Hiển thị các bài đăng có nhãn cungduongphuot. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn cungduongphuot. Hiển thị tất cả bài đăng

4 thg 6, 2015

Mùa hè đến Huế

Những ngày hè, Huế thường là điểm dừng chân trong chuyến du lịch từ Nam ra Bắc và ngược lại. Dù đã đến một hay vài lần, nhiều người vẫn cho rằng mỗi lần đến Huế là một cảm xúc khác.

Tháng Năm, Huế bắt đầu vào mùa du lịch hè. Mùa hè, khách trong nước, những người chưa một lần đến Huế hay “đã đôi lần đến với Huế mộng mơ” đều muốn làm một cuộc hành trình qua đây. Huế là điểm dừng chân trong chuyến du lịch từ Nam ra Bắc và ngược lại. Mùa đông, những người làm du lịch nói vui là mùa Tây đổ bộ.


Dù đã đến một hay vài lần, nhiều người vẫn cho rằng mỗi lần đến Huế là một cảm xúc khác. Huế luôn quyến rũ, không chỉ ở cảnh đẹp mà còn ở con người. Và có lẽ, không nơi nào có bài học lịch sử trực quan sinh động như ở Huế.

Những con đường nhỏ đủ làm bạn mỏi chân khi trở về chốn cũ. Bạn có thể chậm rãi đi qua cầu Trường Tiền vào buổi chiều, rẽ phải đến chợ Đông Ba tìm một vài món ăn địa phương: bánh bèo, nậm, lọc, bún, chè đủ loại…

Rẽ trái là về hướng thành nội, có Đại Nội là điểm tham quan tiện lợi nhất cho du khách khi đến Huế. Bạn có thể tham quan từ khu vực phòng vệ như cổng thành, hồ (hào), đài quan sát… đến Ngọ môn, điện Thái Hòa, khu vực miếu thờ, khu vực dành cho Hoàng thái hậu, nơi dành cho các hoàng tử học tập, giải trí…

Ở các khách sạn đều có tour tham quan các lăng Tự Đức, Đồng Khánh, Minh Mạng, Khải Định, chùa Thiên Mụ… Khách cũng có thể dễ dàng thuê xe tự đi đến các nơi này. Huế có rất nhiều lăng tẩm. Để tham quan cho bằng hết, tìm hiểu một cách tường tận thì với thời gian ngắn sẽ không bao giờ xuể. Đa phần khách chỉ tham quan lướt qua, một buổi chiều có thể đi khoảng ba lăng.

Hàng ăn ở Huế, nếu không rành bạn có thể không tìm được quán ăn ngon, vì vậy tốt nhất nên hỏi người địa phương, hay nhân viên khách sạn. Món ăn mà nhiều du khách muốn thưởng thức nhất là cơm hến. Muốn ăn cơm hến ngon, bạn có thể đi về hướng Vĩ Dạ, qua cồn Hến. Ngoài ra nơi này còn có món chè bắp được nhiều người gọi là “cặp bài trùng” của cơm hến.

Món ăn đặc biệt nữa của Huế là bánh ướt cuốn thịt nướng. Kim Long là nơi nổi tiếng với món này. Tham quan chùa Thiên Mụ xong, trên đường về bạn hãy ghé qua Kim Long, quán nào ở đây cũng ngon với các món bánh ướt cuốn thịt nướng, bún thịt nướng…

Nhiều người đến Huế thích ăn quà rong mà người địa phương thường gọi là hàng gánh. Hàng rong ở Huế khá nhiều, buổi sáng có đủ các loại bún, tầm 8 giờ có đậu hủ, trái cây…; trưa hơn chút có đủ các loại chè, xê xế có bánh ướt cuốn thịt nướng, bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bún thịt nướng… Món nào cũng đầy hấp dẫn.

Buổi sáng, bạn đừng nên ngủ nướng mà hãy thức dậy lúc hơn 5 giờ sáng và thuê một chiếc xe đạp hay xe máy rồi lang thang khắp các con đường ở Huế, vừa ngắm thành phố buổi sáng, vừa hít thở không khí trong lành.

Bạn có thể dừng lại, ngắm mặt trời bên dòng sông Hương hay đạp xe khắp thành nội, vòng quanh khu vực hoàng cung, qua những con đường nhỏ, ngắm những ngôi nhà đặc trưng của Huế với những hàng rào dâm bụt được xén tỉa thẳng tắp. Vòng ra cửa Đông Ba bạn sẽ gặp dòng sông uốn lượn theo con đường Bạch Đằng, phóng tầm mắt về phía bờ bên kia, nhìn cảnh giặt giũ dưới sông, đôi lúc khách lại giật mình có cảm giác như đang trong một thành phố nào đó của miền Tây.

Khách có thể khám phá một Huế khác hơn với những con đường rộng lớn mà người dân thường gọi là khu phố mới, bên này cầu Trường Tiền. Nét dịu dàng cổ kính phía bên kia thành nội sẽ nhường chỗ cho sự hiện đại hơn với nhà cao tầng xen lẫn biệt thự. Trường đại học, thư viện, ký túc xá, cơ quan nhà nước, các nhà thờ lớn hầu như tập trung hết ở đây.

Một thú vị nữa của Huế là đi thuyền trên sông Hương để nghe ca Huế vào buổi tối, ngắm các cô gái Huế áo dài, khăn đóng, giọng nói thật dịu ngọt và giọng hát mê hồn với đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, gõ phách… 

Để khám phá Huế người ta phải mất nhiều năm, thậm chí có khi cả đời vẫn không hết, nhưng chỉ cần bốn ngày lang thang ở Huế, bạn cũng “hòm hòm” biết Huế và bắt đầu yêu Huế. Yêu những con đường nhỏ nhỏ, có hai hàng cây chụm đầu vào nhau suốt ngày rì rầm trò chuyện, yêu những chiếc lá bay bay trong buổi sáng tinh tươm, yêu cổ thành bí ẩn, dòng sông Hương lặng lờ trôi, êm đềm buổi sáng, lười biếng buổi trưa, mềm mại buổi chiều, để rồi bất chợt buột miệng hát: “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”.

28 thg 1, 2015

Đi tìm ngắm Lá Phong ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Tháng 12 năm ngoái, mình được Huy Nguyen cho xem hình lá phong thật đẹp ở Vườn Quốc Gia Bidoup Núi Bà. Hồi bé mình cứ nghĩ lá phong kia chỉ có ở Canada, Mỹ, Nga hay Nhật Bản xa xôi. Vậy mà ko thể tin được lá phong có thể ngắm được ở Việt Nam, chỉ cách Đà Lạt khoảng 60km.

Một năm sau, mùa vàng lá phong đã đến, mình cùng bảy bạn đồng hành đến Vườn quốc gia Bidoup (khu vực Giang Ly, Hòn Giao) cùng nhau lội suối, băng rừng chỉ để tìm và ngắm lá phong. Cũng lâu rồi mình mới đi rừng nên cảm giác trở lại khám phá thiên nhiên giữa núi đồi hoang sơ thật thú vị.


Rêu ở khu vực này cũng khá nhiều và đẹp, ta có thể thấy chúng mọc khắp nơi: dưới mặt đất, bám trên các cây khác hay trên những đường ống dẫn nước suối trong rừng. Nhờ có những đường ống này mà nhóm đi đỡ vất vả vài đoạn.
Rất nhiều người đến VQG Bidoup – Núi Bà để chinh phục, khám phá các điểm hấp dẫn khác nhau, nhưng với nhóm mình chỉ ngắm mỗi lá phong như vậy là đủ vui rồi.
Nhớ anh Vang Mull, anh kiểm lâm, 2 bạn dẫn đường nói đều nói: “Chắc chỉ có em và nhóm em là đặc biệt lần đầu tiên đến Bidoup chỉ để ngắm lá phong”.

Mong rằng, cây phong sẽ trồng ở Bidoup nhiều nhiều hơn nữa, để khi mùa thu đông đến sẽ có những hàng cây lá phong vàng rực khoe sắc quyến rủ cả một góc trời để ai đó thích lá phong & khám phá thiên nhiên Việt Nam mà không cần phải đi ra nước ngoài ngắm












Tác giả: Mossa
Biên tập: Reporter

20 thg 1, 2015

5 món bánh miền Tây làm ấm lòng du khách ngày đông

Thưởng thức những chiếc bánh ngọt nóng ấm, thơm ngon như bánh cam, bánh tai yến cũng là cái thú mà nhiều du khách không muốn bỏ lỡ khi về miền Tây.
Những món ăn dân dã của miền Tây Nam Bộ đã chinh phục trái tim của nhiều nhiều du khách khi đặt chân tới.
Bánh cam
Bánh cam thoạt nhìn khá giống bánh rán, được làm từ bột nếp và bột gạo. Nhân bánh thường là đậu xanh quết nhuyễn, trên mặt bánh được phủ một lớp đường dẻo được thắng vàng óng như mạch nha và mè thơm. Chiếc bánh ngon có vỏ giòn, lớp mật bên ngoài không quá dẻo để dính sang các bánh khác. Bánh có màu vàng rượm, óng ánh của mật, khi cắn vào nghe tiếng lớp mật vỡ ra trước như tiếng kẹo gương, vỏ bánh giòn bên ngoài cộng thêm cái bùi bùi của đậu xanh tạo nên hương vị khó quên.


Bánh cam - món ăn được yêu thích tại miền Tây. Ảnh: Quananngon.


Bánh tai yến
Món bánh này có hình dáng bên ngoài giống như tổ chim yến, có công thức chế biến khá đơn giản. Nguyên liệu chủ yếu để chế biến bánh tai yến gồm bột gạo, bột năng, nước cốt dừa và đường được hòa quyện vào nhau cho sánh rồi đem chiên chín vàng. Làm bánh tai yến khó nhất chính là cách chiên bánh sao cho nở ra những tai yến đều và đẹp mắt. Bánh ăn ngon nhất khi vừa vớt ra khỏi chảo mỡ sôi.

Dù chỉ là món bánh dân dã, tai yến vẫn là một trong những nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người miền Tây. Ảnh: Quananngon.

Bánh bò
Người miền Tây có nhiều cách làm bánh bò như bánh bò hấp, bánh bò rễ tre, bánh bò heo quay… Nguyên liệu để làm cũng đơn giản gồm bột gạo, đường, dừa và men. Bánh bò sữa nướng là một trong những món ăn vặt được yêu thích nhất của các em nhỏ, học sinh tại miền Tây.


Bánh bò có nhiều loại và được nhiều thực khách yêu thích. Ảnh: Quananngon.

Bánh lá mít 
Món bánh này có tên như thế vì sau khi nhào, nặn, người làm trét một lớp bột mỏng lên lá mít rồi đem đi hấp. Khi thưởng thức, người ta tách bánh ra khỏi lá, cho vào đĩa rồi chan ngập nước dừa, đậu phộng lên trên. Người ăn dùng đũa hoặc dĩa lấy từng miếng bánh cùng nước cốt dừa cho vào miệng nhai từ từ. Vị béo, ngọt của nước cốt dừa, vị dai dai của bánh, mùi thơm thoang thoảng của lá mít kích thích mọi giác quan khi thưởng thức.


Bánh lá mít - món ăn vặt lý tưởng cho ngày mùa đông. Ảnh: dongthaptourist.

Bánh chuối nướng
Bánh chuối nướng có thành phần khá đơn giản với vài ba lát bánh mì cũ, vài trái chuối sứ chín, ít sữa tươi, nước cốt dừa hoặc cả hai. Đây là loại bánh dễ làm, khó bị hỏng nhờ nguyên tắc cơ bản là trộn tất cả vào nhau và nướng. Nguyên liệu, cách làm đơn giản, song món bánh này vẫn đủ sức làm mê hoặc mọi người với vị tươi mới cùng sắc màu vàng đặc trưng của dòng bánh nướng.


Bánh chuối nướng hấp dẫn bởi vị ngon ngọt, béo ngậy. Ảnh: Vietnamesedishes


Selina Nguyễn

Bảo tàng xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á ở Việt Nam

Dinh Vạn Thủy Tú là điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố Phan Thiết, trưng bày bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam và vượt kỷ lục ra khu vực Đông Nam Á.
Được xây dựng vào năm 1762, xưa kia dinh Vạn Thủy Tú nằm sát biển, mặt quay về biển Đông và là nơi cá ông dài 22m trôi dạt vào. Theo tín ngưỡng của người dân vùng biển nơi đây thờ thần Nam Hải nhằm thể hiện sự biết ơn loài cá ông thường che chở ngư dân trong những tháng ngày lênh đênh mưu sinh ngoài biển lớn. Ngày nay, dinh tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết.
 

Khu vực giữa dinh lưu giữ hơn 100 bộ xương cá voi, gần một nửa trong số đó có niên đại từ 100 đến 150 năm


Dinh nổi tiếng khắp trong và ngoài nước bởi những nét độc đáo hiếm có, lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa liên quan đến việc hình thành và phát triển nghề biển Bình Thuận nói riêng và vùng Nam Trung Bộ nói chung. Nơi thờ này có 24 sắc phong quý của các vị vua triều Nguyễn, bởi các tướng nhà Nguyễn đã nhiều lần được cá voi cứu nạn trên biển. Ngoài ra, dinh còn có các di sản văn hoá Hán - Nôm, các hoành phi và câu đối trên chiếc chuông đồng hơn 140 năm.

Đến tham quan dinh, qua khỏi cổng tam quan về phía bên trái là Ngọc Lân Thánh Địa - khu đất rộng để mai táng cá ông, phía bên phải là nhà trưng bày cốt ông Nam Hải - nơi lưu giữ bộ xương cá ông (cá voi lưng xám) khổng lồ với chiều dài 22m, nặng 65 tấn, được phục dựng gần như nguyên vẹn.
 

Dinh Vạn Thủy Tú trưng bày Bộ xương cá cá voi lưng xám với chiều dài 22m, nặng 65 tấn

Đi tiếp vào bên trong bạn sẽ thấy bàn hương án thờ thần Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần (hay còn gọi là thần Nam Hải - cá ông), bên trái thờ Thủy Long Thánh Phi nương nương tôn thần, và bên phải thờ Hi Hoàng Thái Hiệu tiên sư tôn thần. Đây là nét khác biệt so với các dinh thờ khác ở miền Trung. Cho đến ngày nay, khu vực giữa dinh lưu giữ hơn 100 bộ xương cá voi, gần một nửa trong số đó có niên đại từ 100 đến 150 năm, có những bộ xương to được thờ phụng tôn nghiêm.

Phía sau chánh điện thờ "Tiền hiền hậu hiền, tiền vãng hậu vãng, tiền tạo hậu tạo" - chỉ những người có công khai phá, lập ra làng chài. Tại gian nhà này, du khách sẽ được dịp cầm thử ống ghè - vốn là lọ gốm cổ - cao 20cm, miệng rộng 12cm.
 

Những chiếc thuyền rồng, ghe giấy được dùng trong nghi lễ Nghinh Ông.

Theo truyền thuyết về cá ông, khi xây xong dinh, trời bão dông suốt ba ngày mới quang, Một số ghe, tàu của ngư dân đánh cá bị kẹt ngoài khơi, được cá ông cứu giúp, riêng cá ông tử nạn vì đuối sức khi đưa tàu của ngư dân vào bờ an toàn.

Các nhà khoa học giải thích về hiện tượng cá ông cứu người là do khi mưa bão, cá ông bị sóng lớn vùi dập nên phải tìm điểm tựa để nương mình chống chọi với phong ba, bão táp. Tàu thuyền của ngư dân được cá ông nương vào trở nên vững hơn. Cuối cùng cả hai sẽ được sóng đưa đẩy vào bờ. Có khi cá ông đuối sức phải lụy, có khi cá ông an toàn trở ra biển khơi khi biển bớt sóng gió.

Thông tin thêm:
- Cách di chuyển: Dinh Vạn Thủy Tú cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 1 km, tọa lạc ngay góc đường Ngư Ông và Phan Chu Trinh, thuộc phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
- Giá vé tham quan: người lớn 10.000 đồng, trẻ em 5.000 đồng, đi theo đoàn sẽ có thuyết minh viên tại điểm (miễn phí).
- Giờ mở cửa: từ 7h đến 17h.


Sưu tầm

19 thg 1, 2015

Bình yên miền sông nước An Giang

Tạm gác những bộn bề để tìm về An Giang, ngồi thưởng thức tô bún cá, hòa mình vào lễ hội đặc sắc của người Khmer hay ngắm phong cảnh hữu tình.

An Giang là tỉnh có dân số đông nhất và diện tích đứng thứ 4 (sau tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau và tỉnh Long An) ở miền Tây Nam Bộ (còn gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long). Một phần của An Giang nằm trong tứ giác Long Xuyên.

Nằm phía Tây Nam Tổ Quốc, An Giang là vùng đất được thiên nhiên ban cho nhiều sản vật và khung cảnh hữu tình khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng khi đến thăm.


Vùng đất Tịnh Biên, Tri Tôn là nơi có nhiều hàng thốt nốt xanh rì thường được dùng để làm ra các loại đặc sản như: chè thốt nốt, nước thốt nốt tươi, đường thốt nốt, bánh bò thốt nốt... Rong ruổi trên những con đường ở vùng Thất Sơn này, bạn sẽ cảm thấy một làng quê thanh bình trôi qua chầm chậm.


Con người nơi đây rất mộc mạc, dễ gần. Vào những dịp lễ hội đặc sắc của người Khmer, bạn sẽ dễ dàng hòa mình vào tiếng nhạc như một người dân địa phương.


Đến An Giang, bạn có thể bị hớp hồn bởi Búng Bình Thiên, một hồ nước êm đềm với phong cảnh hữu tình


Xứ này có một kênh đào rất nổi tiếng mang tên Vĩnh Tế chạy dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, trên đường từ thành phố Châu Đốc xuống đến thị xã Hà Tiên. Đây từng là kênh đào dài nhất, lớn nhất và được thi công lâu nhất qua trong lịch sử phong kiến.


Ở Châu Đốc còn có lễ hội cấp Quốc Gia “Vía bà chúa Xứ núi Sam”, một lễ hội tín ngưỡng hằng năm được rất nhiều du khách tham gia từ khắp nơi về vía bà


Cùng thuộc An Giang nhưng bún cá Long Xuyên và bún cá Châu Đốc lại có nhiều khác biệt. Bún cá Châu Đốc được nêm nếm cho hợp khẩu vị người Việt.


Nếu có thời gian, hãy ghé qua rừng tràm Trà Sư. Nơi đây xưa kia là một vùng đất hoang vu, nhiều cỏ dại mọc. Sau đó được khai phát, gieo trồng tràm và trở thành một vùng sinh thái đa dạng. Rất nhiều bạn trẻ thích du lịch bụi chọn đây là điểm dừng chân.


Vào mùa nước nổi, An Giang khiến bạn bất ngờ bởi những đặc sản ngon lành như cá linh, cá rô non, bông điên điển... Những món ăn dân dã đó đã vang danh khắp nơi và lôi kéo khách thập phương tìm đến

Nếu có dịp ghé ngang vùng Bảy Núi, du khách không nên bỏ qua món bánh canh Vĩnh Trung theo hương vị Khmer. Quanh chợ Vĩnh Trung chỉ có dăm quán bán món này, nổi tiếng nhất phải kể đến quán của chị Oanh Na và Út Sắc.


Theo Khánh Bằng (Vnexpress)

Du lịch, GO!

8 thg 1, 2015

Tràng An sắp nhận bằng Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới

Dự kiến trong các ngày 22-24/1, Ninh Bình sẽ tổ chức lễ nhận bằng của Unesco đối với quần thể danh thắng Tràng An và các hoạt động khác như bắn pháo hoa, triển lãm ảnh hay hội chợ hàng thủ công.

Quần thể danh thắng Tràng An là địa danh du lịch tổng hợp tại Ninh Bình, gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên. Nhiều di tích danh thắng nơi đây cũng được Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư.

Toàn bộ quần thể nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình với thiên nhiên tươi đẹp. Đây được coi là điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và có ý nghĩa trên phạm vi thế giới, cho thấy cách người tiền sử tác động qua lại đến cảnh quan tự nhiên và thích ứng với biến đổi môi trường suốt quá trình dài tới hàng chục nghìn năm.
Với những giá trị đặc biệt như vậy, tháng 6/2014, quần thể danh thắng Tràng An đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây cũng là di sản hỗn hợp duy nhất trong số 36 hồ sơ đệ trình lên kỳ họp của Unesco lúc bấy giờ.
Trong các ngày 22-24/1 sắp tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức lễ nhận bằng công nhận của Unesco. Cũng trong dịp này, nhiều hoạt động được tổ chức song song như bắn pháo hoa chào mừng với thời lượng 15 phút, hội thảo khoa học quốc tế về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới.
Những chương trình khác như triển lãm giới thiệu các khu di sản thế giới của Việt Nam, trưng bày ảnh nghệ thuật và bộ tem in hình quần thể danh thắng Tràng An cùng hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ - sản phẩm làng nghề tiêu biểu cũng được tổ chức trong dịp này.

 Vnexpress

3 thg 1, 2015

6 chợ nổi độc đáo ở miền Tây

Chợ nổi là một nét đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Nếu có dịp về đây, bạn đừng quên ghé qua các khu chợ nổi, mang về thật nhiều hoa quả nhé.
Dưới đây là 6 khu chợ nổi đặc sắc của miền Tây bạn nên khám phá nếu có dịp về vùng đất Cửu Long.

1. Chợ nổi Ngã Bảy – Hậu Giang
Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là một khu chợ nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ vậy đây còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch.
Du khách sẽ được thấy cảnh bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau quả, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây hay mặt hàng thì nó sẽ được treo lơ lửng trên một cây sào cao gọi là cây bẹo như là một cách quảng cáo.

Có dịp đến đây du khách hãy thử lênh đênh trên mặt nước thưởng thức ly cà phê sóng sánh, nghe câu vọng cổ miên man và ngắm những tà áo bà ba nườm nượp mua bán trên ghe vô cùng thú vị.

2. Chợ nổi Ngã Năm – Sóc Trăng
Là tên gọi của khu chợ nổi tiếng ở thị trấn Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nằm ở vị trí giao nhau của năm con sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp. Đây là chợ nổi khá lâu đời và cũng nhộn nhịp nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Khác với những khu chợ nổi khác, chợ Ngã Năm bắt đầu họp từ lúc 3h sáng, đến 5h thì chợ đông đúc hơn nhưng 8h phiên chợ bắt đầu tan. Từ xa xa du khách sẽ thấy những cây bẹo treo lủng lẳng hàng hóa như cải bắp, khoai tây, cà chua, hành, tỏi, ớt…
Có thể nói chợ nổi Ngã Năm có hầu hết sản vật của đồng bằng sông Cửu Long từ các loại gạo nổi tiếng của vựa lúa miền Tây đến các loại rau củ quả của miệt vườn Nam Bộ đến tôm, cua, cá sản vật đặc trưng của vùng sông nước. Chợ đông vui với những lời mời gọi của các bạn ghe, những hàng quán bồng bềnh di động như cháo, hủ tiếu, bún cá, cà phê…phục vụ nhu cầu cho du khách tham quan thưởng thức.
Chợ nổi Ngã Năm vẫn còn mang nét nông thôn bình dị hấp dẫn, vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây trong những chiếc áo bà ba, những điệu hát ngọt ngào của ca cổ miền Tây, những câu nói thân thương đậm chất Nam Bộ.

3. Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ
Là khu chợ nổi tiếng của mảnh đất Tây Đô thu hút đông đảo lượng du khách ghé đến mỗi khi có dịp du lịch Cần Thơ. Chỉ cách bến Ninh Kiều khoảng 4 km, du khách mất chừng 30 phút cho một hành trình bằng đường thủy từ bến Ninh Kiều.
Chợ bắt đầu từ 5h sáng, đến 6h ghe thuyền các nơi đã đậu tấp nập và sầm uất. Nét đặc biệt ở chợ này chính là buôn bán các loại trái cây nổi tiếng của vùng đất phương Nam từ bưởi năm roi Vĩnh Long đến quýt hồng Lai Vung hay sầu riêng Cái Mơn…


Cũng như các chợ nổi khác người ta sẽ treo lên cây bẹo những loại hàng mà họ bán để du khách biết và mua. Đến đây du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, sông nước, buổi sáng sớm bồng bềnh trên những chiếc ghe, ngắm bình minh lên dần sau những mái ghe và cảm nhận khung cảnh nhộn nhịp độc đáo của chợ nổi trên sông.

4. Chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang
Chợ nổi Cái Bè thuộc ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, ở cù lao Tân Phong trên sông Tiền rộng lớn giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, làm trạm trung chuyển trái cây, sản vật đi khắp mọi miền và đồng thời cũng là điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Tiền Giang.

Khác với những chợ nổi bình thường chỉ họp buổi sáng, chợ nổi Cái Bè bắt đầu buôn bán từ lúc tinh mơ cho đến tối khuya. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc chợ nổi đã nhộn nhịn như một phố nhỏ trên sông. Những chiếc xuồng bán hàng rong như phở, hủ tiếu, bún, các loại tạp hóa…chạy luồn lách theo các mạn ghe, tàu trông rất sinh động. Ngồi trên thuyền lênh đênh, thưởng thức tô hủ tiếu hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng là một trải nghiệm khó tả.
Khi mặt trời khuất sau rặng cây đàng xa cũng là lúc “phố nổi” lên đèn, những ánh đèn lung linh đổ bóng làm cho cả một đoạn sông trở nên sống động, rực rỡ đầy sắc màu. Đến đây du khách chắc chắn sẽ cảm nhận được nhiều điều mới lạ của chốn sông nước miền Tây.

5. Chợ nổi Long Xuyên – An Giang
Chợ nổi Long Xuyên không lớn như các khu chợ khác nhưng là một điểm du khách nên đến trong chuyến tham quan chợ nổi để tìm về nét bình dị, yên ả, nguyên sơ của con người và sông nước nơi đây. Chợ cách thành phố Long Xuyên khoảng 2 km, nằm dọc theo một bên của dòng sông Hậu đỏ nặng phù sa.
Hàng hóa chủ yếu ở đây là các loại hoa màu như: rau, dưa, cà, cải, bí, khoai…và các món ăn vặt nổi tiếng của vùng đất An Giang như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn…


Điểm đặc biệt là hàng hóa mua bán không thách đố, trả giá, nói sao bán vậy bởi chợ nổi nơi đây còn ít du khách ghé thăm, người dân thân thiện, thật thà, không bị tác động bởi thương mại hóa du lịch. Do đó đây là nơi thích hợp cho các du khách muốn khám phá nét hoang sơ, nguyên bản trong những khu chợ nổi ở miền Tây.

6. Chợ nổi Trà Ôn – Vĩnh Long
Chợ nổi Trà Ôn là khu chợ nổi cuối cùng nằm trên dòng sông Hậu của huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những khu chợ tồn tại lâu đời nhất cũng như gắn liền với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực.
Điểm đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn là nhóm họp theo con nước, buổi sáng chợ đông đúc nhưng tấp nập hơn là lúc con nước bắt đầu lên, nước càng lớn thì ghe, thuyền càng đông.



Do đó du khách dễ dàng khám phá khu chợ này vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đến đây du khách đừng bỏ quên món ăn đặc sản nổi tiếng là bún bò viên ăn kèm với rau chuối và nghe những điệu hát ngọt ngào của Tình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang trên quê hương của nghệ sĩ lừng danh Út Trà Ôn.
Theo VNexpress