Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Giang. Hiển thị tất cả bài đăng

10 thg 12, 2014

Lô Lô Chải - bản tận cùng phương Bắc

Trên dải đất hình chữ S mình, có một bản nhỏ náu mình nơi hiểm địa sơn cùng thủy tận, chỉ vài chục nóc nhà nhưng gần 40 năm qua, kể từ mùa đông 1977, cờ tổ quốc không ngừng tung bay trên trời mây nơi đây. Dù nắng lửa hay tuyết phủ, dù trận mạc hay hòa bình. Mùa đông năm 1977 tôi vừa có mặt trên đời, còn bản nhỏ ấy có tên là Lô Lô Chải, người xưa hay gọi bằng Trại Lô Lô.


1. Năm 2000, Vàng Dỉ Chu - Chủ tịch xã Lũng Cú - khi đi họp ở huyện lỵ Đồng Văn đã đưa tôi về Lô Lô Chải, trên một chiếc xe Uaz cà tàng của biên phòng đã tàn tạ bởi những cung đường xóc nảy. Nhà của Dỉ Chu nép dưới hông núi bên rìa thung lũng, rất dễ nhận thấy bởi cái cổng lớn bằng đất nện có mái che và ngôi nhà tường trình bằng đất dày cả thước.


Ngoài cửa treo hai gói lá chuối còn tươi nếp gấp, thấy tôi ngần ngại, Dỉ Chu túm tay lôi tuột vào nhà: “Không sao đâu. Lệ của bản không cho thờ cha mẹ vợ trong nhà, nhưng hôm nay có giỗ nên tôi treo ít cơm nếp bên ngoài cho ma nó về, cùng ăn với mọi người một bữa cơm”.

Trần nhà ám bồ hóng bởi bốn mùa đỏ lửa, chỉ cần nhún mình lên là chạm tới. Dỉ Chu thấp hơn cả vợ nhưng nhanh nhẹn lắm, oang oang sai 6 đứa con mỗi người mỗi việc, trèo cây hái mắc coọc, rót nước, kê ghế cho khách nghỉ chân. Hai bên cửa ra vào, bọn trẻ lấy đá đỏ ở chân đỉnh Pỷ nghiền vụn, hòa nước kẻ đôi khẩu hiệu to tướng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Nước CHXHCN Việt Nam muôn năm”.

Hai dòng kẻ này đã có trên tường cỡ mười năm trước, và cũng chừng ấy thời gian Dỉ Chu tự hào với cả bản là 4 trong số những đứa con của mình biết chữ. Khi tôi hỏi về trống đồng, bí mật lớn nhất của dân tộc Lô Lô, đột nhiên Dỉ Chu im lặng. Hồi lâu mới thủng thẳng: “Chúng tôi đào lên sẽ chôn lại. Xin ma trống bảo vệ làng bản yên lành, phù hộ cho mùa màng tươi tốt”. Trống đồng là hồn thiêng của dân tộc Lô Lô, nếu rời bản đến phương trời nào cũng phải mang đi, gồm trống đực và trống cái, khi đánh lên bao giờ cũng dùng cả hai trống một lần.

Chỉ có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về TUNG LÀN MÔ nơi rừng rậm, núi cao, có hang đá, nơi mặt trời lặn, nơi sinh tụ của loài người tái sinh sau đại hồng thủy. Khi làm ma cho người lớn tuổi mới dùng trống đồng. Người đánh là đàn ông chưa vợ hoặc vợ không ở thời kỳ thai nghén, vào buổi chiều trước khi đưa ma. Gần sáng trống đồng lại được bí mật đem chôn ở một nơi sạch sẽ kín đáo, mặt trống để xuống dưới, chân trở lên trên, rồi lấy đất phủ kín.
 
Hồi cậu bé Mí Sèo còn nhỏ, có nghe già bản Xó Má Lủng kể rằng, ở Lô Lô Chải trong ngày cuối cùng của lễ múa ma, sẽ có mấy người đàn ông chạy vào rừng cấm gần thung lũng cởi sạch quần áo, buộc cây cỏ che kín thân, tay cầm những “cái ấy” đẽo bằng gỗ hoặc nặn bằng đất, rồi múa từ cửa rừng về tận nhà có đám. Phụ nữ cười đùa đều bị những người cây này dọa nạt.
  
Tôi hỏi người được coi là già bản - PHU MẲNG - Lù Trú, về kiểu buộc cây, trát đất lên người. Già tả một hồi, nghe vừa giống kiểu thổ dân Châu Úc ăn vận trong buổi khai mạc Olympic Sydney 2000 được truyền hình trực tiếp, vừa giống dấu vết một hội kín đàn ông, mà dân tộc học thế giới đã nói đến ở người Melanesien sống ở giữa Thái Bình Dương. Sao cũng thấy hiện diện ở đây, trong biển đá ở lòng chảo vắng vẻ này? Dulichgo
 
2. Trước Cách mạng Tháng Tám, công sứ Hà Giang lúc đó là Gardier đã đem từ Đồng Văn 3 trống đồng về Hà Nội. Sau chuyện “động trời” này, người ta đã để ý nhiều hơn đến các bản làng của dân tộc Lô Lô, nhất là Lô Lô Chải. Linh cảm đó không sai. Tháng 3.1970, Phan Hữu Dật đã phát hiện một trống đồng tại nhà Vương Sĩ Thuấn. Đầu năm 1985, Lò Giàng Páo đã sưu tầm được cả một cặp trống “đực - cái” tại nhà của Vàng Dỉ Sinh. Phan Hữu Dật từ năm 1974 đã nói rằng, các phu mẳng ở đất này đếm đầu ngón tay cũng có sơ sơ... 20 trống.

Vậy đang ở đâu số trống đồng còn lại? Tôi hỏi Dỉ Chu điều đó, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Hỏi thêm già bản Vàng Pứng Quỷ và Sỉnh Di Pai nhưng tôi cũng chỉ được nghe những tâm sự lảng tránh về thời tiết: “Có năm, từ tháng 9 đến tháng 2 mới hết tuyết, không cây nào sống được, chết vàng đi. Như năm ngoái trồng khoai tây đấy, nhiều lắm, mà chẳng còn gì”... Không ai nói gì thêm với tôi về trống đồng của dân tộc họ.
 
Giờ có cầm trong tay những di vật văn tự quý của dân tộc mình, các “PHU MẲNG” cũng không mấy người còn đọc được. Nhiều đời trước, nhảy múa xung quanh người đã qua đời, có một người đeo túi vải bên hông dẫn đầu đoàn múa ma. Trong túi vải đó là đầu lâu của chính người vừa mới chết. Đưa đám xong thì đem đầu lâu đặt vào hốc đá, mái đá gần nhà, phần xác người còn lại được đem chôn. Khi mưa nắng và khí đá làm rữa hết thịt da thì lấy thêm hai xương đùi để cùng chiếc sọ. Những điệu múa ma có đầu người bên hông là một nghi lễ có liên quan đến tục săn đầu lâu của cư dân trồng trọt. Người Lô Lô Chải giờ không làm vậy nữa, nhưng họ vẫn giữ bằng được tục lệ này, thay đầu người chết bằng vỏ quả bầu vẽ mặt người bọc vải, hoặc đẽo bằng gỗ, hoặc đan bằng tre. Có thế, ma lửa mới về ở, người Lô Lô Chải mới sinh sôi. Họ đã giữ điệu múa ma theo cách của mình như thế. Và họ còn giữ riêng cho mình nhiều điều khác nữa, theo cách của đá núi. Đó là im lặng.

Bộ đội biên phòng trẻ tuổi Sùng Mi Sèo dẫn tôi đến đỉnh Pỷ. Đỉnh núi mồ côi này hẹp lắm, chỉ vài bước chân đã hết, nên chắc ngày xưa Quang Trung Nguyễn Huệ có cho treo một chiếc trống đồng lớn để cư dân Lô Lô Chải đánh mỗi khi biên thùy nổi lửa, cũng xê dịch một chút chỗ Mí Sèo dựng khẩu AK. Người ta đang xây một cột cờ cao tới 17,5m, sáu mặt cột có hoa văn của sáu mặt trống đồng, nổi rõ tia nắng mặt trời lên. Ở đây nhìn sang tiểu khu Tủng Cẳng bên kia sông Nho Quế của Trung Quốc gần lắm, thấy cả những vạt đồi sim mua lúp xúp. Ở đây quay hướng nam nhìn về các bản người Mông như Min Kha, Sáy Sà Phìn gần lắm, nghe thấy cả tiếng hò hát chọc ghẹo nhau của con trai, con gái bản Cẳng Tằng. Nghe thấy cả tiếng lục lạc khua rộn rã trong các nương ngô, trong các vệt rau dền đỏ cao ngập đầu người. Nghe thấy cả tiếng thì thầm của các cổng trời đá núi im lặng và đồ sộ.
 
3. Ngót nghét 15 năm xa cách, tháng 11.2014 này tôi có dịp trở lại với cao nguyên đá. 5h sáng xe xuất phát ở Hà Giang để đi vào đường Hạnh Phúc. Tuyến đường ôtô Hà Giang - Đồng Văn dài 164km, mang tên đường Hạnh Phúc hoàn thành từ tháng 9.1963, nhưng phải đến mùa đông năm 1977, chặng cuối cùng của nó nối với Lũng Cú, cực bắc tổ quốc, mới được hoàn thành. Con đường ấy đã góp phần không nhỏ giải phóng đôi vai nặng gánh truyền đời của người thiểu số, đồng thời thông suốt một dải non sông từ mũi Ngọc Hiển (Cà Mau) ở cực nam xa xôi cho tới tận nơi này. Khi con đường hoàn thành cũng là lúc dân công 19 xã Đồng Văn chung tay dựng lên trên đỉnh Pỷ cột cờ Tổ quốc, lá cờ Tổ quốc như mang theo niềm tự hào dân tộc bốn mùa bay cao trên trời mây. Đường càng lúc càng lên cao, không ngừng uốn lượn, xe chúng tôi như thao thức trôi trong sương.

Đêm còn dày lắm, đôi khi ánh đèn ôtô chiếu phải một quang cảnh nghèo đói tồi tàn bên đường làm trái tim tôi như thắt lại - 15 năm rồi mà vẫn thế ư? Nó làm tôi hình dung lại chỉ 1 trận dịch cúm, sởi cuối năm 1975, đầu 1976 ở Đồng Văn mà gây mắc dịch cho 7.198 người trong toàn huyện, làm thiệt mạng tới 298 người. Diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 21%, trong khi đó diện tích trồng ngô có trên 60% là nương đồi và hốc đá thường bị nước mưa làm xói lở, huyện đã phải phát động phong trào xếp đá làm nương bậc thang. Ít suối, chỉ có một khúc sông Nho Quế chảy qua phía bắc huyện với tổng chiều dài 10km; cả huyện chỉ có 2 con suối nhỏ có nước quanh năm, còn lại đều là suối cạn, mưa thì nước xối xả như thác lũ, tạnh mưa thì hết, nước như biến mất vào trong lòng muôn trùng đá. Hoa anh túc thì nhiều mà quần áo, ngô nương, củi đun, móng ngựa, cuốc bướm, lưỡi cày thì thiếu… Không phải. Bình minh lên, một màu xanh trải rộng chập chùng suốt tầm mắt, nơi năm nào vẫn còn hoàn toàn là đá núi xám xịt.
 
Non trưa đến Đồng Văn, mọi thứ thay đổi quá nhiều rồi, vẻ lam lũ đến nghẹn ngào ngày nào đã không còn nữa. Tôi đi một vòng vào công an, tòa án huyện nhưng không ghi nhận được trường hợp nào người Lô Lô phạm tội hình sự phải bị bắt giữ và xét xử trong những năm qua. Dân tộc Lô Lô vốn can trường. Tháng 4.1957, một số đặc vụ Tưởng Giới Thạch bị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc truy quét đã chạy sang Lũng Cú, đánh chiếm trại Lô Lô, bắn giết cán bộ, làm nhục dân chúng. Dòng máu Lu Ngô Quân thiện chiến trong huyết quản trai tráng Lô Lô Chài đã chảy trở lại, họ cùng bộ đội đập bẹp bọn phản động, trói bọn đầu sỏ Tăng Nhục Sồ, Cắm Nhục Coóng, Lao Vàng… chặt như bó nứa, rồi gọi trẻ con, đàn bà, người già trốn trong hang đá trở về.
  
Trong chiến tranh biên giới phía bắc, từ năm 1982 đến 1985, người Lô Lô và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn đóng góp tới 933.000 ngày công xây dựng các công trình bằng bêtông kiên cố, đá kiên cố, hầm chữ A, đường giao thông hào… bình quân mỗi lao động đóng góp 62 ngày công cho nhiệm vụ quốc phòng. Kết quả chiến đấu từ 1981 đến 1985, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ huyện đã phối hợp cùng các lực lượng và nhân dân đánh trả 15 trận, tiêu diệt gần 500 tên địch, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, trong số đó chiến đấu lập công xuất sắc nhất chính là cư dân Lũng Cú. Người Lô Lô thiện chiến can trường nhưng văn minh hơn rất nhiều dân tộc khác. Người ta chỉ nổi giận khi có kẻ khác xâm phạm tới đất đai thiêng liêng của họ mà thôi. Trưởng ban Dân vận huyện Mùng Thị Chai cũng là một người Lô Lô bảo rằng, Vàng Dỉ Chu đã nghỉ hưu từ năm 2004, giờ 67 tuổi rồi nhưng vẫn còn đang khỏe mạnh: “Ông ấy là bậc cha chú của tôi”.
 
Ở trại Lô Lô, tháng 11 đến trâu còn chết rét, tôi mua một chiếc áo mưa mặc vào người rồi nhảy xe ôm. Đường đi nhìn qua bên kia thung lũng như những vết dao chém sâu vào thân thể núi non. Gió trên các triền đá thổi buốt xương, tròng mắt đau tới độ nhức nhối vì không quen chịu lạnh. Dỉ Chu đang đi chăn trâu, tôi phải đợi tới chập chiều. Ông về từ xa, vẫn dáng người bé nhỏ sở hữu giọng nói lớn ấy, chân đi một đôi ủng mới, phong thái hết mực chững chạc, đàng hoàng. Gặp lại ở ven đường, tôi hỏi, anh còn nhớ em không?

Dỉ Chu lưỡng lự một lát mới nhận ra, lại lôi tuột tôi qua cái cổng lớn bằng đất nện ngày nào, vào căn nhà rộng có tường trình đất dày cả mét trần ám đen bồ hóng ngày nào. Ai đó trong bản gọi điện, Dỉ Chu bảo, bạn tôi đang ở đây, để tôi chơi với bạn mình tí, giọng vui lắm, như có con chim nhỏ đang râm ran hót trong lồng ngực. Khi Vàng Thị Puốn vợ ông bưng mâm cơm lên, Dỉ Chu trịnh trọng nâng chén rượu: “Đời tôi khi còn nhỏ khổ vô cùng. Bốn bề không có chim thú vì không có rừng, đất đai khô quá trồng gỗ có sống được đâu. Ở nhà tranh, đi đường mòn, học hành không có, đói triền miên. Giờ khá hơn gấp mấy trăm lần rồi. Gạo ngô tha hồ ăn. Ba năm nữa tôi 70 tuổi. Các con tôi đều đã trưởng thành, 4 đứa ở gần tôi, 1 đứa hiện là giáo viên ở Đồng Văn, 1 đứa đi nghĩa vụ quân sự ở Tuyên Quang. Tôi tự hào là vậy”.
 
Người Lô Lô đời nọ nối đời kia bám đất ở, từ khi có đất có trời. Các dân tộc khác về sau, một số đất được cho, một số đất được bán. Ông cụ nhà Dỉ Chu tặng không đất cho 1 cụ họ Sùng người Mông, cắt máu ăn thề không đòi lại nữa, nhận nhau là anh em. Cả bản có 88 hộ Lô Lô, sống cách sông Nho Quế chỉ 500m. Tôi hỏi lại câu chuyện về trống đồng còn dang dở mười mấy năm về trước, ông kể rằng, giờ chỉ còn lại 1 cặp trống đực - cái, một chiếc giao cho nhà Vàng Dỉ Chánh giữ, một chiếc giao cho nhà Vàng Dỉ Khuôn giữ. Ngày xưa phải chôn giấu dưới đất vì sợ cháy nhà tranh cháy cả trống đồng, giờ nhà cửa đàng hoàng rồi.

Nhà trưởng họ mới được giữ, lỡ làm mất, chắc dân người ta đánh chết. Bản Lũng Co bên Trung Quốc cũng có người Lô Lô, có bận họ sang mượn trống về cúng, nhưng mình không cho đâu. Các cụ kể lại, xưa người cha chết thì con rể phải dùng răng cắn đứt cổ đi đem cúng, múa, nhưng bỏ từ mấy đời rồi, giờ làm sọ giả bằng tre là được. Lễ cúng với trống đồng sẽ có rượu ngô DỂ, cơm mới MUNG, quần áo mới PÍA XÍ, cơm xôi KHÁ NHẢ MUNG, gà GO, do thầy cúng MỔ CỐNG điều hành. Rồi Dỉ Chu gọi trưởng bản sang nhà, yêu cầu cho tôi xem trống và người Lô Lô trong trang phục truyền đời. Nghe Dỉ Chu bàn việc mà người tôi rung lên vì lạnh. Lạnh đến nỗi ruồi muỗi cũng không có. Chiếc điện thoại để bên gối, thoáng chốc đã đầy hơi ẩm.

4. Sáng hôm sau, Vàng Dỉ Gai qua nhà Dỉ Chu đón tôi đi xem vật thiêng của bản. Từ tinh mơ, có người đã đi 2 tiếng để tìm về loại cỏ quấn quanh người đàn ông để múa với trống đồng theo tục cổ truyền. Cỏ được quấn từ cổ chân lên tới tận đỉnh đầu, đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy thế. Chiếc trống đực của bản đã xưa cũ lắm rồi, 4 linh vật nhỏ trên mặt trống đã mòn đi, nhưng những hình tia nắng mặt trời và chim lạc vẫn còn nguyên ở đó. Chạm tay lên mặt trống mà có cảm giác hàng nghìn linh hồn từng được đưa tiễn đang quanh quẩn đâu đây...
 
Tại nhà trưởng bản, vợ anh Vàng Thị Xuyến đang tất bật nấu nướng cho tôi và vài người khách là Việt kiều Pháp ngủ lại nhà cô qua đêm. Tôi tranh thủ đi thăm mấy ngôi nhà tường trình đất cổ có tuổi đời trên 200 năm bên cạnh, lòng bỗng nhiên chùng lại, bởi dưới những mái nhà ấy hẳn đã có biết bao nước mắt, biết bao nụ cười. Riêng trong tháng 11.2014 này, khoảng 2.508 đoàn với 14.853 khách đã đến tham quan cột cờ Lũng Cú, trong đó khách nội địa là 2.432 đoàn/14.670 khách, khách quốc tế là 76 đoàn/183 khách, ngày đông nhất có tới 3.000 người. Vậy mà suốt cả tháng, 6 hộ làm dịch vụ homesstay tại 2 bản Lô Lô Chải và Thèn Pả chỉ đón được 23 lượt khách đăng ký ăn nghỉ. Mọi người chưa biết làm du lịch đó thôi.

Dần dần rồi sẽ biết và Lô Lô Chải nói riêng, Lũng Cú nói chung sẽ trở nên giàu có. Xuyến chăm sóc khách rất ân cần và chu đáo. Sinh năm 1982, Xuyến đẹp như một nhành tam giác mạch đơn sơ, lại sở hữu cả nét thanh tú khác biệt của tộc “Lô Lô đen” nơi đây, mà các nhà dân tộc học vẫn gọi bằng tên khác là “Di quý tộc”. Vàng Dỉ Pừ cao lớn và đẹp hơn hẳn Vàng Dỉ Chu bạn già của tôi, tự hào bảo, Xuyến là chị gái em đấy. Nhà còn có người em út nữa, đẹp lắm, Dỉ Pừ so sánh với trai Hàn Quốc. Hẳn là chủng tộc Lô Lô đang có một thế hệ người đẹp chưa từng có trong lịch sử.
 
Vàng Dỉ Pừ kể, Xuyến không được đi học, chỉ được học xóa mù thôi, 4 anh chị em đều thiệt thòi vì mẹ mất sớm. Năm 2002, hồi ấy chưa có điện thoại lẫn xe máy, Dỉ Pừ đang học nội trú dưới Đồng Văn, 7h tối thì có người chạy tới báo mẹ đã mất lúc 4h chiều. Cậu bé 16 tuổi quày quả chạy bộ ngược các triền non cao về được đến nhà thì đã quá nửa đêm, vừa chạy vừa khóc.
 
Dỉ Pừ cũng đã từng ở Hà Nội 3 năm để tìm kiếm cơ hội cho mình, nhưng cậu bảo, bầu không khí ở đó làm em thấy mệt lắm. Về quê mình, sáng nào thức dậy em cũng thấy khỏe trong người. Dỉ Pừ đã tự làm được 1 căn nhà chừng 160 triệu, có thể cậu sẽ trồng 1 đồi lê và hiện đang chờ đợi người bạn đời của mình. Dỉ Pừ khoe, cậu bắt được cá dầm xanh nặng chừng 1,5kg ở hẻm sông Nho Quế - lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe nhắc đến tên loài cá cúng vua và cúng thần linh ấy. Quanh vùng giờ nhiều cây cối lên xanh, chim đã về. Chim sẻ, chim chào mào, có cả chim trĩ nữa, không biết tự phương trời xa lạ nào bay về đây cư ngụ.


Theo Nguyễn Huy Minh (Báo Lao Động)

3 thg 12, 2014

Hà Giang - Những ngày thương mến

Chờ đợi mãi cho cảm xúc lắng xuống mà những thương mến cứ ngọ nguậy mãi không yên. Thời gian vô định quá, mới như ngày hôm qua. Mới như đâu đây vẫn thấp thoáng bóng mảnh trăng già cuối tháng khi ẩn khi hiện vắt ngang những ngọn cây heo hắt. Mới như tóc vẫn vương kín mùi sương đêm ngai ngái và lồng ngực căng đầy những hồi hộp, thấp thỏm trên con đường chông chênh đến Vị Xuyên. Đã nửa đêm nhưng các bạn xế vẫn hăng hái lăn lộn trên đường vị nghệ thuật “tự sướng”. Dừng chân khi đã hơn 2h sáng và kế hoạch vẫn là dậy sớm – đi nhanh như thường. Nhưng lần này chắc hưng phấn quá vì đc đi vs mỗi mình Vũ Lê – tha hồ bắt nạt nên bao nhiêu kỉ luật “nhà” các xế đã vứt hết lại Hà Nội. Nào là ngủ nướng, nhậu nhẹt bét nhè con gà què, lê la và tự sướng cho nhau hơi nhiều nên em đến bjo vẫn ấm ức vì bị vỡ cung.

Hà Giang hiện ra trong cái nắng sớm tinh khôi. Có ai biết được rằng, đổi lấy những ngày bình yên trên mảnh đất miền Đông Bắc hùng vĩ này là bao nhiêu máu xương ngày đêm vẫn lặng lẽ đổ xuống. Nỗi nghẹn ngào và niềm biết ơn vô hạn dâng đầy trong một sáng sớm cuối thu. Ở ngoài kia nhanh quá, đường xá tấp nập, còi xe đông đúc, chim cứ hót, hoa cứ nở, nắng cứ thắm tươi. Ở nơi đây tịch mịch và lặng im. Chỉ có gió xào xạc, những mảnh hồn im lìm nằm giữ đất, có Người được gọi tên, và có Người chỉ là tấm bia đá.

Lướt qua thành phố bé nhỏ, những con đèo Đông Bắc mượt mà hơn hẳn những Mường Nhé, Mường Lay, Tuần Giáo.
Chút nắng cuối thu vàng ươm đưa đẩy với gió chen ngang những vạt rừng thông xanh mướt mát, đổ đầy trên đường những vệt loang lổ sáng tối. Đâu đó vẫn còn sót lại dăm ba thửa ruộng gặt muộn. Ngút ngát trước tầm mắt kéo về tít tắp phía chân trời xa xa là những đồi trọc, những núi đá tai mèo hiểm trở. Núi đá chẳng có gì, chỉ có hoa nở rực rỡ. Từng vạt cúc dại nở vàng chen trên đá, lung linh trong nắng gió se sắt. Những mái nhà trình tường yên bình bên những thửa Tam Giác Mạch đang vào vụ chín. Phía sau bờ rào đá, dưới chái nhà, những đứa trẻ mải mê chơi đùa, người mẹ ngồi quay sợi, những búi ngô treo lủng lẳng và những váy áo đầy màu sắc. Khách cứ đến chơi, trời cứ kéo bóng, khói bếp bắt đầu bay lên là là trên những ngọn cây phía xa. Thảnh thơi và an nhiên đến lạ thường. Ánh chiều tà dần kéo về sự tịch lặng trên những hàng cây trút lá sớm. Chỉ tiếc là chưa biết tiếng đàn môi trong đêm thanh vắng nó thôi thúc và da diết tới mức nào.
 
Đêm Đồng Văn như có hội. Xe chạy ngược xuôi lui tới 2 bên đường. Lấp loáng đầy những mảnh phản quang. Đều là những mảnh hồn ưa xê dịch, phiêu linh và có chút mê muội. Cái phố cổ bé tí teo mà sơ sơ hẳn cũng trăm con xế đôi với vài đoàn ô tô khách khứa thì chả như hội. Rượu ngô thì thơm, lạp xườn thì béo, các xế thì say nên đành lỗi hẹn cf đêm phố cổ. Gió núi se sắt, đêm dài hun hút và sao trời lung linh. Trời cũng thương, hay đãi kẻ lang thang, có được mấy ngày cuối thu nắng thắm, gió hanh phả cái hơi lạnh của núi đá luồn đầy trong khăn áo. (Bạn xế ạ. Mình vẫn tiếc của lắm lắm. Trong lúc hứng chí bạn đã biếu mất cái khăn của mình cho tên bạn nhậu bàn bên cạnh đấy. Mình cứ há hốc mồm vì cái sự hào phóng của bạn mãi thôi. Cái khăn đã đi vs mình qua bao nhiêu cung đường ùi.)


Những ngày thênh thang. Biết đâu được đấy một ngày mai bỗng nhiên chật hẹp lại. Cho nên khi nó còn rộng rãi thì cứ tranh thủ lê la, khi còn gió thì cứ thổi lửa và khi còn ở lại thì cứ sống thật sâu! Trước khi những ngày tuổi trẻ của mình trôi về ga tàu cũ - mình muốn ôm lấy nó thật chặt và hôn nó thật sâu, quậy tung tóe, cười nắc nẻ, bùng cháy và rực rỡ.

Đi 1 mình vs các bạn xế nhà này mới biết rằng từ những ông già sắp kí đơn lấy vợ, bác Trâu vàng tưởng hiền lành đến mấy thằng ku trẻ trâu cũng đều xí xỏn và nhí nhố như nhau cả. Ham hố, lắm trò, bựa phường và rất thích tự sướng. Đến khổ. Đến phát cáu kỉnh. Đến là đáng iêu!!! Lỡ mất Săm Pun và Sơn Vĩ của em. But thôi, hẹn để lần sau. Bù lại là một đêm Mèo Vạc ấm nóng bên nồi thắng cố. Mỗi tội mình là dân tộc thiểu số nên chả biết nói chuyện gì vs anh em, đành tập trung măm măm bụp bụp. Ăn nhanh quá nên chỉ tý tẹo đã no kềnh càng, lại ngồi chống đũa. Chợ phiên Mèo Vạc sáng sớm rực rỡ váy khăn, nồng nàn rượu ngô, nghi ngút những chảo thắng cố to sụ lục bục sôi trên bếp lửa rực hồng. Những em bé gái đôi mắt to tròn, e ấp cười quay đi sau, những thằng ku kháu khỉnh đáng yêu, những cô, những chị xúng xính váy áo xuống chợ, những bác thợ may miệt mài đạp máy, những nụ cười rạng rỡ và cả những ánh mắt đăm chiêu buổi sáng sớm.
Giữa cái lung linh đầy màu sắc ấy, bỗng nhiên quên mất ngày, quên mất mình, chỉ còn thấy đầy háo hức xốn xang, đầy những thương mến và quyến luyến, cứ thấy mảnh hồn nhỏ tự nhiên trôi đi êm đềm. Lại thêm chút niềm nhớ nữa xếp gọn vào trong tim. Cái niềm nhớ có màu mướt xanh như ngọc của dòng sông Nho Quế, mềm mại như đường vẽ con đèo Mã Pí Lèng , vời vợi những nếp núi đá đan xen và đượm như mùi rượu ngô hít hà mãi buổi sáng sớm.
Tim cứ lặng thinh giữa mênh mang đất trời, núi đá xô nghiêng, chênh vênh nắng và rì rào gió.

Thương mến!!!


"Tháng Ba ngồi nhớ tháng Mười! Nhớ Đồng Văn- Mèo Vạc, nhớ nắng chênh vênh trên đá, nhớ gió đuổi tóc lưng chừng đèo, nhớ rượu thơm nồng, nhớ đêm sao trời lung linh! Ôm và hôn thắm thiết - kỉ niệm"

Lên Hà Giang vượt đèo khó, 'bò' qua Xín Mần

Cung đường Bắc Hà (Lào Cai) – Xín Mần (Hà Giang) là một cung đường quá đẹp trong mắt các phượt thủ. Cách thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) khoảng 32km.
Rời thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) đến ngã ba Lùng Phình, chúng tôi rẽ vào con đường đi Xín Mần (Hà Giang) dài 32km. Đứng ngay ngã ba nhìn vào con dốc đất đá lởm chởm, không ai tin rằng đó là con đường nối huyện với huyện. Một người dân cho biết đường đi xấu lắm, đá xanh lăn lóc bằng đầu gối, nhiều đoạn vẫn đang sửa chữa. Tôi hỏi có thể đi xe máy được không, người ta bảo được. Thế thì đi thôi!

Tin tưởng vào sự chỉ đường của bản đồ Google, chúng tôi đi vào con đường nhỏ của xã Lùng Cải (Bắc Hà, Lào Cai). Đến khi ra đến điểm C mới biết mình đã bỏ qua một ngã ba quan trọng tại điểm B.
Tuy nhiên, nhờ sự nhầm lẫn này mà chúng tôi đã đi qua bao nhiêu bản làng, gặp gỡ bao nhiêu con người và thưởng lãm bao nhiêu cảnh đẹp ít người chứng kiến được. Trong đó, hào hứng nhất là việc đi lạc vào con đường cùng khiến ai cũng bối rối lo lắng.
Ấn tượng đầu tiên đến với đoàn chúng tôi là hình ảnh hai chị em đi học về nhỏ xíu trong cảnh núi rừng Tây Bắc. Em bé trai thơ ngây được chị dắt tay đi trên đoạn đường đất đỏ, hai bên cây rừng bao phủ. Khi người chị dừng lại nhận bánh kẹo, em bé nhỏ vẫn cứ đi lững thững như một chú thú con vừa rời lòng mẹ.
Chứng kiến bước đi chập chững này, một thành viên nữ của đoàn chúng tôi bật lên khóc nức nở: “Thấy thương quá! Thấy thương quá!”.
Cả bọn cứ lặng người nhìn hai chị em nắm nhau tay đi, cảm xúc dâng trào trong lòng mỗi người theo nhiều hướng khác nhau. Chỉ khi một đám trẻ em reo hò xin kẹo chúng tôi mới trở lại thực tại và hòa niềm vui cùng các em nhỏ.
Chúng tôi tặng bánh kẹo, em nhỏ tỏ ra dửng dưng. Chỉ đến khi chị lại nắm tay nói chuyện thì em mới hiểu đây là thứ ăn được
Chia tay các bạn nhỏ ở đoạn đường rừng, chúng tôi gặp đàn trâu hàng chục con đang ung dung gặm cỏ trên đồi. Anh chăn trâu bảo rằng mỗi con trâu giá 20 – 40 triệu đồng, một gia tài lớn của người dân tộc miền núi.
Anh đang là môi giới buôn bán trâu cày ruộng cho người dân. Trong khi đó, một bên đường là những thửa ruộng bậc thang đang được thu hoạch. Xa hơn nữa là bức tường núi khổng lồ, cao tít, chẳng biết đang che giấu gì ở bên kia.

Quá hứng khởi, chúng tôi cứ chạy mãi quanh co từ con đồi này sang con đồi nọ đến nỗi không để ý một ngã ba đường nhỏ hẹp. Cũng may, con đường chỉ độ hơn 1km đã bít lối đi. Mấy anh dân tộc đang chở lúa đi bán vui vẻ báo rằng “nhầm đường rồi”.
Quay lại ngã ba nhỏ hẹp, chúng tôi bắt đầu đi vào con đường vừa dốc vừa lởm chởm đá xanh. Nhiều đoạn bạn đồng hành ngồi sau phải xuống đi bộ hoặc đẩy hộ xe lên. Càng đi chúng tôi có cảm giác như càng lạc vào trong rừng.
Không một bóng người, không một con dê, không một con trâu gặm cỏ. Càng cố dùng điện thoại tìm đường đi chúng tôi càng rối. Chỉ khi gặp một người thanh niên chạy xe đi chợ Cốc Pài, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Anh bảo rằng chỉ còn 1 km nữa thôi là ra đường tốt rồi, lâu lắm anh mới đi lại đường này để xem đường đã sửa chữa chưa.
Ra được xã Nàn Ma (Bắc Hà, Lào Cai), tôi muốn dừng lại, chẳng muốn đi thêm nữa vì biết rằng thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần, Hà Giang) sắp tới rồi. Liệu ở đó còn có những khoảnh khắc đáng yêu nào như chúng tôi vừa trải qua?
Từ Bắc Hà sang đến đây, hầu như chúng tôi phải leo dốc để lên đến đỉnh núi Nàn Ma. Từ đây xuống thị trấn đường tốt, tay lái chỉ cần bóp thắng đổ đèo. Trên cao nhìn xuống, con đường quanh co thật duyên dáng. Chúng tôi ai cũng lặng lẽ hít hơi thật mạnh để nhận vào lồng ngực đầy khí trời trong sạch của vùng núi thân thương lần đầu tiên đặt chân đến.
Tôi hỏi một năm làm được bao nhiêu ngô, người phụ nữ trả lời 3 tạ. Tôi chỉ vào phần ngô đang phơi bảo rằng không đủ 3 tạ, người phụ nữ nói rằng đã bán một phần, chỗ còn lại để dành ăn. Cuộc sống của người dân miền cao còn rất nhiều khó khăn.

Quá đẹp, quá thơ mộng Xí Mần ơi.

Theo DulichGo

29 thg 10, 2013

Kinh nghiệm du lịch bụi, phượt Hà Giang

Những cung đường núi tuyệt đẹp, nắng trải vàng trên các đỉnh núi, ruộng bậc thang trùng điệp... đưa bạn đến Hà Giang rồi níu chân khiến bạn quyến luyến không nỡ rời.

Di chuyển

Do cung đường từ các tỉnh đến Hà Giang khá rắc rối, nên Hà Nội được chọn là điểm xuất phát cho du khách từ mọi miền đến Hà Giang.

Bằng phương tiện công cộng 

Bạn có thể mua vé đi Hà Giang tại bến xe Mỹ Đình hay đặt vé ở các hãng xe được nhiều dân đi bụi đánh giá tốt như Cầu Mè, Bằng Phấn, Khải Huyền, Khải Vân…. Sau đó từ bến xe Hà Giang có thể đi xe đò, thuê xe ôm, hay thuê xe gắn máy của anh Nam, người duy nhất cho thuê xe máy ở thành phố Hà Giang (điện thoại: 0917 797 269) để đi Đồng Văn.

Phương tiện cá nhân

Từ Hà Nội, bạn có thể di chuyển bằng xe máy hay xe con đến Hà Giang theo 2 tuyến sau: Tuyến đi thứ nhất: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ - Tuyên Quang. Tuyến đi thứ hai: Hà Nội – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cổ Tiết – Cầu Phong Châu – Phú Thọ - Đoan Hùng – Tuyên Quang (Tuyến đi thứ nhất dài hơn khoảng 30km so với tuyến thứ hai).

Bạn chỉ có thể khám phá cao nguyên Hà Giang bằng xe máy nên nếu đi xe con, bạn phải thuê xe ôm hay xe máy tại thành phố Hà Giang.

Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn nên mang theo đầy đủ giấy tờ xe. Tuân thủ luật an toàn giao thông đường bộ.

Nên đến vào tháng nào? 

Trừ tháng 7-8 có mưa kéo dài, gây khó khăn cho việc di chuyển, khám phá, các tháng còn lại Hà Giang đều đẹp, lãng mạn và quyến rũ lòng người. 

Nhà nghỉ, khách sạn

Khu vực trung tâm Hà Giang gồm các tuyến đường 34, đường 2, các bạn căn cứ vào đó để thuê khách sạn tiện cho việc di chuyển. Lưu ý đặt chỗ trước khi đến. Nhà nghỉ và khách sạn ở Hà Giang có mức giá tương đối từ 170.000 – 350.000 đồng. Tư vấn riêng của cánh xe ôm và những bạn từng đi bụi đến đây thì khách sạn Hồng Ngọc và Nhà UBND thị trấn cũ giá khá rẻ (từ 50.000 – 100.000 đồng), dịch vụ cũng tạm ổn. 

Đặc sản Hà Giang 

Đặc sản Hà Giang chủ yếu là các món thưởng thức tại chỗ như mèn mén (ngô xay đồ chín), xôi màu, bánh ngô, thịt gà, thịt bò khô, rau cải mèo, măng nứa, cháo Ấu Tẩu (quán nằm đối diện với Điện Lực tỉnh Hà Giang), món Thắng cố (chỉ có vào các phiên chợ ở thị trấn Đồng Văn), thịt hun khói và lạp sườn hun khói (quán Hải Yến ở Yên Minh), lẩu ở bờ sông Miện. Đặc biệt, nếu đi đông người và túi hòm hòm, ở Đồng Văn, bạn có thể đặt chủ quán cơm thẳng đường phố cổ một con heo sữa quay để tối nhấm nháp thịt nướng với rượu ngô sóng sánh vàng. Buổi tối thì có các món như chè nóng, ngô nướng, mía nướng… "măm" rất ngon trong cái lạnh của vùng cao.

Địa điểm tham quan 

Được nhiều người xưng tụng “chưa đi chưa biết Hà Giang, đi rồi mới biết Hà Giang tuyệt vời” nên rất khó để có thể diễn tả hết vẻ đẹp của cao nguyên đá này. Song có thể điểm qua một số địa danh, thắng cảnh để bạn có thể khám phá, chinh phục, từ đó hiểu và yêu Hà Giang hơn. 

Cổng trời Sà Phìn, cách Đồng Văn 15km về phía Yên Minh (đường 4C). Đây là điểm dừng không thể bỏ qua với bất kỳ ai khi đến với cung đường đá Hà Giang. Từ cổng trời, bạn có thể thu vào tầm mắt thung lũng Sà Phìn thơ mộng, di tích lịch sử nhà vua Mèo Vương Chí Sình ẩn hiện. Ngoài ra, đến đây, bạn còn có thể tạt vào làng, khám phá chợ Sà Phìn, tham quan thung lũng và chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt đẹp của nhà vua Mèo họ Vương. 

Từ Sà Phìn, bạn có thể tỏa theo hai hướng để đến hai địa danh nổi tiếng không kém. Địa danh thứ nhất cách Sà Phìn 7km là Phó Bảng, một thị trấn cổ trên cao nguyên đá. Địa danh thứ hai là Cột cờ Lũng Cú, cách 26km. Dưới chân cột cờ là làng văn hóa Lô Lô, nơi bạn có thể tham gia sinh hoạt hay tìm hiểu đời sống của người dân tộc nơi đây. 

Phố cổ Đồng Văn mê hoặc bạn với những ngôi nhà tường trình, mái ngói nung và tường rào bằng đá. Bên cạnh đó, điểm nhấn của Đồng Văn là vào ngày rằm hàng tháng cũng treo đèn lồng như phố cổ Hội An, hay chợ phiên Đồng Văn họp vào sáng thứ 7 hàng tuần, với nhiều mặt hàng, nhiều món ăn của nhiều dân tộc khác nhau. Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể leo núi Đồn Cao nằm ngay phía sau khu chợ phiên, trên đó có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Đồng Văn. 

Từ thị trấn Đồng Văn đi về phía Mèo Vạc khoảng 15km, bạn có thể khám phá và chinh phục Thiên hạ đệ nhất đèo Mã Pí Lèng, con đèo đẹp và hùng vĩ nhất miền núi phía bắc. Bên dưới thung sâu của con đèo, dòng Nho Quế như một sợi chỉ xanh cắt ngang những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt. Đến Mèo Vạc, bạn còn có dịp tham quan khám phá chợ Mèo Vạc họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần. 

Gợi ý lịch trình tham quan cho chuyến đi Hà Giang 3 ngày 4 đêm như sau: 

Tối thứ 5: Bắt xe từ Hà Nội – Hà Giang Sáng thứ 6: Đến Hà Giang, đi xe ôm hay thuê xe máy (gọi đặt trước) đến Đồng Văn. Trên đường đến Đồng Văn thì ghé Quản Bạ chụp hình; ghé Tam Sơn, khám phá núi Đôi; ghé Sà Phìn, tham quan chợ, dinh thự họ Vương, chiêm ngưỡng thung lũng. Còn thời gian thì lên cổng trời Sà Phìn, ngắm mây, chụp hình. Sau đó về Đồng Văn cách đó 2-3km. Lấy phòng, vệ sinh, tắm rửa. Tối khám phá phố cổ Đồng Văn, thưởng thức các món nướng và đặc sản tại đây.

Sáng thứ 7: Tham quan, mua sắm và thưởng thức các món đặc sản ở chợ phiên Đồng Văn. Trưa đi xe lên cực bắc Lũng Cú, chiều về lại Đồng Văn. Tối thưởng thức cháo Ấu Tẩu, ngồi gần bếp lửa thưởng thức các món nướng. Sáng chủ nhật: Trả phòng. Sau khi ăn sáng, bắt đầu hành trình chinh phục đèo Mã Pì Lèng, rồi đến Mèo Vạc, tham gia chợ phiên. Trưa về Yên Minh, khám phá nhiều đoạn đường đèo đẹp. Sau đó đi tiếp đến Hà Giang, ăn tối rồi lên xe về lại Hà Nội.

Mang gì khi du lịch Hà Giang?

Mang theo quần áo ấm, giày dép bệt (giày thể thao càng tốt). Một số thuốc chữa các bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, đau bụng. Kem thoa da chống muỗi, thuốc trị côn trùng cắn, kem thoa da trị bỏng hoặc dị ứng... Đồ dùng vệ sinh cá nhân, kim, chỉ, nút áo, kim băng… đề phòng trường hợp bất ngờ. Mang theo tiền mặt vì hầu như không có ATM.

Các cung đường khám phá

  • Sài Gòn/Hà Nội – Tuyên Quang – Hà Giang
  • Hà Nội/Sài Gòn - Hà Giang - Đồng Văn - Hồ Ba Bể - Mã Pì Lèng
  • Sài Gòn/Hà Nội – Hà Giang – Lào Cai – Sa Pa