Hiển thị các bài đăng có nhãn Trường Sa thân yêu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trường Sa thân yêu. Hiển thị tất cả bài đăng

1 thg 10, 2013

Trường Sa thân yêu, 10 ngày ra Trường Sa

Đó là 10 ngày đáng nhớ trong cuộc đời, với rất nhiều cái đầu tiên của tôi, đi biển dài ngày, đi tàu thủy, thử sức mình với sóng gió đại duơng, và đến với Trường Sa. Trong 10 ngày hành trình ấy, tôi đã trải qua hơn 1000 hải lý, đã đến,đã thấy, và chứng kiến nhiều điều, nhiều tự hào, nhiều niềm vui và nỗi nhớ trên 9 đảo của tổ quốc, gồm: Song Tử Tây, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn Đông, là những đảo nổi, với diện tích to nhỏ khác nhau, và các đảo chìm như Đá Nam, Cô Lin, Đá Tây, Đá Lát, rất nhỏ, nổi trên nền đảo san hô chìm, tất nhiên là đến và ngủ 1 đêm ở Trường Sa lớn, thăm nhà giàn DK1 Phúc Nguyên. Chúng tôi đã dự 2 lễ tưởng niệm đầy xúc động, 1 trên khu vực Côlin - Gạc ma - Len đao, nơi 64 chiến sỹ ta đã hy sinh dưới làn đạn hèn hạ của kẻ thù, 1 trên thềm lục địa phía Nam, bãi Phúc Nguyên, nơi hàng chục chiến sỹ ta đã hy sinh trong bão tố. 10 ngày miệt mài trên biển và dày đặc lịch làm việc, biết bao cảm xúc, nhưng có những điều không được nói, vì nguyên tắc, những dòng nhật ký viết vội trong ngả nghiêng sóng biển dường như chỉ nói được rất rất ít những điều tôi muốn nói.

Có 1 bài hát " không xa đâu, Trường Xa ơi..." Xa và gần, hẳn mọi điều đều là tương đối. Xa, vâng, rất xa, nhưng cũng thật gần. Trường Sa, nơi chúng tôi cảm nhận hơn về sự thiêng liêng của tổ quốc, về những máu xương và công sức của biết bao người, vì chủ quyền dân tộc nơi biển đảo xa xôi. Đã có nhiều người chia sẻ về Trường Sa, về những cảm nhận rất tuyệt của các bạn, nhưng tôi vẫn muốn góp thêm đôi dòng nhật ký Trường Sa của mình, và một số bức ảnh mà mình đã ghi lại được. Hẳn với mỗi chúng ta, nếu có dịp đến nơi này, những ký ức đó sẽ không bao giờ có thể phai mờ.

Cam Ranh, ngày D tháng M năm 2010

9h sáng, mình đặt chân đến Quân cảng Cam Ranh. Từ rất lâu rồi, mình mơ ước được đặt chân đến nơi này, nơi trong trí tưởng tượng của mình, là căn cứ hải quân lớn nhất khu vực Đông Nam Á của cả Mỹ, rồi Nga. Nhưng trên thực tế, ấn tượng đầu tiên của mình, quân cảng Cam Ranh là những cồn cát trắng, những rừng cây lúp xúp. Cả một vùng bán đảo rộng mênh mông chỉ có sân bay Cam Ranh là đáng kể, ngoài ra, căn cứ Hải quân chỉ là những khu nhà khiêm tốn, nằm rải rác, và rất nhiều những con đường ngoằn nghèo chạy qua những đồi cát, phơi mình dưới cái nắng gay gắt của tháng 5.
Rồi sau những cuộc họp về hành trình, giờ phút chuẩn bị lên đường cũng đến. 16h, trên cầu cảng Cam Ranh, con tàu của mình cũng đã sẵn sàng chuẩn bị lên đường. Quân cảng chỉ có chừng 5-7 cầu tàu, hầu như được xây mới. Phía xa là 3-4 cầu tàu cũ bằng đá, là những cầu tàu dành cho tàu ngầm của Nga trước đây. Vài chiếc tàu vận tải đang nằm ở bến. Hôm nay là ngày huấn luyện, tàu chiến đều đã lên đường cả, mới chỉ buổi sáng thôi. Bến cảng trở nên rộng mênh mông, trời xanh, nước xanh, những đồi cát và những mỏm núi đá vàng sẫm trong nắng chiều, nếu không là khu quân sự, nơi đây có thể sẽ là một trong những điểm du lịch đầy ấn tượng của đất nước mình.

Tàu HQ 936, vốn là con tàu chở nước của Nga viện trợ, chở nước ngọt ra các đảo Trường Sa. Nhưng đây cũng là một trong những con tàu đưa người ra đảo tiện nghi nhất cho đến thời điểm này của Hải quân ta, bởi tàu có nhiều nước ngọt, việc tắm rửa và dùng nước ngọt cũng thuận lợi hơn nhiều các tàu khác. Chỉ có chỗ ngủ là hơi thiếu thốn. 8 người trong một phòng nhỏ chừng 10m2. Có 2 giường tầng, còn lại 4 người còn lại phải trải chiếu ra phòng để ngủ, hoặc là mắc võng. Bởi tàu chỉ có tổng số 50 giường, mà đoàn ra thăm đảo lần này tổng số cũng đến gần 100 người. Hơn 30 thủy thủ trên tàu đã phải nhường toàn bộ giường cho khác, và mắc võng nằm rải rác đâu đó trong tàu, hoặc cũng rải chiếu nằm trong các phòng làm việc trên tàu. Âu đó cũng là cái khó khăn chung của Hải quân ta, mỗi người cùng chia sẻ, nên việc thiếu chỗ ngủ trên tàu ai cũng đều thông cảm và cùng khắc phục.

Trên Quân cảng Cam Ranh - chiều

Toàn cảnh quân cảng Cam Ranh


Trên bến cảng


Lễ tiễn đoàn xuất bến


Tàu HQ 936


Ra khơi - hướng tới Trường Sa thân yêu



17h chiều, con tàu rời bến. 3 hồi còi dài rúc lên, chào đất liền nhé, chúng tôi ra thăm Trường Sa, vùng quần đảo mà chỉ nhắc đến thôi, mỗi người dân Việt Nam đều dành biết bao tình cảm quan tâm, thương mến. Trên bờ, cán bộ chiến sỹ hải quân xếp hàng dài, giơ tay chào trang trọng. Các tàu khác cũng đáp lại bằng 3 hồi còi dài, đi thuận buồm xuôi gió nhé, hoàn thành nhiệm vụ chuyển tình cảm đât liền tới Trường Sa thân yêu. Con tàu nhẹ nhàng rời bến cảng, lên đường. Nắng vàng rực lên ánh sáng cuối ngày, ở phía chân trời, đám mây hình phượng hoàng nhuốm đỏ, như dáng mẹ Âu Cơ tiễn chúng tôi, những người con đất Việt đang hướng về vùng biển xa xôi của tổ quốc với tất cả niềm tự hào về dân tộc mình, về quê hương xứ xở của mình.

Ra đến cửa vịnh Cam Ranh, gió thổi ào ào, và sóng làm ngả nghiêng con tàu to. Những con sóng đập vào thân tàu, tràn lên boong tàu, tiếng sóng vỗ rào rào làm chúng tôi phấn khích. Những người trai thành phố, chưa từng đi một hành trình nào xa xôi thế trên đại dương, đang dấn thân vào một thử thách mới mẻ trong cuộc đời, để nếm cái sóng, cái gió, đến với hải đảo xa xôi. Có lẽ dân tộc mình vốn không phải là những người quen với sóng, với gió. Đất nước với hơn 3000 km bờ biển, nhưng chưa từng có 1 hải đoàn nào đáng kể trong mấy nghìn năm dựng nước. Người dân Việt vốn xuất thân từ rừng núi, vốn nhìn biển với con mắt xa lạ, vốn chỉ quen bám bờ, chưa từng mấy ai có ý chí vượt biển xa tìm xem bên ngoài đường chân trời cong cong của biển, thế giới bên ngoài có những gì. Suy nghĩ ấy dường như mới chỉ thay đổi trong một thời gian ngắn của lích sử dân tộc, và ngay với cả cách ứng xử với các hải đảo xa xôi, như Hoàng Sa, như Trường Sa, cũng chỉ mới đây thôi, mới có những thay đổi trong tư duy. Điều đó cũng phải, bởi với một tư duy nông nghiệp đầy bảo thủ và lạc hậu, dân tộc mình đã quen với cách nhìn thiển cận, tính toán trong ngắn hạn, và xa lạ với những con sóng lừng của đại dương. Nhưng điều đó đã thay đổi, dù muộn. Và một tư duy quan tâm đến biển đảo đã bước đầu hình thành và xây dựng, dù muộn. Điều đó cũng phải, bởi trong những thời kỳ loạn lạc, đói kém, con người ta chỉ lo miếng ăn trước mắt. Khi bắt đầu có tiềm lực, những suy nghĩ về việc giữ gìn bờ cõi ở nơi cách xa hàng trăm hải lý mới được quan tâm. Ngay cả bây giờ cũng vậy, nói là đầu tư, quan tâm, song điều này cũng chưa tương xứng, bởi vì đất nước còn nghèo, lực còn mỏng. Tất cả điều này, chúng ta đều thấu hiểu và thấm thía, và chấp nhận thua thiệt, những chuyện của lịch sử đã qua, muốn thay đổi giờ cũng khó. Ngay cả Bác Hồ, trong lời căn dặn quân chủng Hải quân, giờ đã trở thành khẩu hiệu của Hải quân Việt Nam, cũng từng nói “ Trước đây, chúng ta có đêm và rừng. Bây giờ chúng ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của chúng ta dài và đẹp, chúng ta phải biết giữ gìn vốn quý ấy”. Cụ Hồ chỉ nói về bờ biển, chứ chưa phải là vùng biển, chưa nói về thềm lục địa, chưa nói đến hải phận, đến vùng đặc quyền kinh tế, đến những biển đảo xa xôi. Đó cũng là những suy nghĩ chung, phản ánh tầm nhìn chung của dân tộc ta của một thời đã qua về vùng biển và lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc hôm nay.Tâm trạng ra khơi, dù mong đợi hành trình phía trước, nhưng ai nấy cũng đều nhìn lại phía đất liền


Nơi ấy, chiều đang xuống trên quân cảng thanh bình.

Nơi ấy, có đám mây hình Phượng hoàng tiễn chúng tôi lên đường may mắn, như dáng Mẹ Âu Cơ ngóng theo ra khơi xa...


Những suy nghĩ ấy đến với tôi trong những giờ phút đứng lặng trên mũi con tàu đang hướng về đông, vượt lên trên những con sóng nơi cửa vịnh Cam Ranh, một vịnh biển được đánh giá là đẹp nhất và quan trọng nhất với hải quân trong khu vực, như những bài học địa lý ngày xưa của chúng tôi. Một ngày đang qua đi và đêm xuống. Những vì sao lác đác mọc trên bầu trời, mỗi lúc mỗi dày hơn. Trời đêm trên biển, sóng gió thổi lồng lộng từ cửa vịnh Cam Ranh. Con tàu to lớn tròng trành theo sóng. Nhiều người bắt đầu thấy nôn nao, vội tìm thuốc uống. Con tàu bắt đầu tăng tốc, tiếng động cơ ù ù, những vạt sóng đập vào thân tàu mỗi lúc mỗi mạnh hơn, sóng có khi ùa lên sàn tàu, làm ướt những người đang ngồi trên sàn. Nhưng với những người ít khi được ra biển, ít khi được bắt đầu một hành trình dài hướng tới Trường Sa, tất cả những điều đó càng làm thêm phấn khích. Nhanh lên nào, 36h đồng hồ nữa, chúng mình sẽ đến đảo đầu tiên của hành trình đến Trường Sa, đến với đảo Song Tử Tây, đảo xa nhất về phía đông bắc trong cụm đảo Trường Sa. Chào biển Đông, chào vùng biển thân thương của tổ quốc, chúng tôi đang hướng về biển đảo thân yêu!!!

Ngày D+1, tháng M, năm 2010

Tàu cứ mải miết đi, biển rộng mênh mông, bốn bề chỉ có sóng và gió, và đường chân trời cong cong. Tàu như chiếc lá giữa 1 vòng tròn của nước, trên có bầu trời, dưới là những con sóng đang nô đùa. Tháng 3 âm lịch, biển lặng. Ra ngoài khơi xa, dù gió có lồng lộng thổi, thì sóng vẫn chỉ hơi gợn lên, nếu so sánh, thì giống sóng nước Hồ Tây. Đó là bởi tháng Ba âm lịch, chứ chưa ai dám đùa với sóng nước của biển Đông, vốn nổi tiếng nhiều bão tố. Thuyền đi trên biển xa ngàn dặm, mà vẫn êm đềm. Chẳng có nhiều việc để làm trên tàu, không TV, không đài phát thanh, không sóng điện thoại, chiếc điện thoại trở thành phương tiện để nghe nhạc. Cắm headphone, chụp tai nghe vào tai, chọn một chiếc võng trong bóng râm, hoặc một chiếc ghế nhựa, chọn một chỗ ngồi cao trên tầng 2, tầng 3 của tàu, hoặc là sát mạn tàu, nghe những giai điệu quen thuộc, và ngắm nhìn sóng biển. Những con sóng tỏa ra từ mũi tàu, lan ra xa, gặp những con sóng nhỏ đang xô vào, sóng gặp sóng, tung lên thành những hạt nước li ti, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Có cảm giác như sóng đang đùa theo chúng tôi, đang tinh nghịch trong những phút giây hiền lành của trẻ nhỏ, trong những khoảng thời gian yên bình lúc giao mùa.

Và biển thì xanh ngăn ngắt, xanh như màu mực Cửu Long, trong suốt và yên bình. Chúng tôi ngắm mãi màu nước của biển, màu bạc của bình minh, màu xanh của buổi trưa, và màu hồng của khi chạng vạng hoàng hôn. Trên boong tàu, chúng tôi ngắm nhìn những hình ảnh kỳ diệu của bầu trời trên biển - ngắm mặt trời lên, ngắm những dải mây đủ màu, ngắm sắc trời xanh ngằn ngặt, ngắm mặt trời mọc lên và chìm xuống ở phía đường chân trời. Và bầu trời đêm trên biển, những đêm sao mọc lưa thưa trên màu đen thăm thẳm của bầu trời, sao như xà xuống, vì mặt biển cũng hòa lẫn với trời, tưởng như không còn ranh giới giữa trời và đất. Trong màn đêm bao la ấy, chỉ có những ánh sáng xanh của những ngôi sao, những dải mở mờ của đám tinh vân cuối đường chân trời, ánh sáng của những con tàu trên biển mà chúng tôi nhìn thấy xa xôi, của những hòn đảo nổi, đảo chìm chúng tôi không biết tên và vị trí. Với chiếc headphone bọc vào tai, với những bản nhạc quen thuộc trong chiếc điện thoại, với vị trí ngồi ven mạn thuyền, tôi đã đi qua ngày và đêm, đi giữa trời và nước, giữa nắng và gió biển Đông.

Bình minh đầu tiên trên biển trong hành trình

Mây buổi sớm, tôi vẫn mang thói quen trên đất liền, dậy muộn, để tiếc không đón được mặt trời lên. Nhưng ở trên biển, dường như không có quá nhiều sự khác nhau giữa bình minh và hoàng hôn như trên đất liền.


Và buổi sớm thật yên bình trên boong trên của tàu HQ 936


Ánh nắng rực rỡ của 1 ngày mới hắt vào khoang tàu


Sắc màu bình minh phía đuôi tàu


Trong khoang lái, những sỹ quan hải quân vẫn miệt mài và lặng lẽ lái con tàu suốt đêm ngày


Và những con sóng đùa bên mạn tàu



Hoàng hôn và bình minh trên biển không nhiều nét khác nhau. Phải thật để ý để nhận thấy điều khác biệt. Sau lưng là hoàng hôn,và trước mặt là bình minh. Hoàng hôn trên biển Đông


Trước mặt là bình minh, tất nhiên, sau 10h đồng hồ lênh đênh trong màn đêm



Ngày D+2, đảo Song Tử Tây

Sớm, 5 giờ sáng, loa thông báo trong khoang, tàu đến đảo Song Tử Tây. Chúng tôi háo hức lên boong, nhìn về chân trời xa, một vệt đảo mờ mờ. Cảm giác háo hức và hồi hộp, như khi đi mãi trên đường chợt tìm được một bóng người, một chỗ nghỉ chân. Và còn hơn thế nữa, đảo Song Tử Tây, đảo xa nhất trong số các cụm đảo phía Bắc của quần đào Trường Sa, điểm đến đầu tiên của chúng tôi, nỗi mong mỏi của chúng tôi sau 2 đêm 1 ngày lênh đênh trên biển cả. Cách đất liền chừng gần 320 hải lý, đảo Song Tử Tây gần với Phi lip pin hơn là Việt Nam, đây cũng là một trong những đảo lớn và đẹp nhất của chúng ta trên quần đảo Trường Sa. Vài thông tin cơ bản: Đảo Song Tử Tây nằm ở cực bắc quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh 318 hải lý, có diện tích chừng 0,17km2, có ngọn hải đăng sừng sững vươn cao 36m, có trạm khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, đây là nơi xuất phát của những cơn bão trên Biển Đông. Hiện đảo đã được nhà nước đầu tư lớn, xây dựng 1 âu tầu có sức chứa lớn, phục vụ bà con ngư dân của ta hoạt động trên vùng biển này. Cùng với âu tàu có 1 trạm dịch vụ sửa chữa nghề cá, cung cấp dầu, nước ngọt cho ngư dân với mức giá như trên đất liền. Đảo đã cơ bản hoàn thành hệ thống cung cấp năng lượng sạch, như điện gió, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, đảm bảo cung ứng tương đối đủ nhu cầu đơn giản cho sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang sống trên đảo Song Tử Tây.

6h30 phút, chúng tôi xuống xuồng lên đảo. Nhìn từ xa, đảo Song Tử tây như một thiên đường du lịch, với 1 ngọn hải đăng cao 36m đứng sừng sững giữa đảo, với 1 ngôi chùa kiến trúc khá đẹp, cửa hướng về phía đất liền, với những dãy nhà dân vàng vàng, được xây giống nhau giống như 1 dãy nhà nghỉ của resort nào đó. Giây phút lên đảo thật gần gũi, khi những người chiến sỹ hải quân và nhân dân trên đảo đứng đón chúng tôi, thân tình và cởi mở. Có cả trẻ em, cả thảy gồm 9 đứa trẻ, có cả đứa được sinh ra trên đảo. Sau những lễ nghi thường tình của 1 đoàn công tác, chúng tôi có dịp lang thang trên đảo, thăm bệnh xá Song Tử Tây, thăm các hộ gia đình, thăm những người gác đèn biển. Ai cũng hiểu những vất vả của những người giữ đảo. Và có rất nhiều câu chuyện, nhiều suy nghĩ mà tôi không được phép đề cập trên diễn đàn, nhưng có 1 vấn đề làm tôi suy nghĩ nhiều nhất, đó là làm thế nào để chủ trương dân sự hóa các đảo được thực hiện và đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Đang có những bất cập trong chính sách của Nhà nước trong vấn đề này, dù chủ trương dân sự hóa các hải đảo trên Song Tử Tây là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn, cái khó ở đây là sử dụng hiệu quả nguồn lực dân sự đó trên những đảo cách xa đất liền hàng trăm hải lý, vừa giảm thiểu nhân lực trên đảo, vừa tạo sự chủ động của người dân trên đảo, vừa tạo một sự công bằng, hợp lý trong chính sách chế độ giữa những người cùng thực hiện một nhiệm vụ, đó là giữ đảo cho tổ quốc, giữ chủ quyền cho tổ quốc. Những câu chuyện như thế này, có thể nhìn nhận từ nhiều góc độ, từ những cán bộ chiến sỹ, cho đến những người thợ trông đèn biển...

Những ấn tượng đầu tiên về Song Tử Tây

Cầu cảng Song Tử Tây

Chuyển quà đất liền vào đảo


Hải đăng Song Tử Tây cao sừng sững giữa biển trời


Toàn cảnh mặt đất trung tâm đảo Song Tử Tây

Toàn cảnh 1 phần đảo đứng nhìn từ ngọn hải đăng


Một góc khác của đảo Song Tử Tây, nơi có những ngôi nhà cho nhân dân sinh sống. Bước đầu là 7 hộ dân, với 9 đứa trẻ, những công dân Song Tử Tây.


Dãy phố đẹp, đàng hoàng, có tất cả, chỉ thiếu đất liền


Và trước cửa nhà là hệ thống hầm hào công sự chiến đấu. Nhưng có hề gì


Những ngôi nhà vẫn đẹp như 1 khu resort, với màu mái đỏ tươi, tường vàng thẫm, trước thềm biển xanh thăm thẳm


Những bức ảnh toàn cảnh Song Tử Tây - nhìn từ hải đăng cao 36m


Chúng tôi leo lên độ cao 37m của ngọn hải đăng, từ vị trí này, có thể quan sát bao quát toàn đảo Song Tử Tây, và cách chừng 1,5 hải lý là đảo Song Tử Đông do Phi lip pin xâm chiếm, cách 3,5 hải lý là đảo Đá Nam, một đảo chìm của ta. Có thể thấy sự quan tâm đầu tư rất lớn của Nhà nước ta cho đảo, giữa một hạ tầng tương đối tốt của đảo ta, so với sự hoang sơ của phía Phi lip pin. Bên ta, những âu tàu, rồi chùa, rồi trụ sở, trường học, nhà dân, rồi các cơ sở hạ tầng của quân đội, rồi những hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, hệ thống phong điện... tất cả làm cho chúng tôi yên tâm hơn về đời sống ở đây, và cảm thấy yên tâm hơn về chủ quyền biển đảo khu vực Song Tử này. 4h30 chiều, chúng tôi rời đảo Song Tử Tây, tiếp tục hành trình về phía Nam, đến với Nam Yết, đến với Sinh Tồn đông. Tàu rúc lên 3 hồi còi chia tay lưu luyến, những con tàu vận tải của ta đang xây dựng đảo cũng rúc chào tàu bằng 3 hồi còi dài. Tạm biệt nhé, hẹn gặp lại, sớm thôi, và hy vọng sẽ còn chứng kiến nhiều đổi thay hơn của đảo Song Tử Tây.

Cách xa Song Tử Tây chừng 3,5 hải lý là đảo Đá Nam, 1 đảo nhỏ nhô lên giữa bãi san hô, khẳng định chủ quyền của chúng ta


Còn ngay sát gần, chứng 1,5 hải lý là đảo Song Tử Đông, do Philippin chiếm giữ trái phép. Mấy ông hải quân đùa nhau, ngày xưa giải phóng, không đi nhầm có 1,5 hải lý, bây giờ đã là của ta rồi không! Đảo không có công trình gì đáng kể, hầu như chỉ có cây cối, có khoảng 20 lính canh giữ. Đông và Tây, rất gần nhau, nhưng lại thành rất xa nhau.


Đối lập với cái hoang vu của đảo bạn Phi, chúng ta có gì trên đảo, thêm vài cái ảnh hạ tầng phục vụ trên đảo

Máy phát điện năng lượng gió


Gần hơn tý nữa, có thể thấy cả chiếc đèn chiếu sáng bằng năng lương mặt trời


Rồi cầu cảng, rồi chùa


Giờ phút chia tay Song Tử Tây.


Sóng nước cũng như lưu luyến


Chuyện vui vui trên đảo Song Tử Tây.

Nếu có ai đó hỏi tôi rằng, bò ở đâu có tinh thần học tập nhất, câu trả lời sẽ là: ở đảo Song Tử Tây.

Song Tử Tây có 1 đàn bò, chừng 9-10 con, con nào cũng cao to lừng lững, cỡ đầu người lớn, dáng đi đường bệ, oai phong, tất nhiên, do điều kiện ngoài đảo xa, đảo thì nhỏ, mỗi chiều 100 - 200 m, bò không có điều kiện đi chơi xa, và tất nhiên, làm gì có đất để trồng cỏ nuôi bò. Cả đảo có mỗi 1 sân vận động, thì mùa mưa còn có tý cỏ, mùa khô thì trơ đất cát san hô. Nhưng đàn bò vẫn sinh sôi, phát triển, là nguồn thực phẩm tươi quý báu cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta, và vượt lên hoàn cảnh khó khăn, bò Song Tử Tây rất hiếu chữ, âuviệc ham chữ nghĩa cũng là cách để giết thời gian trên hòn đảo nhỏ bé giữa biển khơi này.

Hiếu chữ ở chỗ, cán bộ chiến sỹ ta công tác trên đảo, đi học hoặc huấn luyện, hễ chểnh mảng chút thôi là mất sách vở như bay. Mà thủ phạm, sau nhiều lần điều tra xét hỏi, hóa ra là đàn bò. Rất nhanh, bò thủ tiêu ngay sách vở của bộ đội ta. Để cho chữ nghĩa được nhớ lâu, bò có cách trau dồi độc đáo, đó là chén sạch cả chữ lẫn vở. Cho nên, từ ấy, chiến sỹ ta đi đâu phải giữ kè kè sách vở bên người, nếu không bò sẽ giữ hộ. Hiếu chữ đến độ, quà từ đất liền mang ra đảo, được bọc trong những chiếc thùng các tông, bò cũng chầu chực để được xin quà, bằng chính những vỏ thùng các tông đầy chữ. Chắc nhiều chữ nước ngoài, nên bò cũng có tinh thần tò mò ham hiểu biết hơn, đọc ngốn ngấu.

Do điều kiện trên đảo không có đủ cỏ nuôi bò, trước đây, Bộ Nông nghiệp đã phải tìm cách nuôi bò trên Song Tử Tây bằng một loại thức ăn độc đáo, đó là bìa các tông, tưới ẩm, ủ lên men, bò ăn vào thay rơm, và vẫn phát triển rất tốt. Lâu rồi thành quen, đàn bò trên đảo bây giờ sống chủ yếu bằng nguồn thức ăn chính là bìa và giấy ủ lên men, đâm ra, nhìn thấy giấy tờ sách vở, bò đâm nghiện, ăn riết rồi thành khoái khẩu. Chữ nghĩa vì thế mà cũng vào bụng được dăm ba phần.

Âu đó cũng là một câu chuyện vui nhưng đầy cảm động về sự khó khăn của bộ đội ta trên đảo , trước đây và cả hôm nay, để thấy trong khó khăn, thiếu thốn đủ đường, chúng ta đã sáng tạo, để vượt lên, và sống vẫn đầy lạc quan yêu đời. Những con bò thích sách vở đã trở thành một câu chuyện đầy tự hào của những người lính đảo Song Tử tây.

Tạm biệt nhé, Song Tử Tây


Ngày D+3, đảo Nam Yết - đảo Sinh Tồn Đông

Rời Song Tử Tây lúc 5h chiều, tàu lại đi miệt mài trong chạng vạng hoàng hôn, rồi chìm vào bóng đêm, lại một đêm dài yên bình trên biển, chỉ có tiếng sóng vỗ rào rạt bên mạn tàu, tiếng động cơ máy ì ì, tiếng người cười nói lao xao rồi thưa dần. Lúc bình minh của ngày hôm sau, đảo Nam Yết đã mờ mờ hiện ra ở phía mũi tàu. Đảo Nam Yết là đảo không có dân sinh sống, chỉ có các cán bộ chiến sỹ bảo vệ đảo. Xuồng lại đưa chúng tôi vào thăm đảo, thời gian thăm đảo được ấn định từ 8h đến 10h30.

Ấn tượng của chúng tôi, đó là đảo rất xanh, một màu xanh của sự sống, dù trên đảo chỉ có nước lợ. Nhưng bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những cây nhàu, cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông, cây mù u vẫn lên xanh mát. Ở giữa đảo có 1 cây bàng 8 gốc, đầy chất cổ thụ. Thời gian trên đảo không nhiều, vả lại cảnh quan không có nhiều điều đặc biệt, ngoại trừ hệ thống công sự chiến đấu, cái mà không được phép đưa lên ảnh. Ấn tượng của tôi, đó là 1 cậu chiến sỹ trẻ, quê ở Hải Bối, huyện Đông Anh. Cậu chàng bẽn lẽn và nằn nì 1 chị đồng hương trong đoàn công tác về thăm phòng ở của cậu. Chúng tôi cũng đi theo, và chứng kiến chàng chiến sỹ 21 tuổi nâng niu lấy từ trong tủ cá nhân 1 chùm hoa ốc biển, giống như 1 cụm hoa hồng hàm tiếu, trên 1 con ốc to, món quà đặc biệt của biển do chính tay cậu sưu tầm từng con ốc, lấy dây thép tết từng cành hoa, đính cành hoa lên vỏ ốc lớn, và sơn màu lên từng con ốc nhỏ, tượng trưng cho những bông hoa đỏ thắm của tình yêu. Món quà đơn giản mà công phu, ẩn chứa đầy tình cảm của người lính xa đất liền. Cậu chàng bẽn lẽn nhờ chị đồng hương chuyển về quê hương, đến 1 cô bé lớp 12 nào đó mà cậu chưa từng gặp mặt. Chao ôi tuổi trẻ. Có lẽ thời ấy đã quá xa rồi với tôi, sự lãng mạn, sự thiết tha, và cả những ước mơ cháy bỏng đã giúp món quà ấy được thành hình, và được trao gửi về cũng bằng một cách đầy đơn sơ và cảm động.

Nhìn chàng lính trẻ 20, nhỏ và đen trong bộ quân phục hải quân trắng, chiếc mũ sắt to, tôi thấy trong mắt cậu chàng như có ngấn nước mắt. Chị đồng hương lấy điện thoại, bảo cậu gọi về cho bố mẹ ở nhà, ngần ngừ mãi, rồi từ chối, bảo rằng chỉ huy chưa cho phép. Động viên mãi, cậu mới dám gọi, chưa nói câu nào nước mắt đã hoen, rồi xúc động chẳng nói lên lời, câu nói cứ nghẹn đi. Những chàng trai 18 -20 của chúng ta đã lên đường ra giữ đảo như thế! Nhưng khi hỏi về chiến thuật chiến đấu, kể vanh vách từng góc hào, từng phương án chiến thuật, chàng lính trẻ là lính cối - thiết giáp, hồn nhiên nói về cuộc sống tập luyện đầy vất vả trên đảo. 18 tháng, 1 năm rưỡi trong đời quân ngũ trên đảo xa nhỏ bé này, hẳn sẽ là những dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời của người lính trẻ này. Và chùm hoa ốc biển ấy đã theo chúng tôi đằng đẵng trong cả hành trình, được mọi người nâng niu, gìn giữ từng con ốc, và chắc rằng, giờ này, cô bé nào đó đã nhận được món quà từ tay người lính đảo Nam Yết - Trường Sa. Và dẫu có chỉ là một tình bạn đẹp, một cuộc gặp gỡ tình cờ trong đường đời, tôi vẫn tin, đó là 1 cô bé đầy may mắn!!!

Đến trong bình minh, trước mặt là Nam Yết - đảo lớn thứ 2 trong quần đảo Trường Sa, sau đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng trái phép

Nam Yết


Buổi sớm trên cầu cảng, đón đoàn vào thăm đảo


Bờ cát ven đảo, với hệ thống điện mặt trời đẹp mắt


Hoa bão táp trên đảo Nam Yết


Những giờ phút gặp gỡ ngắn ngủi, chào nhé, Nam Yết, hẹn gặp lại


Hết đảo Nam Yết, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến Sinh Tồn Đông. Từ 11h, tàu đi chừng 3 tiếng, đến 13h30 đến Sinh Tồn Đông. Nhìn qua cửa sổ tròn từ phòng ngủ, ngoài cửa một màu trắng xóa. Ra boong ngắm, hóa ra là một màn sương bao phủ. Biển lặng như chưa bao giờ lặng thế, mặt nước phẳng lặng, không một gợn sóng nào, một màu trắng mờ xóa nhòa ranh giới giữa biển và trời, nước cũng mờ trắng như sữa, một cảnh tượng thật lạ. Trời không có gió, tất cả im phăng phắc đến ngạc nhiên, chỉ có phía xa mờ, phía đó đang có mưa trên biển. Nhưng thật tiếc, nơi đó không có đảo của ta, dù chiến sỹ ta trên đảo trông mưa đã 6 tháng trời.

Đảo Sinh Tồn Đông là một đảo cấp 3, một đảo nhỏ ở phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Một chiều của đảo chỉ chừng 40m, một chiều trên 140m, nghe kể, những khí gió lớn, sóng đánh bay từ bờ này đến bờ kia của đảo. Đảo nhỏ, nhưng cũng đầy sức sống, với những bờ cát trắng san hô, những doi cát biết chuyển động, và những tâm tình của người lính đảo. Xuồng vào đảo, qua những hàng cọc chống tàu đổ bộ. Những con chim mòng biển đậu đầy trên đầu cọc, như những hàng lính tiêu binh chào mừng chúng tôi thăm đảo của chúng. Lại nói về chim, trên đảo chiến sỹ ta nuôi 1 con cú, giờ nó đã quen, chỉ quanh quẩn trên cây, ngày ngủ vùi, chỉ khi nào có người gọi, nó mới mở đôi mắt sáng quắc nhìn gườm gườm đầy cảnh giác. Trên đảo có nhiều hoa bàng vuông, và hiếm hoi có những quả bàng vuông trái mùa. Đảo thật nhỏ, trên đài quan sát, nhìn bao quát ra toàn đảo, thấy thương chiến sỹ ta. Trong khi chúng tôi thăm đảo, thì tàu của chúng tôi tranh thủ tiếp nước cho chiến sỹ. Những m3 nước quý báu giữa mùa khô, khi mà 6 tháng rồi trên đảo chẳng có đủ mưa.

Đội văn công ngồi trên thềm nhà, hát mộc cho chiến sỹ ta nghe, dưới cái nóng mùa khô ở đảo, tiếng hát thân thiết cũng làm chúng tôi cảm thấy đã bù đắp được chút gì đó cho nỗi vất vả của các anh em chiến sỹ nơi đây.

Đảo Sinh Tồn Đông hiện ra phía trước mặt, biển lặng sóng như tờ, không nghe thấy 1 tiếng sóng vỗ nào, dù nhỏ nhất, mặt biển phẳng lặng như gương.


Tàu tắt máy, trôi theo quán tính, tìm điểm thả neo trên biển san hô.


Xa xa là Sinh Tồn Đông, nhỏ bé, nhưng mà đầy vẻ đẹp của sức sống, như màu xanh của cây cối giữa biển trời


Một chiếc tàu vận tải hải quân đang đỗ bên ngoài đảo - đó là tàu trực của hải quân ta, vừa bảo vệ đảo, vừa đưa công binh tiếp tục xây dựng đảo


Còn đây là tàu của chúng tôi - kéo 3 hồi còi chào đảo thân yêu


Sinh Tồn Đông ơi, xin chào


Xuồng vào đảo Sinh Tồn Đông


Hàng cọc chống tàu đổ bộ được Hải quân ta dựng lên, vào đảo chỉ còn 1 lạch duy nhất


Và những con chim moòng biển, như những hàng tiêu binh chào chúng tôi


Tất nhiên, với tính cách của họ nhà chim, hàng tiêu binh này ồn ào và bay loạn xạ


Nhưng chỉ cần nghĩ rằng chúng đang cùng giữ đảo với bộ đội ta, đang chia sẻ khó khăn và sự trống vắng với bộ đội ta, thế là đã cảm thấy vui vui rồi


Lại nói về đảo Sinh Tồn, đây là một trong những đảo tạo thi hứng nhất cho cán bộ, chiến sỹ và rất nhiều thành viên đoàn công tác. Đại loại có những câu thơ tả chân như thế này:

Chị em thăm đảo Sinh Tồn
Tâm hồn ở lại, cái thân đem đi

Cho nên, về sau, bất cứ câu thơ nào về biển đảo, có vần tương tự như thế thì cũng đủ làm chị em lăn lóc ra cười rồi, thậm chí chỉ cần nói " Trường Sa sóng vỗ dập dồn...", thế là đã chuẩn bị có 1 tác phẩm thi ca nào đó sắp ra đời, và rất biểu cảm!!!

Trên xuồng vào đảo, nước biển trong như ngọc, phẳng như 1 tấm gương soi


Bộ đội đang đứng chờ chúng tôi lên đảo


Chỉ dẫn cho thuyền theo lạch nước vào đảo


Dấu chân của tôi trên Sinh Tồn Đông


Toàn cảnh đảo Sinh Tồn Đông, nhìn từ vọng gác của bộ đội

Chằng chịt những cáp điện, cột phong điện và những tấm pin mặt trời


Đảo rất nhỏ, đây là 1/4 đảo, với nhà hội trường

Cổng chính và sân lớn của đảo


Thềm san hô trên Sinh Tồn Đông


Vọng gác của đảo


Việc tiếp nước kéo dài đến 17h chiều, chúng tôi ra xuồng trở lại tàu, Tàu còn quyến luyến với đảo chẳng đi, chúng tôi cắm neo ngoài đảo, anh em trên tàu tranh thủ vớt cá, thả câu. Chỉ cần 1 ngọn đèn tuýp thôi, cá chuồn kéo đến cả đàn, vợt 1 lúc được cả chậu cá chuồn. Tôi không tham dự, đứng trên nóc tàu nghe nhạc, ngắm cảnh anh em vui đùa, sau khi đã giặt xong 1 chậu quần áo của mình, lâu không giặt tay, mệt bở cả hơi tai. Tàu neo ở Sinh Tồn Đông đến 3h sáng mới rời đảo, đến 1 khu vực đầy quen thuộc với mỗi người Việt Nam, một khu vực đầy nước mắt và nỗi căm thù, khu vực đảo Gạc Ma - Cô lin - Len đao.

Cây trên đảo Sinh Tồn Đông, cây là một phần của đảo, một phần quan trọng


Hoa bàng vuông, cây đặc trưng của Trường Sa


Quả bàng vuông


Cây bão táp trên đảo


Và con người cũng cứng cỏi như cây phong ba, cây bão táp


Con cú trên đảo Sinh Tồn Đông, người bạn của chiến sỹ ta


Biểu diễn văn nghệ bên thềm nhà


Lấy nước ngọt từ tàu vào đảo qua thuyền trung chuyển


Những giọt nước ngọt quý giá giữa mùa khô


Dù đường ống tiếp nước cũng đã hư hỏng nhiều


Người lính canh biển trên chòi cao của vọng gác


Chia tay Sinh Tồn Đông, chào bờ biển ngắn và nhỏ


Chào những hàng cọc chống tàu đổ bộ, nơi dừng chân của những chú chim biển


Và những người lính đảo chân chất, giản dị


Đảo sau lưng, xa rồi, vẫn cố ngoảnh lại nhìn thêm


Ngày D+4, lễ viếng các liệt sỹ trên khu vực đảo Gạc Ma - Cô lin - Len đao, thăm đảo Colin

5 giờ sáng, tàu đến khu vực đảo Gạc Ma - Cô lin - Len đao, khu vực cuối cùng của vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa. Nhắc đến vùng đảo chìm này, hẳn chúng ta không thể nào quên những thước phim tư liệu mà lâu rồi, ai đó đã post lên You tube, cảnh những chiến sỹ công binh hải quân ta, không một tấc sắt trong tay, nắm tay nhau giữ đảo chìm, nước ngập ngang thân. Và kẻ thù đê hèn, với tàu chiến hiện đại, đã nã đạn như mưa vào đảo, bắn đại bác vào tàu vận tải của công binh hải quân ta. 64 cán bộ chiến sỹ đã hòa thân thể và tuổi thanh xuân của mình vào biển xanh của bãi đảo Gạc ma - Cô lin này. 1 tàu vận tải của ta đã chìm xuống đáy biển, 1 tàu còn lại bị bắn cháy đã cố sức lao lên thẳng bãi đá ngầm Cô lin. Bãi Gạc ma của ngày 14 - 3 - 1988, nơi 64 chiến sỹ ta bị sát hại dã man, đã bị kẻ thù xâm chiếm trái phép, chúng đã xây dựng từ bãi ngầm 1 tòa nhà phòng thủ kiên cố. Còn bãi Cô lin nay đã được chúng ta giữ gìn và xây dựng thành 1 đảo nhỏ, trên nền đá san hô, chỉ rộng hơn 100m2.

Khi tàu chúng tôi đến bãi Gạc ma, còn nhìn thấy chiếc tàu hộ vệ tên lửa 998 của giặc ngông nghênh đi lại trên vùng biển, thấy đảo Gạc Ma trong tay kẻ thù, và đau xót.

Gạc ma, vùng biển đã hòa tan máu đào của bộ đội ta, giờ nằm trong sự chiếm đóng của kẻ thù. Nhìn cột chủ quyền của bọn Tàu dựng lên trên bãi Gạc ma mà đau xót. Bên cạnh đó là chiếc tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 998 của giặc, chiếc tàu được nhìn từ khoảng cách 6-7 hải lý, gần 12km, thế mà vẫn to lừng lững. Nhưng chỉ có lòng căm thù, không hề sợ hãi.


Toàn cảnh bãi Gạc ma - từ trái sang phải - cột chủ quyền do địch dựng trái phép - tàu chiến hộ vệ tên lửa số 998 - đảo Gạc ma do địch xây dựng, hình dáng giống như 1 chiến hạm.


Nhìn rõ hơn nữa đảo Gạc ma, địch xây rất to, thành dựng đứng, nghe kể người nhái hải quân của ta nhiều lần tiếp cận nhưng chưa bao giờ lên được đảo do bố phòng cực kỳ nghiêm ngặt, kể cả việc chuyển quân của địch bao giờ cũng bí mật.


P/s: ảnh chụp tele hết cỡ 200 x 2, tàu lại chạy rất rung, về lại dùng FS để tiếp tục phóng to, nên xấu, nhưng cũng muốn phóng to để các bạn nhìn rõ mặt quân thù, để nhớ và nuôi ý chí một ngày nào đó, sé đòi lại được chủ quyền của hải đảo tổ quốc thân yêu!!!

Lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trên khu vực đảo Gạc Ma - Cô lin được tổ chức ngay trên boong tàu, đơn sơ mà thành kính. 22 năm đã qua đi kể từ ngày ấy, nhưng vết thương vẫn chẳng thể nào lành, 64 người con đã ra đi, 64 gia đình vẫn còn đau nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai, và chủ quyền của tổ quốc vẫn còn bị xâm phạm.

Vòng hoa tưởng niệm các anh được thả xuống mặt biển. Một ca sỹ theo đoàn cất lên tiếng hát nghẹn ngào bị ngắt quãng nhiều lần trong nước mắt, lòng chúng tôi cũng trĩu nặng theo. Rất nhiều rượu, thuốc, tiền vàng mã được chúng tôi gửi vào lòng biển, tưởng nhớ các anh. Nhiều người đã không cầm được nước mắt. Dưới cái nắng đầu ngày, giọt mồ hôi nhỏ xuống bên khóe mắt.


Tổ quốc không bao giờ quên nỗi đau này, chúng tôi không bao giờ quên các anh.


Một vài người còn thả xô, múc nước biển của Gạc Ma, cho vào chai, mang về đất liền. Một chai nước để nhớ, để tưởng niệm, để tự nhủ với lòng mình, rằng chủ quyền của tổ quốc đã phải trả bằng máu của những người lính hải quân, rằng chủ quyền ấy, chúng ta phải đấu tranh đến cùng để giữ lấy.


Một chai nước để thêm yêu tổ quốc hơn, chai nước muối bãi Gạc ma như mặn hơn, như chát hơn.


Sau nghi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi vào đảo Cô lin thăm các chiến sỹ đang giữ đảo. Đảo rất nhỏ, chỉ là những ngôi nhà được xây trên nền bãi chìm, người lính chỉ quanh trong 4 bức tường. Những câu chuyện với những người lính càng làm chúng tôi thương các anh em hơn. Tàu cũng tranh thủ tiếp nước cho đảo, đảo thì lấy mọi thứ có thể trữ nước để lấy nước từ tàu. Đảo không có đất, có 1 cây bàng vuông được các chiến sỹ ta trồng vào chiếc can nhựa cắt nắp, cây cũng lên cao chừng gần 2m, lá xanh mướt, như sức sống của những người lính tuổi đôi mươi giữ đảo.

Sau những giờ hàn huyên, gặp gỡ, chúng tôi trở về tàu. Chúng tôi cũng xin với các đồng chí chỉ huy hải quân, để anh em được lên tàu tắm nước ngọt và cùng ăn bữa cơm với cả đoàn. Đề nghị ấy được chấp thuận. Ở đảo, mùa này không có nước, anh em chỉ được hạn mức 3 lít nước mỗi ngày, cho cả ăn uống và tắm gội. 3 lít nước, bằng 2 chai lavie to, điều đó làm chúng tôi đầy thông cảm và có chút áy náy rằng đôi khi mình sống vô tâm, khi nước trên tàu chúng tôi dùng thả cửa. Và sau khi anh em đã lên tàu, đã tắm nước ngọt, đã chia sẻ với bữa cơm đầy tình hậu phương, quà gửi về đảo là những chiếc bắp cải, những mớ rau muống, vài quả đu đủ, ít lon nước ngọt, thuốc lá...Những cái bắt tay thật chặt, lưu luyến với những người ở lại, còn đoàn công tác lại tiếp tục lên đường. Tàu thẳng xuống phía Nam, nơi ấy có đảo Trường Sa lớn. Chúng tôi sẽ phải mất 18 tiếng đồng hồ để đến với khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa, với địa danh đầu tiên đến thăm là đảo Đá Tây.

Đảo Colin - nơi 22 năm về trước tàu hải quân bị bắn của ta đã lao lên đảo, quyết giữ vững chủ quyền, nay đã được xây dựng đàng hoàng.


Cầu cảng của đảo Côlin


Cano chở nước ngọt tiếp tế cho đảo. 6 tháng rồi, đảo không có mưa.


Bể chứa nước ngọt của đảo Côlin


Vườn rau xanh trên đảo chìm, nhỏ bé giữa trùng dương, sóng gió và muối mặn, vì thế, vườn rau là nơi được chăm chút che chắn nhất


Cây bàng vuông trồng trên đảo Côlin. Đảo không có đất, cây được trồng vào can đất mang ra từ tận đất liền. Cây như hiểu được tấm lòng chiến sỹ, vẫn lớn và xanh tốt trong can đất bé nhỏ này.


Cái chuông gió trước cửa phòng lính đảo


Bờ rào vườn rau, ống khói bếp và chiếc kẻng


Thương lắm, Côlin!!! Chia tay Cô lin


Thềm san hô của Cô lin


Toàn cảnh bãi Cô lin


Nhìn từ mũi tàu


Lên thăm tàu, cano CQ mang theo rất nhiều can, tận dụng để lấy nước sạch


Những can nước thế này sẽ góp phần giúp cho lính đảo chờ hết mùa khô


Ngày D+5, thăm Đá Tây - Trường Sa lớn

Đảo Đá Tây được xây dựng giống y như cấu trúc của đảo Cô Lin, là kết cấu nhà lô cốt dựng trên nền đảo chìm san hô. 5h sáng, tàu đến đảo, nhìn xa mờ, đảo nằm trên một nền san hô khá rộng, và bên cạnh là một khu nhà khá đẹp, màu trắng, có nóc nhọn vươn lên như 1 khu biệt thự nào đó. Hỏi ra thì biết rằng đó là khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên đáo Đá Tây. Điều đặc biệt với đảo Đá Tây, đó là có 1 hồ rộng, sâu đến 30m, nằm giữa vùng đá san hô, có luồng vào cho tàu cá. Nói là hồ, nhưng cả vòng bờ của hồ cũng chìm dưới nước, không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng khi có bão tố, thì tàu cá của mình có thể vào tránh bão, sóng đánh không qua bờ san hô. Cũng vì vậy, đảo là nơi lý tưởng để xây dựng một khu dịch vụ hậu cần nghề cá, vừa là nơi tàu vào trú ngụ, vừa là nơi cung cấp dầu, nước ngọt, sửa chữa tàu biển... Nhìn từ Đá Tây sang, khu dịch vụ hậu cần nghề cá trông rất đẹp, lại có doi cát vươn ra biển, đầy thơ mộng giữa mênh mông biển trời. Lên Đá Tây, nhìn ra thềm đảo san hô, đẹp không gì tả xiết. Tôi đi loanh quanh, vào từng ngõ ngách của ngôi nhà trên đảo. Ngôi nhà này là nhà mới, vừa được đưa vào sử dụng để thay thế ngôi nhà cũ đang sửa sang mới. Chính vì thế, ở Đá Tây có 1 cây cầu rất đặc biệt, nối giữa 2 ngôi nhà, cùng với ngôi nhà hậu cần nghề cá ở cách xa chừng hơn 100m nữa, tạo thành một hệ thống kiến trúc đầy mê hoặc với những tay máy ảnh.

Canno đưa chúng tôi sang khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá, khá đẹp, rộng rãi, hệ thống hạ tầng đủ sức phục vụ các tàu cá vào. Đứng từ nơi này nhìn sang, dù chỉ cách chừng hơn 100-200m, nhưng đảo Đá Tây trông nhỏ xíu. Thăm anh em một chút, chúng tôi rời đảo, về tàu để tiếp tục đến Trường Sa lớn, trung tâm của quần đảo Trường Sa.

Đảo Đá Tây


Tòa nhà nổi cũ đang được cải tạo lại và cây cầu nối giữa nhà cũ và mới


Toàn cảnh trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây


Thuyền chở đoàn công tác vào thăm đảo

Cầu cảng của đảo Đá Tây


Tòa nhà chính của đảo Đá Tây


Cây xanh trên đảo Đá Tây


Cửa sổ - nơi phơi khăn mặt của chiến sỹ. Đây là nơi có ánh nắng và tránh được hơi muối biển


Một cửa sổ khác, nhìn ra mặt biển và bầu trời


Vườn rau xanh trên đảo Đá Tây


Có con chim én biển đậu trên hàng rào vườn rau


Cầu nối 2 khu nhà trên đảo


Tiếp tục chủ đề về Đá Tây, đã đến lúc phải xa Đảo Đá Tây rồi. Mặt biển ven đảo Đá Tây


Và rất nhiều loài cá đang bơi lội trong vùng biển san hô


Trung tâm dịch vụ nghề cá Đá Tây đẹp như 1 tòa biệt thự giữa trùng khơi


Hồ Đá Tây, nói là hồ, nhưng chẳng thấy bờ, và 2 chiếc tàu của công ty nuôi trồng thủy sản đang thử nghiệm nuôi cá lồng trên biển


Nhìn từ trung tâm dịch vụ nghề cá


Từ Trung tâm nghề cá, nhìn lại đảo Đá Tây


Đảo Trường Sa lớn - thủ phủ của huyện đảo Trường Sa

Cầu cảng trên đảo, đảo duy nhất có cầu cảng lớn, tàu có thể cập vào tận bờ


Tàu của chúng tôi cập cảng


Cảng tàu, nhìn từ góc khác,


Chùa trên đảo Trường Sa Lớn


Và cây lá trên đảo


Đá Tây nằm trong cụm của Trường Sa Lớn, cách xa đảo Trường Sa lớn chỉ chừng 20 hải lý, nên chỉ chỉ mất hơn 2 giờ đồng hồ trên biển sau khi rời đảo Đá Tây, 13h30, tàu đã đến Trường Sa lớn, thủ phủ của huyện đảo Trường Sa. Đây cũng là đảo lớn duy nhất của chúng ta đã xây dựng xong cầu cảng, có 1 đường băng ngắn chừng 600m cho máy bay trực thăng và máy bay nhỏ. Vì là thủ phủ, đảo được đầu tư khá bài bản và quy mô lớn, với hệ thống kè chắn sóng, chống được xe tăng đổ bộ đã kín xung quanh đảo, với nhà cửa khang trang, với 1 khu nhà khách thủ đô, 1 tượng đài Liệt sỹ, tượng Bác Hồ... Hải đăng Trường Sa lớn cũng mới được xây dựng, đẹp và quy mô. Bước trên cầu cảng Trường Sa lớn, chúng tôi cứ lâng lâng niềm vui và tự hào vì biển đảo chúng ta đã đẹp và hiện đại hơn rất nhiều. Đã có biết bao nhiêu công sức, tiền của, thậm chí cả xương máu của anh em chiến sỹ đã đổ xuống biển, để có một hạ tầng khang trang như thế. Tôi thực sự ấn tượng về quy mô của đảo cũng như cơ sở hạ tầng nơi đây. Chúng tôi trèo lên hải đăng, ngắm 1 vòng toàn đảo, đảo xanh một màu xanh của cây cối, của lá bàng vuông, của cây phong ba, của cây lá nho... Tôi đã dành cả buổi chiều đi một vòng trên bờ kè của Trường Sa lớn, ngắm sóng biển dạt dào đập vào bờ, nhìn những bãi cát san hô, hay đi trên đường băng rộng mênh mang, ngắm bầu trời Trường Sa xanh thẳm, thấy yên tâm hơn trước chủ quyền của dân tộc trên quần đảo Trường Sa.

Trường Sa lớn, nhìn từ Hải đăng Trường Sa


Một góc nhìn khác về đảo Trường Sa lớn xanh màu cây lá và nhộn nhịp nhà cửa


Kè bờ biển vững chắc, với những cột phong điện và những đụn cát thay đổi theo mùa gió


Những đụn cát ở đầu phía nam của đường băng


Và đường băng trên đảo Trường Sa, dài 600m và đang có kế hoạch kéo dài 1km


Một góc đảo khác


Bữa ăn tối được tổ chức dưới những tán bàng vuông, thân tình, ấm cúng, ăn món lợn được nuôi trên đảo. Đi 1 hành trình dài trên biển, ăn miếng lòng lợn tiết canh thấy lạ lạ. Sau bữa ăn tối, tôi đi lang thang một mình dọc theo đường băng trên đảo. Trong bóng tối, trên đầu là bầu trời sao lồng lộng, bên cạnh là bóng tối như mênh mang của đường băng, tôi đi về đầu 1 đường băng trên đảo, bóng tối như bưng vào mắt, vừa đi vừa nghe nhạc. Chợt có ánh đèn pin lóe lên, bỏ tai nghe, nghe có tiếng hô của mấy chiến sỹ đang trực chiến, hỏi mật khẩu. Hôm nay đảo có khách, việc đảm bảo an ninh cũng đỡ căng hơn, bình thường không có chuyện được lang thang đêm và không biết mật khẩu như thế này. Ngồi trong bóng tối như bưng, bên cạnh 2 chiến sỹ, mời điếu thuốc lá, thương anh em vất vả, tôi lại đi về tàu, lấy thêm mấy bao thuốc lá, đưa ra tặng anh em, coi như 1 chút tình cảm của đất liền. Đêm ấy, chúng tôi ngủ trên tàu, tàu neo bên cầu cảng, nửa đêm nghe tiếng sóng vỗ bờ, nao nao nhớ đất liền.

Ngày D+6: rời Trường Sa lớn - thăm Đá Lát - di chuyển về DK1

Một ngày mới trên Trường Sa lớn đón chúng tôi bằng một cơn mưa rào, cơn mưa làm không khí trở nên mát mẻ, dễ chịu, khác hẳn cái oi nóng của ngày hôm qua.Mưa trên biển cũng có nhiều điều mới mẻ, đó là nơi này mưa dào dạt, nhưng ở đằng xa, một phương trời khác, bình minh vẫn đang lên, nắng vẫn chói chang ở một góc trời. Nước biển cũng vì thế mà đầy huyền hoặc, mảng tối, mảng sáng, mảng xanh, mảng đen trên mặt biển mênh mang. Sau khi tranh thủ đi thăm 1 vòng nữa của Trường Sa lớn, chúng tôi lên tàu, rời đảo. Cuộc tiễn ở cầu tàu dường như quy củ hơn, hoành tráng. Tàu kéo 3 hồi còi chào đảo, Trường Sa lớn xa dần, chỉ còn lại dáng đảo đầy xanh tươi và kiêu hãnh giữa biển xanh...

Bình minh trên Trường Sa lớn bắt đầu bằng cơn mưa trên biển - một cơn mưa nhỏ, nhưng đủ làm mát lành không khí, giảm hẳn mùi muối biển trên tàu.


Những giọt nước mưa trên máy đo của tàu.


Bên kia bầu trời, mặt trời vẫn ló rạng phía chân trời


Ở một chân trời khác


Và trên đảo, một vệt mờ của cầu vồng


Một vệt mây xa phía trước mũi tàu


Bầu trời trở nên quang đãng hơn khi cơn mưa vừa tạnh


Trong không khí trong lành của bình minh mưa, cảnh vật trở nên rõ nét hơn bao giờ hết


Ngọn đèn trên tàu đi ngủ trong bình minh ngày mới


Trời hửng dần trên đường băng Trường Sa


Chào Trường Sa lớn nhé, tàu ra đi trong ánh nắng ban mai, mong có ngày trở lại để thấy Trường Sa đẹp hơn, quy mô hơn


Tiếp theo Trường Sa Lớn, tàu tạt qua Đá Lát. Cũng rất gần thôi, chỉ chừng 2h đồng hồ, tàu đã tới Đá Lát. Đây cũng là một đảo chìm, trên một bãi san hô nổi rộng mênh mông. Một trong những mục đích của tàu đến Đá Lát, đó là cung cấp nước ngọt cho đảo, bởi nước dự trữ trên này đã cạn. Đảo chìm, nhưng nằm giữa một vùng san hô khá cao, nên phải đợi lúc thủy triều cao thì canno mới vào được. Khi triều xuống, mực nước quanh đảo chỉ còn vài chục phân, thậm chí còn nổi cả cồn san hô, với chu vi cả km. Chính vì vậy, chúng tôi chỉ có 1h đồng hồ thăm đảo, thăm cán bộ chiến sỹ trên Đá Lát. Đảo chìm, điều kiện đi lại cũng khó khăn, nên cũng ít đoàn thăm đảo, tình cảm của cán bộ chiến sỹ cũng nồng nhiệt hơn, và sự có mặt của chúng tôi cũng động viên anh em nhiều. Sau những hàn huyên, tàu rời Đá Lát, rời bãi san hô mênh mông, chia tay với vùng quần đảo Trường Sa thân yêu để đi sâu về phía Nam, đến với vùng thềm lục địa của tổ quốc, với những dàn DK1 nổi tiếng, những giàn canh gác chủ quyền thềm lục địa giàu tài nguyên của tổ quốc ta.

Lại là một hành trình lênh đênh trên biển 10h đồng hồ để đến DK1 Phúc Nguyên.

Trường Sa lớn - xa rồi nhìn lại


Sau 2 giờ x 8 hải lý/giờ, tàu đã đến Đá Lát


Thềm san hô Đá Lát


Và bầu trời trên Đá Lát


Chiếc cano CQ rẽ sóng ra đón đoàn vào thăm đảo


Xuồng vào thăm đảo


Nước ngọt tái sử dụng trên đảo Đá Lát


Nhưng không vì thế mà không quan tâm đến khách. Chậu nước rửa tay dành cho khách quý, khi mà mỗi ngày trên đảo, 1 người chỉ có 3 lít nước. Chính vì thế, chẳng ai nỡ rửa tay.


Lá cờ phướn bay trên Đá Lát


Chia tay đảo sau 1 giờ đi thăm ngắn ngủi


Ngày D+7-Lễ tưởng niệm trên thềm lục địa và thăm DK1

Lại là 5h sáng, tàu đến khu Nhà giàn DK1 Phúc Nguyên. Đó là do sự thu xếp thời gian hợp lý của những chiến sỹ lái tàu, tính toán để có một thời gian hợp lý nhất cho hành trình. Nơi đây, nhiều cán bộ chiến sỹ của các nhà giàn đã hy sinh và bị cuốn đi mất tích trong làn nước dữ của bão tố, khi những nhà gian của ta bị đổ bởi gió bão cấp 10- 11-12. Cả khu vực thềm lục địa có 20 nhà giàn DK1, 5 chiếc đã bị đổ, nhiều chiến sỹ đã chấp nhận hy sinh cùng với nhà giàn. Một lễ tưởng niệm trang nghiêm lại được tổ chức ở đây, tưởng nhớ đến hương hồn các chiến sỹ hải quân. Lễ tưởng niệm theo đúng lễ nghi hình thức của quân đội, với không khí bùi ngùi, thương tiếc. Nhưng điều đáng nói hơn, khi lễ tưởng niệm vừa kết thúc xong, một đám mây đen bay ngang tàu, và mưa lất phất xuống vùng biển của chúng tôi. Như rất nhiều cơn mưa biển, chỉ một đám mây thôi, còn xung quanh vẫn đầy nắng và ánh sáng. Các anh em hải quân nói, bao giờ cũng thế, cứ mỗi lần làm lễ tưởng niệm trên biển như thế này, bao giờ sau đó cũng mưa. Điều này lại làm chúng tôi nhớ đến lễ tưởng niệm trên vùng biển Cô lin - Gạc ma. Hôm đó chúng tôi cũng gặp mưa, thế mà chúng tôi không để ý, chỉ khi nghe các anh nói, chúng tôi mới nghiệm ra được điều này. Nếu đó là sự linh thiêng của linh hồn các anh, cũng mong các anh yên lòng, vì tổ quốc, nhân dân không bao giờ quên những hy sinh của các anh, vì vùng biển thiêng liêng của tổ quốc mình. Mong cho linh hồn các anh mát mẻ!!!

Đến Nhà giàn DK1, đây mới thực sự là thử thách. Khác với vùng biển Trường Sa, trời yên bể lặng, ở khu vực thềm lục địa này, sóng và gió to hơn nhiều, những con sóng cao đến 2 mét. Đã có rất nhiều đoàn đến DK1, nhưng rồi chỉ đứng nhìn chứ không thể lên được nhà giàn, do sóng và gió. Nhìn chiếc canno nhỏ bé dập trồi bên mạn tàu, va rầm rầm vào thân tàu mà chúng tôi ái ngại. Vì ở nhà giàn không có bến tàu, chỉ có 1 cầu thang dựng đứng để leo lên, vừa trước đoàn chúng tôi, 1 đoàn trước đã có người bị gãy chân do va đập giữa canno và cầu thang này. Nhưng rồi phải quyết tâm thôi, vì đã đến chân nhà giàn mà không lên được, hẳn chúng tôi sẽ hối tiếc về sau này. Thế là lên thuyền, đến với nhà giàn. Tất nhiên là khác với ở Trường Sa, ở đây máy ảnh, máy quay phim phải cất kỹ vào ba lô, bọc thêm nylon cho chắc chắn, bởi sóng khá lớn. Rồi mọi chuyện cũng ổn thỏa, tất cả chúng tôi đều lên nhà giàn một cách an toàn tuyệt đối, xin cảm ơn sự nhiệt tình và nhẫn nại của các chiến sỹ hải quân. Lên nhà giàn, mới thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên bao la và khắc nghiệt, thương 9 anh em trên mỗi nhà giàn. Cả vùng thềm lục địa có 15 nhà giàn, một số cái đã nghiêng hiện không còn sử dụng được, 1 số cái đổ đã được xây dựng lại chắc chắn hơn, nhưng cũng không dám nói trước được điều gì trước sự tàn phá của thiên nhiên. Chúng tôi lên đỉnh nhà giàn DK1, ngắm mây nước, biển trời, xuống thăm anh em cán bộ chiến sỹ. Cũng kịp nghịch thử khẩu súng 12,7 ly trên đỉnh nhà giàn. 11h, chúng tôi rời nhà giàn, trở lại tàu. Tạm biệt nhà giàn DK1, đây là điểm hành trình cuối cùng của chúng tôi, của chuyến công tác thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của tổ quốc. Chúng tôi sẽ nhớ mãi về những người lính biển, nhớ mãi về sự hy sinh thầm lặng của các anh.
Tàu hướng trở về quân cảng Cam Ranh, phía trước là 2 ngày 2 đêm đầy sóng gió trước khi đặt chân tới đất liền!!!

Lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã ngã xuống trên vùng thềm lục địa phía nam tổ quốc


Đơn sơ mà thành kính


Vòng hoa thả xuống biển, mang bao niềm tiếc thương của người đang sống


Mặt biển cũng trào dâng


Một chén rượu đào xin chia sẻ với người đã khuất


Và kỳ diệu thay ở cuối chân trời, vầng cầu vồng mọc lên, liệu có phải linh hồn các anh hiển hiện


Vườn rau trên nhà giàn DK1


Các loại rau xanh được bộ đội trồng



Chụp ảnh với súng 12 ly 7 trên đỉnh nhà giàn


Đã đến lúc rời nhà giàn DK1. Chiếc xuồng nhỏ bồng bềnh trong sóng cần mẫn chở chúng tôi về lại tàu


Cầu thang đi xuống nhà giàn DK1


Đã rời nhà giàn, vẫn còn cố chụp thêm tấm ảnh


DK1 hiên ngang trong nắng, gió và sóng biển


Lại tiếp tục hành trình 2 ngày 2 đêm để về đến Cam Ranh


Chia tay Trường Sa - ngày trở về đất liền

7 ngày đến với Trường Sa trôi qua thật nhanh, đôi khi giống như 1 giấc mơ trên biển. Những khoảng khắc đầy nắng, gió, đầy mồ hôi, sự mệt mỏi vì áp lực công việc, đôi khi là cả cái khát cháy họng, là hành trình nặng chịch máy móc thiết bị trên vai, là cảm giác bập bềnh trên sóng... nhưng lớn hơn rất rất nhiều sự mệt nhọc vì công việc, là cảm giác được chia sẻ, là cảm giác mình đang được đặt chân lên vùng biển đảo thân yêu, cảm giác gắn bó máu thịt với những hòn đảo nhỏ nổi trên mặt nước mênh mông không thấy bờ, thậm chí cả những cảm giác, rằng biết bao linh hồn những người dân Việt đã nằm lại trên vùng biển này vẫn đang dõi theo hành trình của mình.

Con tàu lên đường, hành trình ngược về đất liền, đó là một hành trình dài 48h đồng hồ lênh đênh trên sóng nước. Biển vẫn mênh mông trong tiếng sóng rì roạp vỗ vào thân tàu, con tàu chòng chành hơn trong cái gió chuyển mùa. Không còn những háo hức, những bỡ ngỡ ban đầu, tất cả đã trở nên quen thuộc. Nào Nam Yết, nào Song Tử, Trường Sa, nào Đá Nam, Đá Lát, Coolin...và những nhà giàn DK1 hiên ngang trong nắng trời lồng lộng của vùng thềm lục địa. Tàu đi về phía Bắc, tiến gần hơn với đất liền. Những thành viên trong đoàn im lặng nhìn về phía chân trời xa. Hẳn mỗi người đều có những suy nghĩ riêng cho mình, nhưng trong tất cả những nỗi niềm riêng ấy, có 1 điều lớn lao chung, đó là 2 từ: TỔ QUỐC.

Đã thấm mệt sau một hành trình dài công việc liên miên, tôi chìm vào giấc ngủ dài. Trong giấc ngủ chập chờn, vẫn cảm nhận tiếng cười nói lao xao của mọi người, tiếng đàn hát đầy chan hòa, tiếng hò reo mỗi khi câu được con cá to, cảm nhận con tàu lắc lư theo sóng.

Hôm sau, một cuộc gặp mặt thân mật đã diễn ra ngay trên boong tàu, cùng chia sẻ tình cảm giữa những người lính hải quân với đất liền, cùng ôn lại những kỷ niệm trên cả hành trình dài lênh đênh trên biển. Và mỗi người chúng tôi được tặng 1 huy hiệu “ Chiến sỹ Trường Sa” - chiếc huy hiệu mà những người lính đảo phải công tác 3 năm liên tiếp mới được nhận. Với chúng tôi, đó là món quà đầy ý nghĩa, ghi nhận rằng, chúng tôi đã được đứng trong hàng ngũ những người giữ biển đảo quê hương. Một hành trình thật ngắn, nhưng trong đời, dễ mấy khi có những hành trình đầy thiêng liêng như thế. Gần 1000 hải lý để cảm nhận rằng : Trường Sa tuy xa nhưng cũng thật gần./.
Nguồn Phượt.vn