Hiển thị các bài đăng có nhãn Điểm Đến. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Điểm Đến. Hiển thị tất cả bài đăng

5 thg 12, 2014

Tháp Nhạn ở vùng đất phú trời yên

Phú Yên còn nổi tiếng với Gành Đá Đĩa - một kiệt tác đáng kinh ngạc của thiên nhiên và nguồn hải sản phong phú nổi tiếng gần xa, cá ngừ đại dương tươi ngon nức tiếng, đặc sản sò huyết Ô Loan níu chân bao du khách.

Chim về núi Nhạn
Những ai yêu vùng đất Phú Yên hẳn không thể không biết đến bài thơ của thi sĩ Phan Thành Tài đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành bài hát “Anh còn nợ em” vô cùng nổi tiếng. Trong bài thơ ấy, có câu: “Anh còn nợ em, chim về núi Nhạn, trời mờ mưa đêm…” 
Núi Nhạn được nhắc đến trong bài thơ là ngọn núi cao hơn một trăm mét, tọa lạc ở phường Nhất, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Có nhiều cách lý giải về tên gọi của núi Nhạn nhưng nói đến núi Nhạn trước tiên là bởi ở đó có một cái tháp Chăm cổ đã gần 700 tuổi được gọi là Tháp Nhạn.


Nhà thờ Mằng Lăng thu hút du khách vì vẻ cổ kính

Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao gần 25m, mỗi cạnh chân tháp dài 11m. Trên mặt tường tháp không có hoa văn trang trí, vòm cửa giữa hình cung nhọn có hình đầu quái vật trên đỉnh. Ðây là một chóp tháp được kết hợp hài hòa giữa 2 hình tượng chóp nón cùng với hình tượng Linga, một vật mà người Chăm thường thờ ở các tháp, nên chóp tháp ở đây tạc theo hình tượng Linga nhưng chưa có dạng hoàn chỉnh như những Linga ở Ponagar hoặc Ðà Nẵng và Quảng Nam.
Xưa kia, tháp có những cái am nhỏ được dựng vào thời Hậu Lê để thờ Bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi. Trong thời kháng chiến, am này bị bom đạn tàn phá. Sau này, khi hòa bình lập lại, nhân dân Tuy Hòa mới góp công, góp của dựng lại một ngôi miếu trên nền cái am cũ như to lớn hơn với 4 chữ “Thượng Đỉnh Linh Miếu”.

Chiêm ngưỡng cuốn sách hiếm
Anh Bằng Ngọc Phi- Giám đốc một công ty du lịch cho biết: “Hiện nay, ngoài các di tích thắng cảnh nổi tiếng, Phú Yên còn thu hút du khách với tour du lịch về thăm nhà thờ Mằng Lăng để chiêm ngưỡng cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên. Đây là một điểm tham quan độc đáo mà không du khách nào muốn bỏ lỡ khi về với Phú Yên”.
Nhà thờ Mằng Lăng là một nhà thờ Công giáo nằm trên địa phận huyện Tuy An, là nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên - một trong những vị tử đạo bổn mạng của giới trẻ Công giáo. Được xây dựng trong khuôn viên rộng 5.000m2, theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí. Hai bên nhà thờ có 2 lầu chuông, chính giữa là thập tự giá.
Ngoài khuôn viên, trên sân nhà thờ còn có một khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên. Trong căn hầm này, hiện nay vẫn đang giữ cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt. Đây là quyển giáo lý Phép giảng 8 ngày của linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes)- người đã khai sinh ra chữ quốc ngữ ở Việt Nam.
Bước xuống căn hầm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ những chứng tích liên quan đến nhà thờ Mằng Lăng được lưu giữ cẩn thận tại đây. Khu hầm được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên. Cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên được giữ trang trọng một cách đặc biệt trong một hộp kính, sách được in vào năm 1651 tại Roma.
Với lịch sử gần 120 năm tồn tại, mỗi bức tường, cánh cửa, bàn cầu nguyện… nơi đây đều nhuốm màu thời gian, gợi nên những suy tưởng bâng khuâng trong lòng du khách.
Theo 24h.com.vn

3 thg 12, 2014

Hà Giang - Những ngày thương mến

Chờ đợi mãi cho cảm xúc lắng xuống mà những thương mến cứ ngọ nguậy mãi không yên. Thời gian vô định quá, mới như ngày hôm qua. Mới như đâu đây vẫn thấp thoáng bóng mảnh trăng già cuối tháng khi ẩn khi hiện vắt ngang những ngọn cây heo hắt. Mới như tóc vẫn vương kín mùi sương đêm ngai ngái và lồng ngực căng đầy những hồi hộp, thấp thỏm trên con đường chông chênh đến Vị Xuyên. Đã nửa đêm nhưng các bạn xế vẫn hăng hái lăn lộn trên đường vị nghệ thuật “tự sướng”. Dừng chân khi đã hơn 2h sáng và kế hoạch vẫn là dậy sớm – đi nhanh như thường. Nhưng lần này chắc hưng phấn quá vì đc đi vs mỗi mình Vũ Lê – tha hồ bắt nạt nên bao nhiêu kỉ luật “nhà” các xế đã vứt hết lại Hà Nội. Nào là ngủ nướng, nhậu nhẹt bét nhè con gà què, lê la và tự sướng cho nhau hơi nhiều nên em đến bjo vẫn ấm ức vì bị vỡ cung.

Hà Giang hiện ra trong cái nắng sớm tinh khôi. Có ai biết được rằng, đổi lấy những ngày bình yên trên mảnh đất miền Đông Bắc hùng vĩ này là bao nhiêu máu xương ngày đêm vẫn lặng lẽ đổ xuống. Nỗi nghẹn ngào và niềm biết ơn vô hạn dâng đầy trong một sáng sớm cuối thu. Ở ngoài kia nhanh quá, đường xá tấp nập, còi xe đông đúc, chim cứ hót, hoa cứ nở, nắng cứ thắm tươi. Ở nơi đây tịch mịch và lặng im. Chỉ có gió xào xạc, những mảnh hồn im lìm nằm giữ đất, có Người được gọi tên, và có Người chỉ là tấm bia đá.

Lướt qua thành phố bé nhỏ, những con đèo Đông Bắc mượt mà hơn hẳn những Mường Nhé, Mường Lay, Tuần Giáo.
Chút nắng cuối thu vàng ươm đưa đẩy với gió chen ngang những vạt rừng thông xanh mướt mát, đổ đầy trên đường những vệt loang lổ sáng tối. Đâu đó vẫn còn sót lại dăm ba thửa ruộng gặt muộn. Ngút ngát trước tầm mắt kéo về tít tắp phía chân trời xa xa là những đồi trọc, những núi đá tai mèo hiểm trở. Núi đá chẳng có gì, chỉ có hoa nở rực rỡ. Từng vạt cúc dại nở vàng chen trên đá, lung linh trong nắng gió se sắt. Những mái nhà trình tường yên bình bên những thửa Tam Giác Mạch đang vào vụ chín. Phía sau bờ rào đá, dưới chái nhà, những đứa trẻ mải mê chơi đùa, người mẹ ngồi quay sợi, những búi ngô treo lủng lẳng và những váy áo đầy màu sắc. Khách cứ đến chơi, trời cứ kéo bóng, khói bếp bắt đầu bay lên là là trên những ngọn cây phía xa. Thảnh thơi và an nhiên đến lạ thường. Ánh chiều tà dần kéo về sự tịch lặng trên những hàng cây trút lá sớm. Chỉ tiếc là chưa biết tiếng đàn môi trong đêm thanh vắng nó thôi thúc và da diết tới mức nào.
 
Đêm Đồng Văn như có hội. Xe chạy ngược xuôi lui tới 2 bên đường. Lấp loáng đầy những mảnh phản quang. Đều là những mảnh hồn ưa xê dịch, phiêu linh và có chút mê muội. Cái phố cổ bé tí teo mà sơ sơ hẳn cũng trăm con xế đôi với vài đoàn ô tô khách khứa thì chả như hội. Rượu ngô thì thơm, lạp xườn thì béo, các xế thì say nên đành lỗi hẹn cf đêm phố cổ. Gió núi se sắt, đêm dài hun hút và sao trời lung linh. Trời cũng thương, hay đãi kẻ lang thang, có được mấy ngày cuối thu nắng thắm, gió hanh phả cái hơi lạnh của núi đá luồn đầy trong khăn áo. (Bạn xế ạ. Mình vẫn tiếc của lắm lắm. Trong lúc hứng chí bạn đã biếu mất cái khăn của mình cho tên bạn nhậu bàn bên cạnh đấy. Mình cứ há hốc mồm vì cái sự hào phóng của bạn mãi thôi. Cái khăn đã đi vs mình qua bao nhiêu cung đường ùi.)


Những ngày thênh thang. Biết đâu được đấy một ngày mai bỗng nhiên chật hẹp lại. Cho nên khi nó còn rộng rãi thì cứ tranh thủ lê la, khi còn gió thì cứ thổi lửa và khi còn ở lại thì cứ sống thật sâu! Trước khi những ngày tuổi trẻ của mình trôi về ga tàu cũ - mình muốn ôm lấy nó thật chặt và hôn nó thật sâu, quậy tung tóe, cười nắc nẻ, bùng cháy và rực rỡ.

Đi 1 mình vs các bạn xế nhà này mới biết rằng từ những ông già sắp kí đơn lấy vợ, bác Trâu vàng tưởng hiền lành đến mấy thằng ku trẻ trâu cũng đều xí xỏn và nhí nhố như nhau cả. Ham hố, lắm trò, bựa phường và rất thích tự sướng. Đến khổ. Đến phát cáu kỉnh. Đến là đáng iêu!!! Lỡ mất Săm Pun và Sơn Vĩ của em. But thôi, hẹn để lần sau. Bù lại là một đêm Mèo Vạc ấm nóng bên nồi thắng cố. Mỗi tội mình là dân tộc thiểu số nên chả biết nói chuyện gì vs anh em, đành tập trung măm măm bụp bụp. Ăn nhanh quá nên chỉ tý tẹo đã no kềnh càng, lại ngồi chống đũa. Chợ phiên Mèo Vạc sáng sớm rực rỡ váy khăn, nồng nàn rượu ngô, nghi ngút những chảo thắng cố to sụ lục bục sôi trên bếp lửa rực hồng. Những em bé gái đôi mắt to tròn, e ấp cười quay đi sau, những thằng ku kháu khỉnh đáng yêu, những cô, những chị xúng xính váy áo xuống chợ, những bác thợ may miệt mài đạp máy, những nụ cười rạng rỡ và cả những ánh mắt đăm chiêu buổi sáng sớm.
Giữa cái lung linh đầy màu sắc ấy, bỗng nhiên quên mất ngày, quên mất mình, chỉ còn thấy đầy háo hức xốn xang, đầy những thương mến và quyến luyến, cứ thấy mảnh hồn nhỏ tự nhiên trôi đi êm đềm. Lại thêm chút niềm nhớ nữa xếp gọn vào trong tim. Cái niềm nhớ có màu mướt xanh như ngọc của dòng sông Nho Quế, mềm mại như đường vẽ con đèo Mã Pí Lèng , vời vợi những nếp núi đá đan xen và đượm như mùi rượu ngô hít hà mãi buổi sáng sớm.
Tim cứ lặng thinh giữa mênh mang đất trời, núi đá xô nghiêng, chênh vênh nắng và rì rào gió.

Thương mến!!!


"Tháng Ba ngồi nhớ tháng Mười! Nhớ Đồng Văn- Mèo Vạc, nhớ nắng chênh vênh trên đá, nhớ gió đuổi tóc lưng chừng đèo, nhớ rượu thơm nồng, nhớ đêm sao trời lung linh! Ôm và hôn thắm thiết - kỉ niệm"

Kinh nghiệm du ngoạn trên hồ Ba Bể

Nằm trong danh sách 16 hồ nước đẹp nhất thế giới do MSN bình chọn, Ba Bể thích hợp cho một kỳ nghỉ gần gũi với thiên nhiên vào những ngày cuối tuần.
Bạn nên dành khoảng 3 ngày đến chơi hồ Ba Bể, nghỉ tại nhà dân và thưởng thức các món ngon đánh bắt từ chính hồ nước này. Hồthuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội 230 km. Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi này xuất phát từ việc hồ là nơi tụ lưu của 3 nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.
Bảng lảng khói sương trên hồ Ba Bể.

Đi lại
Từ Hà Nội có thể đi xe máy hoặc đón xe khách đến Bắc Kạn, tiếp đó bắt xe đi thị trấn Chợ Rã rồi đi xe ôm vào Ba Bể .
Đi xe khách:
Xe đi Bắc Kạn xuất phát từ bến Mỹ Đình hoặc Gia Lâm có giá trung bình từ 100.000 - 130.000 đồng/ lượt.
Đi xe riêng:
Theo quốc lộ 3, bắt đầu đi về hướng Nội Bài, qua Sóc Sơn đi Thái Nguyên, đường nhỏ và có nhiều xe cộ, chú ý khi lưu thông. Từ Chợ Rã rẽ vào hồ, con đường nhỏ, chạy ngoằn ngoèo qua núi, bạn phải cẩn thận với các đoạn cua tránh.
Đi xe máy:
Phương tiện này sẽ giúp bạn có được sự thoải mái khi đến Ba Bể và tham quan các vùng lân cận quanh hồ. Khi chạy xe máy, cần kiểm tra xe cộ, chú ý tốc độ và tránh đi vào buổi tối.
Đi lại tại hồ
Bạn có thể thuê thuyền đi trên lòng hồ. Nếu đi nhóm đông, có thể thuê thuyền lớn, nhóm nhỏ ưa mạo hiểm có thể di chuyển bằng thuyền độc mộc. Một cách khác để khám phá Ba Bể từ Na Hang – Tuyên Quang, bạn có thể thuê thuyền xuôi dòng sông Năng xuống Ba Bể với khoảng thời gian 2 – 3 ngày.
Chạy xe đạp theo con đường rừng zíc zắc hay đi trek trong những cánh rừng nguyên sinh của hồ cũng rất thú vị.
Đường đến động Hua Mạ xuyên qua những cánh đồng thơm hương lúa.
Điểm chơi
Hồ Ba Bể và vườn quốc gia Ba Bể: Đây là hồ nước lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Cả khuôn viên hồ được bao bọc bởi núi và rừng nguyên sinh.
Động Puông: có chiều dài 300 m, cao hơn 30 m. Sự kỳ vĩ của hang động với những nhũ đá đủ muôn hình vạn trạng tuyệt đẹp. Trong động còn có đàn dơi hàng chục vạn con sinh sống và trú ngụ.
Thác Đầu Đẳng: Dòng sông Năng bị hàng trăm tảng đá lớn chặn lại khiến phải chia tách thành nhiều nhiều dòng nhỏ, nước chảy xiết tạo thành thác Đầu Đẳng hùng vĩ. Thác dài hơn 1.000 m với ba bậc đá, mỗi bậc chênh nhau khoảng 3 đến 4 m theo chiều dài, tạo thêm nét hoang sơ và lãng mạn cho Ba Bể.
Động Hua Mạ: Cách hồ Ba Bể khoảng 6 km. Muốn lên động, du khách phải leo chừng 300 m theo các bậc cầu thang trên sườn núi dốc thoai thoải. Bên trong có nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng, kỳ bí, huyền ảo.
Ao Tiên: nằm cách hồ Ba Bể 100 m nhưng quanh năm đầy ắp nước. Mặt ao phẳng lặng, tương truyền trước đây đã có các nàng tiên hạ xuống phàm trần tắm trong ao nước xanh biếc mây trời này.
Ngoài ra, bạn còn có thể thăm quan rất nhiều địa danh khác như điểm du lịch Phya Khao, Kim Hỷ, động Nàng Tiên, thác Nà Đăng, bản Pác Ngòi, suối Thác Giềng…Thưởng thức tiếng đàn tính của bà con dân tộc Tày.


Nghỉ ngơi
Hiện nay những nhà nghỉ theo kiểu homestay đang phát triển trong các bản. Tại bản Pác Ngòi có khoảng 10 hộ gia đình kinh doanh dịnh vụ ăn, ngủ với giá cả phải chăng và những trang thiết bị tối thiểu. Nếu yêu thích không gian thiên nhiên, bạn nên ngủ lại trong bản để tận hưởng làn không khí dễ chịu của núi rừng.
Khách cũng có thể nghỉ lại ngoài thị xã Bắc Kạn hoặc nhà khách tại Chợ Rã, sáng đi xe vào khu hồ, chiều ra ngủ khách sạn.
Ăn uống
Cá suối, tôm nuôi từ hồ Ba Bể, gà đồi, rau rừng, lợn sữa, nếp nương, măng trúc là những món ăn ngon mà bạn nên đặt ăn nếu ở lại các nhà nghỉ ở bản Pác Ngòi.

Lưu ý
Không khí trong hồ Ba Bể mát mẻ, se lạnh vào buổi sớm và khi đêm về, bạn nên mang theo áo ấm để tránh sương đêm. Mang theo kem chống muỗi, chống côn trùng, quần áo dài tay.
Trong bản không có nhiều đồ ăn và cửa hàng tạp hóa, bạn nên mang theo đồ ăn vặt và nước uống. Nên đặt ăn trước để người dân đi chợ và nấu nướng

Theo VNexpress

2 thg 12, 2014

Nhà thờ đá Sapa

Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ Đá Sapa được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.

Nhà thờ có khá nhiều tên gọi do thói quen của người dân và khách du lịch như Nhà thờ đá cổ Sapa, nhà thờ Đức Mẹ Mân côi, nhà thờ đá...v.v. Nhà thờ được xây từ thời Pháp thuộc, là một trong những dấu ấn kiến trúc của người Pháp còn lại vẹn toàn nhất. Theo một số ghi chép lại, nhà thờ đã được xây dựng có mặt tiền quay về hướng Đông tức là hướng mặt trời mọc. Có người giải thích cho rằng đó là hướng đón nguồn sáng của Thiên Chúa. Ở khu có tháp chuông, tức là phía cuối nhà thơ, được quay về hướng Tây có ý nghĩa chính là nơi sinh thành của Chúa Kitô.



Hình dạng và kiến trúc của Nhà thờ được xây theo hình thập giá theo kiến trúc Gotic La Mã. Kiến trúc đó thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát. Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá đẽo (tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ, bờ kè xung quanh) được liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Phần tường của cánh thánh giá bên phải được tạo nhám như nhũ đá chảy xuống làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên cho di tích. Mái nhà lợp ngói, trần nhà bằng vôi rơm (nay làm mới). Đặc biệt trần ở phần gác chuông (gần quả chuông) là hỗn hợp của vôi, rơm, sắt... nguyên thủy chưa sửa chữa lần nào.



Với tổng diện tích của khuôn viên nhà thờ hơn 6.000m², nhà thờ Sa Pa có đủ chỗ cho việc bố trí các khu bao gồm: Khu nhà thờ, dẫy nhà xứ, nhà ở của thầy tu, nhà chăn nuôi, nhà thiên thần, phần sân phía trước, hàng rào, khu Vườn Thánh. Dãy nhà xứ xây song song với khu nhà thờ gồm 5 gian.

Khu nhà thờ gồm 7 gian rộng hơn 500m², phần tháp chuông cao 20 m, trong tháp có quả chuông cao 1,5m đúc năm 1932 nặng 500 kg, tiếng vang trong vòng bán kính gần 1km. Hiện, trên bề mặt của chuông còn rõ nét ghi đúc, số người quyên góp tiền đúc chuông… Phần giá đỡ chuông bằng gỗ pơmu vẫn giữ nguyên sau lần trùng tu.


Ngôi nhà thờ này nằm ngay giữa Trung tâm thị trấn du lịch Sapa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, có thể phát triển nhiều công trình văn hóa phục vụ cho các hoạt động xã hội.

Hằng ngày, người dân tộc tập trung đông đúc ở đây mua bán, trao đổi hàng hóa. Đây cũng chính là nơi mà thứ 7 hàng tuần réo rắt tiếng khèn gọi bạn của những đôi trai gái trong phiên chợ tình mang đầy nét văn hóa dân tộc và hơi thở núi rừng Tây Bắc.

Hai công trình kiến trúc khác gần đó cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) tạo thành một hình tam giác cân đối với kiến trúc riêng biệt mang phong cách Pháp.


Nhà thờ Mân côi giữa khu trung tâm Sa Pa là điểm hẹn của nhiều khách du lich sapa mỗi khi có dịp đến đây. Tuy qua một số lần trùng tu, cải tạo do chiến tranh và sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên nhưng nhà thờ vẫn giữ được nét duyên dáng và hồn của công trình kiến trúc tôn giáo.