Hiển thị các bài đăng có nhãn Chuyến đi của bạn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chuyến đi của bạn. Hiển thị tất cả bài đăng

16 thg 2, 2015

Tuột thác ở Datanla

Biết đến “chò” chơi này cũng phải 2-3 năm rồi, do dịp tình cờ được rủ nhưng lại bỏ lỡ, mọi người đi về rồi show hình làm mình … thèm . Sau đó thì cũng không nghĩ đến nữa. Bỗng dịp tháng 7, tháng mùa hè của nhiều sự kiện tái diễn, tiếp diễn.

Nhóm “chuyên hát hò” kết hợp phiêu lưu, họ đã tổ chức một chuyến đi nơi thành phố ngàn hoa để tìm cảm giác phiêu bồng. Riêng mình, lại đánh giá cao cái cảm giác hòa mình vào thiên nhiên. Sự lựa chọn lần này được mang tên “Lít Team” & “Luyn’s Night” (LT & LN)


Địa điểm chúng tôi được tuột là thác Datanla, chỗ này thì có nhiều trò chơi mạo hiểm chắc ai cũng biết. Tài liệu ghi: “Là một thác lớn thuộc hệ thống 7 con thác của dòng suối Datanla chảy từ đỉnh đèo Prenn. Thác Datanla chỉ cách Quốc lộ 20 đoạn qua lưng chừng đèo Prenn chừng 300m, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 5km về phía Nam, nằm giữa một vùng rừng núi đầy hoa thơm cỏ lạ, cảnh sắc hữu tình.”


Dịch vụ mà LT chọn tôi cũng không rõ tên, nhưng theo thông tin thì ở Đà Lạt mấy vụ vượt thác thế này khá phổ biến mấy năm gần đây. Tôi được biết mình sẽ được chơi 2 kiểu: abseiling và canyoning. Abseiling hiểu đơn giản là tuột dốc đá, vực sâu, còn Canyoning là tuột theo dòng thác xối xả. Các bạn có nhu cầu tìm hiểu cứ lên gu-gồ đánh 2 chữ này thì tha hồ nhé! Còn giờ mình sẽ kể lể kinh nghiệm và cảm nhận cá nhân mình thôi.


Nhóm tụi mình có 18 mạng tham gia tất cả. Tội nghiệp các bạn guides do không dặn dò kỹ, tụi mình mang máy ảnh nặng kí tùm lum, kết quả phải gởi hết chứ không thể mang the0, mà đâu có chỗ gửi, giao hết cho các bạn lực lưỡng mang, haha… Nặng ì, đi trong rừng, trên thác, băng sông mà mấy bạn phải vác hộ, tội thiệt . Warning cho bạn nào tham gia thì không nên mang bất cứ thiết bị điện tử nào theo nhe, can’t use! Vậy nên: 1 là nhờ các bạn guides chụp hộ, 2 là bạn cùng đoàn có người đi theo mà không chơi, vì dụ như đoàn tôi có anh Nguyen An Vinh nè, hè hè. Album đợt 1 này là toàn hình anh chụp, xin cảm ơn a nhiều.


Tiếp, ban đầu chúng tôi sẽ được trekking nhẹ nhàng vào rừng, quãng đường đi bộ khá trơn trợt cho những bạn lần đầu trek. Ngừng lại ở gần cáp treo. Nhóm sẽ được học cách làm quen với vách đá cao 5-7m và dây. Trò này không đòi hỏi nhiều, chỉ cần chút kỹ thuật, khéo léo, tự tin, dám đương đầu với thử thách… he he, thiệt là máu me. Trong nhóm cũng có nhiều bạn “bánh bèo” vẫn chơi được nốt thì đứa hầm hố như tôi sao lại là ngoại lệ hen!

Nguyên tắc của trò tuột tuột này khá đơn giản:

- Lắng nghe và tiếp thu rõ ràng những gì người hướng dẫn nói, tuyệt đối tuân thủ và nghe theo không quá nghi ngại. Họ là những người chuyên nghiệp và là người dẫn đường cho chúng ta, chứ không phải là tay mơ, nên bản thân chúng ta cũng nên có ý thức chuyên nghiệp một tí.

- Đầu óc tỉnh táo, phán đoán rõ ràng, cứ tự tin mọi chuyện sẽ dễ dàng.

- Tay thuận thì cầm dây “chốt” quan trọng, thả nắm tùy theo sự hướng dẫn và độ tuột. Tay còn lại giữ thăng bằng và khi có sự cố thì chỉ sử dụng duy nhất tay này xử lí. Tay thuận là tay tuyệt đối không buông ra.

- Chân thẳng, ngã người hoàn toàn để tạo lực hút.

- Không tưởng tượng mình là “Spider man” mà đu tùm lum, trượt tè le, hehe. Phải nghiêm túc và bớt giỡn.

Đại khái trong đầu mình nghĩ nhiêu đó. Còn lại thực hiện thì cũng tùy.

Sau bài tập làm quen leo lên leo xuống 3 lần với cả nhún nhảy và đu đu. Vực đầu tiên tụi mình tuột sẽ kế bên thác, cao 15 mét. Cũng được thả người xuống nước chặng cuối rồi bơi bơi vào bờ. Nên ai không biết bơi thì hơi khó nhưng vẫn có thể chơi được do mặc áo phao thì vô tư nổi lềnh bềnh trên nước.

Chặng đầu mình chưa quen nên cũng hơi mất thăng bằng, nhưng vẫn ngọt ngào đi tốt. Thích nhất lúc đang trên cao mà ngoáy đầu nhìn xuống phía dưới. Quá sướng.
Để qua những tầng vượt, phải men theo dòng suối, dòng thác, con đường trong rừng… Một trải nghiệm trek nhỏ trong rừng lí thú, làm mình nhớ cảm giác những ngày đi trek trong rừng. Đầy thích thú.


Tụi mình khá ngạc nhiên với trò thả người tự do xuống các tầng thác nhỏ, cứ nằm ngửa ra, 2 tay bắt chéo trước ngực, toàn thân thả lòng, là dòng thác đẩy mình xuống không sợ va đá (mà có đội nón bảo hộ, va trúng cũng ko sao, haha). Ban đầu ai cũng hoài nghi, nhưng chỉ vài người tiên phong là các bạn hào hứng làm theo, còn mê tít thò lò.


Chặng 2 là vực cao 18 mét, vẫn kết thúc bằng việc thả người nhẹ xuống nước. Tới đây thì mọi người đã quen tay quen chân hết rồi, lại càng hào hứng hơn. Khúc này mình bật thả dây hơi bị giống “Spider Girl” đó nghen! Đương nhiên vẫn an toàn trong vòng kiểm soát chứ không để quá khích mà gây ra thương tích.


Ăn trưa được các bạn guide chuẩn bị bánh mì – mỗi ng 2 ổ no nê.


Tiếp tục băng rừng, vượt suối… để đến đoạn tuột quan trọng cuối hành trình: chính thức sẽ được thả người trong dòng thác xối xả cao 25 mét. Đây chính là thử thác mà nhiều trái tim quả cảm sẽ chùn bước, oe oe, mà trước khi máu me thì chơi trò xì-ke đã: bắn súng nước màu. Trò này do Lít Team chủ trì, ta nói quay lại thời thơ ấu một cách hồn nhiên như những con điên. Vui, thích, hứng khởi. Nghe đồn màu là màu của thực phẩm nên giặt thì ra, mà thấy cái mấy cái áo trắng thành hồng gòi đó nghen!



Làm trẻ em xong thì quay lại tinh thần người lớn nào. Lấy tinh thần vực dậy mà tuột thôi… Ôi chao ta nói nó sướng, cái cảm giác chân thì có thể trượt bất cứ lúc nào dưới dòng thác, còn phía trên mặt thì nước bắn xối xả như điên như dại. Đoạn mình xuống bị hụt chân (cái này do ham hố nhìn xuống dưới thưởng lãm cảnh ngoạn mục) nên mất thăng bằng hơi treo tòng ten, bị nước thác nó xối mất hút luôn. Cũng may áp dụng tất thảy những kinh nghiệm chinh chiến và nghe rõ lời em hướng dẫn nói, vèo vèo ta đã vực dậy nhanh chóng. Nghe tiếng đồng bọn vỗ tay hò reo bên dưới thiệt là y chang như đang có 1 trận đấu thể thao quan trọng. Thích cực!


Lúc tả rơi tự do cũng không kém phần ly kỳ, phải tuyệt đối tin tưởng lời người chỉ dẫn và cứ thế ta rơi, một cảm giác đánh oành xuống nước thiệt phê! Tê dại quá đi àh!


Vâng, và phần tê dại nhất vẫn còn: nhảy từ độ cao 11-13m gì đó xuống, nghĩa là nhảy tự do. Chỉ 1/5 giây đã không còn nhận thức kịp thì mình lại bèm bèm xuống cái hồ bên dưới. Đoạn này thì hơi nguy hiểm thật, chống chỉ định với các bạn nữ ít rèn luyện thể thao, không có sức bật và nhát. Còn mấy anh nam thì vô tư, chắc chống chỉ định mấy bạn sợ độ cao nốt, hehe… Tớ tự tin và lấy đà bật nhảy, nhưng rớt xuống xong thì thấy ghê, hiu hiu… Nói chung khuyên các bạn nữ không nên làm liều.


Kể đại khái thôi mà sao nó hơn 1000 từ luôn thế không biết. Ấn tượng lần này của mình về một Đà Lạt yên bình, mộng mơ và nên thơ là không có. Mình chỉ biết dù sao sẽ quay trở lại lần nữa để tham gia trận tuột thác hấp dẫn hơn … Là bị nhấn chìm 20 giây sau khi thả tuột, oe oe, quá khích cho đội chim chích.

Chấm hết ở đây cho thỏa lòng sẽ quay trở lại nhé!
Cảm ơn Lít Team và các bạn team gì đó không rõ .

Cảm ơn nhửng bánh bèo, bánh bột lọc và bánh đúc đã đồng hành cùng mình. Cảm ơn các tay photographer đã luôn nhiệt tình taken ảnh đẹp cho nhóm.

05.July.2014 — at Thác Datanla.

Nguồn Phuot.vn

29 thg 1, 2015

Hành trình leo Fansipan của “phượt nhí” 5 tuổip

Ba cha con anh Cường, bé Khánh 8 tuổi và bé Linh 5 tuổi tới đỉnh Fansipan lúc 3 giờ chiều ngày 9/7/2013.

Một người cha đã quyết định cho hai đứa con ở tuổi mầm non và tiểu học của mình đi ‘phượt’ Fansipan để trải nghiệm cuộc sống.

Ba cha con anh Dương Xuân Cường, bé trai Dương Xuân Nam Khánh (học lớp 3) và bé gái Dương Khánh Linh (học mẫu giáo) vừa chinh phục thành công đỉnh Fansipan vào đầu tháng 7 vừa rồi.

“Hoặc con tiếp tục đi, hoặc ba sẽ ném thẳng con xuống vực”

Anh Dương Xuân Cường kể lại chuyến đi của ba cha con: “Lần này chúng tôi đi không có người khuân vác và người dẫn đường, tổng trọng lượng balo tôi đeo lên tới 25-30kg, thời tiết mưa thông trong 4/5 ngày chúng tôi đi... mọi cái trở nên khó khăn bội phần. Mưa khiến chúng tôi ướt lạnh, đường trơn trượt, tôi và 2 con đã phải ở lại lán 2.800 trong 2 đêm.

Lúc đầu tôi đi cùng 2 người bạn nữa, ngày thứ 4 họ xuống núi do đã leo lên đỉnh, tôi quyết tâm đưa các con tôi đi tiếp. Do vậy, ngày thứ 4 lên đỉnh là ngày thực sự thử thách sự quyết tâm của chúng tôi. Các con tôi mệt, tôi cũng mệt và kiệt sức. Chúng tôi ngồi nghỉ ở một tảng đá trong không gian mù mịt hơi nước, con tôi rơm rớm nước mắt...

Tôi chỉ muốn các con tôi hiểu rằng chúng chỉ có thể dựa vào bản thân mình trong khó khăn của cuộc sống. Cuộc sống có những ranh giới, khi vượt qua nó, mọi chuyện hoàn toàn khác.

Khánh và Linh trong ngày đầu tiên của cuộc hành trình, thời tiết đẹp, họ hạ trại ở độ cao 2.400m.

Chúng tôi ngồi đó, nếu chúng tôi quay về (mà ngay cả việc quay về thời điểm đó đã là cực kỳ khó khăn), chúng tôi là những kẻ thất bại; Nếu chúng tôi đi tiếp, chúng tôi là những kẻ chiến thắng được bản thân mình. Điều này thực sự có ý nghĩa với tôi và các con.

Khi các con tôi ngồi đó và bắt đầu rớm nước mắt, tôi nói: "Hoặc con tiếp tục đi, hoặc ba sẽ ném thẳng con xuống cái vực kia". Và tôi hỏi: "Con chọn đi tiếp hay ngồi lại?" Và các con tôi đã chọn việc đi tiếp. Tôi chỉ cố dạy chúng tư duy giải quyết vấn đề, chúng tôi chỉ có 2 lựa chọn: đi thì sống, ở lại chúng tôi sẽ có thể chết vì đêm lạnh, không có nước mắt vì nó không giúp chúng tôi tồn tại”.

Bí quyết ‘dẫn đường’ của người cha

Chinh phục Fansipan với người lớn đã là một thử thách, với trẻ con càng khó khăn hơn. Lường trước được những khó khăn trên đường phượt, anh Cường đã lên kế hoạch rất kỹ, tính toán các rủi ro để đảm bảo an toàn cho hai con.


Dù trời mưa tầm tã…

Anh chia sẻ: “Tôi phân chia rủi ro của một chuyến đi rừng và sự chuẩn bị để tránh các rủi ro đó như sau:

- Rủi ro về lạc đường: bạn lạc đường do bạn ít biết thông tin và kỹ năng đi rừng. Tôi đã leo Fan một lần theo một tuyến đường khá khó khăn và ít người đi, tôi đã đọc tất cả thông tin liên quan đến nó: về địa hình, thời tiết, phong tục tập quán,… Tôi đã tổ chức các nhóm leo mấy đỉnh núi nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn không cần người dẫn đường, không người khuân vác. Tôi có các thiết bị hỗ trợ như la bàn, GPS,... Do đó, về cơ bản tôi không lo bị lạc đường. Trên thực tế, tôi đã lạc đường vài lần, nhịn đói 24h đồng hồ trong cái lạnh 5 độ C, dùng hết sức lực để bắt dê trên núi ăn, tôi có những sự sai lầm để đời giúp tôi không lặp lại các thất bại đó một lần nữa.

- Rủi ro về thiếu nước: mùa này mùa mưa nên rủi ro đó bị loại bỏ;

- Rủi ro về thiếu thức ăn: thông thường tuyến đường tôi và các con đi, người lớn leo 2 ngày 1 đêm. Tôi dự định 4 ngày 3 đêm. Còn thức ăn tôi chuẩn bị cho 5 ngày. Lúc xuống núi trong ngày thứ 5, tôi vẫn còn một số đồ hộp.

- Rủi ro về rét do mưa và lạnh: nhiệt độ trên Fan mùa này khoảng 10 độ C, ngày mưa và mù trời, do đó, tôi chuẩn bị đủ quần áo ấm cho 3 bố con, các loại áo thường phải kết hợp để giảm trọng lượng đồ mang theo: áo rét kiêm áo chống nước. Ở nhà, thậm chí tôi mang áo của cháu ra xả dưới vòi nước để kiểm tra.

Hai “phượt nhí” vẫn tự mình chinh phục từng đoạn đường.

- Rủi ro về bệnh tật như ốm hay đau bụng do điều kiện thời tiết hoặc thức ăn thay đổi mang lại: tôi mang đủ thức ăn và quần áo ấm để giúp thể lực các con tôi ở trạng thái tốt nhất, các loại thuốc cơ bản như đau bụng, tiêu chảy, hạ sốt, hạ đường huyết,... đều được chuẩn bị một cách kỹ càng.

- Rủi ro khác: địa hình từ độ cao 2.800 lên đến đỉnh rất hiểm trở trong điều kiện trời mưa, các chuyến đi trước sẽ giúp các cháu các kỹ năng leo trèo, giữ thăng bằng, bên cạnh đó, tôi giám sát chặt chẽ những lúc nguy hiểm. Tôi luôn đi trước khi leo xuống và ở đằng sau khi chúng leo lên. Có những đoạn, tôi phải kèm từng cháu qua một”.

Trước đó, anh Cường đã nhiều lần đưa các con đi phượt ở các cung đường ngắn hơn, cho các con chơi thể thao để chuẩn bị kỹ càng về thể lực.

26 thg 1, 2015

The Road Story Viet Nam


Tháng 9/2014, Georgy Tarasov cùng với anh trai của mình thực hiện một chuyến du lịch Việt Nam, 45 ngày khám phá tuyệt vời. "In Septemper 2014 my brother and me travelled Viet Nam, 45 days amazing advantudes".



25 thg 1, 2015

Review chuyến phượt Phan Thiết - Phan Rang - Đà Lạt xuất phát từ Sài Gòn: Phần 1 Con đường đầy nắng

Lang thang qua các diễn đàn phượt, thấy bài review chuyến phượt với cung đường Sài Gòn - Long Hải - Phan Thiết - Phan Rang - Đà Lạt hay hay, nên mình tổng hợp lại cho các bạn nào cần thông tin hay đang có dự định đi phượt cung đường Phan Thiết - Phan Rang - Đà Lạt thì tham khảo nhé.
Cung đường Phan Thiết - Phan Rang - Đà Lạt nắng và gió

Lộ trình phượt Phan Thiết - Phan Rang - Đà Lạt xuất phát từ Sài Gòn:

Ngày 1: Sài Gòn – Phan Thiết: 250km
+ Thưởng thức bánh canh Long Hương
+ Tham quan vườn Thanh Long
+ Tham quan hải đăng Kê Gà

Ngày 2: Phan Thiết – Phan Rang: 150km
+ Tham quan Thung lũng đỏ
+ Tham quan Bàu Trắng
+ Cánh đồng muối Cà Ná

Ngày 3: Phan Rang – Đà Lạt: 120km
+ Tham quan tháp chàm Poklong GaRai
+ Hồ Lâm Ra
+ Trại Cừu
+ Vuờn táo
+ Đèo Ngoạn Mục
+ Tham quan cánh đồng hoa cải
+ Chợ đêm Đà Lạt

Ngày 4: Đà Lạt – Sài Gòn: 290km
+ Tham quan thác Pongour

Tổng lộ trình: 810km

Tổng chi phí: 1.400.000đ / 1 người

Ngày 1: Sài Gòn – Phan Thiết: 250km


Cung đường từ Sài Gòn đi Phan Thiết đẹp nhất là đoạn ven biển từ Long Hải đi Phan Thiết, đi qua Bình Châu, La Gi có ngọn hải đăng Kê Gà nổi tiếng.

Điểm dừng chân đầu tiền là quán bánh canh Long Hương. Vì là quán ăn nổi tiếng ở Vũng Tàu, đi trúng dịp lễ nên rất đông. Theo như nhận xét của các thành viên thì cũng không thực sự ngon đặc biệt, được cái có cục giò to khủng bố, ăn 1 lần nhớ mãi về sau.

Tại thị xã Bà Rịa hiện có 2 tiêm bánh canh mà bạn có dịp đi ngang thì không thể không ghé vào. Đó là quán Thúy ở ngã ba Long Hương và quán Bánh Canh Long Hương tại cổng chào thị xã Bà Rịa. Bánh canh ăn ngon mà nấu đơn giản, chỉ cần ninh chân giò và xương ống cho ngọt nước lèo rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Nước lèo trong veo nhưng có vị ngọt đậm đà của xương và thịt. Sợi bánh được làm bằng bột gạo pha bột lọc để có độ dài và bột màu trắng trong. Bánh canh ăn kèm với gia sống , rau cần và các loại rau thơm khác. Giá đậu xanh chọn loại lùn, thân mập vừa giòn, lại có vị ngọt mát. Bánh canh có 3 món cho thực khách lựa chọn: giò ,nạc và que (que là xương ống có nhiều nạc).
Điểm khởi đầu Cung đường ven biển là Mộ Cô. Từ nơi đây, chúng tôi băng qua các khu Resort để đến với đèo Nước Ngọt, con đèo nhỏ của vùng đất nơi đây. 

Cung đường từ Mộ Cô đến Bình Châu có 1 đoạn, chúng tôi vẫn gọi đùa vui là con đường hoa đào nở, rợp 1 sắc xuân

Gần tới Hồ Linh, đoàn nghỉ ngơi và mần bữa trưa chống đói, những bữa ăn nhà bụi, pha lẫn nụ cười. Hội “Người già neo đơn” và Hội “Trẻ em nhí nhố”,…

Nên đi 1 hàng dài, không được vượt xe trước
Bình Thuận đang vào mùa thanh long, đi ngang qua đây bạn có thể ghé vào thăm các nhà vườn và thưởng thức những trái thanh long chín đỏ thơm ngọt.

Đến Bình Thuận, trên đường đi bạn nên ghé qua hải đăng Kê Gà, ngọn hải đăng được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam, nằm ở mũi Kê Gà, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.


Bạn có thể thuê thuyền đi ra khám phá ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam này. Nhóm 30 người thuê thuyền chỉ với giá 700k. Mình không biết giá này là cho một chuyến hay tính theo số lượng người.


Dưới ánh hoàng hôn... Cảm giác đứng ở mui thuyền, đón cái sóng, cái gió, và cái bồng bềnh của biển thật tuyệt. Người cứ lâng lâng, say sóng, hay vì say cảnh đẹp???

Kết thúc ngày đầu tiên, cung đường Sài Gòn - Long Hải - Kê Gà - Phan Thiết bằng bữa tối đạm bạc quay quần bên nhau.


còn tiếp ...

19 thg 1, 2015

'Phượt' để thể hiện cái tôi hay chơi dại?

Du lịch luôn là những gì mà những người trẻ muốn làm để không phí hoài thời thanh xuân của mình, nhưng đừng vì thế mà phí cả tương lai với những chuyến đi không chuẩn bị gì cả.

Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả Vũ Ngọc Anh. Sinh năm 1987, bị mắc bệnh xương thủy tinh, từng bị gãy xương đến 150 lần, Vũ Ngọc Anh là tác giả cuốn sách "Không thể vỡ", ghi lại hành trình vượt khó để tự lập và đi du lịch, khám phá nhiều vùng đất mới trên chiếc xe lăn.

Dạo gần đây, các bạn rất hay bắt gặp một vài hình ảnh kiểu như một anh chàng ăn mặc bụi bụi chở phía sau là một cô gái, sau xe máy là lỉnh kỉnh đồ đạc, xong lượn hết chỗ này đến chỗ khác, và càng nguy hiểm, càng đến những chỗ xa xôi thì “level” càng cao. Tất nhiên phải tuân theo những thứ mà tôi đọc được ở đâu đó như sau, không biết là đùa hay thật:

- Phải ăn mặc bụi bụi, quần áo phải là camo hoặc áo rằn ri. Đầu quấn khăn hoặc không, phải mặc áo Việt Nam. Các bạn cứ làm như nếu không mặc cờ đỏ sao vàng thì không ai biết bạn là người Việt Nam vậy.
- Không được phép ở khách sạn hay nhà nghỉ sang trọng, có ở thì chỉ được ở nhà nghỉ hoặc nhờ nhà dân, đỉnh cao là phải ngủ ở ngoài đường, với dù, bạt, lều...- Không được đi ăn nhà hàng, kể cả có tiền, phải mua bánh mì, lương khô mang theo.- Không như thế thì không phải dân phượt chuyên nghiệp.

Tôi không biết gì về phượt, không biết các "cung" này cung nọ, không biết thuật ngữ chuyên môn của các bạn, tôi không biết xế là gì ôm là gì đến khi tôi google ra một vài năm trước đây. Nhưng cái thời tôi biết đến phượt khác xa thời bây giờ nhiều quá, cái quy chuẩn phía trên làm tôi phải suy nghĩ nhiều quá. Thời đó tôi càng muốn đọc những review và cảm nhận của mỗi người bao nhiêu thì giờ có cảm giác ngược lại, hễ ai nói "tao đi phượt" là ghét và có ấn tượng không tốt. Phải chăng các bạn đã làm phượt mất chất? Cảm nhận của mỗi nơi đến thay bằng những tấm hình vô tri, hay "đã bỏ tiền vào chụp ảnh thì phá nát cũng được". Tôi biết, trong các bạn vẫn còn rất nhiều người đi để mở mang tầm mắt, học hỏi thêm nhiều thứ để trau dồi vốn sống của mình, nhưng những người như thế dần dần họ cũng chẳng tự nhận mình là dân phượt nữa. Những người như thế thì có được bao nhiêu?

 
Tác giả Vũ Ngọc Anh trong chuyến đi Cà Mau bằng xe lăn.

Các bạn đọc báo, nhất là 1-2 năm gân đây, tỉ lệ phượt xuống-suối-vàng được nhắc đến nhiều hơn, tôi cũng không biết đó là một "chấm" mới trong hành trình hay là điểm kết thúc nữa, nhưng chắc ai cũng nghe thấy vụ kiệt sức khi đi ở đâu đó dẫn đến tử vong, rồi rất nhiều tai nạn trên đường. Vậy các bạn đang làm gì? Các bạn đang đi để biết, hay đi để chết?

Tôi là một đứa đi không nhiều, nhưng đủ hiểu an toàn của bản thân cần thiết đến mức nào. Bạn mạnh mồm nói "Tớ lo được, tớ chạy cẩn thận, tớ đủ sức khỏe..." ôi tôi biết cái đó. Dịp gần đây, tôi và đứa em đi xe máy đến mội nơi mà tôi định hoàn thành nốt trong cuốn sách “Không thể vỡ 2” trước những ngày cuối cùng. Sau khi đọc xong các review về điểm đến, tôi thấy "đi được, chả có gì không đi được" nhưng đến tận nơi, tận mắt chứng kiến mọi thứ mới thấy phải-biết-lượng-sức-mình.

Phượt hiện giờ, thấy các bạn coi thường mạng sống quá, khi không có kiến thức sơ cứu hay xử lý sự cố khi tai nạn. Các bạn chỉ biết đi, đi để thích thú nhưng có thể ít người để ý đến những hệ quả đằng sau. Nhiều bạn đi phượt thì tự cho mình cái "oách" khi nói với người khác như thế, cứ như thể đi phượt để trải nghiệm cảm giác mạo hiểm.

Tôi quen một số người, ít nhất là người mà tôi biết đều có những kế hoạch và kiến thức cần thiết trước mỗi chuyến đi. Không phải như các bạn nói "xách đít lên và đi" như vậy nó mông lung và vô định lắm, người ta chuẩn bị về sức khỏe, về đồ đạc và cả về những trường hợp xấu nhất nữa. Bao nhiêu bạn trong đây đi phượt trong người mang theo một mảnh giấy ghi số điện thoại của người thân để chẳng may có việc gì thì người khác còn liên lạc về với gia đình? Một người anh mà tôi quen, có một chuyến đi dài dọc từ TP HCM – Hà Nội, Việt Nam tới Myanmar và quay ngược lại TP HCM. Theo dõi chuyến đi tôi thấy khác hẳn những gì các bạn hay đi phượt ở nhà, ông anh lên kế hoạch chi tiết đi tới đây sẽ làm gì, đi tới kia sẽ làm gì, ngoài việc tự sướng ra thì kế hoạch chi tiết cũng là một điều cần thiết trong các chuyến đi.

Không phải các bạn cứ ngồi lên xe, các bạn cứ cầm một cái gậy, là có thể leo núi được và chạy xe đường dài được. Vụ nhóm "phượt" núi Bà Đen và lạc, không xuống được phải gọi điện cầu cứu. Tự hỏi, do trưởng nhóm thiếu kinh nghiệm, tự tin thái quá, hay chỉ là một-nhóm-thích-đi-với-nhau? Phượt thủ gì khi trong tay không có một món đồ cứu hộ?

Ở Việt Nam, do môi trường giáo dục là bao bọc, cho nên những khóa học về sinh tồn trong những điều kiện khắc nghiệt là không có, nhưng với sự phát triển của mạng lưới viễn thông hiện nay, tôi cũng không hiểu tại sao còn có những bạn nhắm mắt mà đi như vậy. Đi, nhưng đi an toàn. Thế mới là đi các bạn ạ. Đọc đến đây, chắc kiểu gì cũng có bạn nói: Không mạo hiểm thì sao biết bản thân mình như thế nào. Okie, cái đó đồng ý, nhưng tất cả những thứ mạo hiểm của các bạn phải có một giới hạn.

Dù có gọi là gì, thì du lịch và trải nghiệm luôn là những gì mà những người trẻ muốn làm, họ muốn sống để không phí hoài thời thanh xuân của mình, nhưng cũng đừng vì thế mà phí cả tương lai phía trước với những chuyến đi không chuẩn bị gì cả. Tôi chưa bao giờ gọi chuyến đi của mình là Phượt, vì tôi không thích dùng từ đó. Tôi chưa đủ liều như các bạn khác để có thể đánh đổi số phận của mình vào những chuyến đi mà-tôi-chưa-sẵn-sàng, tôi ko đánh cược mạng sống, vài kinh nghiệm từ người đi trước sẽ cho tôi biết cần phải làm những gì đối với bản thân. Tôi đi không mặc đồ bụi bụi, tôi đi không mang lương khô và bánh mì, tôi đi không mang lều chõng, tôi đi không ngủ bờ ngủ bụi, tôi không phải là phượt thủ.

Tôi chỉ là một người thích-đi-lại.

Vũ Ngọc Anh
Zing News

21 thg 12, 2014

Phượt Vũng Tàu bằng xe máy cuối tháng 8 - Chuyến đi nhiều kỷ niệm

Tôi và đám bạn làm một chuyến phượt Vũng Tàu bằng xe máy dịp cuối tháng 8 vừa rồi. Đi Vũng Tàu đã nhiều, nhưng chuyến đi Vũng Tàu 2 ngày dịp cuối tuần này để lại nhiều ấn tượng nhất: vui nhất, khám phá nhiều nơi nhất.

Ngày thứ 1: Từ Tp HCM xuất phát đi Vũng Tàu

Xuất phát từ Sài Gòn - đảo Long Sơn - Vũng Tàu - Long Hải - Mộ Cô - bãi Đá Minh Đạm - núi Minh Đạm.

Chúng tôi hẹn nhau tại nhà thi đấu Phú Thọ (Q.10) và bắt đầu xuất phát đi Vũng Tàu lúc 5h sáng. Đi theo cung đường đã vạch sẵn chạy qua Hầm Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ - Phà Cát Lái - Nhơn Trạch Đồng Nai - QL 51 - Long Sơn - Vũng Tàu,  đi buổi sáng sớm nên khá lạnh (nên trang bị cho mình găng tay để vững tay lái hơn). Ưu điểm của cung đường này là ít xe tải, đường rộng, cảnh đẹp hơn, gần hơn so với quốc lộ 1A và đơn giản hơn là thích được đi phà.

Vì hầm Thủ Thiêm chỉ cho xe máy qua hầm từ 6h - 22h nên nếu bạn muốn đi đường này thì nên canh thời gian để được qua hầm, đường Mai Chí Thọ buổi sáng sớm chạy khá sướng vì đường rộng mà vắng xe. Đi sáng sớm nên của bọn chưa ăn gì, và quyết định sẽ ăn tạm chống đói lúc trên phà, ở 2 bên đường đoạn gần phà có rất nhiều quán ăn, xe bánh mì. Thế là đủ chống đói rồi.

Đoạn qua Nhơn Trạch - Đồng Nai khá vắng vẻ vì 2 bên đường toàn là cao su, đường cảnh đẹp nhưng nhiều đoạn có ổ voi, qua tới quốc lộ 51 thì đỡ hơn. Đến địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 7h30 và cả nhóm quyết định ghé vào Long Sơn ăn sáng và khám phá nơi đây trước khi đến Vũng Tàu.
Đường vào đảo Long Sơn - quốc lộ 51 quẹo trái
Cả nhóm chụp hình trên cầu đường vào đảo
Rừng ngập mặn ở Long Sơn nhìn từ cầu
Cổng chào thôn 5 xã Long Sơn
Có nhiều đồ ăn sáng và đặc sản mua làm quà cho bạn lựa chọn
Từ quốc lộ 51 quẹo trái đi khoảng 3km đến đảo Long Sơn. Ở khu chợ thôn 5 xã Long Sơn có bán nhiều món như bánh canh, hủ tíu,.... giá khoảng 20k/phần. Thưởng thức đồ ăn ngon ở đây xong bạn có thể chạy xe máy vòng quanh đảo. Vì không có nhiều thời gian nên mình chỉ chạy 1 vòng nhỏ mất khoảng 30 phút, quan cảnh ở đảo Long Sơn đẹp, bạn thoải thích chụp hình. Ở Long Sơn có rất nhiều nhà bè nuôi cá, bạn có thể thấy những nhà bè này khi chạy qua cầu Long Sơn trên đường đi Vũng Tàu.
Làng bè Long Sơn, xa xa là thành phố biển Vũng Tàu
Từ đây bạn chạy thẳng là đường Võ Nguyên Giáp quẹo phải là đến Vũng Tàu, 2 bên đường là rừng đước nhìn như cảnh sông nước miền Tây. Đoạn này có nhiều cảnh sát giao thông nên chú ý.

Chơi và khám phá Long Sơn nên nhóm đến Vũng Tàu tầm 10h sáng và quyết định ra bãi Sau đến khu Phan Văn Trị thuê phòng. Ban đầu quyết định thuê 2 phòng cho nam và nữ riêng nhưng cuối cùng nhóm quyết định thuê 1 phòng lớn 4 giường đôi (nam 2 giường, nữ 2 giường) với giá 1tr/đêm, tới 12h hôm sau trả phòng. Phòng thoáng mát, sạch đẹp. Bạn đi Vũng Tàu dịp cuối tuần mà không đặt phòng trước dễ xảy ra trường hợp không còn phòng và dễ bị chặt chém nên hãy tham khảo nhiều khách sạn, nhà nghĩ khác nhau để có cái giá hợp lí nhất.

Buổi trưa của nhóm khá đạm bạc với món cơm tấm. Vì mọi người đều hơi mệt nên ăn cho nhanh rồi về phòng nghỉ trưa.

Theo lịch trình đã lên từ trước buổi chiều ngày đầu sau khi đến Vũng Tàu nhóm sẽ đi Long Hải, đến Mộ Cô, bãi Đá Minh Đạm, leo núi Minh Đạm.
Chụp hình ở Bãi Đá Minh Đạm
Trước khi chinh phục núi Minh Đạm bạn nên mang theo chai nước, vì lên đó bạn sẽ đi bộ để đến nhà truyền thống hoặc thăm các di tích. Đường lên núi Minh Đạm khá dốc, và khi đi xuống bạn đừng nên về mo mà hãy chạy cầm chừng số 2 hoặc 3 ở những đoạn dốc lớn. 
Đường lên chiến khu xưa, đi theo đường mòn bên hông núi
Len lõi những ánh nắng sau tán cây rừng
Nhà tưởng niệm
Chụp ảnh kỷ niệm khi xuống núi
Về lại Vũng Tàu tầm 6h tối, cả nhóm đi tắm biển, trời đã tối nhưng vẫn rất đông mọi người tắm biển. Bạn có thể thưởng thức những món hải sản tươi ngon ngay tại đây như cái sòng nướng, bạch tuột nướng, tôm, ốc.... 

Lịch trình buổi tối ở Vũng Tàu: Nhóm đi ăn tối ở lẩu cá đuối 40 Trương Định, lẩu ở đây khá ngon và giá tương đối mềm với 1 lấu cá loại lớn tầm 210k. Kêu 2 lẩu lớn và pepsi, tổng kết tầm 600k cho nhóm 10 người ăn ngon và no.
Ăn hải sản đêm khuya ở bãi Sau - Đang ngồi chờ món
Buổi đêm ở Vũng Tàu bạn có nhiều sự lựa chọn như đi cafe, đi ăn đồ nướng ở bãi Sau, hay thuê xe đạp đôi đi 1 vòng bãi trước - bãi sau. Lưu ý khi đi dạo biển buổi tối ở Vũng Tàu và lúc ăn hải sản tại bãi biển bạn nên chú ý đến bóp tiền và điện thoại của mình. Vì biển Vũng Tàu buổi tối khá đông và khi bạn ngồi bàn ăn uống, có nhiều người đi ngang qua lại, có người giả vờ va chạm hay hỏi thăm này kia, những lúc đó bạn nên chú ý. Hải sản ở bãi biển cũng nhiều loại và giá cũng tương đối, bạn nên thử món cá hấp ngon mà lại rẻ.

Lịch trình ngày thứ 2 ở Vũng Tàu và về lại Sài Gòn

Ăn sáng - chụp hình ở công viên Bãi Trước - thăm quan ngọn Hải Đăng - chụp hình ở quảng trường - đi về ghé nhà thờ bãi Dâu - về Sài Gòn ghé vào bò sửa Long Thành.

Ăn sáng tại bánh khọt cây Vú Sữa địa chỉ 14 Nguyễn Trường Tộ. Vì là dip cuối tuần nên người đến ăn rất đông phải xếp hàng một lúc lâu mới có bàn. Nhưng bù lại ngoài sự mong đợi của bạn, bánh khọt ở đây rất ngon từ nước mắm cho đến rau, bánh. Nhưng giá cũng khá cao 1 dĩa 10 bánh giá 50k. Ở đối diện quán bánh khọt có tiệm bánh ngọt cũng ngon, bạn có thể mua về làm quà cũng rất ok.
Đang ngồi hóng bánh khọt
Nhóm chụp tại bãi trước
Vòi nước công cộng ở Bãi Trước
Biển Vũng Tàu nhìn từ ngọn hải đăng
Chụp hình kỷ niệm ở quảng trường tại Bãi Sau trước khi về Sài Gòn
Nhà thờ Bãi Dâu

Trên đường về lại Sài Gòn, nhóm còn ghé qua Trạm dừng chân bò sửa Long Thành để nghỉ ngơi, mua quà.

Nếu trong túi bạn không quá rủng rỉnh vẫn có thể làm một chuyến phượt Vũng Tàu bằng xe máy dịp cuối tuần với chi phí rẻ nhất. Mình chỉ mất tầm 600k cho tất cả các hoạt động như tiền xăng, ăn uống, thuê phòng.... với thời gian 2 ngày 1 đêm với rất nhiều điểm đến.

Ở bài viết này mình không liệt kê rỏ những địa điểm vui chơi, những nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ, khách sạn ở Vũng Tàu. Vì bài viết này mình chỉ kể lại những hoạt động của nhóm. Nếu bạn muốn thực hiện một chuyến phượt Vũng Tàu thì hãy xem qua bài viết này: Kinh nghiệm phượt Vũng Tàu bằng xe máy.