Hiển thị các bài đăng có nhãn amthucphuot. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn amthucphuot. Hiển thị tất cả bài đăng

20 thg 1, 2015

5 món bánh miền Tây làm ấm lòng du khách ngày đông

Thưởng thức những chiếc bánh ngọt nóng ấm, thơm ngon như bánh cam, bánh tai yến cũng là cái thú mà nhiều du khách không muốn bỏ lỡ khi về miền Tây.
Những món ăn dân dã của miền Tây Nam Bộ đã chinh phục trái tim của nhiều nhiều du khách khi đặt chân tới.
Bánh cam
Bánh cam thoạt nhìn khá giống bánh rán, được làm từ bột nếp và bột gạo. Nhân bánh thường là đậu xanh quết nhuyễn, trên mặt bánh được phủ một lớp đường dẻo được thắng vàng óng như mạch nha và mè thơm. Chiếc bánh ngon có vỏ giòn, lớp mật bên ngoài không quá dẻo để dính sang các bánh khác. Bánh có màu vàng rượm, óng ánh của mật, khi cắn vào nghe tiếng lớp mật vỡ ra trước như tiếng kẹo gương, vỏ bánh giòn bên ngoài cộng thêm cái bùi bùi của đậu xanh tạo nên hương vị khó quên.


Bánh cam - món ăn được yêu thích tại miền Tây. Ảnh: Quananngon.


Bánh tai yến
Món bánh này có hình dáng bên ngoài giống như tổ chim yến, có công thức chế biến khá đơn giản. Nguyên liệu chủ yếu để chế biến bánh tai yến gồm bột gạo, bột năng, nước cốt dừa và đường được hòa quyện vào nhau cho sánh rồi đem chiên chín vàng. Làm bánh tai yến khó nhất chính là cách chiên bánh sao cho nở ra những tai yến đều và đẹp mắt. Bánh ăn ngon nhất khi vừa vớt ra khỏi chảo mỡ sôi.

Dù chỉ là món bánh dân dã, tai yến vẫn là một trong những nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người miền Tây. Ảnh: Quananngon.

Bánh bò
Người miền Tây có nhiều cách làm bánh bò như bánh bò hấp, bánh bò rễ tre, bánh bò heo quay… Nguyên liệu để làm cũng đơn giản gồm bột gạo, đường, dừa và men. Bánh bò sữa nướng là một trong những món ăn vặt được yêu thích nhất của các em nhỏ, học sinh tại miền Tây.


Bánh bò có nhiều loại và được nhiều thực khách yêu thích. Ảnh: Quananngon.

Bánh lá mít 
Món bánh này có tên như thế vì sau khi nhào, nặn, người làm trét một lớp bột mỏng lên lá mít rồi đem đi hấp. Khi thưởng thức, người ta tách bánh ra khỏi lá, cho vào đĩa rồi chan ngập nước dừa, đậu phộng lên trên. Người ăn dùng đũa hoặc dĩa lấy từng miếng bánh cùng nước cốt dừa cho vào miệng nhai từ từ. Vị béo, ngọt của nước cốt dừa, vị dai dai của bánh, mùi thơm thoang thoảng của lá mít kích thích mọi giác quan khi thưởng thức.


Bánh lá mít - món ăn vặt lý tưởng cho ngày mùa đông. Ảnh: dongthaptourist.

Bánh chuối nướng
Bánh chuối nướng có thành phần khá đơn giản với vài ba lát bánh mì cũ, vài trái chuối sứ chín, ít sữa tươi, nước cốt dừa hoặc cả hai. Đây là loại bánh dễ làm, khó bị hỏng nhờ nguyên tắc cơ bản là trộn tất cả vào nhau và nướng. Nguyên liệu, cách làm đơn giản, song món bánh này vẫn đủ sức làm mê hoặc mọi người với vị tươi mới cùng sắc màu vàng đặc trưng của dòng bánh nướng.


Bánh chuối nướng hấp dẫn bởi vị ngon ngọt, béo ngậy. Ảnh: Vietnamesedishes


Selina Nguyễn

19 thg 1, 2015

Những món điểm tâm quen thuộc của mùa đông Hà Nội

 Bún riêu cua, phở bò, cháo sườn, bánh cuốn, bánh giò nóng là những món ăn quen thân, đồng hành cùng người dân Thủ đô mỗi sáng, trước khi đi học, đi làm.


Hà Nội vốn là nơi tập trung tinh hoa ẩm thực của nhiều vùng miền nên người Hà Thành có rất nhiều lựa chọn đa dạng cho bữa sáng. Trong tiết đông lạnh giá, các món ăn dưới đây được nhớ đến nhiều hơn cả.

Bún riêu cua
Bát bún riêu chỉ đơn giản gồm bún, gạch cua, hành hoa và nước chan nóng hổi nhưng vẫn luôn hấp dẫn thực khách, đặc biệt là những sớm mùa đông lạnh giá. Bắt đầu ngày mới với tô bún riêu nóng hổi, thưởng thức trọn vẹn hương vị của gạch cua bùi ngậy, bún trắng và rau thơm sẽ là lựa chọn hoàn hảo, nhẹ nhàng dành cho bạn. Người Hà Nội thường rỉ tai nhau những quán bún riêu ngon ở phố Triệu Việt Vương, Hàng Buồm, ngã tư Quang Trung, chợ Ngọc Hà...


Giá từ 25.000 - 30.000 đồng một bát bún nhiều gạch cua thơm ngon. Nếu muốn chắc bụng, bạn có thể gọi thêm giò hoặc bò tái.  Ảnh: Afamily.

Phở bò
Phở bò được đa số người Hà Nội yêu thích bởi tìm một quán phở bò ngon ở gần nơi ở không khó, giá cả lại phải chăng. Bát phở bò Hà Nội nguyên gốc có vị ngọt lừ của xương bò, mùi thơm của thịt bò vừa chín đến, màu nước phở trong, sợi phở mềm... là lựa chọn số một cho bữa sáng ngày đông lạnh giá. Những thương hiệu phở Cồ, Sướng, Thìn, Bát Đàn... luôn mang đến sự hài lòng cho thực khách để bắt đầu ngày mới.


Phở  vừa cung cấp năng lượng vừa giúp tỉnh người và làm ấm cơ thể, giá trung bình từ 25.000 – 60.000 đồng tùy nơi. Ảnh: Lê Thương

Cháo sườn
Phổ biến nhất trong các món ăn sáng của người Hà Nội phải kể đến cháo sườn. Để có được bát cháo sườn ngon đúng điệu, đòi hỏi người đầu bếp phải tuân thủ những tiêu chuẩn nhất định trong việc ninh xương, gạo và nêm nếm gia vị. Người Hà Nội thích ăn cháo sườn kèm ruốc hoặc quẩy nóng, đôi khi có thể kết hợp cả hai tùy khẩu vị từng người. Tuy không no lâu nhưng vị đậm đà từ nước hầm xương thịt, thơm ngọt của ruốc và giòn tan, bùi bùi từ quẩy cũng khiến bạn bắt đầu ngày mới nhiều hứng khởi.


Bạn có thể thưởng thức cháo sườn ở các khu chợ hoặc những quán nhỏ trên phố Phan Đình Phùng, Ngõ Huyện, Ấu Triệu, Hàng Bồ, Hồ Đắc Di… Ảnh: Nguyễn Trang

Bánh cuốn nóng
Một đĩa bánh nóng, nhân bên trong khá đa dạng cho thực khách lựa chọn như gà, tôm, thịt, trứng… cùng bát nước chấm chả thịt viên hoặc chả quế thơm ngon, bánh cuốn là món ăn ưa thích, lành bụng được đông đảo người dân, từ già đến trẻ ưa dùng. Mùa đông ngồi trong quán, đợi cô chủ tráng từng chiếc bánh mỏng, dẻo dai, tỏa ra mùi thơm trong làn khói mỏng, chấm vội vào bát nước đầy chả mà thưởng thức thì không biết ăn bao nhiêu cho đủ.


Với giá từ 15.000 – 40.000 đồng một suất, bạn đã có đủ năng lượng cho ngày mới. Ảnh: Vietbao.vn
Một vài địa chỉ nổi tiếng ở Hà Nội cho bạn là ở phố: Tô Hiến Thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng Mai, bà Triệu, Duy Tân, Hàng Bồ, Hàng Gà, Thanh Trì, Hàng Than…

Bánh giò nóng
Chiếc bánh giò nóng có thể dễ dàng mang đi là ý hay cho những ai dậy muộn. Nếu tranh thủ được thời gian ít ỏi, bạn cũng có thể ngồi xuống ăn nhanh chiếc bánh mà không phải đợi chờ lâu. Chiếc bánh mềm bột gạo tẻ, nhân thịt mộc nhĩ thơm lừng bên trong không kén người ăn. Nếu chưa thực sự vừa lòng với sự đơn điệu của món ăn, bạn có thể gọi thêm giò, chả tùy khẩu vị ăn cho đã miệng.


Giá cho một đĩa bánh nhiều đồ ăn đi kèm khoảng 25.000 - 30.000 đồng, bạn có thể tìm ăn ở vỉa hè các con phố Thụy Khuê, Lương Định Của, Nguyễn Công Trứ... vào mỗi sáng. Ảnh: Lan Itou

Sưu Tầm

26 thg 12, 2014

3 quán cơm tấm thơm ngon ở Sài Gòn

Đối với người Sài Gòn, cơm tấm là món ăn hết mực quen thuộc. Bạn có thể ăn cơm tấm vào điểm tâm, buổi trưa hay tối đều được. Một đĩa cơm tấm ngon sẽ gồm một chút cơm hạt nhỏ, khô, thêm vài lát dưa leo, đồ chua và phía trên là miếng sườn nướng, bì, chả thơm phức. 

1. An Dương Vương
Đây là quán cơm tấm khá nổi tiếng và có nhiều thực khách ghé ăn nằm ngay góc ngã tư trên đường An Dương Vương, quận 5. Đĩa cơm tấm xới vừa đủ, bên trên có miếng thịt nướng ướp đậm đà và mềm thơm. Kế bên là chén cải chua đem ra ăn cùng cũng tương đối giòn, làm tăng hương vị của đĩa cơm. Do cơm tấm ít nên nếu bạn chưa thấy no có thể gọi một phần cơm thêm. Điểm cộng ở đây là khi ăn xong bạn được phục vụ thêm tráng miệng. Còn điểm trừ là nhân viên khá chậm, phải mất một lúc lâu mới đáp ứng yêu cầu của bạn. Giá tương đối rẻ, chỉ từ 20.000 đến 44.000 đồng một đĩa. 

2. Thuận Kiều
Quán cơm tấm có không gian lớn và rộng rãi, lại có máy lạnh nên đặc biệt đông khách. Nằm trên đường Thuận Kiều, quận 11, bạn chỉ cần hỏi người dân xung quanh là họ sẽ chỉ đến nơi nhanh chóng. Ngoài cơm tấm sườn bì chả, bạn có thể thử qua các món khác lạ hơn như cơm lạp xưởng, cơm chả nướng hay cơm xíu mại.
Những món ăn có trong thực đơn đều được đặt gọn gàng trên chiếc xe đồ ăn ngay mặt tiền nên vừa bước vào bạn đã có thể chọn cho mình món phù hợp. Giá đĩa cơm từ 30.000 đến 55.000 đồng.

3. Kinh Dương Vương
Có thể nói quán cơm tấm này đã xuất hiện từ rất lâu, khoảng hơn chục năm về trước và lượng khách cũ mới vẫn ngày ngày tìm đến quán. Nằm trên đường Kinh Dương Vương, quận 6, khúc gần lên cầu Cây Gõ nên quán tương đối dễ tìm. Điểm đặc biệt là quán tận dụng mặt bằng của ngôi chùa nhỏ và vài căn nhà sát bên nên không gian thoáng mát, dễ chịu. Cơm tấm ở đây ngon, thịt ướp đậm đà và thơm. Khi gọi món bạn có thể nhờ người bán cắt sẵn miếng thịt để dễ ăn. Quán bình dân chính hiệu, người phục vụ cũng chân chất và hiền lành. Giá tương đối rẻ từ 25.000 đến 40.000 đồng tùy theo món.

15 thg 12, 2014

Đi Hà Giang phải ăn chuột rừng nướng

Rong chơi Hà Giang trong mùa hoa tam giác mạch, tôi lần đầu được thết đãi món thịt chuột rừng nướng, một món ăn mà có lẽ đại đa số những người miền xuôi khó có cơ hội được thưởng thức, kể cả có nhiều tiền.
Chuột rừng luôn là hàng hiếm bởi chúng sống trên vùng rừng núi cao, trong những hốc đá, bụi cây rậm rạp, hang đất sâu... nên việc săn bắt không hề dễ dàng. Khác với chuột đồng, chuột rừng khá to, có con đạt tới 500-700 g, thậm chí gần 1 kg. Do ăn cây, quả rừng, ngô lúa nương,... nên chúng là thực phẩm sạch hoàn toàn.

Săn được chuột rừng về, người ra dùng rơm hay cỏ tranh khô thui vàng da rồi mới mang đi mổ bụng lấy hết nội tạng, chặt bỏ đầu, đuôi, chân. Sau đó, mang mình chuột đi rửa sạch sẽ, để ráo nước.
Gia chủ kể chuột rừng có thể chế biến được rất nhiều món ngon như: Bóp riềng mẻ nấu giả cầy, xáo măng, nấu với chuối xanh... Thế nhưng, ngon nhất, hấp dẫn nhất phải kể tới món thịt chuột rừng mang nướng trên than hoa.

Trước khi được thưởng thức món thịt chuột nướng, ngồi quan sát gia chủ làm món này mới thấy kỳ công. Chuột chặt vuông vức bằng 3 đầu ngón tay ướp với hàng chục loại gia vị từ quen thuộc nước mắm, tiêu, tỏi, riềng, sả, ớt còn có những thứ mang hương vị núi rừng như lá móc mật, lá chanh, lá cây quế tươi.

Thịt chuột được ướp trong khoảng nửa giờ đồng hồ cho ngấm rồi sắp lên vỉ nướng trên than hoa hồng rực. Khi nướng lật vỉ cho thịt ở các phía cho tới khi thịt có màu vàng rộm, mùi thơm nức mũi lan tỏa là bỏ ra dùng được.
Món này thưởng thức ngay tức thì khi rời bếp than mới ngon, bởi nếu ăn khi thịt đã nguội sẽ có mùi tanh. Trong những ngày mùa đông tháng giá rét, ngồi bên bếp lửa hồng, cắn miếng thịt chuột nướng nóng hổi, nghe vị nồng ấm của các thứ gia vị tan trên đầu lưỡi bỗng thấy ấm sực cả người. 
Vì chuột đã ướp đủ gia vị đậm đà, vừa vặn rồi nên khi thưởng thức không cần nước chấm mà chỉ cần thêm đĩa rau thơm ăn kèm. Nếu ai cần khẩu vị mặn mòi hơn chút có thể chấm với chút muối vắt chanh...
Ai đã từng thưởng thức chuột đồng nướng sẽ biết nó ngon thế nào. Nhưng cái vị của chuột đồng sẽ khó sánh được với chuột rừng, có lẽ vì nó thiếu hương vị của núi rừng. Nếu có dịp du ngoạn núi rừng Hà Giang, bạn nên “đòi” người bản xứ món chuột rừng, nếu không là tiếc mãi không thôi...



Theo Trịnh Hiệp (Phụ Nữ - Người Lao Động)

5 thg 12, 2014

Những lễ hội tưng bừng dịp cuối năm ở Hà Nội

Tháng 12, Hà Nội diễn ra nhiều sự kiện thú vị và dưới đây là lịch tham khảo cho các bạn ở Hà Nội và du khách.

Lễ hội Les Arômes lần thứ 6
Les Arômes là lễ hội ẩm thực dành cho những đầu bếp danh tiếng bậc nhất thế giới. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005, đến nay, lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt quan tâm và theo dõi. Tới đây, bạn có cơ hội tìm hiểu nghệ thuật ẩm thực cao cấp hiện đại và cơ hội tiếp xúc với những đầu bếp tài năng. Lễ hội diễn ra từ ngày 28/11 đến 5/12 tại khách sạn Metropole.

Lễ hội văn hóa Nhật Bản chào năm mới
Vào các ngày 27 - 28/12, lễ hội văn hóa Nhật Bản chào năm mới sẽ tổ chức tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Một loạt các hoạt động thú vị và hấp dẫn được tổ chức như bốc quẻ đầu năm, trưng bày các sản phẩm lưu niệm Nhật Bản, thưởng thức ẩm thực... Đây là bữa tiệc thịnh soạn cho những người yêu thích nền văn hóa xứ mặt trời mọc.

Hội chợ nghệ thuật Hà Nội
Nếu là người yêu thích các loại hình nghệ thuật, bạn không nên bỏ qua Hội chợ nghệ thuật được tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô. Đây là sự kiện kết hợp tinh thần văn hóa chợ Việt từ xưa và áp dụng thêm mô hình hội chợ nghệ thuật từ các nước phát triển.
Du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm từ tranh, tượng, sắp đặt, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của 59 cá nhân và nhóm nghệ sĩ. Hội chợ diễn ra từ 5/12 đến 28/12 tại Trung tâm thương mại Hàng Da.

Hội chợ hàng tiêu dùng và quà tặng Noel
Trong thời gian ngày 22 - 28/12, Hội chợ hàng tiêu dùng và quà tặng Noel sẽ diễn ra tại Công viên Thống Nhất. Các gian hàng bày bán tại đây bao gồm sản phẩm hàng tiêu dùng, hàng dệt may thời trang, các dụng cụ chăm sóc sắc đẹp... Đặc biệt đêm Giáng sinh sẽ diễn ra chương trình "Ông già Noel phát quà miễn phí" cho các khách hàng tham quan và mua sắm.

Ngày hội Thái Lan
Cơ hội cho những người yêu thích văn hóa Thái Lan sắp tới vào ngày 6/12. Theo đó, chương trình Ngày hội Thái Lan sẽ diễn ra tại Công viên Thống Nhất do Đại sứ quán kết hợp Phòng du lịch Thái Lan tổ chức. Thời gian 15h00 - 22h00.
Tham gia ngày hội, bạn có cơ hội được giao lưu với cộng đồng người Thái tại Việt Nam và mua sắm các sản phẩm đặc trưng của đất nước chùa tháp như hoa quả, thức ăn, đồ thủ công mỹ nghệ...

Nguồn: VnExpress
Ảnh: Du khách có cơ hội thưởng thức nhiều món ngon tại Ngày hội Thái Lan. vietbao

3 món ăn lôi cuốn vị giác cho cuối tuần

Ẩm thực ba miền Việt Nam rất phong phú với hàng trăm món ăn. Bạn hãy tự mình thưởng thức các món hấp dẫn dưới đây cuối tuần này.

Phở cuốn
Món ăn này vừa đơn giản, dễ làm mà mọi người trong gia đình còn có thể ngồi quanh quần cùng nhau trò chuyện rôm rả. Phở cuốn xuất hiện ở Hà Nội đã từ rất lâu. Nếu bạn ngán ăn cơm hay húp một tô phở nóng hổi, bạn có thể đổi vị với đĩa phở cuốn. Bạn chỉ việc xào chín thịt bò, rồi phi hành, rang lạc giã nhỏ… Nếu không muốn tự làm, những nguyên liệu đó bạn đều có thể tìm thấy trong chợ. Bạn trải bánh phở cuốn ra, cho xà lách, rau diếp, thịt bò, bún, rau sống… rắc thêm hành phi, lạc lên phía trên và cuộn lại. Món này trở nên hấp dẫn hơn nhờ nước chấm. Tùy khẩu vị mà bạn có thể pha nước chấm chua ngọt phù hợp.

Cao lầu
Đối với ai chưa biết, họ có thể lầm tưởng mì Quảng và cao lầu là cùng một món. Tuy nhiên, cao lầu ít nước và so ra có phần mới lạ, thơm ngon đặc biệt hơn. Món này gắn liền với phố cổ Hội An. Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Thông thường, bạn sẽ thưởng thức cao lầu với giá trụng nước sôi, nhưng không được quá mềm mà phải giòn giòn thanh mát. Giá sẽ trụng rồi bỏ vào tô, mì xếp lên trên, cho vài lát thịt, xá xíu. Nước lèo của cao lầu chỉ cho một chút vào tô, nhưng ngọt và đậm đà. Ngộ nghĩnh nhất khi nhắc đến cao lầu có lẽ là thực khách thường ngồi phía trên cao quán để thưởng thức. 

Bánh canh ghẹ
Với một tô bánh canh nóng hổi, con ghẹ bẻ đôi nằm gọn gàng trong tô, bạn sẽ có cảm giác no nê khi ăn hết phần này. Món bánh canh ghẹ thấy nhiều nhất tại Sài Gòn, và khách lúc nào cũng đông nghẹt. Ghẹ dùng cho món này thường chắc nịch, đỏ au, được luộc sẵn. Trong tô bánh canh, ngoài ghẹ ra, bạn còn thấy huyết và chả tôm hấp dẫn. Dù chả tôm chỉ là phụ, nhưng khá giòn ngon. Nước bánh canh có phần hơi đặc, màu vàng đặc trưng. Món này rất thích hợp thử qua khi thời tiết se mát.

Theo Vnexpress

2 thg 12, 2014

Canh chua bông so đũa cá rô đồng

Canh chua bông so đũa cá rô đồng là một món ngon bình dị nhưng độc đáo của vùng sông nước ĐBSCL.

ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt, đồng ruộng bao la. Nơi đây có sản lượng và trữ lượng cá nước ngọt lớn nhất nước. Về ĐBSCL “ăn cá” là thú vui ẩm thực rất hấp dẫn. Có rất nhiều loại cá ngon ở đồng bằng.

Canh chua bông so đũa cá rô đồng là một món ngon bình dị nhưng độc đáo của vùng sông nước ĐBSCL. Nồi canh được nấu toàn nguyên liệu tươi sống tại chỗ nên rất hấp dẫn. Cá rô là loại cá có thịt ngọt, thơm, béo khá dễ mua ở các chợ.


Mùa mưa, mùa nước nổi, cá rô theo nước lên đồng tìm thức ăn. Nông dân giăng lưới, đặt lọp bắt được rất nhiều. Cá chừng non ba ngón tay khép lại, người ta gọi là cá rô “mề”, loại này đạt chất lượng nhất. Với khoảng 9 con cá rô mề, đánh sạch vảy, bỏ ruột, chặt vi, móc mang, để nguyên con là có thể có nồi canh ngon.

Rau ghém ăn lẩu chua cá rô đồng rất phong phú như: bông súng, đậu bắp, rau muống đồng, cù nèo, rau nhút, bắp chuối, giá sống, cần ống… Nhưng thành phần rau chủ yếu vẫn là bông súng đồng. Bông súng mọc hoang rất nhiều ở các bưng, đìa, ao, vũng…


Loại rau này hình cọng, mọc ngầm dưới nước có khi dài đến hàng chục mét. Hoa bông súng màu tím than khi nở rất đẹp. Cọng bông súng được tước bỏ vỏ, cắt đoạn chừng 10cm cho dễ ăn.

Nồi nước bắc lên, khi nước sôi dằn ít muối hột. Sả bằm phi nhẹ, ớt xắt lát để vào khi nước sôi dịu xuống. Nêm đường, bột ngọt, tí nước mắm ngon. Lần lượt bỏ cà, khóm, me vô nồi nước. Nếu có con mẻ tán nhuyễn làm chất chua thì rất tuyệt. Nêm lẩu bằng rau ngò om là đúng điệu nhất, bởi loại rau này có mùi thơm rất dân dã. 


Cá rô thả vào nồi lẩu vừa chín vớt ra dĩa, chấm với nước mắm ngon nguyên chất. Rau nhúng vào nồi lẩu sôi liu riu ít nhiều tùy theo ý thích của bạn, ăn với bún hoặc cơm. Thịt cá rô thơm béo, bông súng mềm dịu, nước lẩu chua hơi cay sẽ làm cho du khách khoái khẩu, ăn xuất mồ hôi “giải nghể”!


Một bữa tiệc dân dã với lẩu chua bông súng cá rô đồng sẽ làm bạn nhớ mãi miền đất trù phú này.