Ngoài “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, thành phố du lịch Phan Thiết còn có rất nhiều các món ăn ngon, đậm đà hương vị biển.
Mực một nắng nướng Phan Thiết
Loại mực là chỉ phơi duy nhất một lần nắng, thân ngoài ráo hẳn nhưng bên trong thịt vẫn còn tươi. Khi nướng lửa nhỏ trên than bếp hồng, mực sẽ chuyển từ màu trắng tinh sang màu vàng, tỏa mùi thơm tự nhiên, hòa quyện với vị cay nồng của tương ớt.
Gỏi ốc giác
Thịt những con ốc giác tươi ngon được luộc chính, xắt sợi, thưởng thức cùng với thịt ba chỉ hoặc thịt lợn nọng (phần cổ), đu đủ sống bào mỏng, rau răm xắt nhỏ, hành tây, đậu phộng rang, hành phi… rưới nước mắm tỏi ớt chua ngọt.
Bánh hỏi lòng heo
Gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng cùng với rau sống và nước chấm có xuất xứ từ xóm lụa – Phú Long (nay là xã Hàm Nhơn huyện Hàm Thuận Bắc). Khi ăn, cuốn bánh tráng với bánh hỏi, lòng heo, kẹp rau sống ở giữa rồi chấm nước mắm chanh đặc biệt. Món ăn có hương vị lạ, vị béo ngọt của lòng heo, ngọt đượm tí chua của nước chấm quyện với rau sống càng thêm ngon.
Cốm hộc
Món cốm làm từ gạo nếp hương ngon được rang nở bung trộn đường cát sên với dứa, gừng, sau đó nhấn xuống hộc để tạo thành những khối vuông. Cốm được gói bằng giấy màu, giấy bóng kính hoặc giấy hoa văn đủ màu sắc.
Dông 7 món
Dông là loài bò sát đặc trưng, sống trong những đồi cát ở Phan Thiết. Bữa tiệc Dông 7 món với nguyên liệu chính là thịt Dông gồm có: Dông nướng, Dông rô ti, dông hấp, chả dông, gỏi dông, cháo dông, và dông nấu dưa hồng. Đặc biệt, món gỏi dông được làm từ thịt dông luộc xé nhỏ, ướp muối, đường, bột ngọt, tỏi giã nhỏ, hành tây, cà rốt, hành khô và rau răm mấy lá ớt mỏng… trộn với rau sống, nước mắm me, ăn cùng bánh tráng nướng giòn rất ngon. Ngoài ra, còn có món lẩu dong cá me chua cay.
Nước mắm Phan Thiết
Nước mắm Phan Thiết có màu vàng nhạt, hương vị đạm đà, vị ngọt của cá cơm, cá nục rất thơm ngon.
Cua Huỳnh Đế Tuy Phong
Cua to bằng bàn tay, mình khum tròng, thoạt nhìn giống con bọ khổng lồ, đầu hơi chúi xuống, có nhiều râu vểnh lên, lưng có gai, càng và ngoe ngắn, khi luộc chín mai cua có màu đỏ rất đẹp. Gạch cua ăn rất bổ dưỡng, không độc như ghẹ thường. Sớ thịt cua chắc, ngọt, dai và thơm. Vỏ cua giòn, mềm, dùng răng cắn bể được. Đặc biệt cua Huỳnh Đế nấu cháo rất ngon, ngoài ra có thể hấp cua Huỳnh Đế chấm muối tiêu chanh.
Bánh rế
Loại bánh nhỏ nhắn, có màu đỏ như màu cánh gián với những sợi mảnh xoắn lại, đan vào nhau. Sợi bánh được làm từ củ mì (sắn), khoai lang, trút vào khuôn hình cái vá (môi) ròi chiên trong chảo dầu sôi. Khi vừa chín rưới ngay lên bánh một lớp đường sên sẵn. Bánh rế đặc sản xuất xứ từ vùng Phan Thiết, Phan Rang có sự hào quyện của những hương vị: bùi của tinh bột, béo của dầu, ngọt của đường mật và sự giòn tan đến ngây ngất.
Bánh xèo Phan Thiết
Bánh xèo Phan Thiết được làm từ bột gạo pha nước cốt dừa, chút bột nghệ cùng các loại hải sản và thịt lợn ướp muối, tiêu, đường, tỏi,.. để làm nhân. Dọn lên thưởng thức cùng rau các loại như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, đọt cách, lá mơ. Miếng bánh cuốn với rau chấm nước mắm làm sẵn rất ngon miệng.
Canh Chua Hai Mọi Phan Thiết
Món canh chua đặc sản có xuất xứ từ xã Châu Thành (Phan Thiết), có vị thơm ngon, đậm đà của thịt và trứng cá dứa, trộn lẫn cới mùi gia vị nồng nàng.
Bánh Căn Phan Thiết
Món bánh được làm từ gạo cũ ngâm qua đêm, xay thành bột và thêm vào vài nắm cơm nguội để cho bánh nở đều, xốp dẻo. Mỡ hành dọn kèm phải bóng mỡ, nhưng không béo ngầy ngậy, tóp mỡ phải mỏng tang, giòn rụm. Nước chấm phải trộn lẫn cới bí đỏ sáp giã thật nhuyễn, cùng đậu phộng rang giã nhỏ, ớt, chanh, tỏi.
Gỏi cá thu Phan Thiết
Cá thu được chế biến thành nhiều món như: cá thu chiên dầm nước mắm, me,ớt; cá thu kho tiêu,tỏi hoặc nấu canh;gỏi cá thu…Đặc biệt, món gỏi cá thu được làm từ thịt cá tươi trộn với củ hành tây xắt mỏng, gừng thái chỉ, đậu phộng rang vàng, bánh tráng mè nướng, giấm chanh, ớt, vài trái khế chua, rau sống cùng nước mắm, tỏi, đường,… Khi ăn, dọn cùng rau sống, khế chua, vài cái bánh tráng mè nướng và nước mắm chanh, tỏi, ớt, giã nhuyễn.
Gỏi cá mai Phan Thiết
Gỏi được làm từ loại cá nhỏ như cá cơm, thịt trong và không có máu nên không tanh, ngọt và dai, giòn rất đặc trưng. Có hai loại gỏi cá Mai là gỏi khô và gỏi ướt. Món gỏi khô khi ăn, vắt chanh lên làm cá chín, trộn với rau thơm xắt nhỏ, đậu phộng rang và xúc bánh tráng nướng. Món gỏi ướt khi ăn, dầm cá trong nước chấm làm từ đậu phộng và mè xay rồi cuốn bánh tráng cùng các loại rau thơm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét