Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũng Tàu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũng Tàu. Hiển thị tất cả bài đăng

28 thg 1, 2015

Bữa ăn 22 triệu: Đừng ngại mặc cả khi đi du lịch Vũng Tàu

Phần đông ý kiến của độc giả đều cho rằng cần xử phạt thật nặng, hoặc nên xem xét rút giấy phép kinh doanh những hàng quán làm xấu mặt du lịch Việt như quán Hào Long Sơn.

 

Nội dung chính:

- Qua bài báo về việc du khách Nhật Bản bị "chém" tới 22 triệu cho 1 bữa ăn tại Vũng Tàu, nhiều người cũng phản ánh việc mình cũng từng là nạn nhân của những quán ăn như vậy.
- Một số độc giả có kinh nghiệm chia sẻ cách để tránh khỏi bị "chặt chém" khi đi du lịch.

Nhiều người từng là nạn nhân

Không chỉ riêng chị Lê Thị Hồng Thanh và người bạn Nhật Bản đến quán Hào Long Sơn (số 94 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu) ăn một bữa hết 2,2 triệu đồng bị tính tới… 22 triệu, mà nhiều người cho biết họ cũng từng bị "chém".

Độc giả tên Huỳnh cho biết, bản thân cũng từng là nạn nhân của quán này khi còn tên Hương Việt vào tháng 6/2014. “Tôi đi du lịch thì được người chở xích lô quảng cáo là quán hải sản tươi ngon và rẻ nhất ở Vũng Tàu. Với thực đơn 2 con ghẹ, 8 con tôm sú và nửa con mực một nắng, 2 chai nước ngọt, tất cả có giá 1,46 triệu đồng, trong khi giá trong hoá đơn ghi từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg".

Một số độc giả chia sẻ họ từng là nạn nhân của quán ăn này. Ảnh: Người Lao động.

Còn độc giả Nguyễn Hoàng Trọng kể lại, chỉ có 2 con ghẹ hấp và 4 con tôm nướng bằng ngón tay cái, thêm một đĩa ốc hương nhỏ… anh từng bị quán "chém" gần 2 triệu. “Nếu chừng đó thứ tôi ăn ở Huế không quá 500.000 đồng. Sau đó, tôi mới biết tài xế taxi chở vào quán này thường được trích 50% tiền khách ăn”, độc giả này viết.

Không riêng gì sự việc ở quán Hào Long Sơn (Vũng Tàu), nhiều du khách cũng từng bị “chặt chém” khi ghé các cửa hàng. Đầu tháng 10/2014, chị Thảo cho biết cùng đồng nghiệp đi thăm người thân tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Cả nhóm vào một cửa hàng gần biển để uống nước dừa. Chủ quán sau đó yêu cầu họ thanh toán 200.000 đồng cho một cốc nước dừa với lý do cửa hàng đã chặt 4 quả dừa.

Không đồng tình, chị Thảo đã liên lạc với lãnh đạo UBND thị xã Sầm Sơn qua đường dây nóng. Đội kiểm tra liên ngành đã xuống cơ sở kinh doanh xác minh thông tin và lập biên bản phạt chủ cơ sở này 12,5 triệu đồng (gấp trên 60 lần).

Tương tự trong năm 2013, tại khu vực phố cổ Hà Nội, bằng việc đặt đôi quang gánh, đội chiếc nón lá lên đầu để chụp ảnh lưu niệm, rồi bán 3 quả dứa, bà Lê Thị Sinh đã bắt chẹt hai du khách người Đức phải trả số tiền 840.000 đồng. Còn trong năm 2014, một du khách quốc tịch Australia, cùng hai con nhỏ lên một chiếc xích lô đi từ Lăng Bác về Nhà hát múa rối Thăng Long trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) với thỏa thuận 70.000 đồng cho quãng đường dài 5 km. Tuy nhiên, khi tới nơi, tài xế xích lô đã lấy của du khách 1,3 triệu đồng.

Mẹo để không bị “chặt chém”

Là người thường xuyên đi du lịch, độc giả có nickname Vicky Bùi cho rằng mọi người nếu muốn thuê xe du lịch tại các thành phố thì nhớ thỏa thuận với tài xế trước. Nếu du khách thuê xe máy để tham quan trong địa phương hãy nhớ mặc cả thật rõ ràng.

Cẩn thận hơn, du khách có thể viết giấy cho chủ phương tiện ký tên để tránh phiền phức khi thanh toán (đồng thời tránh trường hợp đang di chuyển bị công an giữ lại). “Với các nhà nghỉ để tránh tình trạng bị các chủ nhà nghỉ hét giá “ngất ngưởng”, bạn nên tìm hiểu giá phòng khách sạn trước trên các trang mạng online.

Nhiều nhà nghỉ, quán ăn gắn “mác bình dân” nhưng giá tiền thì rất “đại gia”, nên đừng quá ngần ngại khi vào khách sạn, quán ăn sang trọng một chút nhưng giá ổn định và phục vụ tốt”, bạn đọc Bùi chia sẻ. Còn anh Nguyễn Xuân Minh, một hướng dẫn viên du lịch, tư vấn, du khách có thể hỏi lễ tân khách sạn một số quán ăn trong thành phố. “Thường các quán ăn ở gần khu du lịch xác định không cần giữ chân khách nên thường “chém” khách mạnh tay, còn các quán ở xa khu du lịch thì giá ổn định hơn nhiều”.

Để tránh bị "chặt chém" du khách hãy hỏi giá trước.

Trong chia sẻ nhận được nhiều lượt thích (like) của độc giả Trần Phong, bạn này nhấn mạnh khi đi du lịch mọi người đừng chứng tỏ mình là khách du lịch. Bởi điều này không làm du khách “oách” hơn mà chỉ khiến dễ bị chú ý và trở thành nạn nhân bị “chặt chém”.

“Chúng ta nên giành thời gian tìm hiểu để biết rõ hơn nơi mình đến. Nếu bạn muốn mua hải sản nên tìm đến tận chợ lớn và thuê chế biến tại chỗ. Điều quan trọng là bạn muốn mua gì, đi gì, ăn gì đừng ngần ngại hỏi trước giá”.

21 thg 12, 2014

Phượt Vũng Tàu bằng xe máy cuối tháng 8 - Chuyến đi nhiều kỷ niệm

Tôi và đám bạn làm một chuyến phượt Vũng Tàu bằng xe máy dịp cuối tháng 8 vừa rồi. Đi Vũng Tàu đã nhiều, nhưng chuyến đi Vũng Tàu 2 ngày dịp cuối tuần này để lại nhiều ấn tượng nhất: vui nhất, khám phá nhiều nơi nhất.

Ngày thứ 1: Từ Tp HCM xuất phát đi Vũng Tàu

Xuất phát từ Sài Gòn - đảo Long Sơn - Vũng Tàu - Long Hải - Mộ Cô - bãi Đá Minh Đạm - núi Minh Đạm.

Chúng tôi hẹn nhau tại nhà thi đấu Phú Thọ (Q.10) và bắt đầu xuất phát đi Vũng Tàu lúc 5h sáng. Đi theo cung đường đã vạch sẵn chạy qua Hầm Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ - Phà Cát Lái - Nhơn Trạch Đồng Nai - QL 51 - Long Sơn - Vũng Tàu,  đi buổi sáng sớm nên khá lạnh (nên trang bị cho mình găng tay để vững tay lái hơn). Ưu điểm của cung đường này là ít xe tải, đường rộng, cảnh đẹp hơn, gần hơn so với quốc lộ 1A và đơn giản hơn là thích được đi phà.

Vì hầm Thủ Thiêm chỉ cho xe máy qua hầm từ 6h - 22h nên nếu bạn muốn đi đường này thì nên canh thời gian để được qua hầm, đường Mai Chí Thọ buổi sáng sớm chạy khá sướng vì đường rộng mà vắng xe. Đi sáng sớm nên của bọn chưa ăn gì, và quyết định sẽ ăn tạm chống đói lúc trên phà, ở 2 bên đường đoạn gần phà có rất nhiều quán ăn, xe bánh mì. Thế là đủ chống đói rồi.

Đoạn qua Nhơn Trạch - Đồng Nai khá vắng vẻ vì 2 bên đường toàn là cao su, đường cảnh đẹp nhưng nhiều đoạn có ổ voi, qua tới quốc lộ 51 thì đỡ hơn. Đến địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 7h30 và cả nhóm quyết định ghé vào Long Sơn ăn sáng và khám phá nơi đây trước khi đến Vũng Tàu.
Đường vào đảo Long Sơn - quốc lộ 51 quẹo trái
Cả nhóm chụp hình trên cầu đường vào đảo
Rừng ngập mặn ở Long Sơn nhìn từ cầu
Cổng chào thôn 5 xã Long Sơn
Có nhiều đồ ăn sáng và đặc sản mua làm quà cho bạn lựa chọn
Từ quốc lộ 51 quẹo trái đi khoảng 3km đến đảo Long Sơn. Ở khu chợ thôn 5 xã Long Sơn có bán nhiều món như bánh canh, hủ tíu,.... giá khoảng 20k/phần. Thưởng thức đồ ăn ngon ở đây xong bạn có thể chạy xe máy vòng quanh đảo. Vì không có nhiều thời gian nên mình chỉ chạy 1 vòng nhỏ mất khoảng 30 phút, quan cảnh ở đảo Long Sơn đẹp, bạn thoải thích chụp hình. Ở Long Sơn có rất nhiều nhà bè nuôi cá, bạn có thể thấy những nhà bè này khi chạy qua cầu Long Sơn trên đường đi Vũng Tàu.
Làng bè Long Sơn, xa xa là thành phố biển Vũng Tàu
Từ đây bạn chạy thẳng là đường Võ Nguyên Giáp quẹo phải là đến Vũng Tàu, 2 bên đường là rừng đước nhìn như cảnh sông nước miền Tây. Đoạn này có nhiều cảnh sát giao thông nên chú ý.

Chơi và khám phá Long Sơn nên nhóm đến Vũng Tàu tầm 10h sáng và quyết định ra bãi Sau đến khu Phan Văn Trị thuê phòng. Ban đầu quyết định thuê 2 phòng cho nam và nữ riêng nhưng cuối cùng nhóm quyết định thuê 1 phòng lớn 4 giường đôi (nam 2 giường, nữ 2 giường) với giá 1tr/đêm, tới 12h hôm sau trả phòng. Phòng thoáng mát, sạch đẹp. Bạn đi Vũng Tàu dịp cuối tuần mà không đặt phòng trước dễ xảy ra trường hợp không còn phòng và dễ bị chặt chém nên hãy tham khảo nhiều khách sạn, nhà nghĩ khác nhau để có cái giá hợp lí nhất.

Buổi trưa của nhóm khá đạm bạc với món cơm tấm. Vì mọi người đều hơi mệt nên ăn cho nhanh rồi về phòng nghỉ trưa.

Theo lịch trình đã lên từ trước buổi chiều ngày đầu sau khi đến Vũng Tàu nhóm sẽ đi Long Hải, đến Mộ Cô, bãi Đá Minh Đạm, leo núi Minh Đạm.
Chụp hình ở Bãi Đá Minh Đạm
Trước khi chinh phục núi Minh Đạm bạn nên mang theo chai nước, vì lên đó bạn sẽ đi bộ để đến nhà truyền thống hoặc thăm các di tích. Đường lên núi Minh Đạm khá dốc, và khi đi xuống bạn đừng nên về mo mà hãy chạy cầm chừng số 2 hoặc 3 ở những đoạn dốc lớn. 
Đường lên chiến khu xưa, đi theo đường mòn bên hông núi
Len lõi những ánh nắng sau tán cây rừng
Nhà tưởng niệm
Chụp ảnh kỷ niệm khi xuống núi
Về lại Vũng Tàu tầm 6h tối, cả nhóm đi tắm biển, trời đã tối nhưng vẫn rất đông mọi người tắm biển. Bạn có thể thưởng thức những món hải sản tươi ngon ngay tại đây như cái sòng nướng, bạch tuột nướng, tôm, ốc.... 

Lịch trình buổi tối ở Vũng Tàu: Nhóm đi ăn tối ở lẩu cá đuối 40 Trương Định, lẩu ở đây khá ngon và giá tương đối mềm với 1 lấu cá loại lớn tầm 210k. Kêu 2 lẩu lớn và pepsi, tổng kết tầm 600k cho nhóm 10 người ăn ngon và no.
Ăn hải sản đêm khuya ở bãi Sau - Đang ngồi chờ món
Buổi đêm ở Vũng Tàu bạn có nhiều sự lựa chọn như đi cafe, đi ăn đồ nướng ở bãi Sau, hay thuê xe đạp đôi đi 1 vòng bãi trước - bãi sau. Lưu ý khi đi dạo biển buổi tối ở Vũng Tàu và lúc ăn hải sản tại bãi biển bạn nên chú ý đến bóp tiền và điện thoại của mình. Vì biển Vũng Tàu buổi tối khá đông và khi bạn ngồi bàn ăn uống, có nhiều người đi ngang qua lại, có người giả vờ va chạm hay hỏi thăm này kia, những lúc đó bạn nên chú ý. Hải sản ở bãi biển cũng nhiều loại và giá cũng tương đối, bạn nên thử món cá hấp ngon mà lại rẻ.

Lịch trình ngày thứ 2 ở Vũng Tàu và về lại Sài Gòn

Ăn sáng - chụp hình ở công viên Bãi Trước - thăm quan ngọn Hải Đăng - chụp hình ở quảng trường - đi về ghé nhà thờ bãi Dâu - về Sài Gòn ghé vào bò sửa Long Thành.

Ăn sáng tại bánh khọt cây Vú Sữa địa chỉ 14 Nguyễn Trường Tộ. Vì là dip cuối tuần nên người đến ăn rất đông phải xếp hàng một lúc lâu mới có bàn. Nhưng bù lại ngoài sự mong đợi của bạn, bánh khọt ở đây rất ngon từ nước mắm cho đến rau, bánh. Nhưng giá cũng khá cao 1 dĩa 10 bánh giá 50k. Ở đối diện quán bánh khọt có tiệm bánh ngọt cũng ngon, bạn có thể mua về làm quà cũng rất ok.
Đang ngồi hóng bánh khọt
Nhóm chụp tại bãi trước
Vòi nước công cộng ở Bãi Trước
Biển Vũng Tàu nhìn từ ngọn hải đăng
Chụp hình kỷ niệm ở quảng trường tại Bãi Sau trước khi về Sài Gòn
Nhà thờ Bãi Dâu

Trên đường về lại Sài Gòn, nhóm còn ghé qua Trạm dừng chân bò sửa Long Thành để nghỉ ngơi, mua quà.

Nếu trong túi bạn không quá rủng rỉnh vẫn có thể làm một chuyến phượt Vũng Tàu bằng xe máy dịp cuối tuần với chi phí rẻ nhất. Mình chỉ mất tầm 600k cho tất cả các hoạt động như tiền xăng, ăn uống, thuê phòng.... với thời gian 2 ngày 1 đêm với rất nhiều điểm đến.

Ở bài viết này mình không liệt kê rỏ những địa điểm vui chơi, những nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ, khách sạn ở Vũng Tàu. Vì bài viết này mình chỉ kể lại những hoạt động của nhóm. Nếu bạn muốn thực hiện một chuyến phượt Vũng Tàu thì hãy xem qua bài viết này: Kinh nghiệm phượt Vũng Tàu bằng xe máy.

13 thg 8, 2014

Đến Vũng Tàu đừng quên Bánh Canh Long Hương

Đối với những du khách đã từng đi du lịch Vũng Tàu thì có lẽ cái tên Bánh Canh Long Hương đã trở thành một địa chỉ ẩm thực quá quen thuộc trên đường từ Vũng Tàu về Sài Gòn.
Quán nằm ngay cổng chào Thành phố Bà Rịa, phía tay phải nếu đi từ hướng Vũng Tàu đến. Với thiết kế trang nhã sạch sẽ, không gian thoáng mát, có chỗ đậu xe hơi, cùng một lúc có thể phục vụ hàng trăm thực khách, rất thuận tiện cho các khách đoàn và du khách trong cũng như ngoài tỉnh. Với món bánh canh đã có tiếng từ hơn chục năm qua, do Quán nằm ngay ngã ba phường Long Hương nên mới có tên gọi Bánh Canh Long Hương, không chỉ gần gũi với người dân nơi đây mà còn là một trong những đặc sản của Bà Rịa – Vũng Tàu khi du khách ngoài tỉnh có dịp ghé thăm Thành phố biển.


Tuy là món ăn nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước nhưng bánh canh Long Hương lại có thành phần và cách chế biến khá đơn giản với sợi bánh, thịt heo và nước dùng… Điều khác biệt mà thực khách có thể nhận thấy đầu tiên chính là sợi bánh. Không làm bằng bột gạo như món bánh canh thông thường của người miền Nam, sợi bánh canh ở đây được chế biến hoàn toàn bằng bột lọc nên thường có màu trắng đục, mềm nhưng dai và không bị bở hoặc gãy nát.


Để có được tô bánh canh nóng hổi, thơm phức, nước lèo trong vắt mà có vị ngọt đậm đà, sợi bánh canh trắng trong, dai dai, miếng giò heo có độ mềm vừa ăn, kèm với nhiều loại rau sống và gia vị khác làm nên hương vị đặc trưng của món bánh canh Long Hương, cô Năm Bắc – chủ Quán Bánh Canh Long Hương cho biết: “Cách thức chế biến bánh canh khá đơn giản, chỉ cần ninh chân giò và xương ống cho ngọt nước lèo rồi nêm gia vị cho vừa miệng.


Nguyên liệu ăn kèm món bánh canh là thịt heo với các thành phần như giò, thịt nạc hoặc que nạc (phần xương thanh mảnh gần xương ống với nhiều thịt bao quanh). Tùy sở thích mà người dùng có thể lựa chọn một bát bánh canh giò heo, thịt nạc hay que nạc… hoặc có thể gọi tổng hợp cả 3 món để ăn cùng nếu thích. Bên cạnh đó, để tránh cảm giác ngấy cho thực khách, món bánh canh ở đây luôn được dọn kèm với một đĩa rau sống tươi ngon cùng chén nước chấm đậm đà làm tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn quen thuộc này.


Để giữ chân khách du lịch Vũng Tàu, ngoài bí quyết nấu ăn ngon & giá cả hợp lý, đội ngũ nhân viên quán luôn phục vụ tận tình, chu đáo, đem lại sự hài lòng nhất cho thực khách.


Tọa lạc một vị trí thuận tiện, Quán Bánh Canh Long Hương đã trở thành địa chỉ quen thuộc và gần gũi trong những cuộc hành trình khám phá thành phố biển xinh đẹp. Để rồi mỗi khi đi du lich Vung Tau hoặc trên đường trở về nhà, ai cũng muốn dừng chân để được thưởng thức bát bánh canh nóng hổi, thơm ngon bên cạnh đĩa rau sống xanh mướt đầy hấp dẫn.

26 thg 7, 2014

Kinh nghiệm đi du lịch bụi, phượt Vũng Tàu bằng xe máy

Vũng Tàu là điểm du lịch đổi gió cuối tuần không còn xa lạ với dân Sài Gòn và các tỉnh lận cận. Đây là điểm đến hấp dẫn ngắn ngày cho bạn và gia đình.


Nếu như bạn không có thời gian cho những chuyến phượt dài ngày thì Vũng Tàu là một lựa chon hợp lý cho kỳ nghỉ cuối tuần của bạn…Là một con dân thành phố Vũng Tàu đang học tập và làm việc tại Sài Gòn, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm khi đi du lịch tại Thành phố biển Vũng Tàu.

1. Phương tiện đi lại:

Xe máy:

Khoảng cách từ Sài Gòn tới Vũng Tàu là 125km, các bạn có thể tới Vũng Tàu trong khoảng 2,5 cho tới 3 tiếng đi xe máy. Có 2 tuyến đường dành cho các bạn:

Đi theo quốc lộ 1A qua cầu Đồng Nai chạy thẳng khoảng 30km thì sẽ gặp bùng binh (người ta hay gọi là ngã 4 Vũng Tàu trước kia là ngã 3 Vũng Tàu) đến đây bạn rẽ phải sẽ đi quốc lộ 51 đi thẳng hoài khoảng hơn 100km là đến Tp Vũng Tàu.

Không đi theo quốc lộ 1A bạn có thể đi phà Cát Lái (Q.2 TPHCM) đi qua Nhơn Trạch (Đồng Nai) đi thẳng bạn sẽ ra quốc lộ 51 sau đó rẽ phải đi gần 100km sẽ tới Tp Vũng Tàu. Đi đường này thì đường có xấu hơn 1 tí nhưng bù lại là rút ngắn đoạn đường đi khoảng 20km.

Xe khách:

Có rất nhiều lựa chọn dành cho các bạn, hầu hết các hãng xe đều có giá và chất lượng ngang nhau khoảng từ 95k cho tới 115k, các bạn có thể thoải mái lựa chọn hãng xe cho mình, tuy nhiên chỉ nên chọn những hãng xe có uy tín, không nên đi xe dù sẽ bị ép giá, nhồi nhét hoặc sang khách, đón khách lung tung, vừa mất thời gian vừa mệt.

Xe khách cũng có 2 tuyến đường cho bạn lựa chọn đi tuyến thường khoảng 2h30p, hoặc đi tuyến đường cao tốc mất khoảng 1h30 (giá vé nhỉnh hơn đôi chút) tuy nhiên sẽ tiết kiệm được một tiếng cho các bạn. Các bạn muốn đi tuyến cao tốc phải đi vào bến xe Bến Thành, còn đi tuyến thường các bạn sẽ đi ở bến xe Miền Đông hay bến xe Bến Thành đều được.

Sau đây là một vài hãng xe uy tín tôi đã từng đi thử:

- Xe Kumho

Tuyến Sài Gòn – Vũng Tàu là xe 16 chổ ( khoảng 5 - 10 phút có 1 chuyến )

Khởi hành từ bến xe miền Đông và dừng bến xe Vũng Tàu.

Địa chỉ: 292 Đinh Bộ Lĩnh , P.26, Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh

ĐT: (08) 35116861

- Xe Hoa Mai

Xe 14 chổ ( khoảng 1 tiếng có 1 chuyến )

+ Địa chỉ Vũng Tàu : số 2A đường Trưng Trắc, Vũng Tàu.

ĐT: (064).3531982 – 3531981 – 3531980

+ Địa chỉ TP.HCM : 50 Nguyễn Thái Bình, Q1, TP.Hồ Chí Minh

ĐT: (08).38218928

- Xe Thiên Phú ( đón khách tại nhà )

+ Vũng Tàu : xe đậu tại bến xe khách Vũng Tàu

+ Tp.Hồ Chí Minh : bến xe Miền Đông

ĐT: (08).38984893

- Xe Rạng Đông

+ Vũng Tàu: xe đậu tại bến xe khách Vũng Tàu.

ĐT: (064).3525678

+ Tp.Hồ Chí Minh: bến xe Miền Đông.

ĐT: (08).35.111.111

- Xe Phương Trang

+ Đặt vé tại Sài Gòn: (08) 38 309 309

+ Đặt vé tại Vũng Tàu: (064) 3 52 53 54 – Bà Rịa: (064) 3 82 67 68

+ Thời gian hoạt động: Từ 5h00- 18h00 (Cách 30 phút có một chuyến).

+ Tại Vũng Tàu, Bà Rịa có xe trung chuyển đưa đón tận nơi trong vòng bán kính 10 km.

- Xe Mai Linh

+ Địa chỉ: 64 – 68 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.Hồ Chí Minh

ĐT: (08).39292929 (Tp.HCM) – (064).3576576 (Vũng Tàu).

Trong các hãng này Mai Linh ít chuyến nên phải chờ khá lâu, Phương Trang xe lớn vé mắc hơn 10k, đi lâu hơn 30p, Kumho (Rạng Đông) ghế ngồi khá chật, còn Hoa Mai chạy ẩu lắm, cũng lên báo vài lần rồi, nên tôi chọn Thiên Phú làm hãng xe quen thuộc của mình !

2. Đến Vũng Tàu ở đâu?

Từ bến xe Vũng Tàu đi taxi ra Bãi Sau ( đường Thùy Vân) khoảng 70.000, ra biển Bãi Trước khoảng 60.000, các bạn nhớ lựa hãng xe uy tín sạch sẽ như:

- Mai Linh: 0643.565656

- Dầu khí: 0643.616161

- Vinasun: 0643. 8272727

Và các bạn nhớ mở GPS trên điện thoại, tra trước tuyến đường cần đi, và phải ra vẻ như biết rõ đường đi như dân bản xứ khi ngồi lên xe, tránh trường hợp xe chạy vòng vòng nhằm lấy tiền các bạn!

Bãi Sau

Các bạn có thể chọn những khách sạn sang trọng và đắt giá bậc nhất thành phố như Imperial, Capsaint Jacques, Media Coast, Romeliess…và đương nhiên chất lượng cũng sẽ xứng với giá tiền.

 

Các khách sạn rẻ hơn thì đa số nằm tập trung tại đường Phan Văn Trị và sâu hơn là khu Á Châu (nằm giữa đường Hoàng Hoa Thám và Phạn Chu Trinh), các bạn nên khảo giá để có thể thỏa thuận giá tốt hơn, giá trung bình là khoảng 90k-100k/người, chất lượng chấp nhận được cho những chuyến đi .

Bình dân hơn nữa các bạn có thể chon thuê nhà nghỉ, phòng tập thể tại đường Võ Thị Sáu như nhà nghỉ Hoàng Ánh 2 giá 1 đêm chưa tới 100k/người.

Bãi trước

Bãi trước các bạn có thể dễ dàng ngắm seaview hơn tại các khách sạn, resort như Lan Rừng resort, Seaside Resort Vung Tau…và tận hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất. Vào sâu trung tâm thành phô hơn nhưng cũng không quá cách xa biển các bạn có thể chọn Petro Hotel, Rex, Palace, Vung Tau P&T Hotel... vừa thuận tiện đi chơi thành phố vừa dễ dàng ra biển.

Bãi Trước Vũng Tàu các khách sạn giá rẻ, bình dân khá ít, và nếu tìm được thì giá cả không tương xứng với chất lượng.

3. Ăn uống gì khi đến Vũng Tàu

Vũng Tàu hiện tại đang khá nhạy cảm về dịch vụ ăn uống, nếu không biết chỗ bị chém giá là chuyện có thể xảy ra, nên sau đây tôi sẽ cung cấp các bạn một số mẹo và địa chỉ ăn uống đáng tin cậy:
Mới cập nhật, các bạn đi Vũng Tàu cẩn thận nhé: Đừng ngại mặc cả khi du lịch Vũng Tàu
1. Khi đi ăn nên tìm kiếm trên mạng trước, thời buổi công nghệ thông tin không có gì là không thể biết với google.

2. Nếu đã lỡ sa vào mốt quán chưa biết trước, việc đầu tiên là mượn menu, coi nó có giá rõ ràng không nếu có tạm thơi tin tường và an tâm, nếu không có thì 90% các bạn sẽ phải vét sạch hầu bao cho quán ăn trá hình giang hồ đòi nợ này, cách duy nhất là…cười toe, mặt dày và nói đi lộn quán, đừng ngại nghe lẩm bẩm hoặc bị đốt phong long, các bạn có muốn uống 1 ly trà dá giá 200k chỉ vì sĩ diện không ?? Nếu xui nữa, gặp phải quán dữ dằn thì tốt nhất các bạn nên ngặm đắng nuốt cay gọi một món gì đó bèo bèo để “ủng hộ quán” rồi sau đó rút lui sau.

3. Tuyệt đối đừng ăn hải sản/đồ ăn tại các bãi tắm, xác suất bị chém giá là gần như chắc chắn, mà đồ ăn chẳng ngon lành gì.

4. Và điều đơn giản mà mọi người rất hay quên đó là hỏi giá trước và hỏi thật kĩ, đừng ngại nếu bạn không phải đại gia ăn chơi không cần nhìn giá !

Một số địa điểm ăn ngon và đáng tin cậy:

Ăn sáng

Mì thảy Nghiệp Ký. Ông chủ quán mỗi khi chế biến, lại thảy mì lên cao (khoảng 1,5m) trông khá vui mắt. Địa chỉ: 127 Ba Cu, đoạn gần bãi trước Vũng Tàu, giá 35.000 VND/tô.

Phở Bình trên đường Trương Công Định (đoạn cắt Nguyễn Du).

Cháo bồ câu: 56 đường Đồ Chiểu

Ăn trưa

Quán Diễm: ngay ngã tư Lê Lợi- Nguyễn An Ninh: quán ít người biết nhưng chất lượng đồ ăn và hương vị thì khỏi chê, đặc biệt là món sườn non ram, sườn được ướp sữa nên thịt mềm mại, ngọt ngào và không bị khô, cắn vào có nước thịt ứa ra rất kích thích.

Cơm Hoa Hướng Dương (cơm ma): đường Nam Kì Khởi Nghĩa, gần bến xe.

Cơm Niêu Hoa Sữa: 569/19A Nguyễn An Ninh

Cơm phần quán Phú Vinh 10 Lý Tự Trọng

Quán cơm Bình dân 8A Trần Hưng Đạo, P.1

Hải sản

Quán lẩu đầu cá Bảy Giai đường 34/8 Hoàng Hoa Thám, P. 2, ăn ngon rẻ.

Hồng Vân 19 Hoàng Hoa Thám

Quán Vườn Xoài, chuyên gỏi cá mai. Quán phải đi vô hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám, đầu hẻm đối diện với quán Hồng Vân, cạnh hẻm là quán Lẩu đầu cá Bảy Giai.

Quán Lan Rừng đường Trần Hưng Đạo

Quán Gành Hào (3 Trần Phú, Bãi Dứa): khung cảnh đẹp, hải sản không quá đắt. Giá một số món: Hào nướng phô mai 35.000 VND/đĩa, tôm nướng muối ớt (3 lạng gần 150VND), 1 con tôm tích 2 lạng rưỡi 250.000 VND rất ngon…

-Lẩu cá đuối, ếch 46 Trương Công Định

-Lẩu cá 40 Trương Công Định. Giá tham khảo 60.000 – 100.000 VND /nổi lẩu. -Lẩu cá đuối và cá đuối chiên giòn

-Quán Trận số 7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa

-Quán hải sản Lệ Dung đường Trần Hưng Đạo

-Thành Phát 1 ở khu Sao Mai. Hải sản tươi ngon, giá cũng được, hơi xa, rất đông

-Ốc A Đồng, 7C Lê Hồng Phong, có các món ốc giá từ 45.000 VND, lẩu hải sản giá 120.000 VND…

-Ốc Năm Tầng, A12 Nguyễn Thái Học, giá 45-65.000 VND/dĩa hoặc tô nhưng rất nhiều, món đặc sắc là sò lụa xào mỡ hành/tỏi/sa tế.

-Quán nướng cô Nên: nằm ngay đối diện cáp treo ở bờ biển khu Bạch Dinh, chạy trên đường là thấy. Nếu đi buổi tối chừng 7h00 là đông nghẹt, vô phải đứng chờ người ta ăn xong mới có bàn. Nhiều món: mực nướng (55.000 VND) và bạch tuộc nướng (80.000VND), và cơm chiên hải sản (dĩa lớn, nhiều)…

Món Nga

-Quán 117 Ngô Đức Kế

-Quán Việt Nga hay quán Vườn Bàng ở 37/4 Nguyễn Thái Học

-Bánh khọt 54 Nguyễn Kim, đường Ba Cu, cạnh trường tiểu học Nguyễn Thái học, gần ngã năm, giá 35.000 – 40.000 VND/đĩa

-Bánh khọt Bà Hai, đường Trần Đồng (Châu Văn Tiếp cũ), 30.000 VND/9 chiếc bánh

-Bánh khọt Gốc Vú Sữa (14 Nguyễn Trường Tộ). Song điểm trừ của quán bánh khọt danh tiếng này là chỉ bán vào các ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ

-Quán bánh khọt 41 (đường Nguyễn Trường Tộ).

-Bánh khọt Cây tre, ngon ngang ngửa Vú sữa, cuối đường Lương Văn Can, giao với đường Phan Chu Trinh

-Lẩu Mũi Đá: về đồ ăn quán cũng như các quán khác, không có gì đặc sắc, nhưng khi ăn tại đây các bạn sẽ được ngắm cảnh biển kèm theo cảm giác gió thổi tung mình, cảm giác xì sụp húp chén nước lẩu lại đây… rất đã.

-Quán Há Cảo Vũng Tàu: chuyên về các món hấp như há cảo, hoành thánh, xá xíu…ngon, to và giá vừa tầm, 30k/khay hấp, ngoài ra bên cạnh có sạp bán sữa, các loại sữa như sữa đậu phộng, đậu nành, đậu xanh, mè đen…cũng rất ngon, lần nào ghé quán tôi cũng sẵn tiện mua về một chai.

-Quán Dê Mạnh: trên đường Trương Công Định, với lẩu dê nổi tiếng, ngoài ra còn có lẩu dê Hưng tại khu đường Tôn Thất Tùng có món vú dê né chấm chao rất ngon.

Ăn vặt
  • Bánh mì chả cá ở đường Ba Cu
  • Cút lộn xào me Tư Lúa cũng tại đường Ba cu
  • Con đường ăn vặt Tú Xương: bánh bao con chiên, bún thịt nướng, phá lấu, chè chuối 
  • Con đường ăn vặt hẻm 132 Nguyễn Tri Phương: với các món thịt nướng, bánh trứng nướng, trà chanh…nhưng có 1 món rất là lạ miệng đó là bánh tráng trứng, cách chế biến gần giống như bánh tráng nương nhưng món này người ta làm nhân trứng, nấm mèo rất dày, bánh tráng nướng xong vẫn mềm mại, cả vỏ lẫn nhân…giá đồ ăn ở đây rất mềm, chỉ 2k/xiên thịt nướng, 10k/1 bánh trứng…
  • Cũng ngay tại ngã tư Lê Lợi-Nguyễn An Ninh bên phải quán cơm Diễm có quán bánh xèo miền Trung với nước mắm dứa chấm rất lạ miệng. Giá 5k/cái.
  • Cũng đối diện quán Diễm buồi chiều có 1 anh người hoa bán bánh mì Lạp Xưởng tươi độc nhất Vũng Tàu, hình thức giống như bánh hotdog của Mỹ nhưng hương vị rất Trung Hoa, tôi đặc biệt nghiện cải thảo ngâm ăn kèm của anh luôn, các bạn phải thử rồi sẽ biết. Giá 12k/ổ.
Kem – Cà phê
  • Kem Alibaba’s ngay cáp treo Vũng Tàu, giá từ 20.000 VND/ốc quế, 25.000 VND/ly 2 viên có ốc quế, người bán hàng là anh Tây rất đẹp trai.
  • Kem Sài Gòn: 22 Lý Thường Kiệt, quán lâu đời, kem thơm ngon, vừa miệng, giá chấp nhận được.
  • Cà phê Gazebo: seview, trang trí đẹp, nhạc hơi không liên quan tới cảnh (nhạc sàn), nước hơi mắc 50k/phần.
  • Quán Lan Rừng đường Hạ Long, giá trung bình 50.000 – 85.000 VND/món.
  • Cà phê Sea Breeze đường Trần Phú, giá trung bình 50.000 – 85.000 VND/món.
  • Cà phê Mũi Đá ngay bến tàu cánh ngầm, giá từ 20.000 đồng/món.
ĂN CHƠI:

Leo ngọn Hải Đăng các bạn nên ăn Yauort quán ở gần đỉnh, Yaourt ngon có tiếng, yaourt tự làm nên khẩu vị vừa ăn, độ chua, lên men vừa phải, sánh mịn thơm mùi sữa, nhiều khi thèm tôi vẫn thường chạy xe một mạch lên đây để ăn cho thỏa chí.

Lô cốt trên ngọn hải đăng ở Vũng Tàu
Leo ngọn núi Lớn (núi Vi Ba) thí các bạn có thể hưởng thức đồ ăn từ chân núi cho tới đỉnh núi luôn, đầu tiên phải kể tới bánh dày, xôi nén, chả quế hơ lửa cách chỗ gửi xe cuối cùng ở chân núi, nguồn từ nếp ngon nên bánh dày hay xôi nén đều dẻo ngọt, ai sành ăn sẽ thấy được cái chất ngon từ loại nếp này, không thể không kể tới chả quế hơ lửa khi ăn kèm, phần giò sống (thịt heo xay nhuyễn ngay khi mới cắt tiết và còn ấm móng) được bọc quanh một khối gỗ quế lớn, rồi đem đi hơ lửa cho tới khi phần giò chín thành chả và có màu ngả vàng, khi ăn cắt từng miếng vừa ăn, kẹp chung với bánh dày, bánh dẻo ngọt hòa quyện chả thơm ngon, không lần nào đi qua mà tôi có thể cưỡng lại. Sạp bán nho nhỏ ngay chân núi, đối diện có hàng bán chuối chiên, khoai chiên, sake chiên cũng ngon J.

Tôi sẽ nói sơ về ngọn núi này thôi, nói nữa thành chia sẻ kinh nghiệm về ẩm thực leo núi mất, vẫn ở núi Lớn, từ hàng bánh dày đi thêm 50m sẽ là hàng bán mít núi, mít núi giòn ngọt hơn mít dưới thành phố, gần đó sẽ là hàng bán măng và rau núi, trứng gà ta…

Đi một lúc các bạn sẽ gặp chùa khỉ, trước khi lên chùa ghé ngang đâu đó mua nải chuối lên cho khỉ ăn cũng khá là vui mắt, tuy nhiên đây là thú hoang nên các bạn nhớ giữ khoảng cách và đồ đạc thật kỹ, tránh trường hợp bị khĩ tấn công và giựt đồ.

Đối diện chùa khỉ là quán trái cây, tuy nhiên ghé quan bạn nên gọi trứng gà luộc, trứng gà luộc hồng đào ở đây không chỉ ngon bởi cách luộc trừng mà còn ngon ở muối tiêu, muối tiêu ở đây người ta thêm gia vị nên khi chấm vào cảm giác rất đậm đà nhưng không bị đơ hoăc nhàm chán như chấm muối tiêu không. Và cuối cùng khi lên gần tới đỉnh sẽ là các hoàn quán nước mía, sinh tố bình thường, điều này không có gì phải bàn tới.

Địa điểm tiếp theo nên ghé thăm khi tới Vũng Tàu đó là đi cáp treo lên Hồ Mây, với giá vé 400.000/người bao trọn cả vé vui chơi toàn khu Hồ Mây các bạn có thể dánh tron cả ngày để khám phá hết các trò chơi trên đó, cũng như thăm quan, chụp hình cùng thú vật và đặc biệt là lưu giữ những hình ảnh thật đẹp cùng các cảnh quan thiên nhiên như vườn Hoa Bác Hồ, rừng Thông Caribe, Rừng Hoa Anh Đào, khu nuôi chim Công, .... khu du lịch Hồ Mây còn có các công trình Văn Hóa, Lịch sử như: Lô Cốt thời Pháp, Rada Vi ba, hang đá Belem ... nhưng điểm tập chung nhất là Khu Đền Thờ: Tượng phật Di Lặc cao 30m, La Hán Đường với 18 vị La Hán, Phật tích Động thờ 33 vị Tổ Thiền Tông được xếp hạng Kỷ Lục Guiness tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

 

Ngoài địa điểm này các bạn có thể đi tới núi Tao Phùng có tượng Chúa Kito dang tay ôm lấy đất trời, chở che cho Vũng Tàu, các bạn cũng nhớ tới thăm Thích Ca Phật Đài - một quần thể kiến trúc Phật giáo lớn, cũng là một điểm tham quan du lịch và tín ngưỡng nổi tiếng ở thành phố Vũng Tàu. Ngôi chùa nằm trên mạn sườn phía Bắc của Núi Lớn, nổi bật với bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền. Cổng chùa quay về hướng đường Trần Phú. Nếu còn thời gian các bạn có thể đi thăm Bạch Dinh, một kiến trúc từ thời Pháp thuộc, tọa lạc ngay tai Bãi trước Vũng tàu, và đi thăm quần thể 3 đình Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam mỗi đình chịu trách nhiệm thờ một phần của Cá Ông, nếu may mắn đi vào dịp lễ hội các bạn có thể thấy người ta ghép các mảnh xương từ 3 đình lại và tổ chức nghi lễ trang trọng…

Đó là một vài chia sẻ kinh nghiệm khi đi du lịch Vũng Tàu tôi rút ra được từ thực tế, hy vọng các bạn có một chuyền đi vui vẻ và an toàn !

17 thg 3, 2014

Bảo tàng vũ khí cổ lớn nhất Việt Nam ở Vũng Tàu

Với 500 hình nộm khoác lên mình quân phục từ khắp nơi trên thế giới và hàng nghìn vũ khí quý hiếm, đây được đánh giá là bảo tàng đáng xem ở Việt Nam.

Nếu như hải đăng, chợ đêm, bãi Sau là những điểm tham quan quen thuộc ở thành phố Vũng Tàu thì bảo tàng vũ khí cổ còn khá xa lạ với nhiều du khách, kể cả người dân địa phương. Bởi ít ai nghĩ rằng ở một thành phố du lịch biển trong nước lại có thể sở hữu kho báu độc và lạ như vậy.

Theo con dốc quanh co dẫn lên ngọn hải đăng nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu, du khách sẽ choáng ngợp trước một ngôi nhà trông giống tòa lâu đài mới. Đó chính là nơi tọa lạc của bảo tàng vũ khí cổ (hay Bảo tàng vũ khí toàn cầu - Worldwide Arms Museum) mở cửa đầu năm 2012 và đạt kỷ lục Bảo tàng vũ khí cổ tư nhân lớn nhất tại Việt Nam.


Nằm trên đồi cao và chỉ cách biển khoảng 50 m, bảo tàng thật sự là một điểm ngắm không tồi với cái nhìn ôm trọn thành phố. Ấn tượng đầu tiên là ở đây có một khoảng sân rộng với tường bao như pháo đài kiên cố cùng tháp canh kiểu cổ điển phương Tây. Bên cạnh những khẩu pháo đặt trên tường bao, khắp sân còn có hơn hàng chục ụ pháo hướng nòng ra biển cả. Chừng đó là đủ tạo cảm giác cho du khách như đang tham quan một công trình kiến trúc cổ ở châu Âu.

Bước vào bên trong, dù là người yêu thích khám phá bảo tàng hay chỉ đơn giản tò mò kho vũ khí cổ thì cũng không thể rời mắt khỏi những hiện vật được trưng bày tại đây. Với diện tích 300 m2, người ta có thể tận mắt nhìn thấy ở bảo tàng quân phục cùng vũ khí chiến đấu của quân đội các nơi trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Áo, Nga... qua nhiều thế kỷ.


Để du khách có thể hình dung rõ hơn về về lịch sử quân đội nhiều nước trên thế giới, không gian bảo tàng được chia thành các phòng với chủ đề riêng theo trình tự thời gian. Phòng 1 là khu vực dành cho thời kỳ cổ đại đến trung cổ với các chiến binh Viking, Spartan, chiến binh Trung Quốc qua các thời đại, samurai và shogun của Nhật Bản, quân đội La Mã, quân Hoplite, quân đội thập tự chinh, võ sĩ giác đấu... Đặc biệt còn có một số thanh gươm và súng của người Mường (Việt Nam) ở thế kỷ 19.

Phòng 2 là khu vực dành cho quân đội Anh thời kỳ cận đại với những người đưa thư, người thổi kèn hiệu, lính đánh bộ, kỵ binh, thủy quân, kỵ binh của Nữ hoàng. Cùng tầng nhưng ở phòng 3 là không gian trưng bày những khẩu súng của quân đội Anh, Pháp, Đức, Hà Lan... thế kỷ 17-19 như súng côn, súng lục, súng trường, súng hỏa mai...

Phòng 4 là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng quân trang, quân khí của các nước châu Âu thời kỳ cận đại. Thậm chí du khách còn được ngắm một số vũ khí hiện đại của Nga và Anh ngay tại bảo tàng này.


Hành trình vài tiếng đồng hồ tham quan bảo tàng vũ khí tưởng chừng như khô khan, cứng nhắc nhưng lại hết sức thú vị khi đưa du khách hết từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Đó là khi bạn được khám phá văn hóa riêng của từng nước thông qua các loại vũ khí với hoa văn tinh xảo chạm khắc trên hiện vật.

Không chỉ ấn tượng với sự phong phú và đa dạng, các loại vũ khí ở bảo tàng còn mang đến những bài học thú vị thông qua những câu chuyện lịch sử được chú thích cụ thể bằng song ngữ Việt Anh. Nếu là người không thích những bài học lịch sử dài hàng trang giấy thì chắc chắn khi đến đây, bạn cũng sẽ tìm thấy niềm đam mê hoặc yêu thích với bộ môn này.

Là điểm sáng trong bức tranh du lịch Vũng Tàu, nhưng bảo tàng tư nhân này hiện xảy ra một số tranh chấp về chủ sở hữu nên phải tạm đóng cửa, để lại nhiều tiếc nuối cho du khách.

25 thg 10, 2013

7 món ngon bạn không thể bỏ qua khi đến Vũng Tàu

Bánh khọt, bánh canh, bánh hỏi Long Điền hay lẩu cá đuối... là những món ăn bạn không nên bỏ qua khi đến Vũng Tàu.

Bánh khọt


Những chiếc bánh nhỏ tròn nằm gọn trong lòng bàn tay giòn tan, nhấn nhá thêm con tôm tươi, rau sống và đu đủ ngâm chua luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng với du khách.

Điều này được minh chứng rất rõ ở lượng người ào kéo đến quán hay số người “mốc mỏ” chờ đến lượt được phục vụ tại quán bánh khọt Gốc Vú Sữa (14 Nguyễn Trường Tộ). Song điểm trừ của quán bánh khọt danh tiếng này là chỉ bán vào các ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ nên nếu đến Vũng Tàu không đúng các dịp này, đừng đi về luôn mà thử "tạt dọc" các quán bánh khọt được đánh giá cao khác như quán Bà Hai (đường Trần Đồng), quán bánh khọt 41 (đường Nguyễn Trường Tộ).

Bánh canh Long Hương


Toạ lạc ngay cổng chào Bà Rịa, thuơng hiệu bánh canh Long Hương từ lâu nổi tiếng với du khách gần xa. Theo đánh giá của nhiều du khách, tô bánh canh ở đây gây ấn tượng mạnh với độ dai của cọng bánh được làm hoàn toàn từ bột lọc cùng những lát giò "khủng" đi kèm tạo ấn tượng no đủ.

Sau khi thưởng thức bánh canh, đừng quên tráng miệng với ly nuớc mía ngọt lịm, thơm đậm vị dứa của quán. Giá tham khảo 40.000 đồng/tô.

Bánh hỏi An Nhất


Bánh hỏi An nhất và bánh hỏi Long Điền (tên gọi xuất phát từ việc loại bánh này được sản xuất tại 2 địa phương trên) níu chân du khách với miếng bánh trắng thơm mùi gạo, càng nhai càng ngọt, đĩa rau sống tươi ngon, chén nước chấm chua, ngọt, dịu nhẹ.

Bánh bèo Tuyết Mai đường Phan Chu Trinh, hay các quán ở đường Trương Công Định (TP Vũng Tàu). Bánh hỏi An Nhứt, Quốc lộ 55, huyện Long Điền, thị xã Bà Rịa hoặc 444. Giá tham khảo khoảng 30.000 đồng/phần.

Lẩu cá đuối và cá đuối chiên giòn


Trong cái nắng nồng vị biển, quây quần bên nồi lẩu nóng, ngọt thanh, nhấm nháp vị chua của măng, vị ngọt và hơi dai của thịt cá, mềm mềm của sụn, thơm thơm rau ngổ cùng cái đậm đà của chén nước mắm nhỏ điểm xuyết vài lát ớt đỏ… thì không gì thú vị bằng.

Nếu vẫn chưa "đã" với món lẩu, đừng quên gọi thêm đĩa cá đuối chiên giòn chấm mắm me, từ từ thưởng thức vị giòn tuơi, ngon ngọt hoà quyện với vị chua, cay nhẹ.

Địa chỉ: Lẩu cá, 40 Trương Công Định, Vũng Tàu. Giá tham khảo 60.000 - 100.000 đồng /nổi lẩu.

Mì thảy Nghiệp Ký

Món mì không để lại ấn tượng bằng nghệ thuật thảy của người bán.
Nghe tên khá lạ, song về cơ bản thành phần của món ăn này không khác so với các tiệm khác. Khác chăng là việc ông chủ quán mỗi khi chế biến, lại thảy mì lên cao (khoảng 1,5m). Đây cũng chính là lý do quán có tên này.

Địa chỉ: Mì thảy Nghiệp Ký, 127 BaCu, TP. Vũng Tàu.

Hàu


Giá cả mỗi con hàu tại Long Sơn không rẻ hơn những địa phương khác, song do nuôi bắt và sơ chế tại chỗ nên những con hàu tại đây luôn giữ được vị ngon, ngọt, tươi nhất có thể.

Hải sản


Cũng như các thành phố biển khác, đến Vũng Tàu là phải thưởng thức hải sản. Có rất nhiều cách thưởng thức hải sản ở đây như mua ngay tại bãi tắm vào ban ngày, hay ăn ở các hàng quán bày ngay bãi biển vào ban đêm. Song với những hàng quán dạng này, hải sản không tươi, giá cả lại trội hơn rất nhiều. Vì thế những du khách thông thạo Vũng Tàu thường chọn đại lý hải sản lớn tươi ngon, giá rẻ như Thành Phát (đường Trần Phú), Toàn Phát (khu Sao Mai), Gành Hào (số 3 Trần Phú)…

Không còn gì thích thú hơn việc ngồi nhâm nhi cà phê trên chiếc bàn con kê sát bãi biển, thỉnh thoảng trong những ngụm cà phê lại nghe có tiếng gió, tiếng sóng và vị mặn của biển. Một điểm cộng nữa là hầu hết các quán cà phê này đều nằm trên những bãi biển đẹp nên nếu thích, bạn đừng ngần ngại ào xuống biển, vui đùa thoả thích cùng sóng.

Bạn có thể vừa thưởng thức cà phê, vừa ngắm biển tại các quán như Lan Rừng (đường Hạ Long), cà phê Sea Breeze (đường Trần Phú), cà phê Mũi Đá (ngay bến tàu cánh ngầm). Giá trung bình 50.000 – 85.000 đồng/món. Riêng cà phê Mũi Đá có giá từ 20.000 đồng/món.