, giữa lúc giao mùa, phát hiện ra triết lý ấy giữa đất trời Tây Bắc cũng đã thấy mình hạnh phúc.

26 thg 10, 2013

Rong chơi Tây Bắc cùng với mùa hoa nở

Tây Bắc được xem là một vùng núi cao có địa hình hiểm trở, nhưng không vì thế mà nơi đây bị thiên nhiên lãng quên. Những dãy núi đá cao vút, những cung đường ngoèo không làm bạn cảm thấy lo ngại. Trái lại, khi những mùa hoa bắt đầu thì dọc đường Tây Bắc, đâu đâu bạn cũng dễ dàng bắt gặp những cánh hoa dịu dàng như chào đón vị khách phương xa. Nếu có dịp được đi du lịch theo mùa hoa nở, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cả một góc trời rợp màu sắc hoa.

Lên Hà Giang ngắm hoa Tam Giác Mạch

Đến hẹn lại lên, vào thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11 đất trời Hà Giang như ngập trong sắc hồng, ánh tím của những cánh đồng hoa tam giác mạch – một trong số những loài hoa đặc trưng của địa danh Tây Bắc.


Và dường như không ai bảo ai, mọi người đều muốn lên đây một lần để ngắm nhìn cho thỏa thích hết vẻ đẹp quá đỗi bình dị ở chốn núi non hùng vĩ này. Thấp thoáng sau màn sương mù sớm mai, những cánh đồng tam giác mạch trở nên mờ ảo như một bức tranh được thiên nhiên vẽ ra dành tặng con người.


Và đằng sau bức tranh tuyệt vời ấy không thể thiếu bóng dáng con người. Hình ảnh những em bé đang vui đùa trên cánh đồng tam giác mạch càng khiến bức tranh trở nên sinh động, mời gọi mọi người cùng nhau thưởng thức cảnh vật diệu kỳ của một loài hoa được sinh ra từ một loại lương thực dùng làm bánh và nấu rượu của người dân bản địa.

Tuy nhiên, vị trí tốt nhất để bạn ngắm nhìn cánh đồng tam giác mạch bát ngát chính là Xín Mần, Sủng Là và Lũng Cú.
Bên cạnh một số địa danh ở Hà Giang, bạn còn có thể ngắm hoa tam giác mạch ở Lào Cai hay Cao Bằng.

Cánh đồng cải trắng Mộc Châu

Với khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, cao nguyên Mộc Châu không chỉ được biết đến với những đồi chè xanh mát, mà nơi đây còn được ví là thiên đường hoa cải trắng.

Mỗi độ cuối thu, tiết trời Mộc Châu trở nên se lạnh, khắp các cánh đồng chìm ngập trong sắc trắng bạt ngàn của những nhành hoa cải trắng mỏng manh, yếu ớt. Những cánh hoa ấy nhẹ tựa trong gió và bồng bềnh như những đám mây lơ lửng trên mặt đất.

Bạn có thể tưởng tượng được cái cảm giác thích thú tột cùng khi được thả mình trên cánh đồng cải trắng nở rộ. Ở đó, bạn sẽ tìm thấy cho riêng mình một thế giới bình yên và thơ mộng.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2, Mộc Châu không chỉ có những cánh đồng cải trắng, mà dọc các con đường, những vạt hoa dã quỳ, những lùm trạng nguyên cũng đồng loạt khoe những bông hoa tươi thắm. Màu vàng, màu đỏ của hai loài hoa ấy vô cùng rực rỡ, như thôi thúc bạn phải dừng lại để trầm trồ, khen ngợi.

Mơ về báo hiệu xuân sang

Thiên nhiên dường như quá ưu đãi cho vùng đất Mộc Châu, vì mùa hoa cải gần tàn thì cũng là lúc hoa mơ bắt đầu hé mở những nụ hoa đầu tiên, bao phủ các sườn đồi, làng bản. Làm cho đất trời nơi đây luôn được khoác lên mình những bộ áo mới sặc sỡ sắc màu.

Không giống như vùng đồng bằng, hoa đào, hoa mai bừng nở báo hiệu xuân sang thì ở Tây Bắc con người có thể biết xuân đang về dựa vào những nhành hoa mơ trắng muốt.

Ngắm nhìn hoa mơ giữa mùa xuân, dưới bầu trời trong xanh như dìu dắt con người vào một không gian lãng mạn, có phần vừa thực vừa ảo. Và càng thơ mộng hơn khi những cơn gió làm rơi rụng cánh hoa trên vai hay trên mái tóc sẽ khiến bạn càng thêm thổn thức, bồi hồi, không nở rời xa cảnh vật hữu tính đến thế.


Mùa xuân của bạn sẽ trở nên tuyệt vời hơn nếu bạn được chiêm ngưỡng toàn cảnh sắc màu hoa mơ, hoa đào, hoa mận trên vùng rẻo cao trong những ngày đầu năm ấm áp. Để bạn có thể tận hưởng hết được nét đẹp tinh khôi của miền Tây Bắc.

Tây Bắc hoa Ban nở trắng rừng

Hoa ban – loài hoa gắn liền với truyền thuyết xa xưa của dân tộc Thái, vì vậy mà nó được xem là biểu tưởng của núi rừng Tây Bắc .

Cứ vào khoảng tháng 2 (âm lịch), hoa ban lại bắt đầu khoe ra những cánh hoa màu hồng, màu tím đầu tiên mang một vẻ đẹp dịu dàng, thanh thoát như chính vẻ đẹp của những cô gái Thái.

Để có thể ngắm nhìn hoa ban một cách trọn vẹn nhất thì Sơn La và Điên Biên là 2 địa điểm bạn nên ghé qua. Nơi ấy, hoa nở trắng núi, trắng rừng, lan tỏa mùi thơm dịu ngọt tạo cho bạn cảm giác thích thú và say mê lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời cùng người thân của mình.

Fansipan vương quốc hoa Đỗ Quyên

Fansipan được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” với độ cao 3.143m, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm giáp 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

Trên chặng đường chinh phục đỉnh Fansipan, bạn không thể bỏ qua được sắc đỏ rực rỡ của những bông hoa đỗ quyên đang nằm xen kẽ giữa núi rừng xanh ngát nơi đây.

Hoa đỗ quyên được xem như là một loại hoa cao quý với đa dạng các màu sắc. Từ trắng, hồng, tím cho tới vàng, đỏ, mỗi màu đều mang một nét đẹp riêng làm cho không gian Tây Bắc bừng sáng mỗi khi hoa bung nở.

Nếu yêu thích và muốn chứng kiến tận mắt loài hoa này, bạn có thể lên kế hoạch đến Fansipan bất cứ lúc nào. Nhưng thời điểm thích hợp để ngắm hoa đỗ quyên là vào giữa xuân, đầu hạ, khi những cành hoa nở rộ và đẹp nhất.


Rong chơi Tây bắc mỗi độ hoa khoe sắc thắm chắc hẳn sẽ mang đến cho bạn những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Chính sự đa dạng sắc màu của vô số loài hoa trên vùng đất này đã làm xao xuyến trái tim bao người ngắm cảnh. Hãy một lần trải nghiệm cảm giác được sống, được hòa mình giữa thiên nhiên đất trời.