Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch mạo hiểm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch mạo hiểm. Hiển thị tất cả bài đăng

3 thg 12, 2014

Thám hiểm dọc đường đèo Ô Quy Hồ hùng vĩ

Nằm dọc theo quốc lộ 4D, cách thị trấn Sapa khoảng từ 12 đến 20 cây số đi về hướng Lai Châu là cụm các điểm du lịch chinh phục khám phá thiên nhiên gắn liền với rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn. Trên chặng đường này, niềm vui như tăng gấp bội khi có những người bạn đồng hành cùng chinh phục các đoạn đường đèo Ô Quy Hồ hùng vĩ và hiểm trở.
Thưởng thức cá Tầm ở Thác Bạc
Thác Bạc là địa danh nổi tiếng nằm trong cụm các điểm du lịch ở Sapa, nhưng có lẽ ít ai để ý rằng nơi đây có nguồn thủy sản đặc sắc cá tầm và cá hồi.
Chỉ mất khoảng nửa tiếng từ trung tâm thị trấn Sapa, vượt qua đoạn đường khoảng 12 cây số đường ngoằn nghèo nhưng khung cảnh xung quanh tuyệt đẹp và nên thơ với một bên là những vách núi đá dựng đứng cao vời vợi, một bên là thung lũng Mường Hoa sâu hun hút, hai bên đường là những giàn su su xanh mướt mát của người dân xã San Sả Hồ, huyện Sapa.

 Dọc đường đi đến Thác Bạc là những vách núi cao, những giàn su su
Thác bạc nằm ngay bên đường QL 4D, có độ cao ước chừng khoảng 200m đổ từ trên đỉnh núi cao. Đứng dưới chân thác nhìn lên cảm giác dòng nước trắng xóa đổ ào ạt như từ trên trời xuống, có thể nhìn thấy thác bạc từ xa ở nhiều góc độ khác nhau như từ núi Hàm Rồng ở thị trấn Sapa hay lầu chuông ở Trạm Tôn, khi đó thác bạc nhìn như một dải lụa bạc trắng nổi bật giữa nền xanh của núi rừng.


 Thác bạc
Cũng ngay dưới chân thác bạc phía xuống dưới lưng chừng thung lũng là nhà hàng Thác Bạc, cũng là trung tâm giống cá Hồi và cá Tầm, trạm nghiên cứu thủy sản nước lạnh lớn nhất của cả nước, với nguồn nước được dẫn từ thác Bạc về.

Cá Tầm nuôi trong hồ nước lạnh 
Buổi trưa hôm đó, trước khi tiếp tục hành trình các điểm tiếp theo, tại nhà hàng thác Bạc tôi đã tự dùng vợt bắt một con chú cá Tầm khoảng 4kg, sau đó được nhà bếp chế biến các món: cá Tầm sống mù tạc, cá Tầm nướng muối ớt và lẩu cá Tầm với măng cho một bữa trưa ngon lành với rượu táo mèo cùng với những người bạn đồng hành hôm đó trong thời tiết mát lạnh giữa lưng chừng sườn núi nhìn xuống Thung Lũng Mường Hoa tươi đẹp.

Cá Tầm nướng... 
Băng rừng Hoàng Liên Sơn đến với thác Tình Yêu
Từ thác Bạc, mất khoảng 2 cây số đường đèo dốc cao và uốn lượn hiểm trở là đến Trạm Tôn, là trạm kiểm lâm nằm ngay trên QL4D. Từ đây bạn sẽ thực hiện hành trình băng rừng khoảng 3 cây số để vào đến thác Tình Yêu. Đầu tiên theo con đường lát đá xuyên qua một cánh rừng trúc, sau đó tiến sau vào rừng rậm với thảm thực vật đa dạng và phong phú. Qua khỏi cánh rừng rậm bạn sẽ gặp dòng suối Vàng trong vắt, mát lạnh. Đi ngược dòng suối Vàng sẽ đến với thác Tình Yêu.

Lối nhỏ lát đá xuyên qua cánh rừng trúc 

 Suối Vàng trong rừng Hoàng Liên
Rừng quốc gia Hoàng Liên nổi tiếng với nhiều loài thực vật quý hiếm, trên đường đi tôi bắt gặp rất nhiều cây thảo quả. Và đặc biệt là có những cây lá phong đỏ rực cả 1 góc trời, những chiếc lá đỏ rơi xuống vương vất như muốn níu chân người.

Lá phong vương vấn bước chân người 
Thác Tình yêu có độ cao gần 100m. Thác bắt nguồn từ đỉnh Phan Si Păng rồi mang theo hơi lạnh của núi rừng chảy qua nền địa hình cao, dốc đổ xối xả, ào ạt xuống dòng suối Vàng tung bọt trắng xóa. Nhìn từ xa, bạn sẽ thấy dòng thác giống hình một chiếc nón, ẩn nấp thấp thoáng sau từng lớp nước mỏng chảy ở hai bên rìa thác là một thảm thực vật rừng xanh tốt; dưới chân thác, con suối Vàng óng ánh nghiêng mình uốn lượn với hai bên bờ là những thảm cỏ xanh mượt trải dài dưới chân những bụi trúc gai...

 Thác Tình Yêu đẹp như tranh vẽ...
Trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ hay còn gọi là đèo Hoàng Liên Sơn, cũng có người gọi là đèo Mây,  là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam, có chiều dài khoảng gần 50 cây số đi vắt ngang qua dãy Hoàng Liên Sơn nối liền 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

 Đường đèo Ô Quy Hồ hùng vĩ nhìn từ trên cao
Đèo có tên gọi là Ô Quy Hồ là bởi trước đây hay hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn liền với truyền thuyết về thác Tình Yêu - là nơi gặp gỡ của một nàng tiên trời và chàng tiều phu tên Ô Quy Hồ. Tuy nhiên vì không được sự đồng ý của nhà Trời mà đôi trái gái này không thể tới được với nhau. Cuối cùng vì nhớ người yêu, nàng Tiên trời đã hóa thành loài chim lông vàng bay quanh đỉnh núi kêu 3 tiếng Ô Quy Hồ da diết khôn nguôi.
Cũng có nhiều người gọi là đèo Mây bởi quanh năm nơi đây luôn có mây bao phủ, nhất là những buổi chiều sau khi hoàn thành hành trình chinh phục đỉnh đèo Ô Quy Hồ và trên đường trở lại thị trấn Sapa bạn sẽ thấy mây trắng kéo đến phủ đầy thung lung Mường Hoa, bạn sẽ có cảm giác như đang đứng bồng trên mây ngàn.

 Trên đỉnh đèo quanh năm luôn có mây bao phủ
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ hay còn gọi là cổng trời Sapa cách trạm tôn khoảng 2 cây số. Là điểm cao nhất của đường bộ Việt Nam. Là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ đỉnh đèo nhìn về hướng Lai Châu là chập chùng núi non và các thung lũng xanh mướt, con đường QL4D nối tiếp từ đỉnh đèo đi xuống nhìn như những sợi chỉ uốn lượn vắt vẻo và bổi bật trên các sườn núi xanh ngắt.

Thông tin lưu ý thêm cho bạn:
Các món ăn uống mà bạn có thể thưởng thức khi thăm quan các điểm du lịch trên: Cơm lam, thịt lợn bản, gà đồi, chim sẻ, hạt dẻ, nước chè (trà) ngọt, rượu táo mèo.
Khi đi chuyển bằng xe máy: bạn nhớ mang theo giấy phép lái xe máy bởi trên cung đường này thường có CSGT chặn lại kiểm tra bằng lái vì phải đảm bảo bạn có bằng lái để có thể lái xe trên cung đường hiểm trở này. Bạn cũng không nên đi với tốc độ cao, và phải luôn để ý xe ngược chiều phía trước vì đường đèo hẹp có nhiều khúc cua dốc ngược.
Theo 24h.com.vn

Hà Giang - Những ngày thương mến

Chờ đợi mãi cho cảm xúc lắng xuống mà những thương mến cứ ngọ nguậy mãi không yên. Thời gian vô định quá, mới như ngày hôm qua. Mới như đâu đây vẫn thấp thoáng bóng mảnh trăng già cuối tháng khi ẩn khi hiện vắt ngang những ngọn cây heo hắt. Mới như tóc vẫn vương kín mùi sương đêm ngai ngái và lồng ngực căng đầy những hồi hộp, thấp thỏm trên con đường chông chênh đến Vị Xuyên. Đã nửa đêm nhưng các bạn xế vẫn hăng hái lăn lộn trên đường vị nghệ thuật “tự sướng”. Dừng chân khi đã hơn 2h sáng và kế hoạch vẫn là dậy sớm – đi nhanh như thường. Nhưng lần này chắc hưng phấn quá vì đc đi vs mỗi mình Vũ Lê – tha hồ bắt nạt nên bao nhiêu kỉ luật “nhà” các xế đã vứt hết lại Hà Nội. Nào là ngủ nướng, nhậu nhẹt bét nhè con gà què, lê la và tự sướng cho nhau hơi nhiều nên em đến bjo vẫn ấm ức vì bị vỡ cung.

Hà Giang hiện ra trong cái nắng sớm tinh khôi. Có ai biết được rằng, đổi lấy những ngày bình yên trên mảnh đất miền Đông Bắc hùng vĩ này là bao nhiêu máu xương ngày đêm vẫn lặng lẽ đổ xuống. Nỗi nghẹn ngào và niềm biết ơn vô hạn dâng đầy trong một sáng sớm cuối thu. Ở ngoài kia nhanh quá, đường xá tấp nập, còi xe đông đúc, chim cứ hót, hoa cứ nở, nắng cứ thắm tươi. Ở nơi đây tịch mịch và lặng im. Chỉ có gió xào xạc, những mảnh hồn im lìm nằm giữ đất, có Người được gọi tên, và có Người chỉ là tấm bia đá.

Lướt qua thành phố bé nhỏ, những con đèo Đông Bắc mượt mà hơn hẳn những Mường Nhé, Mường Lay, Tuần Giáo.
Chút nắng cuối thu vàng ươm đưa đẩy với gió chen ngang những vạt rừng thông xanh mướt mát, đổ đầy trên đường những vệt loang lổ sáng tối. Đâu đó vẫn còn sót lại dăm ba thửa ruộng gặt muộn. Ngút ngát trước tầm mắt kéo về tít tắp phía chân trời xa xa là những đồi trọc, những núi đá tai mèo hiểm trở. Núi đá chẳng có gì, chỉ có hoa nở rực rỡ. Từng vạt cúc dại nở vàng chen trên đá, lung linh trong nắng gió se sắt. Những mái nhà trình tường yên bình bên những thửa Tam Giác Mạch đang vào vụ chín. Phía sau bờ rào đá, dưới chái nhà, những đứa trẻ mải mê chơi đùa, người mẹ ngồi quay sợi, những búi ngô treo lủng lẳng và những váy áo đầy màu sắc. Khách cứ đến chơi, trời cứ kéo bóng, khói bếp bắt đầu bay lên là là trên những ngọn cây phía xa. Thảnh thơi và an nhiên đến lạ thường. Ánh chiều tà dần kéo về sự tịch lặng trên những hàng cây trút lá sớm. Chỉ tiếc là chưa biết tiếng đàn môi trong đêm thanh vắng nó thôi thúc và da diết tới mức nào.
 
Đêm Đồng Văn như có hội. Xe chạy ngược xuôi lui tới 2 bên đường. Lấp loáng đầy những mảnh phản quang. Đều là những mảnh hồn ưa xê dịch, phiêu linh và có chút mê muội. Cái phố cổ bé tí teo mà sơ sơ hẳn cũng trăm con xế đôi với vài đoàn ô tô khách khứa thì chả như hội. Rượu ngô thì thơm, lạp xườn thì béo, các xế thì say nên đành lỗi hẹn cf đêm phố cổ. Gió núi se sắt, đêm dài hun hút và sao trời lung linh. Trời cũng thương, hay đãi kẻ lang thang, có được mấy ngày cuối thu nắng thắm, gió hanh phả cái hơi lạnh của núi đá luồn đầy trong khăn áo. (Bạn xế ạ. Mình vẫn tiếc của lắm lắm. Trong lúc hứng chí bạn đã biếu mất cái khăn của mình cho tên bạn nhậu bàn bên cạnh đấy. Mình cứ há hốc mồm vì cái sự hào phóng của bạn mãi thôi. Cái khăn đã đi vs mình qua bao nhiêu cung đường ùi.)


Những ngày thênh thang. Biết đâu được đấy một ngày mai bỗng nhiên chật hẹp lại. Cho nên khi nó còn rộng rãi thì cứ tranh thủ lê la, khi còn gió thì cứ thổi lửa và khi còn ở lại thì cứ sống thật sâu! Trước khi những ngày tuổi trẻ của mình trôi về ga tàu cũ - mình muốn ôm lấy nó thật chặt và hôn nó thật sâu, quậy tung tóe, cười nắc nẻ, bùng cháy và rực rỡ.

Đi 1 mình vs các bạn xế nhà này mới biết rằng từ những ông già sắp kí đơn lấy vợ, bác Trâu vàng tưởng hiền lành đến mấy thằng ku trẻ trâu cũng đều xí xỏn và nhí nhố như nhau cả. Ham hố, lắm trò, bựa phường và rất thích tự sướng. Đến khổ. Đến phát cáu kỉnh. Đến là đáng iêu!!! Lỡ mất Săm Pun và Sơn Vĩ của em. But thôi, hẹn để lần sau. Bù lại là một đêm Mèo Vạc ấm nóng bên nồi thắng cố. Mỗi tội mình là dân tộc thiểu số nên chả biết nói chuyện gì vs anh em, đành tập trung măm măm bụp bụp. Ăn nhanh quá nên chỉ tý tẹo đã no kềnh càng, lại ngồi chống đũa. Chợ phiên Mèo Vạc sáng sớm rực rỡ váy khăn, nồng nàn rượu ngô, nghi ngút những chảo thắng cố to sụ lục bục sôi trên bếp lửa rực hồng. Những em bé gái đôi mắt to tròn, e ấp cười quay đi sau, những thằng ku kháu khỉnh đáng yêu, những cô, những chị xúng xính váy áo xuống chợ, những bác thợ may miệt mài đạp máy, những nụ cười rạng rỡ và cả những ánh mắt đăm chiêu buổi sáng sớm.
Giữa cái lung linh đầy màu sắc ấy, bỗng nhiên quên mất ngày, quên mất mình, chỉ còn thấy đầy háo hức xốn xang, đầy những thương mến và quyến luyến, cứ thấy mảnh hồn nhỏ tự nhiên trôi đi êm đềm. Lại thêm chút niềm nhớ nữa xếp gọn vào trong tim. Cái niềm nhớ có màu mướt xanh như ngọc của dòng sông Nho Quế, mềm mại như đường vẽ con đèo Mã Pí Lèng , vời vợi những nếp núi đá đan xen và đượm như mùi rượu ngô hít hà mãi buổi sáng sớm.
Tim cứ lặng thinh giữa mênh mang đất trời, núi đá xô nghiêng, chênh vênh nắng và rì rào gió.

Thương mến!!!


"Tháng Ba ngồi nhớ tháng Mười! Nhớ Đồng Văn- Mèo Vạc, nhớ nắng chênh vênh trên đá, nhớ gió đuổi tóc lưng chừng đèo, nhớ rượu thơm nồng, nhớ đêm sao trời lung linh! Ôm và hôn thắm thiết - kỉ niệm"

Lên Hà Giang vượt đèo khó, 'bò' qua Xín Mần

Cung đường Bắc Hà (Lào Cai) – Xín Mần (Hà Giang) là một cung đường quá đẹp trong mắt các phượt thủ. Cách thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) khoảng 32km.
Rời thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) đến ngã ba Lùng Phình, chúng tôi rẽ vào con đường đi Xín Mần (Hà Giang) dài 32km. Đứng ngay ngã ba nhìn vào con dốc đất đá lởm chởm, không ai tin rằng đó là con đường nối huyện với huyện. Một người dân cho biết đường đi xấu lắm, đá xanh lăn lóc bằng đầu gối, nhiều đoạn vẫn đang sửa chữa. Tôi hỏi có thể đi xe máy được không, người ta bảo được. Thế thì đi thôi!

Tin tưởng vào sự chỉ đường của bản đồ Google, chúng tôi đi vào con đường nhỏ của xã Lùng Cải (Bắc Hà, Lào Cai). Đến khi ra đến điểm C mới biết mình đã bỏ qua một ngã ba quan trọng tại điểm B.
Tuy nhiên, nhờ sự nhầm lẫn này mà chúng tôi đã đi qua bao nhiêu bản làng, gặp gỡ bao nhiêu con người và thưởng lãm bao nhiêu cảnh đẹp ít người chứng kiến được. Trong đó, hào hứng nhất là việc đi lạc vào con đường cùng khiến ai cũng bối rối lo lắng.
Ấn tượng đầu tiên đến với đoàn chúng tôi là hình ảnh hai chị em đi học về nhỏ xíu trong cảnh núi rừng Tây Bắc. Em bé trai thơ ngây được chị dắt tay đi trên đoạn đường đất đỏ, hai bên cây rừng bao phủ. Khi người chị dừng lại nhận bánh kẹo, em bé nhỏ vẫn cứ đi lững thững như một chú thú con vừa rời lòng mẹ.
Chứng kiến bước đi chập chững này, một thành viên nữ của đoàn chúng tôi bật lên khóc nức nở: “Thấy thương quá! Thấy thương quá!”.
Cả bọn cứ lặng người nhìn hai chị em nắm nhau tay đi, cảm xúc dâng trào trong lòng mỗi người theo nhiều hướng khác nhau. Chỉ khi một đám trẻ em reo hò xin kẹo chúng tôi mới trở lại thực tại và hòa niềm vui cùng các em nhỏ.
Chúng tôi tặng bánh kẹo, em nhỏ tỏ ra dửng dưng. Chỉ đến khi chị lại nắm tay nói chuyện thì em mới hiểu đây là thứ ăn được
Chia tay các bạn nhỏ ở đoạn đường rừng, chúng tôi gặp đàn trâu hàng chục con đang ung dung gặm cỏ trên đồi. Anh chăn trâu bảo rằng mỗi con trâu giá 20 – 40 triệu đồng, một gia tài lớn của người dân tộc miền núi.
Anh đang là môi giới buôn bán trâu cày ruộng cho người dân. Trong khi đó, một bên đường là những thửa ruộng bậc thang đang được thu hoạch. Xa hơn nữa là bức tường núi khổng lồ, cao tít, chẳng biết đang che giấu gì ở bên kia.

Quá hứng khởi, chúng tôi cứ chạy mãi quanh co từ con đồi này sang con đồi nọ đến nỗi không để ý một ngã ba đường nhỏ hẹp. Cũng may, con đường chỉ độ hơn 1km đã bít lối đi. Mấy anh dân tộc đang chở lúa đi bán vui vẻ báo rằng “nhầm đường rồi”.
Quay lại ngã ba nhỏ hẹp, chúng tôi bắt đầu đi vào con đường vừa dốc vừa lởm chởm đá xanh. Nhiều đoạn bạn đồng hành ngồi sau phải xuống đi bộ hoặc đẩy hộ xe lên. Càng đi chúng tôi có cảm giác như càng lạc vào trong rừng.
Không một bóng người, không một con dê, không một con trâu gặm cỏ. Càng cố dùng điện thoại tìm đường đi chúng tôi càng rối. Chỉ khi gặp một người thanh niên chạy xe đi chợ Cốc Pài, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Anh bảo rằng chỉ còn 1 km nữa thôi là ra đường tốt rồi, lâu lắm anh mới đi lại đường này để xem đường đã sửa chữa chưa.
Ra được xã Nàn Ma (Bắc Hà, Lào Cai), tôi muốn dừng lại, chẳng muốn đi thêm nữa vì biết rằng thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần, Hà Giang) sắp tới rồi. Liệu ở đó còn có những khoảnh khắc đáng yêu nào như chúng tôi vừa trải qua?
Từ Bắc Hà sang đến đây, hầu như chúng tôi phải leo dốc để lên đến đỉnh núi Nàn Ma. Từ đây xuống thị trấn đường tốt, tay lái chỉ cần bóp thắng đổ đèo. Trên cao nhìn xuống, con đường quanh co thật duyên dáng. Chúng tôi ai cũng lặng lẽ hít hơi thật mạnh để nhận vào lồng ngực đầy khí trời trong sạch của vùng núi thân thương lần đầu tiên đặt chân đến.
Tôi hỏi một năm làm được bao nhiêu ngô, người phụ nữ trả lời 3 tạ. Tôi chỉ vào phần ngô đang phơi bảo rằng không đủ 3 tạ, người phụ nữ nói rằng đã bán một phần, chỗ còn lại để dành ăn. Cuộc sống của người dân miền cao còn rất nhiều khó khăn.

Quá đẹp, quá thơ mộng Xí Mần ơi.

Theo DulichGo