Hiển thị các bài đăng có nhãn chuyenphuot. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chuyenphuot. Hiển thị tất cả bài đăng

4 thg 6, 2015

Mùa hè đến Huế

Những ngày hè, Huế thường là điểm dừng chân trong chuyến du lịch từ Nam ra Bắc và ngược lại. Dù đã đến một hay vài lần, nhiều người vẫn cho rằng mỗi lần đến Huế là một cảm xúc khác.

Tháng Năm, Huế bắt đầu vào mùa du lịch hè. Mùa hè, khách trong nước, những người chưa một lần đến Huế hay “đã đôi lần đến với Huế mộng mơ” đều muốn làm một cuộc hành trình qua đây. Huế là điểm dừng chân trong chuyến du lịch từ Nam ra Bắc và ngược lại. Mùa đông, những người làm du lịch nói vui là mùa Tây đổ bộ.


Dù đã đến một hay vài lần, nhiều người vẫn cho rằng mỗi lần đến Huế là một cảm xúc khác. Huế luôn quyến rũ, không chỉ ở cảnh đẹp mà còn ở con người. Và có lẽ, không nơi nào có bài học lịch sử trực quan sinh động như ở Huế.

Những con đường nhỏ đủ làm bạn mỏi chân khi trở về chốn cũ. Bạn có thể chậm rãi đi qua cầu Trường Tiền vào buổi chiều, rẽ phải đến chợ Đông Ba tìm một vài món ăn địa phương: bánh bèo, nậm, lọc, bún, chè đủ loại…

Rẽ trái là về hướng thành nội, có Đại Nội là điểm tham quan tiện lợi nhất cho du khách khi đến Huế. Bạn có thể tham quan từ khu vực phòng vệ như cổng thành, hồ (hào), đài quan sát… đến Ngọ môn, điện Thái Hòa, khu vực miếu thờ, khu vực dành cho Hoàng thái hậu, nơi dành cho các hoàng tử học tập, giải trí…

Ở các khách sạn đều có tour tham quan các lăng Tự Đức, Đồng Khánh, Minh Mạng, Khải Định, chùa Thiên Mụ… Khách cũng có thể dễ dàng thuê xe tự đi đến các nơi này. Huế có rất nhiều lăng tẩm. Để tham quan cho bằng hết, tìm hiểu một cách tường tận thì với thời gian ngắn sẽ không bao giờ xuể. Đa phần khách chỉ tham quan lướt qua, một buổi chiều có thể đi khoảng ba lăng.

Hàng ăn ở Huế, nếu không rành bạn có thể không tìm được quán ăn ngon, vì vậy tốt nhất nên hỏi người địa phương, hay nhân viên khách sạn. Món ăn mà nhiều du khách muốn thưởng thức nhất là cơm hến. Muốn ăn cơm hến ngon, bạn có thể đi về hướng Vĩ Dạ, qua cồn Hến. Ngoài ra nơi này còn có món chè bắp được nhiều người gọi là “cặp bài trùng” của cơm hến.

Món ăn đặc biệt nữa của Huế là bánh ướt cuốn thịt nướng. Kim Long là nơi nổi tiếng với món này. Tham quan chùa Thiên Mụ xong, trên đường về bạn hãy ghé qua Kim Long, quán nào ở đây cũng ngon với các món bánh ướt cuốn thịt nướng, bún thịt nướng…

Nhiều người đến Huế thích ăn quà rong mà người địa phương thường gọi là hàng gánh. Hàng rong ở Huế khá nhiều, buổi sáng có đủ các loại bún, tầm 8 giờ có đậu hủ, trái cây…; trưa hơn chút có đủ các loại chè, xê xế có bánh ướt cuốn thịt nướng, bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bún thịt nướng… Món nào cũng đầy hấp dẫn.

Buổi sáng, bạn đừng nên ngủ nướng mà hãy thức dậy lúc hơn 5 giờ sáng và thuê một chiếc xe đạp hay xe máy rồi lang thang khắp các con đường ở Huế, vừa ngắm thành phố buổi sáng, vừa hít thở không khí trong lành.

Bạn có thể dừng lại, ngắm mặt trời bên dòng sông Hương hay đạp xe khắp thành nội, vòng quanh khu vực hoàng cung, qua những con đường nhỏ, ngắm những ngôi nhà đặc trưng của Huế với những hàng rào dâm bụt được xén tỉa thẳng tắp. Vòng ra cửa Đông Ba bạn sẽ gặp dòng sông uốn lượn theo con đường Bạch Đằng, phóng tầm mắt về phía bờ bên kia, nhìn cảnh giặt giũ dưới sông, đôi lúc khách lại giật mình có cảm giác như đang trong một thành phố nào đó của miền Tây.

Khách có thể khám phá một Huế khác hơn với những con đường rộng lớn mà người dân thường gọi là khu phố mới, bên này cầu Trường Tiền. Nét dịu dàng cổ kính phía bên kia thành nội sẽ nhường chỗ cho sự hiện đại hơn với nhà cao tầng xen lẫn biệt thự. Trường đại học, thư viện, ký túc xá, cơ quan nhà nước, các nhà thờ lớn hầu như tập trung hết ở đây.

Một thú vị nữa của Huế là đi thuyền trên sông Hương để nghe ca Huế vào buổi tối, ngắm các cô gái Huế áo dài, khăn đóng, giọng nói thật dịu ngọt và giọng hát mê hồn với đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, gõ phách… 

Để khám phá Huế người ta phải mất nhiều năm, thậm chí có khi cả đời vẫn không hết, nhưng chỉ cần bốn ngày lang thang ở Huế, bạn cũng “hòm hòm” biết Huế và bắt đầu yêu Huế. Yêu những con đường nhỏ nhỏ, có hai hàng cây chụm đầu vào nhau suốt ngày rì rầm trò chuyện, yêu những chiếc lá bay bay trong buổi sáng tinh tươm, yêu cổ thành bí ẩn, dòng sông Hương lặng lờ trôi, êm đềm buổi sáng, lười biếng buổi trưa, mềm mại buổi chiều, để rồi bất chợt buột miệng hát: “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”.

28 thg 1, 2015

Đi tìm ngắm Lá Phong ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Tháng 12 năm ngoái, mình được Huy Nguyen cho xem hình lá phong thật đẹp ở Vườn Quốc Gia Bidoup Núi Bà. Hồi bé mình cứ nghĩ lá phong kia chỉ có ở Canada, Mỹ, Nga hay Nhật Bản xa xôi. Vậy mà ko thể tin được lá phong có thể ngắm được ở Việt Nam, chỉ cách Đà Lạt khoảng 60km.

Một năm sau, mùa vàng lá phong đã đến, mình cùng bảy bạn đồng hành đến Vườn quốc gia Bidoup (khu vực Giang Ly, Hòn Giao) cùng nhau lội suối, băng rừng chỉ để tìm và ngắm lá phong. Cũng lâu rồi mình mới đi rừng nên cảm giác trở lại khám phá thiên nhiên giữa núi đồi hoang sơ thật thú vị.


Rêu ở khu vực này cũng khá nhiều và đẹp, ta có thể thấy chúng mọc khắp nơi: dưới mặt đất, bám trên các cây khác hay trên những đường ống dẫn nước suối trong rừng. Nhờ có những đường ống này mà nhóm đi đỡ vất vả vài đoạn.
Rất nhiều người đến VQG Bidoup – Núi Bà để chinh phục, khám phá các điểm hấp dẫn khác nhau, nhưng với nhóm mình chỉ ngắm mỗi lá phong như vậy là đủ vui rồi.
Nhớ anh Vang Mull, anh kiểm lâm, 2 bạn dẫn đường nói đều nói: “Chắc chỉ có em và nhóm em là đặc biệt lần đầu tiên đến Bidoup chỉ để ngắm lá phong”.

Mong rằng, cây phong sẽ trồng ở Bidoup nhiều nhiều hơn nữa, để khi mùa thu đông đến sẽ có những hàng cây lá phong vàng rực khoe sắc quyến rủ cả một góc trời để ai đó thích lá phong & khám phá thiên nhiên Việt Nam mà không cần phải đi ra nước ngoài ngắm












Tác giả: Mossa
Biên tập: Reporter

18 thg 12, 2014

Kinh nghiệm từ một chuyến leo Fansipan bất thành

Ước mơ được chinh phục nóc nhà Đông Dương đến với tôi từ 6 năm trước và tôi đã quyết định lên đường khi tìm được một người bạn có quyết tâm cao làm đồng hành. Khó khăn của tôi là đã gần 60 tuổi, thuyết phục được chồng con không dễ. Mỗi người một câu, và tôi đã trưng ra những bằng chứng hùng hồn nên mọi người chỉ còn cách cùng tôi chuẩn bị cho chuyến đi mạo hiểm này.
Ngày 24/10, chúng tôi gồm có 3 người đã lên đường với tâm trạng không thể tuyệt vời hơn. Thành viên nhóm có tôi, một bạn gái thế hệ 9X nặng 42kg với chiếc balo 8 kg trên vai và một chàng trai thế hệ 8X đã một lần đứng trên nóc nhà Đông Dương.



Loanh quanh ăn sáng, cafe xong xuôi, chụp ảnh kỷ niệm chúng tôi lên đường sau khi đã nai nịt gọn gàng và để bớt đồ ở khách sạn. Dù đã biết rằng chỉ mang theo những thứ cần thiết, nhưng balo của ai cũng quá nặng vì thấy thứ gì cũng cần thiết, nào máy ảnh, điện thoại, quần áo ấm, nước uống, thuốc men, đồ ăn vặt... Đến cửa rừng đã 10h sáng, quá muộn nhưng lúc này chúng tôi không biết là muộn nên vẫn rất hồ hởi.


Từ cửa rừng, công ty du lịch phát thêm cho mỗi người 4 chai nước, một cuộn giấy vệ sinh, một bàn chải và kem đánh răng nhỏ. Hành trang mỗi người nặng thêm 2,5 kg nên chúng tôi bỏ lại hai chai nước. Chúng tôi lội qua vài con suối nhỏ có những viên đá kê sẵn cho khỏi ướt giày. Vượt qua vài con dốc cao và khó khăn sẽ đến những nơi rộng đủ để dừng chân nghỉ ngơi và tranh thủ tạo dáng chụp ảnh. Chưa khó khăn lắm nhưng một vài người đã thấm mệt và tiếng thở rất gấp gáp... Người vác đồ (porter) khuyên đừng thở như thế, nhẹ thôi kẻo không đi được... Tuy vậy, tinh thần chung là rất phấn chấn, vừa đi vừa chuyện trò râm ran...

​Gần 13h chúng tôi đến trạm 2.200 m, vừa đói vừa mệt, bữa trưa gồm cơm nắm, gà bản kho mặn, dưa chuột chẻ, xôi, muối vừng, trứng gà luộc... Ăn xong có vài người định ngả lưng nhưng porter yêu cầu lên đường ngay nếu không sẽ không kịp đến trạm 2.800 m trước khi trời tối.

Qua khỏi trạm 2.200 là bắt đầu cho một chặng đường mới với bao thử thách không ngờ. Đây là đoạn đường đầy dốc đá dựng đứng, có những điểm gần như không có chỗ đặt chân. Một thanh niên sẽ trèo lên trước tìm chỗ đứng để kéo người khác lên. Đã thưa dần tiếng cười và thay vào đó là những nhịp thở mệt nhọc. Mọi người lấy kẹo, bánh, chocolate, thuốc tăng lực ra dùng và dặn nhau bước đi thật cẩn thận. Từ đây, chúng tôi bắt đầu tách tốp. Nhóm tôi nhanh chóng bỏ xa nhóm kia vì tập trung vào leo và gần như người nào cũng biết điều hòa hơi thở, giữ đều bước chân, không nghỉ quá lâu.
Chưa bao giờ trong đời tôi, trong cùng một ngày lại nhận được nhiều nụ cười và những lời động viên, chia sẻ từ những người không thân thuộc như vậy. Trên đường vào trạm 2.800 m, chúng tôi gặp các bạn từ 2.800 m đi ra, họ đã chinh phục đỉnh từ sáng sớm và bây giờ đang trên đường ra trạm 2.200 m. Thấy tôi họ đều rất ngạc nhiên, ai cũng tươi cười chào hỏi động viên. Tôi nhớ mãi một bạn nhìn tôi và bảo: "Cô ơi, cố lên, nhưng cô phải cẩn thận từng bước chân nhé, nếu sơ sẩy thì không ai có thể giúp được cô đâu. Trong đoàn cháu có một chị bị bong gân và bây giờ đang phải tự "lết" xuống. Cô đừng nghỉ nhiều sẽ mệt, chỉ dừng một chút là phải đi ngay". Tôi đã tự dặn mình phải cẩn thận, nhưng khi bạn ấy nói không ai có thể giúp được cô đâu thì dường như tôi thấy cần phải cẩn thận hơn.

Trên đường đi vào trạm 2.800 m, do khởi hành muộn (10h sáng) nên khi gặp chúng tôi mọi người đang trên đường ra đều hết sức ái ngại, sợ chúng tôi bị tối trong rừng. Có người còn nói thẳng: tốt nhất là quay ra trạm 2.200 m ngủ để sáng mai đi sớm. Nghe vậy, nhóm tôi sợ quá không dám nghỉ nhiều mà phải tăng tốc, chúng tôi đi rất nhanh, người nọ hỗ trợ người kia.



Lết lát mãi cuối cùng nhóm tôi cũng lên được trạm 2.800 m, nhưng đã quá muộn. Căn nhà gỗ ấm áp như công ty du lịch hứa hẹn đã không còn chỗ chen chân dù chúng tôi đã cố gắng hết sức. Do khởi hành quá muộn hoặc do công ty mà chúng tôi đăng ký đi không đặt được chỗ nên chúng tôi phải ngủ ngoài trời trong một cái lều.

Tôi cố gắng tả cảm giác của cái đêm ấy. Đầu tiên là cái lạnh tái tê của núi cao khi đêm về, không có những đợt gió bấc ù ù nhưng cái lạnh của núi đá cứ thấm dần qua từng lớp áo đã bị mồ hôi trên đường đi hoặc ngấm nước cơn mưa buổi chiều bạn vừa hứng khiến cho bạn có cảm giác như bị ướp đá, răng đánh vào nhau cầm cập. Nhưng không sao, cái lạnh đó đã được không khí tưng bừng, rộn rạo của hơn 200 con người có mặt ở trạm lúc đó đẩy lùi bằng những tràng cười giòn giã, vui không tả xiết... Mọi người chào hỏi nhau, vui mừng khi thành công gần như nắm chắc trong tầm tay, hẹn nhau sáng mai cùng lên đỉnh tập thể... Sau một ngày leo núi mệt nhọc, việc cần phải làm bây giờ là vệ sinh cá nhân, thay quần áo. Tuy không được ở trong ngăn nhà gỗ ấm áp kia nhưng chúng tôi cũng được sử dụng nhà vệ sinh, tắm giặt miễn phí. Ngoài trời lúc đó lạnh khoảng 5 độ, nước thì được lấy từ nguồn trên đỉnh núi xuống, trong vắt và có nhiệt độ của đá tan. Tôi mở vòi lấy nước rửa mặt, chao ôi là lạnh, nhưng nước lạnh làm cho tôi tỉnh táo. Nhưng khi bạn cần dùng nước cho việc rửa những vùng da nhạy cảm thì đó là vấn đề khác, nước lạnh có cảm giác như dao cắt da thịt, nhưng phải chấp nhận thôi.
Lần lượt mọi người làm vệ sinh cá nhân và chúng tôi được bố trí nghỉ đêm trong một lều do các porter mới dựng xong trên nền ruộng ẩm ướt. Tiếp đó họ sẽ trải một tấm bạt có độ dày của tờ giấy A4 hoặc hơn một tý, đặt lên trên đó một cái khung khum khum đủ để cho bạn có thể ngồi thẳng lưng ở chỗ cao nhất của đỉnh lều, sau đó họ lật tấm bạt lên lợp mái và còn thừa thì để đóng cửa lều khi đêm xuống cho đỡ lạnh...

Trên đường đi có bạn đã cảnh báo tôi là nếu không được nghỉ trong nhà gỗ thì ngủ ngoài lều sẽ rất lạnh, tôi chủ quan trả lời nếu hết chỗ thì đành phải ngủ ngoài lều, mọi người chịu được thì tôi cũng chịu được. Lúc đó tôi tưởng tượng đó là một cái lều dã chiến thường dùng cho bộ đội nghỉ đêm hoặc chí ít cũng như cái lều trại.... Khi nhìn thấy thấy cái "lều vịt" kể trên tôi cũng chưa thấy lo lắng vì tôi nghĩ còn túi ngủ được quảng cáo là rất dày và ấm có thể chịu được cái lạnh -5 độ. Tôi xoa dầu nóng cho chân tay và hầu như khắp cơ thể để giảm đau và chống lạnh. Chưa có cơm tối để ăn dù trời đã nhá nhem tối, chúng tôi lại lấy bánh kẹo, phomai ra ăn cho đỡ mệt. Được khoảng 10 phút, từ cảm giác ấm nóng của dầu gió tôi thấy như lên cơn sốt rét, toàn thân run bần bật không thể nào kiềm chế được. Tôi chợt hiểu, nằm trên nền đất này thì không thể trụ được qua đêm. Nếu cố nằm thì sẽ bị sưng phổi hoặc cảm lạnh vì trời càng đêm nhiệt độ càng xuống thấp, nếu ngủ ngồi thì mai sẽ không có sức để leo.

Tôi quyết định chuyển toàn bộ bạt và túi ngủ vào hành lang căn nhà gỗ ấm áp kia để ngủ. Cả nhóm chuyển vào nhà với sự phản đối của rất nhiều người đang ấm áp trong căn nhà gỗ vì ảnh hưởng đến họ. Trước đó tôi đã đi vào từng phòng xin nghỉ nhờ nhưng đều nhận được những lời từ chối. Cũng phải thôi, trong căn nhà gỗ có khoảng 8 phòng, mỗi phòng khoảng 12 m2, chiếc bục gỗ khoảng 8 m2 mà có phòng chứa 17 người thì chỗ đâu cho chúng tôi nằm, dù là trên nền gạch... Nhưng đau đớn nhất là khi một porter thấy tôi đã nhiều tuổi gợi ý rằng sẽ xin cho vào một phòng có khoảng 10 người để nằm nhờ thì được một người đàn ông đã đứng tuổi từ chối. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị tổn thương như vậy.

Chúng tôi đang rất hân hoan thì một người đàn ông xuất hiện, hỏi sao lại vào đây. Chúng tôi trả lời ngoài kia lạnh quá, không chịu được nên vào đây. Người này quát "không được, nằm đây sẽ ảnh hưởng đến đường đi lối lại của những người trong nhà". Ông ta gọi porter phụ trách chúng tôi ra quát mắng tới tấp... Tôi đi tìm người phụ trách và chui vào một phòng ấm ngồi nhờ đợi kết quả đàm phán. 5 phút sau mở cửa nhìn ra thấy đống túi ngủ và hành lý của chúng tôi biến mất. Tôi thét lạc cả giọng: đồ đạc đâu rồi? Cậu porter cười tươi: các anh ấy dọn lên kia rồi cô ơi!

Theo tay chỉ tôi thấy cả nhóm đang chui vào một cái mà tôi tạm gọi là chuồng gà. Nó là một cái lều bán mái có cửa một người chui lọt, rộng khoảng 8 m2, nhưng nó ấm áp vì nó được kê cao cách mặt đất khoảng 80 cm bằng các miếng ván cập kênh, mái của nó lợp bằng những tấm tôn, mà sáng mai khi thức giấc bạn có thể thấy những giọt nước bám li ti phía trên đầu. Lom khom từng người một chui vào lều, chúng tôi nhìn nhau cười sung sướng. Hạnh phúc thật giản đơn. Đúng lúc đó, một người xuất hiện: Có thuê tấm cách nhiệt không? Cả nhóm ồ lên: Không! Tôi quyết: Có! Bao nhiêu một tấm? 20.000 đồng! Ôi, quá rẻ cho một sự êm ái và ấm áp.

Cơm tối có người bưng đến tận miệng! Ở đây nó thế. Bạn đã đóng tiền vào rừng bạn sẽ được phục vụ chu đáo nhất có thể. Trời tối mịt, giơ bàn tay trước mặt còn không biết có ngón nào lành hay không mà không có nến hay ngọn đèn nào để và cơm vào miệng. Nếu bạn cần, sẽ có điện hình như 40.000 đồng cho một giờ, nhưng chúng tôi đã có cái đèn pin mà ông chồng yêu quý nhất đời vì tính cẩn thận đã ném vào balo phút chót. Dưới ánh đèn pin chúng tôi nhai bữa tối, cơm thì nguội, thức ăn không ngon, nhưng bằng kinh nghiệm từng leo Fan, anh cháu rể tôi khuyên mọi người phải cố ăn kẻo đêm đói rất lạnh, sáng mai không có sức.

20h chúng tôi ổn định chỗ nằm. Mỗi người một túi ngủ, 6 người chúng tôi đủ cả: nam, phụ, lão, ấu nằm bên nhau như người một gia đình. Chúng tôi cùng ôn lại những khó khăn vừa trải qua và dự kiến cho chặng leo ngày mai. Lúc chiều, khi còn ở trong lều vịt tôi có trò chuyện với mấy thanh niên nhóm khác thì các bạn ấy đều biểu đồng tình với tôi rằng quá sốc trước chặng 2.200 - 2.800 m. Cuối cùng chúng tôi cũng hiểu ra rằng những đoạn khó nhất tay còn bận bám vào rễ cây, mỏm đá mà leo, mỏi đến mức cơ tay run bần bật, máy móc đã cho vào balo hoặc đã giao cho porter hết thì lấy đâu ra tư liệu mà chia sẻ.



Đêm ấy, mọi người, trừ tôi đều ngon giấc. Nửa đêm, nóng quá, có người còn gỡ tấm dán nhiệt ở lưng. Tuy nhiên, cũng không phải là êm ả như chúng tôi tưởng: lũ chuột thấy hơi người ấm kéo đến. Đầu tiên, chúng chạy đuổi nhau trên chân hoặc bụng chúng tôi, tất nhiên là bên ngoài túi ngủ, sau đó là tìm chỗ ấm áp để chui vào. Ngủ nghê gì nữa, tôi vắt tay lên trán và ra một quyết định đến giờ vẫn không thấy tiếc nuối dù vô cùng tiếc nuối, đó là không tiếp tục lên đỉnh nữa. Tôi biết sức mình, hai chặng với tôi là quá đủ cho thử thách ở tuổi này. Dẹp bỏ sĩ diện bản thân tôi quyết định dừng lại, vì nếu tôi cố lên biết đâu khi xuống đã kiệt sức, sẽ rất khó khăn cho bản thân cũng như mọi người trong nhóm. Nếu chẳng may vì không làm chủ được bước đi mà trượt chân, bong gân, sai khớp thì xuống còn khổ hơn lên. Biết dừng lại đúng lúc cũng là thành công, it nhất là cho bản thân mình. Quyết định xong, tưởng rằng ngủ ngon, ai ngờ những tiếng sột soạt, chít chít làm tôi nghĩ đến cảnh bị chuột gặm mũi tôi không ngủ được và chỉ chợp mắt đôi chút do quá mệt.

Công cuộc chinh phục Fansipan của tôi dừng lại ở đây. Do có 3 người về nên có một porter xuống cùng, nếu ít quá bạn phải ghép đoàn hoặc chờ những người lên đỉnh xuống và cùng về. Đường về chẳng kém gian nan, đau nhức hết toàn thân. Những bước đầu tiên rời trạm 2.800 tôi tưởng không đi nổi, đi dần dần cơ thể lại có vẻ quen, nên cũng đỡ. Mất 3 tiếng mới ra đến trạm 2.200, sau đó mất thêm 3 tiếng nữa mới ra đến cửa rừng, nhìn lên đỉnh Fansipan chìm trong mây mờ mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi khóc vì vui đã về đến nơi an toàn, nhưng tôi cũng thoáng chút buồn vì đã phải từ bỏ giấc mơ hát Quốc ca trên nóc nhà Đông Dương.

Phuot.vn

15 thg 12, 2014

Đi Hà Giang phải ăn chuột rừng nướng

Rong chơi Hà Giang trong mùa hoa tam giác mạch, tôi lần đầu được thết đãi món thịt chuột rừng nướng, một món ăn mà có lẽ đại đa số những người miền xuôi khó có cơ hội được thưởng thức, kể cả có nhiều tiền.
Chuột rừng luôn là hàng hiếm bởi chúng sống trên vùng rừng núi cao, trong những hốc đá, bụi cây rậm rạp, hang đất sâu... nên việc săn bắt không hề dễ dàng. Khác với chuột đồng, chuột rừng khá to, có con đạt tới 500-700 g, thậm chí gần 1 kg. Do ăn cây, quả rừng, ngô lúa nương,... nên chúng là thực phẩm sạch hoàn toàn.

Săn được chuột rừng về, người ra dùng rơm hay cỏ tranh khô thui vàng da rồi mới mang đi mổ bụng lấy hết nội tạng, chặt bỏ đầu, đuôi, chân. Sau đó, mang mình chuột đi rửa sạch sẽ, để ráo nước.
Gia chủ kể chuột rừng có thể chế biến được rất nhiều món ngon như: Bóp riềng mẻ nấu giả cầy, xáo măng, nấu với chuối xanh... Thế nhưng, ngon nhất, hấp dẫn nhất phải kể tới món thịt chuột rừng mang nướng trên than hoa.

Trước khi được thưởng thức món thịt chuột nướng, ngồi quan sát gia chủ làm món này mới thấy kỳ công. Chuột chặt vuông vức bằng 3 đầu ngón tay ướp với hàng chục loại gia vị từ quen thuộc nước mắm, tiêu, tỏi, riềng, sả, ớt còn có những thứ mang hương vị núi rừng như lá móc mật, lá chanh, lá cây quế tươi.

Thịt chuột được ướp trong khoảng nửa giờ đồng hồ cho ngấm rồi sắp lên vỉ nướng trên than hoa hồng rực. Khi nướng lật vỉ cho thịt ở các phía cho tới khi thịt có màu vàng rộm, mùi thơm nức mũi lan tỏa là bỏ ra dùng được.
Món này thưởng thức ngay tức thì khi rời bếp than mới ngon, bởi nếu ăn khi thịt đã nguội sẽ có mùi tanh. Trong những ngày mùa đông tháng giá rét, ngồi bên bếp lửa hồng, cắn miếng thịt chuột nướng nóng hổi, nghe vị nồng ấm của các thứ gia vị tan trên đầu lưỡi bỗng thấy ấm sực cả người. 
Vì chuột đã ướp đủ gia vị đậm đà, vừa vặn rồi nên khi thưởng thức không cần nước chấm mà chỉ cần thêm đĩa rau thơm ăn kèm. Nếu ai cần khẩu vị mặn mòi hơn chút có thể chấm với chút muối vắt chanh...
Ai đã từng thưởng thức chuột đồng nướng sẽ biết nó ngon thế nào. Nhưng cái vị của chuột đồng sẽ khó sánh được với chuột rừng, có lẽ vì nó thiếu hương vị của núi rừng. Nếu có dịp du ngoạn núi rừng Hà Giang, bạn nên “đòi” người bản xứ món chuột rừng, nếu không là tiếc mãi không thôi...



Theo Trịnh Hiệp (Phụ Nữ - Người Lao Động)

Hang Ông Giáp ở Quảng Bình

Ngược con đường 10 huyền thoại, chúng tôi lên xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), ghé thăm lại nơi đã từng in dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa, nơi người dân Vân Kiều vẫn gọi nó bằng cái tên trìu mến - "Hang Đại tướng", nơi mà câu chuyện về vị Đại tướng lừng danh vẫn được bà con kính cẩn lưu giữ và kể cho nhau nghe.
Ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có một quần thể hang động tuyệt đẹp mang tên hang Ông Giáp. Đó là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trú ẩn làm việc và bộ đội Trường Sơn nghỉ chân trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam.

Người Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) tự hào kể rằng bản làng họ là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đến thị sát một thời gian để nghiên cứu địa hình, tìm cách chi viện cho chiến trường miền Nam vào những năm 1972-1973. Ngày đó, Đại tướng từng ở trong hai hang động dọc rặng núi đá vôi Khe Sung, cạnh đường 10 nối đông và tây Trường Sơn.


Từ “nhà hát lớn” của bộ đội Trường Sơn
Chúng tôi được anh Hồ Lâm Hậu, người địa phương, dẫn đường vào hang Ông Giáp. Đó là một hang động nước, phần ngoài được tôn cao để kê bục làm việc. Nước trong hang không biết từ nguồn nào nhưng trong vắt, lội ngập thắt lưng. Qua một ngách nhỏ là một buồng hang lớn, rộng chừng 30 m, đi sâu đến 50 m, trong đó là thế giới của thạch nhũ lung linh, vàng óng, đẹp đến mê hồn. Dulichgo
Một trong những người già nhất vùng là ông Hồ Văn, năm nay đã 80 tuổi, cho biết trước đây hang động này có tên là hang Khe Sung, vì con suối chảy ra từ hang động có nhiều cây sung. Nhưng sau ngày Đại tướng vào ở để làm việc, người dân tự đặt tên và gọi là hang Ông Giáp một cách tôn kính để ghi nhớ công lao của vị tướng tài ba của dân tộc.

Thật ra, trong vùng còn có một hang động khác cũng được đặt tên là hang Ông Giáp, đó là hang ở Khe Son, cách hang Khe Sung chừng 1 km. Đấy là một khu phức hợp kỳ công đầy tuyệt tác của thiên nhiên.
Chúng tôi được người dân địa phương vạch rừng tìm đến, đường dẫn lên hang có 150 bậc cấp dưới tán cây rậm rạp. Vết tích trên tường ghi là xây dựng trong những năm 1970. Dòng chữ màu đỏ ghi “Sở chỉ huy” vẫn còn tươi nguyên. Các con số ngày tháng vẫn còn lộ rõ. Muốn vào hang động phải lách qua một ngách nhỏ, chỉ một người mới chui qua lọt.
Chúng tôi lách người khẽ bước vào, một hành lang rộng rãi dẫn vào một khán phòng khổng lồ. Trong đó đủ cho khoảng 500 người cùng làm việc, có lỗ thông hơi hút khí từ ngoài vào. Đang ở trời nóng bức, vào khán phòng được hưởng không khí mát rượi. Khán phòng được xây dựng tường dày, đổ mái bằng, trên các bức vách vẫn còn đó đường dây điện đài, dấu tích của một thời chưa xa. Theo lối dẫn nhỏ, chúng tôi lên tầng hai của hang động, lối xây cất kiên cố, chắc chắn, trên đó rộng hơn ở tầng dưới, đủ chỗ cho cả ngàn người. Dường như mọi việc của mấy chục năm trước chỉ vừa diễn ra từ hôm qua, thấy đâu đó một không khí nhộn nhịp cho chiến dịch đánh vào Hạ Lào của mùa khô 1972 năm xưa.

Đi ngược lên dãy núi Khe Sung chừng một cây số nữa chúng tôi gặp hang Văn Công, một hang động thoáng rộng, nhiều thạch nhũ kỳ lạ. Nơi đây, các đoàn quân ra trận vào Nam từng ghé lại để thưởng thức các tiết mục văn nghệ do các văn công biểu diễn.
Cựu chiến binh Đinh Tấn Lực, người từng phục vụ trong hang Văn Công trước đây, cho biết: “Chúng tôi hát trên bục cao, dưới lòng hang là vài ngàn bộ đội, có khi con số lên đến cả 3.000 trong lòng hang này. Nhiều khi đang diễn văn nghệ, máy bay địch đến do thám, rồi trút bom nhưng mọi sự vẫn an toàn, bộ đội vẫn nghe hát để ngày mai lên đường”. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, nói: “Đó là những cơ sở an toàn và vững chắc, bí mật và bất ngờ, kín đáo để bộ đội yên tâm hành quân, nghỉ ngơi và điều dưỡng”.

Đến nơi dừng chân của vó ngựa Cần Vương
Bản Cửa Mẹc cũng thuộc xã Ngân Thủy, nằm dưới dãy núi Cửa Mẹc hùng vĩ, nơi đó có hang Vàng sừng sững trải qua hàng triệu năm với nhiều dấu tích thời gian. Tương truyền, thời kỳ Cần Vương, khi bôn tẩu ra tây Quảng Bình và Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi đã từng ghé hang này trú chân. Ở đây, người Vân Kiều trong vùng vẫn truyền ngôn câu chuyện về đoàn tùy tùng xa giá đã chôn trong hang một khối lượng lớn vàng trong đó.

Chuyện kể rằng những năm cuối thế kỷ 19, có hai người Vân Kiều lạc vào hang, đốt đuốc trú trong đó ba ngày. Ngoài trời mưa tầm tã, nước ở trên đỉnh núi trôi tuột vào lòng hang, chảy xối xả ở một lỗ thông hơi, dòng nước xói dần bụi bặm đất đai ở góc hang. Trong ánh lửa bập bùng, thấy lóe lên vật dụng màu vàng, hai người Vân Kiều liền đến xem và phát hiện nhiều đồng tiền vàng, một số kiếm báu, các đồ đồng. Họ về kêu dân làng đi đào, phát hiện rất nhiều vàng trong hang.
Thời đó có một thủ lĩnh trong vùng theo tiếng gọi Cần Vương đã đến động viên dân bản nộp lại cho người đại diện của vua Hàm Nghi từ Minh Hóa vào. Họ nộp hết cho nhà vua. Và từ đó hang Vàng được định danh.

Câu chuyện cứ hư hư, thực thực. Chúng tôi hỏi những người Vân Kiều già ở Cửa Mẹc như ông Hồ Vừ (75 tuổi) thì được trả lời: “Mình nghe người xưa kể thế chứ chưa thấy vàng trong đó bao giờ. Chắc bố mình hay ông nội mình thấy mới kể cho mình nghe thôi”.
Chúng tôi bước vào bên trong hang Vàng. Một không gian lộng lẫy, cổ xưa hiện ra. Quanh hang có đến ba cửa và bốn lỗ thông hơi tự nhiên. Nơi cao nhất khoảng 50 m, rộng nhất hơn 40 m. Có một buồng hang ở tầng thứ hai rộng đến 70 m, nơi đó được dùng làm khán phòng hội họp thời chiến, có thể chứa hơn 2.000 người. Điều đặc biệt của hang động này là được cải tạo, xây dựng nền hang bằng phẳng để làm nơi chứa hàng và nghỉ ngơi tránh bom đạn. Trên vách hang có đề từ một bài thơ bằng nét than của bộ đội ngày xưa: “Trăng lên đỉnh núi trăng tà/ Sao không đứng đó xem ta bốc hàng/ Bên anh thi với bên nàng/ Đố ai ghi được chữ vàng chiến công”.
Thạch nhũ trong hang vẫn còn nguyên vẹn với những cột trụ tự nhiên cao hàng chục mét, những bức tường thạch nhũ chạy dài ngút ngát. Chúng không cũ nát vì khói thuốc của bom đạn mà vẫn tươi nguyên những tí tách từ dòng nước trên đỉnh núi.

Sự cuốn hút của hang Vàng còn có một dấu ấn khác. Ở cuối căn phòng hơn 1.000 m2 là vương quốc của loài dơi. Chúng đông dễ chừng đến cả hàng triệu con. Tiếng đập cánh của chúng vù vù như tiếng động cơ trực thăng bên tai. Dưới nền đất là bãi phân của chúng dày đến 3 cm. Người dân địa phương nói vào khu vực đó không nên hút thuốc hoặc dùng lửa, nếu không coi chừng ngọn lửa sẽ bùng lên bởi nơi đây chứa đầy khí metan do phân dơi sinh ra. Thấy động, đàn dơi đang nằm treo tít trên trần hang bỗng giật mình vỗ cánh bay loạn xạ từng lớp, từng lớp ngỡ như không bao giờ hết.
Có thể nói vẻ đẹp nguyên sơ của hang Ông Giáp và hang Vàng vẫn còn nguyên sơ, kỳ vĩ. Tuy vậy, các hang động ở đây đang gióng lên nỗi lo cần được bảo vệ. Hang Ông Giáp ở Khe Sung đang bị bôi bẩn bởi những người địa phương đưa bia và thực phẩm vào ăn nhậu. Trong khi đó, hang Ông Giáp ở Khe Son lại bị ai đó vẽ bẩn lên mặt tường. Đó là chưa nói hang Văn Công hiện đang bị người dân tìm bẻ thạch nhũ về làm hòn non bộ. Duy chỉ có hang Vàng ở Cửa Mẹc là nguyên vẹn vì người trong vùng không cho người lạ vào phá phách.

Theo Minh Quê (báo Pháp Luật TPHCM)

10 thg 12, 2014

Lô Lô Chải - bản tận cùng phương Bắc

Trên dải đất hình chữ S mình, có một bản nhỏ náu mình nơi hiểm địa sơn cùng thủy tận, chỉ vài chục nóc nhà nhưng gần 40 năm qua, kể từ mùa đông 1977, cờ tổ quốc không ngừng tung bay trên trời mây nơi đây. Dù nắng lửa hay tuyết phủ, dù trận mạc hay hòa bình. Mùa đông năm 1977 tôi vừa có mặt trên đời, còn bản nhỏ ấy có tên là Lô Lô Chải, người xưa hay gọi bằng Trại Lô Lô.


1. Năm 2000, Vàng Dỉ Chu - Chủ tịch xã Lũng Cú - khi đi họp ở huyện lỵ Đồng Văn đã đưa tôi về Lô Lô Chải, trên một chiếc xe Uaz cà tàng của biên phòng đã tàn tạ bởi những cung đường xóc nảy. Nhà của Dỉ Chu nép dưới hông núi bên rìa thung lũng, rất dễ nhận thấy bởi cái cổng lớn bằng đất nện có mái che và ngôi nhà tường trình bằng đất dày cả thước.


Ngoài cửa treo hai gói lá chuối còn tươi nếp gấp, thấy tôi ngần ngại, Dỉ Chu túm tay lôi tuột vào nhà: “Không sao đâu. Lệ của bản không cho thờ cha mẹ vợ trong nhà, nhưng hôm nay có giỗ nên tôi treo ít cơm nếp bên ngoài cho ma nó về, cùng ăn với mọi người một bữa cơm”.

Trần nhà ám bồ hóng bởi bốn mùa đỏ lửa, chỉ cần nhún mình lên là chạm tới. Dỉ Chu thấp hơn cả vợ nhưng nhanh nhẹn lắm, oang oang sai 6 đứa con mỗi người mỗi việc, trèo cây hái mắc coọc, rót nước, kê ghế cho khách nghỉ chân. Hai bên cửa ra vào, bọn trẻ lấy đá đỏ ở chân đỉnh Pỷ nghiền vụn, hòa nước kẻ đôi khẩu hiệu to tướng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Nước CHXHCN Việt Nam muôn năm”.

Hai dòng kẻ này đã có trên tường cỡ mười năm trước, và cũng chừng ấy thời gian Dỉ Chu tự hào với cả bản là 4 trong số những đứa con của mình biết chữ. Khi tôi hỏi về trống đồng, bí mật lớn nhất của dân tộc Lô Lô, đột nhiên Dỉ Chu im lặng. Hồi lâu mới thủng thẳng: “Chúng tôi đào lên sẽ chôn lại. Xin ma trống bảo vệ làng bản yên lành, phù hộ cho mùa màng tươi tốt”. Trống đồng là hồn thiêng của dân tộc Lô Lô, nếu rời bản đến phương trời nào cũng phải mang đi, gồm trống đực và trống cái, khi đánh lên bao giờ cũng dùng cả hai trống một lần.

Chỉ có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về TUNG LÀN MÔ nơi rừng rậm, núi cao, có hang đá, nơi mặt trời lặn, nơi sinh tụ của loài người tái sinh sau đại hồng thủy. Khi làm ma cho người lớn tuổi mới dùng trống đồng. Người đánh là đàn ông chưa vợ hoặc vợ không ở thời kỳ thai nghén, vào buổi chiều trước khi đưa ma. Gần sáng trống đồng lại được bí mật đem chôn ở một nơi sạch sẽ kín đáo, mặt trống để xuống dưới, chân trở lên trên, rồi lấy đất phủ kín.
 
Hồi cậu bé Mí Sèo còn nhỏ, có nghe già bản Xó Má Lủng kể rằng, ở Lô Lô Chải trong ngày cuối cùng của lễ múa ma, sẽ có mấy người đàn ông chạy vào rừng cấm gần thung lũng cởi sạch quần áo, buộc cây cỏ che kín thân, tay cầm những “cái ấy” đẽo bằng gỗ hoặc nặn bằng đất, rồi múa từ cửa rừng về tận nhà có đám. Phụ nữ cười đùa đều bị những người cây này dọa nạt.
  
Tôi hỏi người được coi là già bản - PHU MẲNG - Lù Trú, về kiểu buộc cây, trát đất lên người. Già tả một hồi, nghe vừa giống kiểu thổ dân Châu Úc ăn vận trong buổi khai mạc Olympic Sydney 2000 được truyền hình trực tiếp, vừa giống dấu vết một hội kín đàn ông, mà dân tộc học thế giới đã nói đến ở người Melanesien sống ở giữa Thái Bình Dương. Sao cũng thấy hiện diện ở đây, trong biển đá ở lòng chảo vắng vẻ này? Dulichgo
 
2. Trước Cách mạng Tháng Tám, công sứ Hà Giang lúc đó là Gardier đã đem từ Đồng Văn 3 trống đồng về Hà Nội. Sau chuyện “động trời” này, người ta đã để ý nhiều hơn đến các bản làng của dân tộc Lô Lô, nhất là Lô Lô Chải. Linh cảm đó không sai. Tháng 3.1970, Phan Hữu Dật đã phát hiện một trống đồng tại nhà Vương Sĩ Thuấn. Đầu năm 1985, Lò Giàng Páo đã sưu tầm được cả một cặp trống “đực - cái” tại nhà của Vàng Dỉ Sinh. Phan Hữu Dật từ năm 1974 đã nói rằng, các phu mẳng ở đất này đếm đầu ngón tay cũng có sơ sơ... 20 trống.

Vậy đang ở đâu số trống đồng còn lại? Tôi hỏi Dỉ Chu điều đó, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Hỏi thêm già bản Vàng Pứng Quỷ và Sỉnh Di Pai nhưng tôi cũng chỉ được nghe những tâm sự lảng tránh về thời tiết: “Có năm, từ tháng 9 đến tháng 2 mới hết tuyết, không cây nào sống được, chết vàng đi. Như năm ngoái trồng khoai tây đấy, nhiều lắm, mà chẳng còn gì”... Không ai nói gì thêm với tôi về trống đồng của dân tộc họ.
 
Giờ có cầm trong tay những di vật văn tự quý của dân tộc mình, các “PHU MẲNG” cũng không mấy người còn đọc được. Nhiều đời trước, nhảy múa xung quanh người đã qua đời, có một người đeo túi vải bên hông dẫn đầu đoàn múa ma. Trong túi vải đó là đầu lâu của chính người vừa mới chết. Đưa đám xong thì đem đầu lâu đặt vào hốc đá, mái đá gần nhà, phần xác người còn lại được đem chôn. Khi mưa nắng và khí đá làm rữa hết thịt da thì lấy thêm hai xương đùi để cùng chiếc sọ. Những điệu múa ma có đầu người bên hông là một nghi lễ có liên quan đến tục săn đầu lâu của cư dân trồng trọt. Người Lô Lô Chải giờ không làm vậy nữa, nhưng họ vẫn giữ bằng được tục lệ này, thay đầu người chết bằng vỏ quả bầu vẽ mặt người bọc vải, hoặc đẽo bằng gỗ, hoặc đan bằng tre. Có thế, ma lửa mới về ở, người Lô Lô Chải mới sinh sôi. Họ đã giữ điệu múa ma theo cách của mình như thế. Và họ còn giữ riêng cho mình nhiều điều khác nữa, theo cách của đá núi. Đó là im lặng.

Bộ đội biên phòng trẻ tuổi Sùng Mi Sèo dẫn tôi đến đỉnh Pỷ. Đỉnh núi mồ côi này hẹp lắm, chỉ vài bước chân đã hết, nên chắc ngày xưa Quang Trung Nguyễn Huệ có cho treo một chiếc trống đồng lớn để cư dân Lô Lô Chải đánh mỗi khi biên thùy nổi lửa, cũng xê dịch một chút chỗ Mí Sèo dựng khẩu AK. Người ta đang xây một cột cờ cao tới 17,5m, sáu mặt cột có hoa văn của sáu mặt trống đồng, nổi rõ tia nắng mặt trời lên. Ở đây nhìn sang tiểu khu Tủng Cẳng bên kia sông Nho Quế của Trung Quốc gần lắm, thấy cả những vạt đồi sim mua lúp xúp. Ở đây quay hướng nam nhìn về các bản người Mông như Min Kha, Sáy Sà Phìn gần lắm, nghe thấy cả tiếng hò hát chọc ghẹo nhau của con trai, con gái bản Cẳng Tằng. Nghe thấy cả tiếng lục lạc khua rộn rã trong các nương ngô, trong các vệt rau dền đỏ cao ngập đầu người. Nghe thấy cả tiếng thì thầm của các cổng trời đá núi im lặng và đồ sộ.
 
3. Ngót nghét 15 năm xa cách, tháng 11.2014 này tôi có dịp trở lại với cao nguyên đá. 5h sáng xe xuất phát ở Hà Giang để đi vào đường Hạnh Phúc. Tuyến đường ôtô Hà Giang - Đồng Văn dài 164km, mang tên đường Hạnh Phúc hoàn thành từ tháng 9.1963, nhưng phải đến mùa đông năm 1977, chặng cuối cùng của nó nối với Lũng Cú, cực bắc tổ quốc, mới được hoàn thành. Con đường ấy đã góp phần không nhỏ giải phóng đôi vai nặng gánh truyền đời của người thiểu số, đồng thời thông suốt một dải non sông từ mũi Ngọc Hiển (Cà Mau) ở cực nam xa xôi cho tới tận nơi này. Khi con đường hoàn thành cũng là lúc dân công 19 xã Đồng Văn chung tay dựng lên trên đỉnh Pỷ cột cờ Tổ quốc, lá cờ Tổ quốc như mang theo niềm tự hào dân tộc bốn mùa bay cao trên trời mây. Đường càng lúc càng lên cao, không ngừng uốn lượn, xe chúng tôi như thao thức trôi trong sương.

Đêm còn dày lắm, đôi khi ánh đèn ôtô chiếu phải một quang cảnh nghèo đói tồi tàn bên đường làm trái tim tôi như thắt lại - 15 năm rồi mà vẫn thế ư? Nó làm tôi hình dung lại chỉ 1 trận dịch cúm, sởi cuối năm 1975, đầu 1976 ở Đồng Văn mà gây mắc dịch cho 7.198 người trong toàn huyện, làm thiệt mạng tới 298 người. Diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 21%, trong khi đó diện tích trồng ngô có trên 60% là nương đồi và hốc đá thường bị nước mưa làm xói lở, huyện đã phải phát động phong trào xếp đá làm nương bậc thang. Ít suối, chỉ có một khúc sông Nho Quế chảy qua phía bắc huyện với tổng chiều dài 10km; cả huyện chỉ có 2 con suối nhỏ có nước quanh năm, còn lại đều là suối cạn, mưa thì nước xối xả như thác lũ, tạnh mưa thì hết, nước như biến mất vào trong lòng muôn trùng đá. Hoa anh túc thì nhiều mà quần áo, ngô nương, củi đun, móng ngựa, cuốc bướm, lưỡi cày thì thiếu… Không phải. Bình minh lên, một màu xanh trải rộng chập chùng suốt tầm mắt, nơi năm nào vẫn còn hoàn toàn là đá núi xám xịt.
 
Non trưa đến Đồng Văn, mọi thứ thay đổi quá nhiều rồi, vẻ lam lũ đến nghẹn ngào ngày nào đã không còn nữa. Tôi đi một vòng vào công an, tòa án huyện nhưng không ghi nhận được trường hợp nào người Lô Lô phạm tội hình sự phải bị bắt giữ và xét xử trong những năm qua. Dân tộc Lô Lô vốn can trường. Tháng 4.1957, một số đặc vụ Tưởng Giới Thạch bị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc truy quét đã chạy sang Lũng Cú, đánh chiếm trại Lô Lô, bắn giết cán bộ, làm nhục dân chúng. Dòng máu Lu Ngô Quân thiện chiến trong huyết quản trai tráng Lô Lô Chài đã chảy trở lại, họ cùng bộ đội đập bẹp bọn phản động, trói bọn đầu sỏ Tăng Nhục Sồ, Cắm Nhục Coóng, Lao Vàng… chặt như bó nứa, rồi gọi trẻ con, đàn bà, người già trốn trong hang đá trở về.
  
Trong chiến tranh biên giới phía bắc, từ năm 1982 đến 1985, người Lô Lô và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn đóng góp tới 933.000 ngày công xây dựng các công trình bằng bêtông kiên cố, đá kiên cố, hầm chữ A, đường giao thông hào… bình quân mỗi lao động đóng góp 62 ngày công cho nhiệm vụ quốc phòng. Kết quả chiến đấu từ 1981 đến 1985, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ huyện đã phối hợp cùng các lực lượng và nhân dân đánh trả 15 trận, tiêu diệt gần 500 tên địch, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, trong số đó chiến đấu lập công xuất sắc nhất chính là cư dân Lũng Cú. Người Lô Lô thiện chiến can trường nhưng văn minh hơn rất nhiều dân tộc khác. Người ta chỉ nổi giận khi có kẻ khác xâm phạm tới đất đai thiêng liêng của họ mà thôi. Trưởng ban Dân vận huyện Mùng Thị Chai cũng là một người Lô Lô bảo rằng, Vàng Dỉ Chu đã nghỉ hưu từ năm 2004, giờ 67 tuổi rồi nhưng vẫn còn đang khỏe mạnh: “Ông ấy là bậc cha chú của tôi”.
 
Ở trại Lô Lô, tháng 11 đến trâu còn chết rét, tôi mua một chiếc áo mưa mặc vào người rồi nhảy xe ôm. Đường đi nhìn qua bên kia thung lũng như những vết dao chém sâu vào thân thể núi non. Gió trên các triền đá thổi buốt xương, tròng mắt đau tới độ nhức nhối vì không quen chịu lạnh. Dỉ Chu đang đi chăn trâu, tôi phải đợi tới chập chiều. Ông về từ xa, vẫn dáng người bé nhỏ sở hữu giọng nói lớn ấy, chân đi một đôi ủng mới, phong thái hết mực chững chạc, đàng hoàng. Gặp lại ở ven đường, tôi hỏi, anh còn nhớ em không?

Dỉ Chu lưỡng lự một lát mới nhận ra, lại lôi tuột tôi qua cái cổng lớn bằng đất nện ngày nào, vào căn nhà rộng có tường trình đất dày cả mét trần ám đen bồ hóng ngày nào. Ai đó trong bản gọi điện, Dỉ Chu bảo, bạn tôi đang ở đây, để tôi chơi với bạn mình tí, giọng vui lắm, như có con chim nhỏ đang râm ran hót trong lồng ngực. Khi Vàng Thị Puốn vợ ông bưng mâm cơm lên, Dỉ Chu trịnh trọng nâng chén rượu: “Đời tôi khi còn nhỏ khổ vô cùng. Bốn bề không có chim thú vì không có rừng, đất đai khô quá trồng gỗ có sống được đâu. Ở nhà tranh, đi đường mòn, học hành không có, đói triền miên. Giờ khá hơn gấp mấy trăm lần rồi. Gạo ngô tha hồ ăn. Ba năm nữa tôi 70 tuổi. Các con tôi đều đã trưởng thành, 4 đứa ở gần tôi, 1 đứa hiện là giáo viên ở Đồng Văn, 1 đứa đi nghĩa vụ quân sự ở Tuyên Quang. Tôi tự hào là vậy”.
 
Người Lô Lô đời nọ nối đời kia bám đất ở, từ khi có đất có trời. Các dân tộc khác về sau, một số đất được cho, một số đất được bán. Ông cụ nhà Dỉ Chu tặng không đất cho 1 cụ họ Sùng người Mông, cắt máu ăn thề không đòi lại nữa, nhận nhau là anh em. Cả bản có 88 hộ Lô Lô, sống cách sông Nho Quế chỉ 500m. Tôi hỏi lại câu chuyện về trống đồng còn dang dở mười mấy năm về trước, ông kể rằng, giờ chỉ còn lại 1 cặp trống đực - cái, một chiếc giao cho nhà Vàng Dỉ Chánh giữ, một chiếc giao cho nhà Vàng Dỉ Khuôn giữ. Ngày xưa phải chôn giấu dưới đất vì sợ cháy nhà tranh cháy cả trống đồng, giờ nhà cửa đàng hoàng rồi.

Nhà trưởng họ mới được giữ, lỡ làm mất, chắc dân người ta đánh chết. Bản Lũng Co bên Trung Quốc cũng có người Lô Lô, có bận họ sang mượn trống về cúng, nhưng mình không cho đâu. Các cụ kể lại, xưa người cha chết thì con rể phải dùng răng cắn đứt cổ đi đem cúng, múa, nhưng bỏ từ mấy đời rồi, giờ làm sọ giả bằng tre là được. Lễ cúng với trống đồng sẽ có rượu ngô DỂ, cơm mới MUNG, quần áo mới PÍA XÍ, cơm xôi KHÁ NHẢ MUNG, gà GO, do thầy cúng MỔ CỐNG điều hành. Rồi Dỉ Chu gọi trưởng bản sang nhà, yêu cầu cho tôi xem trống và người Lô Lô trong trang phục truyền đời. Nghe Dỉ Chu bàn việc mà người tôi rung lên vì lạnh. Lạnh đến nỗi ruồi muỗi cũng không có. Chiếc điện thoại để bên gối, thoáng chốc đã đầy hơi ẩm.

4. Sáng hôm sau, Vàng Dỉ Gai qua nhà Dỉ Chu đón tôi đi xem vật thiêng của bản. Từ tinh mơ, có người đã đi 2 tiếng để tìm về loại cỏ quấn quanh người đàn ông để múa với trống đồng theo tục cổ truyền. Cỏ được quấn từ cổ chân lên tới tận đỉnh đầu, đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy thế. Chiếc trống đực của bản đã xưa cũ lắm rồi, 4 linh vật nhỏ trên mặt trống đã mòn đi, nhưng những hình tia nắng mặt trời và chim lạc vẫn còn nguyên ở đó. Chạm tay lên mặt trống mà có cảm giác hàng nghìn linh hồn từng được đưa tiễn đang quanh quẩn đâu đây...
 
Tại nhà trưởng bản, vợ anh Vàng Thị Xuyến đang tất bật nấu nướng cho tôi và vài người khách là Việt kiều Pháp ngủ lại nhà cô qua đêm. Tôi tranh thủ đi thăm mấy ngôi nhà tường trình đất cổ có tuổi đời trên 200 năm bên cạnh, lòng bỗng nhiên chùng lại, bởi dưới những mái nhà ấy hẳn đã có biết bao nước mắt, biết bao nụ cười. Riêng trong tháng 11.2014 này, khoảng 2.508 đoàn với 14.853 khách đã đến tham quan cột cờ Lũng Cú, trong đó khách nội địa là 2.432 đoàn/14.670 khách, khách quốc tế là 76 đoàn/183 khách, ngày đông nhất có tới 3.000 người. Vậy mà suốt cả tháng, 6 hộ làm dịch vụ homesstay tại 2 bản Lô Lô Chải và Thèn Pả chỉ đón được 23 lượt khách đăng ký ăn nghỉ. Mọi người chưa biết làm du lịch đó thôi.

Dần dần rồi sẽ biết và Lô Lô Chải nói riêng, Lũng Cú nói chung sẽ trở nên giàu có. Xuyến chăm sóc khách rất ân cần và chu đáo. Sinh năm 1982, Xuyến đẹp như một nhành tam giác mạch đơn sơ, lại sở hữu cả nét thanh tú khác biệt của tộc “Lô Lô đen” nơi đây, mà các nhà dân tộc học vẫn gọi bằng tên khác là “Di quý tộc”. Vàng Dỉ Pừ cao lớn và đẹp hơn hẳn Vàng Dỉ Chu bạn già của tôi, tự hào bảo, Xuyến là chị gái em đấy. Nhà còn có người em út nữa, đẹp lắm, Dỉ Pừ so sánh với trai Hàn Quốc. Hẳn là chủng tộc Lô Lô đang có một thế hệ người đẹp chưa từng có trong lịch sử.
 
Vàng Dỉ Pừ kể, Xuyến không được đi học, chỉ được học xóa mù thôi, 4 anh chị em đều thiệt thòi vì mẹ mất sớm. Năm 2002, hồi ấy chưa có điện thoại lẫn xe máy, Dỉ Pừ đang học nội trú dưới Đồng Văn, 7h tối thì có người chạy tới báo mẹ đã mất lúc 4h chiều. Cậu bé 16 tuổi quày quả chạy bộ ngược các triền non cao về được đến nhà thì đã quá nửa đêm, vừa chạy vừa khóc.
 
Dỉ Pừ cũng đã từng ở Hà Nội 3 năm để tìm kiếm cơ hội cho mình, nhưng cậu bảo, bầu không khí ở đó làm em thấy mệt lắm. Về quê mình, sáng nào thức dậy em cũng thấy khỏe trong người. Dỉ Pừ đã tự làm được 1 căn nhà chừng 160 triệu, có thể cậu sẽ trồng 1 đồi lê và hiện đang chờ đợi người bạn đời của mình. Dỉ Pừ khoe, cậu bắt được cá dầm xanh nặng chừng 1,5kg ở hẻm sông Nho Quế - lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe nhắc đến tên loài cá cúng vua và cúng thần linh ấy. Quanh vùng giờ nhiều cây cối lên xanh, chim đã về. Chim sẻ, chim chào mào, có cả chim trĩ nữa, không biết tự phương trời xa lạ nào bay về đây cư ngụ.


Theo Nguyễn Huy Minh (Báo Lao Động)