Bây giờ thì người Quảng Ngãi đã gần như thay thế người Hoa ở TPHCM với nghề bán hủ tiếu. Chỉ riêng xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã có hơn 2.819 nhân khẩu trong độ tuổi lao động rời quê đi làm ăn xa và hầu hết là vào TPHCM bán hủ tiếu. Hủ tiếu Sài Gòn “made in Quảng Ngãi” không còn vang lên những tiếng gõ lốc cốc mời gọi tha thiết buồn bã trong đêm vắng, nhưng phận người sau những tô hủ tiếu thì hình như sau bao nhiêu năm vẫn vậy…
Nhọc nhằn mưu sinh
Sang thu. Sài Gòn vẫn “chợt nắng chợt mưa” như cô gái đỏng đảnh. Nép dưới tấm bạt nylon nhỏ vừa đủ che chiếc xe hủ tiếu nằm trên đường Lê Văn Lương, anh Nguyễn Văn Chức (quê ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cứ thẫn thờ nhìn mưa rơi. Khách qua đường thưa thớt, đường phố dần vắng người. Những chân giò, thịt heo, bò viên, mì sợi, hủ tiếu sợi… trị giá gần 1 triệu đồng nằm yên trong tủ kính với nguy cơ bị ôi thiu phải đổ bỏ, nếu mưa kéo dài. Anh kể chuyện với giọng điệu chậm rãi, rì rầm trong tiếng mưa: “Ở quê, cuộc sống của vợ chồng tui cùng với 2 con chỉ trông chờ vào khoản thu từ 4 sào ruộng bạc màu, nhưng không đủ chi tiêu trong gia đình. Những lúc nông nhàn, tui đi làm thợ xây dựng, nhưng “làm nhiều hơn chơi” nên khoản thu nhập chẳng đáng là bao, không đủ lo cho con ăn học. Thế là tui đành phải khăn gói rời quê tìm kế mưu sinh bằng việc rong ruổi đẩy xe bán hủ tiếu trên đất Sài Gòn”.5h sáng, anh vội vã rời phòng trọ với chiếc xe máy cũ, vượt hơn 10km đến chợ đầu mối Bình Điền để mua thực phẩm rồi trở về xào, nấu đến 13h. Sau đó, anh vội ăn bát cơm lót dạ rồi đẩy xe hủ tiếu đi bán đến hơn 23h đêm mới trở về, khi cơ thể rã rời. Mỗi ngày - đêm bán hết hàng, anh kiếm được khoảng 400.000 đồng - khoản tiền khá lớn đối với người dân nghèo. “Lúc nào tui cũng mong trời đừng mưa, chứ như hôm nay thì chắc lỗ vốn. Khi đông khách đến ăn hủ tiếu, mệt nhưng mà vui, vì không có thời gian để buồn. Có lẽ giờ này ở quê, các con tui đang dầm mưa cuốc bộ từ trường về nhà… Thương, nhớ chúng lắm nhưng thôi, ráng chịu đựng để có tiền lo cho chúng ăn học nên người” - anh Chức tâm sự.
Mưa thôi rơi khi phố phường đã lên đèn. Anh Bùi Nhật Thọ khá bận rộn, luôn tay múc hủ tiếu ra tô, mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt gầy thiếu ngủ. Anh trai của Thọ là Bùi Nhật Thuật cứ lăng xăng bê hủ tiếu phục vụ khách, thu dọn bàn, rửa tô… Anh Thuật ái ngại: “Đồng hương thông cảm chờ xíu nha. Bây giờ thì làm không kịp, chứ lát nữa chẳng có khách đến ăn…”. Rời quân ngũ, anh Thuật sánh duyên với cô thôn nữ cùng làng. Không việc làm, vợ chồng anh vay mượn người thân ít vốn rồi đưa nhau vào TPHCM bán hủ tiếu gõ. Giờ thì anh cùng với em trai nhọc nhằn mưu sinh cùng với chiếc xe bán hủ tiếu trong hẻm nhỏ trên đường Hoàng Sa. Vợ anh cùng với người em hiện đang rong ruổi bán hủ tiếu tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An) để trông nom hai con ăn học, vì “học ở TPHCM rất tốn kém, buôn bán như tụi tui làm sao lo nổi?”. Đường phố vắng người khi kim đồng hồ chỉ gần 1h sáng. Anh Thuật cùng với em trai vội thu dọn bàn ghế và rửa tô đĩa, rồi đẩy xe hủ tiếu về nơi ở trọ cách đấy hơn 3km. Căn phòng tối om, vừa đủ chen chiếc xe hủ tiếu cùng với chiếc võng xếp trên nền bêtông ẩm ướt. “Dân bán hủ tiếu như tụi tui có được nơi trọ như thế này là sướng lắm rồi. Chỉ cần nghỉ qua đêm rồi mai lại lo đi bán, chứ đâu ở nhiều mà mướn phòng rộng rãi cho tốn kém” - anh Thọ nói. Anh Thuật mặc vội chiếc áo khoác cũ rồi dắt xe máy hoen gỉ ra đầu hẻm để vượt hơn 30km về tận Bến Lức trong đêm khuya vắng. Sáng hôm sau, anh cùng vợ đến chợ mua chân giò, thịt lợn về ninh nhừ rồi cho vào xô nhựa mang lên TPHCM, bắt đầu một ngày mới. “Ở dưới đó thịt rẻ hơn nên tiết kiệm thêm được ít tiền. Với lại về dưới để trông thấy các con cho đỡ nhớ, dù lúc này tụi nó đã ngủ say”.
Món ăn của người nghèo
Hủ tiếu là món ăn bình dân với những loại thực phẩm chủ yếu là sợi hủ tiếu được chế biến từ bột gạo, nước lèo, giá đỗ, hẹ, chân giò, xương và thịt heo… cùng với các loại gia vị. Giá mỗi tô từ 10.000 - 15.000 đồng, phần lớn thực khách là những người dân lao động nghèo. Thuở trước, người bán hủ tiếu phải dùng hai thanh tre luôn tay gõ lốc cốc thay cho lời mời gọi, chân luôn rảo bước qua những hẻm nhỏ. Nhưng cách đây hơn chục năm, Sài Gòn đã vắng dần những tiếng gõ thân thương ấy do người bán ở vị trí cố định, không còn lang thang như trước. Họ chọn những con hẻm nhỏ để bán như muốn khép mình giữa phố phường náo nhiệt. “Dù lãi có ít đi nữa thì tụi tui vẫn luôn mua thực phẩm tươi ngon để nấu và bán cho khách. Không bao giờ có chuyện dùng chuột cống nấu nước lèo như một vài trang mạng đã từng loan tin giật gân…” - anh Thọ khẳng định.Trên những chiếc ghế nhựa cũ và chiếc bàn cao hơn đầu gối, những thực khách cúi người xì xụp bên tô hủ tiếu nóng bốc khói dưới ánh đèn vàng. Họ dùng khăn giấy lau vội mồ hôi đang rịn trên trán, gương mặt rạng lên sau những giờ lao động nặng nhọc. “Tôi quê ở Bến Tre, lên TPHCM làm nghề thợ hồ gần 10 năm và thường ghé lại đây ăn hủ tiếu gõ. Món này rẻ mà ngon và no bụng. Cứ vài bữa không ăn lại thấy nhớ” - anh Lê Quang Thanh nói. Khách hàng của anh Chức hầu hết là sinh viên và công nhân nên mức giá cũng rẻ hơn những món ăn khác. Nhiều lúc anh phải bán nợ đến tháng mới lấy tiền. Thỉnh thoảng, anh lại cho sinh viên mượn tiền đóng học phí, mua tài liệu học tập “vì gia đình chưa kịp gửi lên”. Nhiều sinh viên sau khi ra trường, có việc làm ổn định luôn quay lại thăm hỏi anh như người thân trong gia đình. “Nghĩ cũng tội, họ cũng nghèo như mình nên mới ăn hủ tiếu, mà nếu lấy nhiều thì tiền đâu họ ăn? Và lúc đó thì mình bán cho ai?”.
Gần 1 giờ sáng, anh Thọ cùng với anh Thuật vội thu dọn hàng để đẩy xe hủ tiếu về phòng trọ
Quả ngọt
Trở lại với chuyện xã “tha hương” Phổ Cường với hơn 2.819 nhân khẩu trong độ tuổi lao động rời quê đi làm ăn xa, chiếm gần 40% so với số lao động trong toàn xã và hầu hết vào TPHCM bán hủ tiếu. Ông Bùi Văn Chuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường - cho biết: Nghề hủ tiếu gõ “gắn bó” cùng người dân Phổ Cường bắt đầu vào năm 1967 - thời điểm có nhiều thanh niên rời làng quê tránh bom đạn chiến tranh. Ban đầu, họ bán hủ tiếu thuê cho người Hoa định cư tại Sài Gòn, rồi học được cách thức chế biến và mở ra bán riêng. Vì không đủ vốn để mở hàng quán nên họ phải đóng xe hủ tiếu bán rong qua từng con phố nhỏ. Theo chân người dân ở Phổ Cường, nhiều người khắp các vùng quê ở Quảng Ngãi lên phố mưu sinh bằng việc bán hủ tiếu, vì kiếm được khoản lời cao hơn so với nhiều mặt hàng khác. Chồng chết sớm, bà Ngô Thị Lấm phải chạy ăn từng bữa nuôi 4 con thơ dại. Dầu dãi nắng dầm sương trên ruộng đồng, nhưng cuộc sống vẫn cứ khốn khó vây quanh. Thế rồi bà chạy vạy vay mượn tiền của anh em họ hàng, dắt con vào TPHCM bán hủ tiếu. Sau gần 20 năm “biệt xứ”, bà đã lo cho các con tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đã có việc làm ổn định. “Nhiều lúc vắng khách, nghĩ phận mình cơ cực, nước mắt cứ chảy dài. Nhưng cũng nhờ xe hủ tiếu mà tui nuôi được 4 đứa con ăn học nên người, nên cũng mãn nguyện…” - bà bộc bạch.Anh Võ Dương, với thâm niên 11 năm bán hủ tiếu gõ ở TPHCM, bùi ngùi nhớ lại: “Vợ chồng tui phải trải manh chiếu dưới hiên nhà ven đường gần nơi bán cho đứa con đầu lòng chưa đầy tuổi ngủ tạm. Nhiều người dân chung quanh thương tình mua chăn, màn đắp cho cháu. Họ còn ăn hủ tiếu để ủng hộ vợ chồng tui bán xong sớm mà bồng con về phòng trọ…”. Sau những tháng ngày cơ cực nơi đất khách, vợ chồng anh Võ Dương dành dụm được hơn 5 cây vàng làm vốn về quê mở cửa hiệu bán tạp hóa. Nhờ khoản vốn ban đầu ấy mà hiện anh chị đang sở hữu cửa hiệu tạp hóa lớn nhất xã Phổ Cường cùng với căn nhà 3 tầng trị giá trên 1,5 tỉ đồng.
Và cuộc sống tha hương với nghề bán hủ tiếu của người dân Phổ Cường đã cho không ít quả ngọt, khi đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của vợ chồng anh Thuật cùng với hai người em trai đã giúp cha mẹ sửa chữa nhà và mua sắm nhiều vật dụng trong gia đình. Anh nhẩm tính: “Chịu khó buôn bán thêm vài năm nữa thì vợ chồng tôi cũng dành dụm đủ tiền để về quê mua đất, xây nhà ra ở riêng. Tuy lãi không nhiều, nhưng nếu biết tính toán chi tiêu thì cũng tạm ổn. Nhiều người ở quê nhờ bán hủ tiếu mà xây nhà và cho con ăn học đến đại học, cao đẳng…” - anh nói.
Thứ năm, 30.10.2014
Nguồn Báo Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét