Hiển thị các bài đăng có nhãn Thị Thực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thị Thực. Hiển thị tất cả bài đăng

29 thg 6, 2015

Miễn thị thực 15 ngày cho công dân Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia

Ngày 18-6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 46 NQ-CP quy định về việc miễn thị thực có thời hạn cho công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia.

Miễn thị thực 15 ngày cho công dân Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia


Nghị quyết nêu rõ: Miễn thị thực cho công dân các nước Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Tây Ban Nha và Cộng hòa Italia khi nhập cảnh tại Việt Nam với thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính sách miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam cho công dân các nước nêu trên có thời hạn một năm, kể từ ngày 1-7-2015, cho đến hết ngày 30-6-2016 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.


23 thg 6, 2015

Thông báo quan trọng về thị thực của Lãnh sự quán Hoa Kỳ

Ngày 22-06-2015 - Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hiện đang tiếp tục giải quyết các sự cố kỹ thuật ảnh hưởng đến hệ thống xử lý thị thực. Vấn đề này không giới hạn riêng quốc gia hay loại thị thực nào.

Thông báo quan trọng về thị thực của Lãnh sự quán Hoa Kỳ


Hiện tại, chúng tôi không thể in hầu hết thị thực không định cư và thị thực định cư đối với các hồ sơ được chấp thuận sau ngày 8 tháng 6 năm 2015. Ngay khi hệ thống hồi phục hoàn toàn, chúng tôi sẽ nhanh chóng giải quyết các hồ sơ xin thị thực còn tồn đọng. Chúng tôi xin cáo lỗi đến đương đơn và chúng tôi hiểu rõ rằng sự cố này có thể gây nhiều khó khăn cho các đương đơn đang chờ nhận thị thực.


Chúng tôi cũng không thể xử lý các hồ sơ xin thị thực nộp từ ngày 9 tháng 6 năm 2015 trở về sau.  Các đương đơn có lịch hẹn phỏng vấn vào ngày 22 và 23 tháng 6 nên đặt lịch hẹn khác nếu đã nộp DS-160 sau ngày 9 tháng 6 năm 2015.  Đương đơn có thể đặt hẹn lại theo hướng dẫn tại địa chỉ: http://www.ustraveldocs.com/vn/vn-niv-visaapply.asp.  Nếu đã nộp DS-160 trước ngày 9 tháng 6 năm 2015, đương đơn có thể đến phỏng vấn theo lịch đã hẹn. Các trường hợp cần đi Hoa Kỳ gấp có thể làm theo hướng dẫn xin đặt lịch hẹn khẩn tại địa chỉ: http://www.ustraveldocs.com/vn/vn-niv-expeditedappointment.asp.


Riêng đối với đương đơn có hẹn phỏng vấn tại Hà Nội: Chúng tôi không thể xử lý hồ sơ của các đương đơn nộp DS-160 tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đặt hẹn phỏng vấn tại Hà Nội. Vui lòng làm theo hướng dẫn phía trên để đặt hẹn lại.

Chúng tôi luôn khuyến cáo đương đơn không nên sắp xếp bất kỳ kế hoạch chắn chắn nào, kể cả việc mua vé máy bay, cho đến khi nhận được thị thực trong tay. Đối với trường hợp đương đơn là sinh viên, khách du lịch hay khách đi công tác và cần lấy lại hộ chiếu gấp trong thời gian này để phục vụ việc đi lại đến một quốc gia khác ngoài Hoa Kỳ; các đương đơn tại Thành phố Hồ Chí Minh vui lòng liên hệ với chúng tôi qua tại địa chỉ: http://hochiminh.usconsulate.gov/contact/nivinquiries.html; các đương đơn tại Hà Nội vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài 19006444, hoặc truy cập địa chỉ: www.ustraveldocs.com/vn. Xin lưu ý trong trường hợp này, hồ sơ xin thị thực của đương đơn sẽ tạm ngưng cho đến khi đương đơn nộp lại hộ chiếu cho Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập địa chỉ: http://travel.state.gov/content/travel/english/news/technological-systems-issue.html.

20 thg 6, 2015

Hệ thống cấp visa của Mỹ tạm ngừng hoạt động



Hệ thống cấp visa của Mỹ do trục trặc kỹ thuật, sẽ ngừng hoạt động cho đến tuần tới khiến hàng ngàn người buộc phải hủy bỏ hoặc hoãn kế hoạch du lịch, đi lại tới nước này.

Hệ thống cấp visa của Mỹ tạm ngừng hoạt động


 


Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, một lỗi phần cứng xảy ra vào ngày 9/6 đã ảnh hưởng tới việc xử lý và truyền tải dữ liệu sinh trắc học tại các đại sứ quán và lãnh sự quán. Kiểm tra sinh trắc học là một trong những quy định bắt buộc nhằm đảm bảo an ninh.

 

“Đây là một vấn đề toàn cầu, và chúng tôi đang nỗ lực khắc phục", John Kirby, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói. Không có bằng chứng cho thấy vấn đề liên quan tới chuyện an ninh mạng.

Tuy nhiên, theo ông Kirby, hệ thống sẽ khó "hoạt động trực tuyến cho đến tuần tới. Tôi không thể cung cấp thời gian cụ thể khi vấn đề được khắc phục".

Trục trặc kỹ thuật nói trên cũng ảnh hưởng tới những người đã đệ trình hồ sơ xin cấp thị thực vì hộ chiếu của họ bị kẹt lại trong hệ thống. Hồ sơ thông thường được trả lại trong vòng 4-5 ngày làm việc.

Một phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ ở London đã xác nhận rằng, họ bị "quá tải" với yêu cầu từ các ứng viên xin lại hộ chiếu. "Đây thực sự là điều đáng tiếc", bà nói. Chúng tôi nhận được hơn 500 thư điện tử mỗi ngày từ các ứng viên xin rút hồ sơ.

Theo bà, bất kỳ ai cần gấp hộ chiếu để đi tới nước khác, cần điền đầy đủ vào đơn visa có mẫu đăng tải trên trang web của đại sứ quán. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo, nếu xin lại hộ chiếu thì ứng viên "sẽ phải bắt đầu thủ tục xin cấp visa một lần nữa".

Mỗi ngày Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp nhận khoảng 50.000 đơn xin cấp thị thực nhập cảnh từ các đại sứ quán và lãnh sự quán của nước này trên toàn thế giới.

Đây là lần trục trặc kỹ thuật lần thứ hai ảnh hưởng tới hệ thống cấp visa của Mỹ kể từ năm ngoái. Tháng 7 nă m trước, lỗi kỹ thuật với hệ thống xử lý dữ liệu đã khiến hàng nghìn doanh nhân, công nhân, vận động viên... dự kiến tới Mỹ bị mắc kẹt.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ đang ưu tiên cho các hồ sơ xin cấp thị thực với những trường hợp nhân đạo khẩn cấp và sớm khắc phục các trường hợp "treo" visa càng sớm càng tốt.

9 thg 6, 2015

Thị thực và sức hút du lịch



Với khách du lịch, việc phải xin thị thực nhập cảnh (visa) không chỉ làm mất một khoản chi phí tiền bạc mà còn mất nhiều thời gian làm thủ tục. Ðôi khi thời gian đi lại, chờ đợi và sự phức tạp trong quá trình làm thủ tục lại khiến du khách nản lòng hơn là một món tiền cụ thể phải bỏ ra; thậm chí gây tâm lý không thoải mái cho những khách du lịch tiềm năng, đến từ các quốc gia giàu có.

Thị thực và sức hút du lịch


Tổ chức Du lịch thế giới, cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc về du lịch (UNWTO) nhận định, thị thực nhập cảnh là một trong những nhóm chính sách có tác động lớn nhất đến du lịch quốc tế. Ðể thu hút du khách và tăng khả năng cạnh tranh, ngày càng có nhiều nước trên thế giới áp dụng các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho du khách như: miễn thị thực đơn phương, cấp thị thực tại cửa khẩu, sử dụng công nghệ E-visa (cấp thị thực điện tử). Nhiều quốc gia Ðông-Nam Á, nhất là những "đối thủ trực tiếp" của du lịch Việt Nam, đã sử dụng chính sách thị thực thông thoáng và thuận lợi như là một công cụ cạnh tranh và đã rất thành công. Hiện nay, Phi-li-pin đã miễn thị thực cho công dân 157 quốc gia và vùng lãnh thổ; tương tự, Ma-lai-xi-a: 155, Xin-ga-po: 150, Thái-lan: 61, In-đô-nê-xi-a: 30... Thống kê năm 2014 cho thấy, Ma-lai-xi-a đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế; Thái-lan: 24,8 triệu; Xin-ga-po: 15,1 triệu. Các nước láng giềng với chúng ta như Cam-pu-chia áp dụng E-visa và thị thực tại cửa khẩu cho hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ; Lào đang áp dụng chính sách này cho 150 quốc gia. Ðất nước mới mở cánh cửa hội nhập là Mi-an-ma cũng đã áp dụng E-visa cho gần 100 quốc gia.

Việt Nam, cho tới nay, đã miễn thị thực đơn phương cho công dân bảy nước: Nga, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản; miễn thị thực song phương cho công dân chín nước trong cộng đồng ASEAN. Chính sách này đã nhận được những tín hiệu tích cực từ du khách quốc tế, đặc biệt từ những thị trường tiềm năng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và các nước ASEAN. Từ khi áp dụng chính sách miễn thị thực (năm 2004), khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,43 lần; Hàn Quốc tăng 3,6 lần; con số ấn tượng nhất thuộc về du khách Nga, tăng 7,45 lần. Cùng với lượng khách tăng, chi tiêu của du khách quốc tế khi sang du lịch đã kích thích sản xuất các sản phẩm bổ trợ du lịch, hỗ trợ "xuất khẩu tại chỗ", tạo việc làm cho người dân địa phương, mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Thí dụ dễ nhận thấy là khách du lịch quốc tế, nhất là du khách đến từ Nga đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương như: Khánh Hòa, Phan Thiết, Phú Quốc...

Chuyển biến tích cực trong chính sách thị thực của chúng ta những năm vừa qua được bạn bè quốc tế đánh giá cao, cụ thể là thời gian xét duyệt đã được rút ngắn nhiều so với trước, thủ tục được đơn giản hóa. Nhưng nhìn tổng thể, Việt Nam vẫn là nước còn rất hạn chế về chính sách miễn thị thực, nếu so với các nước trong khu vực là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam. Con số 16 quốc gia được chúng ta miễn thị thực, và số lượng tám triệu khách du lịch quốc tế/năm quả là chưa nhiều (thậm chí là thấp trong khu vực) nếu so với Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái-lan...

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất áp dụng chính sách thị thực thông thoáng hơn nữa để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Trong đó, ưu tiên mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho các quốc gia là thị trường có nguồn khách lớn, xu hướng lưu trú lâu và mức độ chi tiêu nhiều.

Liên quan việc miễn thị thực, có ý kiến cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn thu từ lệ phí cấp thị thực. Nhưng nếu chính sách này góp phần tích cực kích thích tăng trưởng du khách quốc tế trong thời gian tới thì chúng ta sẽ thu được những hiệu quả về kinh tế, xã hội lớn hơn nhiều. Nói theo dân gian là không nên vương vấn phân tâm "bắt con săn sắt" mà để vuột mất "con cá rô". Nghiên cứu của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới, là một cơ quan của Liên hợp quốc) và WTTC (Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới) chỉ rõ, nếu Việt Nam áp dụng chính sách thông thoáng về thị thực, có thể góp phần tăng lượng khách từ 8 đến 18% trong thời gian tới. Và với lượng chi tiêu trung bình của mỗi du khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 1.143 USD (số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2013), thì hụt thu từ lệ phí thị thực hoàn toàn có thể bù đắp bằng tổng nguồn thu từ lượng khách du lịch. Ngoài ra, việc đáp ứng nhu cầu chi tiêu và thụ hưởng dịch vụ của du khách sẽ thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp cho ngành du lịch, kích cầu các dịch vụ khác, tạo việc làm và nâng thu nhập cho người dân địa phương. Tóm lại, trong gói giải pháp tổng thể đưa du lịch Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, chính sách thị thực thuận lợi sẽ góp phần tích cực nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ trực tiếp trong khu vực, thu hút khách du khách, các nguồn vốn FDI; mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, văn hóa,... tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của đất nước ta.

12 thg 5, 2015

Chính phủ Việt Nam miễn thị thực cho công dân 7 nước



Chính phủ vừa ra Nghị quyết miễn thị thực có thời hạn đối với công dân 7 nước khi nhập cảnh Việt Nam.



Theo đó, công dân 7 nước được miễn thị thực gồm: Liên bang Nga; Nhật Bản; Đại Hàn Dân Quốc; Vương quốc Đan Mạch; Vương quốc Na Uy; Vương quốc Thụy Điển và Cộng hòa Phần Lan.

Các công dân này sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính sách trên được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2019 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việt Nam hiện nay đang áp dụng hệ thống miễn thị thực trong thời hạn 30 ngày cho khách du lịch đến từ các nước ASEAN (trừ Brunei trong thời hạn 14 ngày) và sắp tới là miễn thị thực trong thời hạn 15 ngày đối với khách du lịch đến từ các nước: Liên bang Nga; Nhật Bản; Đại Hàn Dân Quốc; Vương quốc Đan Mạch; Vương quốc Na Uy; Vương quốc Thụy Điển và Cộng hòa Phần Lan. Chính sách miễn thị thực của Việt Nam đã góp phần khá tích cực vào sự phát triển du lịch Việt Nam.

Việc mở rộng chính sách miễn thị thực không chỉ đảm bảo thực hiện thành công chiến lược phát triển du lịch mà còn góp phần nâng cao mức tăng trưởng kinh tế - xã hội. Theo số liệu thống kê, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có mức chi tiêu bình quân từ 1.200 USD đến 2.500 USD tùy từng thị trường khách và loại hình du lịch. Tiêu dùng của khách du lịch quốc tế sẽ nâng cao thu nhập cho khu vực tư nhân và các khoản thuế đóng góp cho khu vực nhà nước, cũng như góp phần đẩy mạnh nhu cầu về các sản phẩm phụ trợ như vận tải, ăn uống, hàng thủ công mỹ nghệ…, tạo việc làm và các lợi ích xã hội cho cộng đồng.

21 thg 4, 2015

Ấn Độ nới lỏng cấp thị thực cho du khách Việt

Du khách Việt Nam và 42 quốc gia khác từ nay sẽ không phải xếp hàng ở các đại sứ quán Ấn Độ để xin thị thực sau khi New Delhi công bố chính sách nới lỏng cấp thị thực (visa) để thúc đẩy du lịch.

Ấn Độ nới lỏng cấp thị thực cho du khách Việt
Ấn độ nới lỏng cấp thị thực cho du khách Việt Nam


Theo đó, du khách có thể nộp đơn trực tuyến tại trang https://indianvisaonline.gov.in/visa/tvoa.html và được trả lời trong 4 ngày, sau đó sẽ được nhận visa tại cửa khẩu nơi họ đến.

"Kế hoạch này là giấc mơ đã trở thành hiện thực đối với ngành công nghiệp du lịch Ấn Độ và là đòn bẫy tác động tích cực đến nền kinh tế", Bộ trưởng du lịch Mahesh Sharma cho biết trong một tuyên bố, AFP ngày 28/11 trích đăng.

"Mục tiêu của chính phủ là thúc đẩy du lịch và việc triển khai thực hiện kế hoạch này sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Ấn Độ rất nghiêm túc trong việc khiến cho việc du lịch đến đây được dễ dàng, thuận lợi".

Ông cũng cho biết sau 43 quốc gia - trong đó có Mỹ, Úc, Đức, Nhật Bản, Việt Nam... chương trình này sẽ được mở rộng cho các quốc gia khác như Nga, Singapore và Hàn Quốc... tuy nhiên sẽ không có Anh - nước từng cai trị Ấn Độ thời thuộc địa.

Trước khi có kế hoạch nới lỏng thị thực, hầu hết người nước ngoài muốn đến Ấn Độ đều phải chờ đợi vài tuần mới biết mình có được phép vào Ấn Độ hay không, sau khi đã nộp hồ sơ tại các trung tâm xử lý thị thực. Quá trình này khiến nhiều du khách ngao ngán và chọn nước khác thay vì Ấn Độ.

Mặc dù có nhiều địa điểm văn hóa cùng nhiều thắng cảnh nổi tiếng, Ấn Độ lại có ít du khách tới thăm, chỉ khoảng 6,58 triệu người trong năm 2012, một con số khiêm tốn so với các điểm đến châu Á khác Thái Lan và Malaysia.
Nguồn: VTC News