17 thg 9, 2013

Một chuyến đi về Gò Công

Một chuyến phượt về miền Tây, những cung đường ven biển nơi đây thật tuyệt vời. Đây là chuyến đi của một chị mình xin giới thiệu đến các bạn.

Quê tôi với những hàng dừa xanh nghiêng mình tỏa mát xuống dòng sông, với những cánh đồng xanh mơn mởn thì con gái hay những mùa gặt đông vui. Quê tôi cũng có biển, nhưng biển xa lắm nên cái nắng, cái gió của biển cũng xa lạ lắm. Thế nhưng, không hiểu từ bao giờ tôi lại yêu biển!

Có những tình yêu không chút băn khoăn
Yêu thiên nhiên, yêu trời xanh nắng đẹp ..
Yêu biển cả, yêu non cao nước biếc
Yêu cả những mái nhà 
Và 
Tôi cũng yêu em.

(Mỹ Tân - Ninh Thuận)


(Vịnh Xuân Đài - Phú Yên)

(Vịnh Xuân Đài - Phú Yên)


(Bãi ôm - Sông Cầu - Phú Yên)


( Cát Hải - Phù Cát - Bình Định)


(Con đường ven biển Vĩnh Hy - Bình Tiên)


(Gành đá đĩa - Tuy An - Phú Yên)

Một hành trình, bao chuyến đi còn trong dang dở, nhưng tôi muốn chia sẻ và mong muốn được sẻ chia. Một chữ S với hơn 3.000 km bờ biển; một topic với kỳ vọng nhiều bàn tay đóng góp. Một hồi ức với bao niềm vui, nỗi buồn, với nắng vàng, cát trắng, biển xanh….

Bờ cát dài, biển xanh, nắng ấm là những hình ảnh luôn hiện hữu khi ta nghĩ đến biển. Nhưng biển đâu chỉ có cát trắng, biển xanh! Biển miền Tây Nam Bộ không có cái kiêu sa, quyến rũ, không có sức hút mãnh liệt đó, nhưng ẩn trong mình nét duyên riêng của dân miệt vườn.

Vâng, chính con đường biển miền Tây Nam Bộ là cung đường ven biển đầu tiên tôi muốn cùng các bạn trải nghiệm.

Con đường từ Saigon đến Tân Thành (Gò Công – Tiền Giang) có thể làm bạn hơi chán, nhưng cảm giác trên những con thuyền vượt qua chín cửa sông mênh mông thì thật khó tả. Và rồi con đường Nam Sông Hậu- niềm tự hào của người miệt dưới - sẽ đưa bước chân bạn ngang qua khu điện gió Bạc Liêu để đến Gành Hào; rồi từ đó xuyên miệt Thứ để đến Rạch Giá. Từ đây, con đường ven biển đến với Hà Tiên sẽ không còn quá dễ dàng.

Để đến biển Tân Thành có vài chọn lựa, nhưng con đường mà các phuoter thường lựa chọn chính là QL50. Đây chính là tuyến đường bộ đầu tiên nối liền miền Tây với miền Đông Nam Bộ, chứ không phải là QL1A. Con đường ấy suốt thời gian dài đã bị lãng quên, mãi gần đây nó mới được đánh thức, giúp cho đồng bằng có thêm một tuyến giao thông quan trọng dọc theo biển, góp phần đánh thức nhiều vùng đất đang còn ngủ quên.


Còn gì bằng với khoảnh khắc hứng những giọt sương mai trên mái tóc, thú vị gì hơn khi ngắm nhìn ánh mặt trời ló dạng, đắm chìm trong ánh bình minh của ngày mới, những thứ mà cuộc sống tất bật, phố phường tấp nập không cho phép.


Ngày mới tươi vui đang đến và tim tôi cũng rộn ràng không kém


Và kia rồi, Gò công đã hiện ra trong tầm mắt!


Con phố rộng, dài như còn trong giấc ngủ muộn.


Sẽ không sợ đậu phọng đường vì có bảng chỉ dẫn rõ ràng.


TL862 , tháng 5 Bằng lăng đã nở nộ, reo vui trong gió 


Những hàng phượng hai bên đường cũng đã oằn mình thức giấc để đón chào mùa hè


Quyện cùng màu xanh của lúa và cảnh bà con ra đồng vào buổi sáng tạo nên một bức tranh đồng quê sinh động.


6.28': Chợ Gò Công Đông


6.35': Chợ Tân Thành


6.40':Chợ biển Tân Thành


Hàng loạt chợ nằm san sát, và ngay đó là bờ biển với khu du lịch biển.


Vào cổng khu du lịch, biển vắng hoe, xám xịt doạ dẫm báo hiệu một ngày u ám! 

So với biển miền Trung, biển ở đây không trong xanh, bờ cát không trắng và thiếu đi cái duyên được ngắm biển từ trên cao. Chỉ biển là biển chứ chẳng có nhấp nhô vài ngọn đảo ở xa xa.


Cạnh đó, cậu bé mê mẫn, kiên trì ngồi bắt những con còng nhỏ xíu trốn trong kè cement. Hỏi ra mới biết cậu ở Bến Lức, hôm nay nghỉ hè, hai anh em được ba thưởng cho một chuyến ra biển. 


Chợt nhớ những câu hát về biển Gò Công qua giọng ca của Bảo Yến: 

“ Biển xanh xanh trời xanh màu ngọc bích

Cuối tầm nhìn, trời nước gặp nhau ..."

Rõ ràng trời xanh và biển xanh, sao đây chỉ thấy biển một màu đùng đục cùa phù sa?


Biển ở miền Tây không phải lúc nào cũng đục, mà vào mùa gió chướng (tháng 10 trở đi) khi gió từ biển thổi vào thì nước trở nên trong xanh. Gió càng mạnh, nước biển vào càng nhiều, nước càng trong xanh, và khi đó, độ mặn trong các nhánh sông sẽ tăng lên theo từng con nước.


TL862 vắng vẻ , lâu lâu vài chiếc xe vụt qua dưới tàng đỏ thắm của cây phượng bên vệ đường.


Lại thêm một ngôi chợ!

Đã qua khá nhiều chợ, lần nào cũng ghé lại, những mong kiếm chút bánh quê; nhưng phải đến đây mới tìm được! Hình như ở nông thôn người ta không còn chuộng bánh quê nữa rồi !


Đi thêm đoạn nữa chừng 2 phút thì đến bến đò Đèn Đỏ băng qua cửa Tiểu. Thoạt nhìn thì nó giống một cái cảng cá, chẳng có bảng hướng dẫn gì nói đó là bến đò. Nếu không chú ý cũng dễ chạy lố.


Đò vừa chạy nhưng các ghe đóng đáy tấp nập cập bến. Hàng chục giỏ ruốc được gấp rút chuyển lên bờ. Ngư dân ở đây không tự phơi ruốc mà bán ngay cho thương lái. Hết chiếc này đến chiếc kia cặp mạn xuống hàng. 


Cũng có những người chuyên lựa những con tôm, cá lớn để bán riêng. Mớ tôm này mà đem phơi khô hay làm mắm trộn đu đủ thì ngon phải biết. Còn loại cá này tên gì mình cũng quên rồi, nhưng nghe nói cá này ăn bổ máu, cho gà đá ăn thì mào sẽ đỏ tươi và rất sung.


Chỉ mất 15’ để đi từ chợ biển Tân Thành đến bến đò Đèn Đỏ, tính cả thời gian dạo chợ mua bánh.


Bến đò này không có giờ nhất định, cứ cập bến có khách là đi. Xui xẻo thì như chúng tôi, phải đợi mất 30’ , vì vỏn vẹn chỉ có hai người nên anh chủ đò đã cho phép mình thong thả đi ăn sáng!


Cô bé con anh chủ đò thật là dễ thương và dạn dĩ, không hề sợ sệt trước ống kính.


Giờ còn dành tài với ba nữa nè!


Vượt qua cửa Tiểu, cửa biển đầu tiên của dòng Cửu Long thật ấn tượng. Ở Cửa Tiểu mà nghĩ về dòng Mê Kông hùng vĩ không khỏi ngẩn ngơ, mong ngóng một ngày nào đó được đặt chân lên thượng nguồn của nó!

Dòng nước vẫn lãng đãng trôi dập dìu theo gió, sóng gợn lăn tăn về tít miền chân trời.


Vài ba con thuyền bập bềnh trên sóng. Xa xa những chiếc chòi canh nghêu lêu xêu ẩn hiện dưới màn sương mờ ảo. 

Từ đây đến đó ước chừng ba cây số mà sao thấy xa quá. Phải chi trên mặt nước có một con lộ nhỏ, mình sẽ "tót" ngay ra đó cho thoả cái chí tang bồng.


Con đò tiến dần về con lạch để cặp bến Pháo Đài - Phú Tân


Thời gian đò chạy từ bến này sang bến kia chỉ vỏn vẹn 10' với 15k cho một xe hai người.


Đường quê thật vắng vẻ


Cảnh vật rất đặc trưng cho vùng ven biển.


Không bảng chỉ dẫn, nên ắt hẳn ai đến đây cũng có đôi chút lúng túng. Không sao, cứ bon bon trên đường, bao giờ gặp ngã ba thì rẽ trái. Tiếp tục chạy thẳng đến ‘cầu số 1” (mà thực tế trên đường chúng ta đi chỉ duy nhất cây cầu này thôi). Vừa qua cầu là rẽ ngay vào con đường cặp kinh bên tay phải. Đó chính là đường ra bến đò Bình Thắng -Phú Tân. Thời gian đi trên đường nhựa là 8’.


Chân dung con đường đê dẫn vào bến đò.


Duy nhất chỉ có cái quán nước này. Chịu khó vào đây chờ đò vậy. Chỉ có 3 hay 4 cái võng thôi nên không đủ cho nhóm đông, nhưng dù sao có chỗ tránh nắng thì cũng khá hơn trước kia nhiều rồi .

Đừng sốt ruột, vì là đường đê nên vận tốc cực thấp, phải mất 15’ đấy. Có một ngã ba trên đường, nhưng cứ đường thẳng mà đi.


Trước đây bến đò nằm ngay cây cầu số 1, giờ đã chuyển hẳn vào bên trong. Nhưng anh lái đò này vui tính lắm, khi nào buồn buồn thì nghỉ ở nhà chơi cho đỡ buồn. Lúc ấy, ai có nhu cầu qua bờ kia thì chỉ còn nước đi bến đò khác thôi. Mà thời gian đò hoạt động cũng rất khó khăn cho chúng ta, những vị khách đường xa, sẽ phải dài cổ mà chờ đò! Thế nên cứ thong thả dạo chơi biển Tân Thành.

- Chuyến 1: 6.45

- Chuyến 2: 8.45

- Chuyến 3: 12h

Nói là 8.45 nhưng phải đến 9h hoặc kém chút đò mới chạy. Thời gian ngồi đò là 25’ hoặc có thể là 30’ . Một xe hai người là 40k.


Chiếc cầu lắc lẻo, bập bềnh được bắt vội, rồi lần lượt từng chiếc được dắt lên. Nhưng với chiếc xe phượt thì hơi khó khăn một chút, phải cần đến hai người. 


Xa tít ngoài kia là cửa Đại.


Bên cạnh con tàu to vô ăn hàng là những chiếc ghe đánh cá ngang dọc trên sông Tiền.


Còn bên kia là cảng cá Bình Đại.


Với hàng bần tươi tốt trải dọc theo bờ sông đang uốn mình theo gió, bập bềnh sóng theo con nước triều đang dâng. 

Giờ này, ở ngay cửa Đại, gió sẽ mạnh, sóng sẽ rất to; và sẽ ngoạn mục biết bao nếu được phiêu diêu ngoài đó!


Có dịp xuyên vào nó mới thấy cảng cá này lớn và tấp nập. Dù nằm ở Bình Đại nhưng nó lại đón cả tàu của Thạnh Phú, Ba Tri tập hợp về đây vì gần nơi tiêu thụ mà hệ thống hạ tầng hoàn thiện nhất Bến Tre. 


Tàu lớn, tàu nhỏ ken đặc bến cá. Việc chuyển hàng, chuẩn bị ngư cụ nhộn nhịp khắp bến cảng. 


Và xăng dầu cũng được phục vụ tận nơi.


Lọt thỏm giữa cảng là chiếc ghe thu mua phế liệu mang số hiệu Long An.


Trong cảng còn có nhiều tàu mới đang hối hả hoàn thiện để ra khơi. 


Và nhiều chiếc to đùng sừng sững nằm trên ky, đang gấp rút hoàn thiện chờ ngày hạ thuỷ. 


Len lỏi giữa cảng một hồi rồi cũng tới bến. Cái bến tàu nhỏ, khiêm nhường, sơ sài nép mình bên con đường mòn dẫn vào chợ. Hành khách xuống hết, ai có xe thì đứng tạm bên bờ kè. 40k tiền đò tính ra cũng rẻ vì chủ đò còn khuyến mãi một màn xiếc môtô.


Từng chiếc xe được chủ đò dẫn đến chiếc cấu ván bập bềnh bắt vội. Cong người canh cho kỹ hai bánh xe, 


Rồi vèo, bay bổng trên không cùng với chiếc xe lao nhanh; và cũng như thế, nhẹ nhàng đáp xuống đất.


Cảnh đó cứ lập đi lập lại một cách ngoạn mục; nhưng đến chiếc xe phượt thì “hai, ba mạng” phải cẩn thận người trước kẻ sau mới dắt xuống được vì nó quá cồng kềnh.


Ra khỏi bến đò là chợ Bình Đại nhộn nhịp, sung túc.


Lại một cái chợ nữa, nhưng trông hoang vắng quá!

Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ...

Trên con đường dẫn ra bến đò Thủ, phượng và bằng lăng đua nhau nở rợp trời.


Cứ xuôi theo TL883 tới vòng xoay thì đi thẳng để ra bến đò Thủ bên bờ sông. Con đường vỏn vẹn chỉ có 15km, vậy mà đã nuốt của chúng tôi đến 30' vì sự mê hoặc của sắc thắm hoa phượng trên suốt dọc con đường.

Lại phải chờ đò!


Chụp anh xế một phát nè!


Sông Ba Lai nhỏ xíu, lại bị con đập ngăn mặn chặn ở phía trên nên lòng sông dần thu hẹp lại do hình thành nhiều bãi bồi; lại gặp nước ròng nên màu sông đục ngầu, đỏ lự. 


Nước rút, cũng là dịp lý tưởng để bầy nhạn kiếm mồi trên những trảng đất vừa nhô lên. Khi đò tới gần làm chúng giật mình kéo đàn bay vòng vòng, chờ cho đò đi qua lại đáp xuống tiếp tục thưởng thức bữa ăn của mình.


Còn đây là bờ phía Ba Tri và bảng giá qua đò.


Những con người với "mái tóc dài bay trong gió', “năm xưa đi trong lửa đạn, đi như nước lũ tràn về..." ngày nay cũng không thua đấng mài râu nào . Nhìn chị gái này chở hàng mà tôi thật thán phục. Bản thân tôi cũng rất giỏi cộ đồ, mà như thế này thì chắc chào thua.


Vừa lên khỏi đò là phải vượt qua cái cống ngăn mặn này.


Cảnh quê thật yên bình


Ngay bên trái đường là nhà thờ đơn sơ nhưng rất đẹp.


Nhà thờ đóng cửa nên không thể chụp được quang cảnh bên trong


Đi thêm chút nữa, rẽ vào con lộ đá chừng 500m là mộ cụ Phan Thanh Giản và khu di tích Võ Trường Toản.





Quay trở lại đường cái, chạy quá trường tiểu học khoảng 100m thì rẽ phải vào con đường quê yên bình, đậm nét cổ.




Rẽ trái ở ngã ba này

Những con đường ở Ba Tri bao giờ cũng mang đến cho tôi một cảm giác yên ắng lạ! Cái nét cổ thuần việt đặc trưng nhất vẫn tồn tại nơi đây dù cho xã hội có thay đổi. Cũng là trồng lúa nhưng để thấy một cây rơm đẹp phải đến Ba Tri. Từ nếp nhà cho đến con người cũng phảng phất nét đôn hậu, thần Việt, chân chất. Cái cảm giác yên bình thân thương như thể đang trở về nhà tràn ngập mỗi khi có dịp rong ruỗi nơi đây!





Từ xa đã thoáng thấy vòng thành của đình Phú Lễ.


Đình Phú Lễ tọa lạc tại ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, thờ Thành hoàng Bổn Cảnh; được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lá, được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 (1851). Thềm và móng được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Đình gồm 10 gian: 6 gian chính và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá.






Đình nằm trong rừng sao mát rượi với diện tích 7.929m2, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 7-1-1993. 




Hàng năm, lễ hội tại đình Phú Lễ diễn ra hai lần: Lễ Kỳ Yên vào 18-19 tháng 3 âm lịch để cầu mưa thuận gió hòa và lễ Cầu bông vào ngày 9 - 10 tháng 11 âm lịch cầu cho mùa màng tươi tốt. Lễ hội có rước sắc thần, lễ tế Thành Hoàng, tế Tiền hiền, Hậu hiền (khai khẩn, khai cơ), các gian hàng trưng bày sản phẩm và tổ chức các trò chơi dân gian. Đêm hội có hát bội, ca nhạc tài tử và hát cải lương.

Những hình ảnh trên internet này đây đã mê hoặc tôi từ bao năm qua, nhưng tiếc thay tôi lại không có dịp tham dự kỳ lễ hôi nào và lần này đây cũng không có cơ hội chiêm ngưỡng bên trong đình!




Đường còn xa mà đã trưa nên cũng không dám nán lại lâu. Vậy là nhắm hướng Tiệm Tôm thẳng tiến.

Vừa chớm lên cầu là gặp ngay "ông già Ba Tri". Hình ảnh người đàn ông với bộ bà ba trắng và đầu tóc búi mà người dưới tôi gọi là đầu "si nhong" giờ không còn thấy nữa ở Châu Thành quê tôi. Tiếng là ông già Ba Tri, nhưng khi bị chặn lại hỏi đường thì ông lại tỏ ra niềm nở, tận tình vô cùng. 


Con đường nhỏ rực nắng trưa nhưng cũng có nhiều người qua lại.


Và dưới kia, cặp vợ chồng đang say sưa bắt cá.


Tiện đường ghé ngang nhà thờ Giống Giá -là nơi có họ đạo lâu đời nhất Bến Tre.


Vừa đến cổng, một chú bé từ trong lon ton chạy ra, lễ phép hỏi "Có phải hai bác đến gặp ông không?"

Rất tiếc là không phải, nhưng nhân tiện mở cổng, liền xin chú bé vào tham quan nhà thờ.


Khuôn viên nhà thờ khá rộng, có nhiều tiểu cảnh được chăm chút công phu...



Nhìn lại đồng hồ, đã 11.10', bụng bảo dạ cũng không lo lắm vì đã sắp qua cửa thứ tư; cứ với đà này thì cũng kịp qua cửa cuối cùng. Thế nhưng cũng nhanh chóng quay gót.


Chậm chậm qua đi là những mái nhà nho nhỏ, những đụn rơm vàng ươm... tất cả gợi nhớ một thời thơ dại đã qua đi!


Những hình ảnh quá khứ đan xen hiện tại, tương lai. Ừ nhỉ, mình cũng có một thời trẻ trung, xinh đẹp như thế. Mỉm cười và thầm chúc đôi lứa đang yêu trăm năm hạnh phúc, răng long đầu bạc.


Rẽ phải khi gặp con lộ chắn ngang để tiến về bến đò Tiệm Tôm.


11.30’ . Mặt trời đã xấp xỉ đỉnh đầu nên chợ chỉ còn loe hoe vài ba người.


Bến đò nằm ngay bên hông phía trước chợ; mà nơi đó cũng chính là cảng cá.



Có đến 4,5 con đò chờ đợi chở khách từ thị trấn Tiệm Tôm cặp bến Thạnh Phú. Tuy vậy, chuyến đò tách bến sớm nhất cũng là 12h. Vậy là mất toi nửa giờ đồng hồ chờ đợi! Thôi thì coi như ngồi đó nhắm mắt nghỉ ngơi chút vậy.

Thế nhưng … những giọng nói cười rổn rảng, rôm rả lẫn trong tiếng kêu quàng quạc của mấy thím vịt không cho phép ai tách ra khỏi cái thế giới nhỏ này dù chỉ trong giây phút.


Chuyến đò trưa hôm ấy thật đông vui, náo nhiệt. Có năm, bảy chị hàng xén cùng hàng hoá và lũ vịt đủ để nhóm một cái chợ nhỏ; có một nhóm bốn anh chàng vừa trở về sau chuyến đi biển dài ba tháng; một cặp vợ chồng già ân cần chăm sóc lẫn nhau trong suốt hành trình… lại có cả một cặp quái dị cổ đeo máy ảnh to đùng, lúc ngồi, lúc đứng, lúc đi đi lại lại, hết dí máy ảnh vào chỗ này lại dí vào chỗ khác.

Bốn anh chàng này đây - mà chút nữa họ sẽ mang một con khô mực đổi lấy ít tượu và đồ nhắm - khoe rằng họ đã đi đến tận biển Malaysia, rằng sóng to lắm, cao lắm, rằng có khi ở ngoài khơi họ thật vất vả nhưng cũng có khi họ chẳng phải làm gì cả.


Cuối cùng thì đò cũng rời bến, xuôi theo con lạch nhỏ dẫn ra dòng Hàm Luông bát ngát. 



Ngoài cửa lạch cũng có một con tàu từ biển vào đang xuôi về bến.


Có ra tới đây mới thấy dòng sông to, rông mênh mông. Gió thổi phần phật, mát rượi thật khoan khoái; chẳng bù với cái không gian chật chội, nóng bức lúc chờ đò.


Qua cửa sau con đò, cửa Hàm Luông thênh thang tiến thẳng ra biển đông rạo rực, ngạo nghễ.


Xa tít ở đó, nhiều con tàu đang ngược xuôi nhộn nhịp


Bên hông đò là rừng bần xanh ngát điểm vài chiếc xuồng đánh cá tạo nên bức tranh quê yên bình, thư thái khó tả.


Con đường nhỏ tráng nhựa nối từ bến đò Rạch Ngát dẫn thẳng ra An Điền


Lại là những cảnh đồng quê yên bình, quyến rũ.




Chạy độ vài cây số, rẽ phải ngay ngã ba trường An Điền.


Dân Bến Tre đặc biệt là dân miệt dưới Mỏ Cày, Thạnh Phú vẫn nối tiếng là người thích treo cờ, chẳng cần ngày lễ lộc gì cũng treo cờ đỏ rực khắp nơi.



Đi độ 4,5 cây số là tới cái bảng này ở ngay QL60. 


Rẽ trái sẽ về bến phà Cầu Ván. Qua phà là chợ Giao Thạnh. Đi đến đây thì mùi cá tôm quyện vào nhau nồng nặc, báo hiệu sắp tới biển. thẳng đường đi nữa sẽ tới Thạnh Hải, Thạnh Phong rồi ra cửa Khâu Băng nơi có bia tưởng niệm những chiếc tàu không số. Đứng đây mà nhìn ra biển sẽ thấy nó bao la bát ngát, trùng điệp vì cửa Cổ Chiên và Cung Hầu hơp lại làm một; gió to và sóng lúc nào cũng dồn dập. Nếu được băng qua Trà Vinh ngay chỗ này, bạn sẽ cảm nhận được sự thú vị tăng lên bội phần, nhưng cung này không dành cho những người yếu tim.

Trở lại chỗ tấm bảng, nếu rẽ phải sẽ chạy lên thị trấn Thạnh Phú, về Mỏ Cày, lên Bến Tre; còn chúng ta chỉ cần đến An Qui cách đó vài cây số.


Giữa hai cái bảng lớn là cái bảng giới thiệu bến đò Chổi. Xem ra bến đò này cũng khá nổi tiếng.


Chẳng biết vì sao con đò vượt dòng Cổ Chiên lại có cái tên ngộ như vậy. nhưng thôi kệ, cứ vào đó đi đã. 


Chỉ vài cây số đã đến bến đò. Vậy là đoạn đường 18km đã kết thúc chỉ sau 23’ rong ruỗi trên đường. 


Bên ngoài túp lều chờ đò là cây “cầu đò” thật đẹp. Thật thích thú khi nhìn thấy chiếc cầu tàu này. So với các bến đò trước thì nơi đây thật thi vị.


Đôi khi chờ đợi cũng là hạnh phúc. Nếu xuôi chèo, mát mái thì chúng tôi đâu có dịp thưởng thức hết vẻ đẹp của nó.


So với các con sông khác trong tỉnh, dòng sông này có cái tên thật lạ. Có thuyết cho rằng tên sông có liên quan đến một sự kiện lịch sử cuối thế kỷ XVIII. Vào năm 1785, khi bị đại bại ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tàn quân của Nguyễn Ánh phải dùng thuyền chạy trốn xuống phía Nam, đến dòng sông này bị thuyền của Tây Sơn đuổi theo sát quá, quan quân của Nguyễn Ánh cuống quít, sợ hãi đã làm rơi cả trống và chiêng lệnh xuống sông (theo từ Hán - Việt, Cổ là cái trống, Chinh là chiêng). Từ sự kiện này, nhân dân địa phương gọi là sông Cổ Chiên.

Và xung quanh, rừng bần cũng đang kỳ đơm hoa, kết trái.


Chia tay cửa Cổ Chiên, chúng tôi đến với cửa Cung hầu. Cửa Cung Hầu phẳng lặng , thấp thoáng những cái cồn mọc lên giữa sông,




Trên đò cũng có vài chiếc áo phao, nhưng chẳng ai để ý; cả tôi cũng chẳng buồn mặc.Mọi người ở đây đã quen với những chuyến đò ngang như thế này rồi, họ chẳng thấy gì là nguy hiểm cả.


Cũng gió trời và sóng đại dương nhưng đón lấy gió đại dương bao la nơi đây, nơi chín rồng đổ ra cửa biển, mới thấy sảng khoái lạ!


15' lênh đênh trên sông nhanh chóng qua đi, phía trước đã là bờ Mỹ Long.


Trẻ em vùng sông nước có khác, từ nhỏ đã được ba mẹ mang đi nhúng nước rồi.


Cặm cụi vá lưới cho những chuyến ra khơi.


Còn đây là giờ hoat động của đò Long Hoà đi Mỹ Long (từ Cổ Chiên sang Cung Hầu), 15' ngồi đò, 24k cho một xe hai người.


Giờ thì đi ngang qua cổng khu du lịch biển Ba Động.

Vẫn một màu đùng đục của phù sa, vẫn là bờ cát đen trải dài, vẫn cảnh hắt hiu của bãi biển vắng người…

Nghe người ta ca ngợi biển Ba Động thật nhiều. Cũng muốn đến một lần. Cũng đại dương bao la, cũng những con sóng xô bờ, cũng gió thổi đùa làn tóc rối nhưng sao nơi đây tôi lại không thấy nụ cười tươi của biển?! Biển đang trong ngày u ám hay vì tôi đã bị những bờ cát trắng, biển xanh mê hoặc mất rồi?!


Di tích bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, chỉ cách khu du lịch biển Ba đông 5’ chạy xe. 


Theo phuot.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét