Hiển thị các bài đăng có nhãn Tết xưa và nay. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tết xưa và nay. Hiển thị tất cả bài đăng

21 thg 1, 2014

Mâm cỗ Tết người Bắc không thể thiếu măng khô

Trong mâm cỗ tết của người Bắc không bao giờ thiếu những món ăn chế biến từ măng khô. Măng khô hầm xương, măng khô xào miến tuy rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian cho việc chế biến nhưng chẳng biết tự khi nào đã trở thành món ăn dân gian đặc trưng mỗi độ tết về.

Canh măng khô hầm xương - món ăn quen thuộc trong mâm cỗ tết người miền Bắc - Ảnh P.T.T

Có thể nói thiên nhiên đã khá ưu ái cho vùng đất Tây Bắc khi chất đất ở đấy rất phù hợp cho các loại măng sinh trưởng.

Vào mùa hè cũng là mùa măng rộ, rất nhiều loại măng tươi là nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp cho bữa ăn các gia đình hàng ngày. Măng ăn không hết thì bà con dùng phơi khô, tích trữ ăn dần.

Và với bàn tay khéo léo đầy kinh nghiệm người dân nơi đây, đặc sản măng khô đã dần nổi tiếng khắp mọi miền Tổ quốc.

So với măng khô, măng tươi dễ sử dụng nhưng vị lại đắng hơn nếu chưa được xử lý trước khi nấu. Nếu măng tươi có độ giòn thì măng khô lại hơi dai. Cả hai loại đều có mùi hơi khó ngửi, nhưng sau khi đã được xử lý, mùi hôi trong măng sẽ biến mất. Măng khô không cứng nhưng rất dai, nếu được xử lý kỹ sẽ mềm và có vị ngọt rất ngon.

Măng là loại cây trồng phổ biến ở Tây Bắc. Cây mọc tự nhiên, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân hóa học, khi hái người ta chỉ lấy phần đọt nên rất ngon. Măng được phơi khô nhiều nắng rồi để trên gác bếp nên có mùi của khói bếp và màu nâu vàng đặc trưng. Cứ khoảng 10kg măng tươi mới được 1kg măng khô.

Có hai loại măng khô: măng khô lưỡi lợn và măng khô xé sợi. Măng khô lưỡi lợn thường được chế biến để hầm xương còn măng khô xé sợi thường được dùng để xào với miến và lòng gà. Đây cũng là hai món ăn truyền thống trong mâm cỗ tết của người miền Bắc.

Để chọn được loại măng khô ngon và an toàn, các bà nội trợ thường chọn loại măng có màu nâu vàng, xuất hiện hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Nếu là măng non thì lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.

Muốn chế biến, măng lưỡi lợn được rửa thật sạch để loại bỏ hết lớp chất bẩn và bụi bám trên măng. Sau đó ngâm cho măng nở trong ít nhất 6-8 giờ. Cũng có thể ngâm qua đêm để khi nấu măng sẽ mềm hơn. Trong quá trình ngâm phải thường xuyên thay nước ngâm để giúp lọc sạch vị đắng còn lại trong măng.

Sau khi ngâm xong, cho măng vào rổ để ráo nước rồi cho măng vào nồi để đun sôi đến khi măng mềm hoàn toàn. Nên để nồi măng sôi trong ít nhất 40 phút với lửa trung bình. Tiếp tục gạn hết phần nước đã đun cho thêm nước mới vào tiếp tục đun. Đun và thay nước tới khi nào thấy nước măng trong là được. Trong khi đun măng luôn được ngập nước.

Măng khố (măng lưỡi lợn) chứa rất nhiều chất xơ - Ảnh P.T.T.

Măng khô xé sợi - Ảnh P.T.T

Khi măng đã chín mềm, nước đã trong thì vớt măng ra cho vào rổ để ráo nước. Măng nguội được cắt thành từng khúc nhỏ để nấu. Trước khi nấu nên xào măng cho gia vị ngấm kỹ rồi mới đem hầm với xương. Món ăn chỉ đơn giản thế nhưng trong mâm cỗ tết ngoài Bắc chẳng nhà nào bỏ qua.

Nếu không sử dụng hết lượng măng khô đã luộc chín, bạn có thể cho chúng vào hộp nhựa và bảo quản trong tủ lạnh. Thời hạn sử dụng măng khô được một tuần nếu để ở ngăn mát và được hơn một tháng nếu để trên ngăn lạnh.

Măng xé sợi là măng tươi được tước nhỏ thành những sợi mỏng rồi đem phơi khô, hong qua khói bếp nên có màu nâu đậm, mùi ngai ngái. Với loại măng này có thể ngâm với nước ấm qua đêm, rửa sạch cho lên bếp luộc chừng 15 phút, rửa lại bằng nước lã khoảng 3-4 lần là có thể sử dụng để chế biến món ăn, phổ biến nhất là măng xào miến với lòng gà.

Không chỉ là nguồn thực phẩm tích trữ hàng năm mà măng khô còn đóng góp vào kho tàng ẩm thực dân gian những món ăn dân dã mà vô cùng hấp dẫn, gợi thương gợi nhớ hình ảnh quê nhà mỗi khi tết đến xuân về.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, măng vị ngọt hơi đắng, tính hàn, có công dụng hóa đàm hạ khí, thanh nhiệt, tiêu thực giả độc, thông lợi nhị tiện, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo, phong nhiệt, ho do phế nhiệt, ăn uống chậm tiêu…

Du xuân rẻ mà vui với vùng Tây Bắc

Mùa xuân luôn là mùa được dân đi bụi mong đợi nhất bởi cơ hội du xuân trên những nẻo đường núi phía bắc luôn đem lại những trải nghiệm và cảm xúc khó quên. Bạn đã quyết định chọn cung đường nào cho mùa xuân năm nay?

1. Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La)


Mùa xuân Mộc Châu - Ảnh: Giang Nguyên

Nằm cách Hà Nội khoảng 180km, cao nguyên Mộc Châu, điểm đến đã quá quen thuộc với nhiều du khách, vào ngày xuân càng trở nên hấp dẫn bởi vẻ đẹp thiên nhiên và sắc xuân rạng rỡ trên những vườn đào, vườn mận.

Thời gian: từ 1 -2,5 ngày

Phương tiện: ô tô, xe máy

Các địa điểm tham quan: bản làng dọc quốc lộ 6, thị trấn nông trường, đường vào Tân Lập hoặc đi cửa khẩu Loóng Sập. Hãy dừng chân bất kỳ nơi nào trên đường di chuyển để khám phá mùa xuân nơi đây.

2. Bắc Hà (Lào Cai) - cao nguyên trắng


Một lộ trình kinh điển để khám phá cao nguyên trắng Bắc Hà thường được nhiều dân đi lựa chọn từ Hà Nội là di chuyển bằng tàu đêm lên Lào Cai rồi thuê xe gắn máy trong 2 ngày. Nếu mang theo xe máy lên tàu thì xuống ở ga Phố Lu.

Bắc Hà hấp dẫn bởi vẻ đẹp lộng lẫy của gốc mận trắng toát trên chênh vênh sườn núi, hay những vườn mận xanh rờn trong thung lũng.

Thời gian: 2 ngày, 2 đêm

Phương tiện: xe máy

(Thuê xe từ Lào Cai giá 200.000 - 250.000 đồng/ngày)

Các địa điểm tham quan: thị trấn Bắc Hà, dinh thự cổ của vua Mèo Hoàng A Tưởng, các đường liên xã vào Bản Phố, Tả Van Chư, Lùng Phìn.

3. Lễ hội Gầu Tào, Say Sán ở Lào Cai

Chơi hội Say Sán - Ảnh: Giang Nguyên

Vào ngày mùng 4-6 Tết hàng năm, tại Pha Long (huyện Mường Khương) sẽ diễn ra lễ hội mừng xuân mới của đồng bào Mông gọi là hội Gầu Tào, cũng lễ hội đó tại huyện Simacai thì gọi là lễ hội Say Sán. Đây là dịp để du khách khám phá nét văn hóa truyền thống của bà con dân tộc miền núi và hòa mình vào không khí lễ hội tưng bừng và rộn rã nơi rẻo cao.

Thời gian: ít nhất 2 ngày, 2 đêm (di chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai bằng tàu đêm)

Phương tiện: ô tô, nhưng cơ động và linh hoạt nhất là xe máy, để có thể đi vào đường liên bản, khám phá sâu sắc cuộc sống mùa xuân của người dân bản địa nơi đây.

Các địa điểm khám phá: Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, Pha Long (Mường Khương); Sín Chéng, Quan Thần Sán, Thào Chư Phìn, Lử Thẩn, Cán Cấu (Simacai).

4. Rong ruổi trên quốc lộ 6 và quốc lộ 12

Nếu có thời gian từ 4-5 ngày, một gợi ý du xuân thú vị dành cho dân đi chính là rong ruổi trên quốc lộ 6 (chạy qua địa phận Sơn La, đèo Pha Đin và Điện Biên), quốc lộ 12 (chạy dọc theo bờ trái sông Nậm Na nối Điện Biên và Lai Châu qua các huyện Tam Đường - Phong Thổ - Sìn Hồ - Mường Chà).

Đây là cung đường dành cho những ai say mê cảm giác lang thang qua núi, qua rừng, không có một điểm dừng chân cụ thể mà để cho những bất ngờ mùa xuân níu chân theo sở thích và sự may mắn. Dọc theo 2 quốc lộ trên miền biên ải xa xôi này, rất dễ dàng để có thể ngắm sắc xuân trên những gốc mận, gốc đào cổ thụ và những lễ hội chơi tết nho nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.

Phương tiện: ô tô và xe máy.

Điều kiện cần và đủ: một nhóm bạn đồng hành đến không quá 10 người để đảm bảo lộ trình và dễ dàng hỗ trợ nhau khi cần.

5. Đồng Văn - cao nguyên đá nở hoa

Cao nguyên đá Đồng Văn là một điểm đến đặc biệt bởi bốn mùa xuân hạ thu đông đều hấp dẫn dân di đến lạ lùng. Nhưng có lẽ mùa xuân - mùa cao nguyên đá nở hoa là mùa đẹp nhất, khi bên những chái nhà trình tường là gốc mận trắng hay cành đào phai nở kín hoa. Mùa các cô bé, cậu bé xúng xính váy áo tung tăng du xuân trên con đường Hạnh Phúc, nhảy chân sáo qua những mỏm đá tai mèo.

Thời gian: 3-4 ngày

Phương tiện: ô tô hoặc xe máy

Cung đường: Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc - Hà Giang. Hãy khám phá cao nguyên đá bằng cách rẽ vào những con đường nhỏ dọc theo quốc lộ 4C để có những trải nghiệm khác biệt và thú vị.
Ăn, ở: rẻ mà vui 
Một trong những kinh nghiệm du xuân đáng giá, vui vẻ mà lại không hề tốn kém chi phí, chính là ăn, ở cùng đồng bào. Thực tế cho thấy các cung đường mùa xuân này đều nằm trên vùng biên giới phía bắc, nơi cư dân thưa thớt, dịch vụ chưa phát triển mạnh.
Vì thế, để đảm bảo cho thành công của chuyến du lịch vào dịp tết, các nhóm đi thường phải/nên có kế hoạch tự chuẩn bị đồ ăn mang theo (vốn dĩ rất dễ kiếm nhân dịp tết như bánh chưng, giò, thịt gà... ).
Trong quá trình di chuyển có thể kết hợp giao lưu với dân địa phương để cùng ăn, cùng ở. Đồng bào các dân tộc nói chung vốn rất thân thiện, mộc mạc, nếu khách đối xử với đồng bào bằng tấm chân tình, ắt sẽ có sự chân tình đối lại.
Cùng ăn, cùng ở với dân bản địa sẽ là một trải nghiệm thú vị. Bạn đã thử lần nào chưa?